Học hỏi Phúc âm
Chúa nhật 33 Thường niên - Năm A
Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
(Ga 17, 11b-19)
Lời Chúa:
11bLạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta. 12Khi còn ở với họ, con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con. Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh. 13Bây giờ, con đến cùng Cha, và con nói những điều nàylúc còn ở thế gian, để họ được hưởng trọn vẹn niềm vui của con. 14Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian. 15Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. 16Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian. 17Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. 18Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. 19Con xin thánh hiến chính mình con cho họ, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến.
Học hỏi:
1. Đọc cả chương Ga 17. Chương này mấy lần nói đến việc Đức Giêsu cầu xin Cha?
2. Đọc Ga 17,11-19. Đức Giêsu dâng cầu nguyện này khi nào, cho ai? Đọc thêm Ga 17,20, cho biết Đức Giêsu còn cầu nguyện cho ai nữa. Tại sao Ngài cầu nguyện cho họ?
3. Đọc Ga 17,11b-16. Hãy cho biết Đức Giêsu cầu xin gì với Chúa Cha.
4. Đọc Ga 13,3 và 17,11a.13a. Đức Giêsu coi cái chết sắp đến của Ngài là gì?
5. “Thế gian” được nhắc đến nhiều lần trong chương 17. Để ý đến những từ “thế gian” trong các câu sau: Ga 17,6.11.14.15.16.18. Các câu này có mâu thuẫn với nhau không?
6. Để ý đến những từ “thế gian” trong các câu sau, và cho biết Ga 15,19 có mâu thuẫn với Ga 17,15.18 không? Ga 17,9 có mâu thuẫn với Ga 17,21.23 không?
7. Đọc Ga 17,11b.17-19. Kể tên “các Đấng thánh” trong các câu trên.
8. “Lời Cha là sự thật” (17,17). Nhưng tìm “Lời Cha” ở đâu? Đọc Ga 17,6. 8.14.20.
9. Theo ý bạn, tại sao đoạn Phúc âm này được dùng trong ngày lễ Giáo hội mừng kính Các Thánh tử đạo Việt Nam?
10. Theo ý bạn, làm chứng cho Chúa thời xưa và thời nay, thời nào dễ hơn?