Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C

Đức GiêSu Đã, Đang Và Mãi Mãi Yêu Chúng Ta Cho Đến Cùng

"Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta"

Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C

Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C

Các bài suy niệm CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG C

Lời Chúa: Mk 5,1-4; Dt 10,5-10; Lc 1,39-45

Mục Lục

1. Mẹ Maria
2. Niềm vui trong Thánh Thần
3. Quả phúc của lòng Bà
4. Maria dám tin

 

1. Mẹ Maria

Phân tích

Bài Tin Mừng hôm nay cho biết về Mẹ Đấng cứu thế sắp sinh ra.

1. Thánh Luca cố ý viết câu chuyện này giống với chuyện Đavít mang Hòm Bia về Giêrusalem (2.Sm 6), để nói rằng Đức Maria chính là Hòm Bia Tân Ước. Sau đây là các chi tiết:

a. Hòm Bia tiến về hướng Giêrusalem, ghé nhà của ông Ôbed-Êdom. Maria đi từ Nagiarét theo hướng Giêrusalem, ghé nhà Êlisabét.

b. Đavít đã “kêu lên” rằng: làm sao Hòm Bia của Chúa đến nhà tôi được. Êlisabét cũng “kêu lên”: làm sao mà mẹ của Chúa tôi đến nhà tôi.

c. Nhờ Hòm Bia ghé ở nhà Ôbed-Êdom mà ông này được Thiên Chúa ban phúc. Đức Maria ghé nhà Êlisabét khiến gia đình bà (kể cả thai nhi) được phúc.

d. Hòm Bia ở nhà Obed-Êđom 3 tháng; Đức Maria cũng ở nhà Êlisabét 3 tháng (xem câu 56)

Suy gẫm

1. Sau khi đã đón nhận Chúa vào lòng, sau khi đầy tràn Chúa, giờ đây mẹ Maria đem Chúa đến cho tha nhân: Một người quen sống quảng đại với Chúa thì cũng dễ sống bác ái quảng đại với tha nhân.

2. Khi lần chuỗi, chúng ta thường đọc “Thứ hai, Đức Bà đi viếng bà thánh Isave, ta hãy xin cho được lòng yêu người”. Ta không xin cho được lòng ‘yêu mình’, hoặc cho được lòng ‘ghét người’, nhưng ta vẫn dễ có khuynh hướng sống như vậy. Noi gương Mẹ Maria ta đem niềm vui cho người khác. “Niềm vui nếu biết đem chia sẻ sẽ tăng gấp đôi, nỗi buồn nếu được chia sẻ sẽ vơi một nửa”.

3. Chiêm ngưỡng cuộc gặp gỡ giữa Mẹ Maria và bà Êlisabét, khung cảnh thật cảm động. Chúa Giêsu và thánh Gioan Tẩy Giả đang được hưởng những ngày êm ấm nhất, trong lòng mẹ, phủ đầy yêu thương. Và tai các ngài được nghe hai người mẹ trao đổi những lời thánh thiện, thân ái thấm đầy những lời Thánh Kinh đã thuộc nằm lòng.

4. “Bà Maria vội vã lên đường đến miền núi… vào nhà ông Dacaria và chào hỏi vợ ông là bà Êlidabét” (Lc 1,39-40). Trời nắng như thiêu đốt, ngồi trong căn gác nóng nực của nhà trọ, tôi nghe rõ nỗi cô đơn của tiếng gậy khua lóc cóc, nghe rõ sự mệt nhọc của tiếng hát ê a khi bà cụ mù lòa ăn xin đi ngang nhà. Đặt tờ giấy bạc vào bàn tay run rẩy của bà, lòng tôi dịu bớt đi, nhưng vẫn nghe hoài tiếng gậy khua lóc cóc… như đòi hỏi tôi điều khó khăn hơn lòng thương hại bình thường, là phải sống nhiệt tình hơn, quảng đại hơn…

Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã vội vã lên đường đến giúp bà Êlidabét trong những ngày bà mang thai và chuẩn bị sinh nở. Xin giúp con mở rộng vòng tay và tấm lòng cho những người đang cần con giúp đỡ. (Epphata)

2. Niềm vui trong Thánh Thần

Bài Tin Mừng hôm nay chứa chan niềm vui. Bà Elizabeth vui mừng vì được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm. Đức Maria vui mừng vì được Thiên Chúa đoái thương. Thánh Gioan Baotixita vui mừng vì được tha tội ngay từ khi còn trong lòng mẹ. Những niềm vui ấy hoà chung, biến buổi gặp gỡ thành một lễ hội vui mừng tạ ơn Thiên Chúa. Nguồn gốc của những niềm vui ấy là ơn Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần đã giúp chuẩn bị các tâm hồn đón nhận niềm vui ơn cứu chuộc. Ta thấy được ơn Chúa Thánh Thần qua những dấu hiệu sau đây.

Dấu hiệu thứ nhất: ơn khiêm nhường.

Tâm hồn có Chúa Thánh Thần sẽ trở nên khiêm nhường. Khiêm nhường vì biết thân phận mình hèn yếu, bé nhỏ, tội lỗi. Khiêm nhường vì biết tất cả những ơn nhận được không phải do công trạng của mình nhưng là do lòng thương xót của Chúa. Vì thế, khi nhận được tin làm mẹ Đấng Cứu Thế, Đức Maria đã xưng mình là “nữ tỳ của Thiên Chúa”. Bà Elizabeth khiêm nhường tự hỏi: “Bởi đâu tôi được phúc đón tiếp Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi”. Và Đức Maria đã trả lời bằng một bài ca khiêm nhường ngợi khen Thiên Chúa vì tình yêu thương đã đoái thương đến phận hèn nữ tỳ của Chúa.

Dấu hiệu thứ hai: ơn bác ái.

Thánh Thần là tình yêu. Đến đâu là đốt lên lửa bác ái ở đấy, Ngài đã rợp bóng trên Đức Maria và lập tức Đức Maria được tràn đầy lòng bác ái, đã nghĩ đến bà chị họ. Đức Maria không nghĩ phải nghỉ ngơi tĩnh dưỡng và chuẩn bị cho bản thân trong thời kỳ sinh nở sắp tới, nhưng đã nghĩ phải ra đi giúp bà chị họ neo đơn, yếu mệt. Đây là một lòng bác ái mạnh mẽ, nên Đức Maria vội vã lên đường ngay, không chần chừ, không tính toán. Lòng bác ái không chỉ hướng về những người thân trong gia tộc mà còn mở rộng ra cho cả dân tộc, cả đồng loại. Nên trong bài Magnificat, Đức Maria đã nhớ đến công ơn tổ tiên và nhớ đến cả dân tộc.

Dấu hiệu thứ ba: ơn quên mình.

Được ơn Chúa Thánh Thần tác động, tâm hồn sẽ quên bản thân mình. Trước hết quên mình để hoàn toàn vâng theo thánh ý Thiên Chúa. Đức Maria đã hoàn toàn quên mình khi thưa với thiên thần: “Này tôi là nữ tỳ của Thiên Chúa, tôi xin vâng như lời thiên sứ truyền”. Không những quên mình cho thánh ý Chúa, Đức Maria còn quên mình vì tha nhân. Ngài quên mình cũng đang mang thai, cần được nghỉ ngơi, cần được chuẩn bị, chỉ nghĩ đến bà chị họ thai nghén ốm yếu, nên đã bỏ nhà ra đi thăm viếng. Ngài quên mình là khách mời trong tiệc cưới Cana, nên đã xuống bếp giúp đỡ việc bếp núc, và hoà vào cả nỗi lo của chủ nhà thiếu rượu. Ngài quên mình nên đã theo Đức Giêsu và can đảm đứng dưới chân thập giá, cùng chịu đau đớn nhục nhã với Con.

Dấu hiệu thứ tư: ơn phục vụ.

Lòng bác ái, sự khiêm nhường và sự quên mình được kết tinh ở cao điểm phục vụ. Tâm hồn được Chúa Thánh Thần tác động sẽ tìm phục vụ như tìm niềm vui, niềm hạnh phúc. Vì thế Đức Maria không quản thân phận là Mẹ Thiên Chúa đã đến phục vụ cho bà Elizabeth. Đức Maria cũng không nề hà mình đang thời kỳ thai nghén đã vui vẻ phục vụ người họ hàng cần sự giúp đỡ. Là Mẹ Thiên Chúa, Đức Maria đã tự nguyện trở nên tôi tớ để phục vụ con người. Đó chính là kết tinh của ơn Chúa Thánh Thần.

Với tất cả những đặc điểm của ơn Chúa Thánh Thần, cuộc gặp gỡ giữa Đức Maria và bà Elizabeth, cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và Thánh Gioan Baotixita còn trong bào thai đã trở thành cuộc gặp gỡ của niềm vui: niềm vui ơn cứu độ. Nhờ những chuẩn bị của Chúa Thánh Thần, hai người mẹ và hai bào thai đã họp thành cộng đoàn biết đón nhận và trao tặng ơn cứu độ. Đã tập họp thành Nước Thiên Chúa, đã là cộng đoàn đầu tiên đón nhận được ơn cứu độ, tiên báo cho Giáo Hội và Nước Thiên Chúa.

Chỉ còn vỏn vẹn mấy ngày nữa là đến lễ Giáng Sinh, ta hãy noi gương Đức Maria, nài xin Chúa Thánh Thần biến đổi tâm hồn ta nên xứng đáng đón nhận Chúa Cứu Thế. Ta hãy xin Đức Maria dạy ta biết sống theo ơn Chúa Thánh Thần trong khiêm nhường, bác ái, quên mình và phục vụ, để ta được niềm vui đón nhận ơn cứu độ.

3. Quả phúc của lòng Bà

Trong một xứ đạo nhỏ thuộc tiểu bang Indiana, có mấy bà mẹ bàn luận về Thánh Kinh khi họ gặp câu chuyện trong bài Tin Mừng hôm nay. Một bà đặt câu hỏi: “Khi các chị mang thai, có chị nào biết con mình sẽ ra sao không? Không phải chỉ biết nó là trai hay gái, nhưng là khi lớn khôn, nó sẽ ra sao? Họ mỉm cười và lắc đầu, một bà trả lời: “Không có cách nào biết được chắc chắn con mình sẽ ra sao? Tất cả đồng ý rằng họ nguyện cầu cho chúng mạnh khỏe và nên người tốt.

Quả thật không có bà mẹ nào biết chắc được con mình sẽ ra sao. Không một ai ngoài đức Thánh mẫu biết: Chúa nhật hôm nay, chỉ còn vài ngày nữa Con của Người sinh ra, chúng ta với Đức Mẹ đi thăm người chị họ của Người là Elisabeth. Bà cũng biết Chúa Con sẽ ra sao khi nói: “Bởi đâu tôi được phước bà mẹ của Chúa tôi đến thăm tôi”. Ngay cả Gioan trong lòng Bà Elisabeth cũng biết, Người nhảy mừng.

Chúng ta còn nhớ câu chuyện truyền tin được đọc trong ngày lễ Vô Nhiễm? Thiên thần nói với Đức Maria rằng Người sẽ là Mẹ Thiên Chúa. Thiên thần cũng nói rằng Con của Người sẽ cao trọng. Người sẽ là Thiên Chúa, là Con Thiên Chúa, Người sẽ là Vua, nước Người sẽ trường tồn. Vâng, Đức Maria biết con của Người sẽ ra sao.

Tại sao Giáo hội lại đặt bài Tin Mừng này cho ngày Chúa nhật trước Chúa Giáng sinh? Rất tự nhiên, Đức Maria đã gần tới ngày giờ. Bạn và tôi, những người con của Mẹ chia sẻ với Mẹ niềm hy vọng, nỗi vui mừng.

Như Đức Maria biết Con của Người sẽ ra sao. Bạn và tôi cũng thế, nhờ đức tin, chúng ta biết người con này là Đấng nào, Ngài sẽ đến với chúng ta một cách đặc biệt trong ngày Lễ Giáng Sinh.

Chúng ta biết Ngài là Thiên Chúa mặc dầu Ngài bé nhỏ và yếu đuối. Chúng ta biết Ngài là Con Thiên Chúa mặc dầu Ngài giống như chúng ta mọi đàng ngoài tội lỗi - Thiên Chúa thật và người thật. Cùng với Đức Maria, chúng ta biết Người cao trọng với mọi ý nghĩa: cao trọng trong tình yêu, cao trọng trong hành động, cao trọng trong lời nói. Qủa thật Người cao trọng hơn hết trong nhân loại. Chúng ta biết tên của Người là Giêsu, Đấng Cứu Thế, Đấng cứu thế của bạn, của tôi và của mọi người.
Đức Maria biết rằng hài nhi người sẽ sanh ít ngày nữa là Chúa và là Thầy của mọi người.

Bạn và với biết rằng hài nhi sẽ sinh lại trên bàn thờ này ít phút nữa đây là Chúa và là Thầy của mọi người. Cũng như Đức Maria đã cầu nguyện với Chúa trước và sau khi Chúa Kitô đến ở Belem. Bạn và tôi cầu nguyện cùng Chúa Cha trong kinh nguyện Thánh Thể trước và sau khi Chúa Kitô đến trong thánh lễ.

Đức Maria biết con của Người là ai. Bạn và tôi cũng biết thế. Sự hiểu biết này linh mục chúng ta hân hoan, làm chúng ta chia sẻ niềm vui với Đức Mẹ, làm chúng ta vui mừng trước khi chúng ta chúc cho nhau vào ngày 25 tháng mươi hai. Hãy nghĩ đến Đấng sẽ đến trong ngày lễ Giáng sinh thì ngày sinh nhật của Người thêm niềm vui cho tất cả chúng ta. Amen.

4. Maria dám tin

Một doanh nhân giàu có ở Mỹ có sáng kiến ngộ nghĩnh để thử lòng người: Ông cho in rất nhiều bích chương và dán khắp nơi trong thành phố nơi ông đang sống. Đại khái nội dung của bích chương loan báo: Bất cứ ai mắc nợ, nếu đến văn phòng của ông ngày đó, tháng đó từ 9g đến 12g đều được ông giúp đỡ để trả nợ. Dĩ nhiên, mọi người đều bàn tán về lời mời gọi này, nhưng đa số đã xem đây là một trò đùa.

Đúng ngày hẹn, doanh nhân ngồi trong văn phòng của mình. Hai giờ trôi qua mà không thấy người nào đến. Mãi tới 11 giờ mới có một người đàn ông rụt rè đến. Doanh nhân ký cho ông một ngân phiếu để trả hết nợ. Gần 12 giờ một vài người nữa cũng đến. Và dĩ nhiên họ cũng được giúp đỡ tận tình. Còn tất cả những người khác khi hiểu được lời mời gọi của doanh nhân thì đã muộn.

Lời hứa của doanh nhân trong câu chuyện trên đây quá lớn, nên đa số đã không tin. Chính vì không tin nên họ đã bỏ lỡ một cơ hội ngàn vàng. Đức Maria, trái lại, Mẹ đã dám tin vào lời Chúa hứa nên Mẹ đã được tràn đầy ân phúc. Bà Êlisabét nói: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em”.
  • Tin là để cho Chúa thay đổi hướng đi của cuộc đời mình.
  • Tin là để cho chương trình cứu độ của Chúa đảo lộn chương trình sống của chúng ta.
  • Tin là chấp nhận lên đường, làm một cuộc hành trình mạo hiểm với Chúa.

Trước khi thưa lời: “Xin Vâng”, Đức Maria đã có chương trình riêng của Mẹ, và qua lời “Xin Vâng”, Mẹ đã chấp nhận hoàn toàn để cho Chúa thay đổi hướng đi cuộc đời mình, để cho Chúa đảo lộn chương trình sống, và cùng Chúa bước vào một cuộc mạo hiểm với trọn niềm tin yêu phó thác.

Mẹ ra đi mà không biết mình đi đâu, chỉ biết ra đi theo sự hướng dẫn của Chúa. Mẹ đã đi từ bước phiêu lưu này đến cuộc phiêu lưu khác: Từ việc hạ sinh Con Thiên Chúa cách đơn nghèo, cho đến khi lạc mất con trong đền thánh; từ những lời cứng cỏi của con ở Cana và Capharnaum cho đến khi gặp con dưới chân thập giá. Mẹ đã “suy đi nghĩ lại trong lòng” vì những kỷ niệm ấy quả là khó hiểu dưới con mắt loài người.

Mẹ xứng đáng là Mẹ Đấng Cứu Thế vì Mẹ đã dám tin vào lời Chúa và để Chúa thay đổi cuộc đời mình theo chương trình cứu độ của Người. Mẹ thật diễm phúc vì Mẹ đã chấp nhận lên đường làm một cuộc phiêu lưu với Chúa trong tin yêu và phó thác: “xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Chính vì Mẹ diễm phúc mà lòng Mẹ đã là mái ấm đầu tiên, là Đền Thánh cho Con Thiên Chúa ngự trước khi bước vào cuộc đời.

Chính vì Mẹ là Đền Thánh nên Đấng Thánh trong lòng Mẹ đã thánh hoá Gioan trong cuộc hạnh ngộ đầy linh thánh. Chính vì cuộc hạnh ngộ đầy linh thánh giữa Mẹ và bà chị họ, mà Thánh Thần đã linh ứng cho bà nhận ra điều mắt thường không thể thấy, đó là chuyện cô em Maria thụ thai Đấng Cứu Thế.

Chính vì niềm hứng khởi và những lời chúc mừng của Êlisabét đã khiến Mẹ cảm nhận thật sâu xa hồng ân cao cả, và lời ngợi ca Thiên Chúa đã vỡ oà trên bờ môi hạnh phúc trong lời kinh Magnificat. Vâng, chính cuộc sống tin yêu và phó thác của Mẹ đã tuôn chảy dòng sông của ân phúc, cuộc sống ấy đang toả hương thơm của thiên đàng.

Lạy Chúa, Chúa đã đoái thương tuyển chọn Đức Maria và bà Êlisabét, đã cho các ngài mang thai cách diệu kỳ, để hạ sinh Đấng Cứu Thế và vị Tiền Hô của Người.

Xin cho chúng con biết noi gương Mẹ: Tin vào lời Chúa và chương trình cứu độ của Người. Xin cho chúng con biết ngoan ngoãn để Chúa hướng dẫn cuộc đời chúng con với trọn niềm tin tưởng mến yêu. Amen.

Tag: