Học hỏi Tin Mừng: Chúa nhật 7 Thường niên năm A

Đức GiêSu Đã, Đang Và Mãi Mãi Yêu Chúng Ta Cho Đến Cùng

"Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta"

Học hỏi Tin Mừng: Chúa nhật 7 Thường niên năm A

Học hỏi Tin Mừng: Chúa nhật 7 Thường niên năm A

HỌC HỎI PHÚC ÂM
CHÚA NHẬT 7 THƯỜNG NIÊN NĂM A
Mt 5,38-48

1. Đọc Mt 5,21-48. Đức Giêsu đã mấy lần đưa ra những “phản đề” với Luật Môsê?

2. Đọc Xuất hành 21,23-25; Lêvi 24,20; Đệ nhị luật 19,21. Phải hiểu câu mắt đền mắt, răng đền răng như thế nào cho đúng? Có khi nào Luật Cựu Ước dạy đừng trả thù không? Đọc Lêvi 19,18.

3. Đức Giêsu dạy ta có thái độ nào với người ác? Đọc Mt 5,39a. Ngài nêu ra mấy trường hợp cụ thể để minh họa? Đọc Mt 5,39b-41.

4. Đọc Mt 5,43. “Yêu người thân cận” là yêu ai?

5. Trong Cựu Ước có chỗ nào dạy hãy ghét kẻ thù không? Đọc Thánh vịnh 139,21-22; Huấn ca 12,4-7. Tuy nhiên, Cựu Ước có dạy yêu kẻ thù không? Đọc Xuất hành 23,4-5; Châm ngôn 24,17; 25,21.

6. Vào thời Đức Giêsu, “kẻ thù” thường được hiểu là ai? Đọc Mt 5,45. Cho biết lý do Đức Giêsu đưa ra khiến ta phải yêu kẻ thù.

7. Đọc Mt 5,46-47. Đức Giêsu đòi con cái của Cha trên trời phải vượt lên trên lối cư xử của ai?

8. Đọc Mt 5,48. Phải làm sao để trở nên hoàn thiện như Chúa Giêsu muốn? Đọc Lêvi 19,2.

GỢI Ý SUY NIỆM: Con người chúng ta thích trả thù, thích dùng bạo lực để chống lại bạo lực, và tin rằng muốn có hòa bình thì phải chuẩn bị chiến tranh. Lời Chúa hôm nay có làm bạn bị sốc không? Đọc 1 Phêrô 2,21-24 và Rm 12,14.19-21.

PHẦN TRẢ LỜI

1. Trong Mt 5,21-48 Đức Giêsu đưa ra sáu “phản đề” trước những gì người Do-thái thường được nghe dạy, dựa trên Luật Chúa do ông Môsê truyền lại. Các “phản đề” về giết người (Mt 5,21-26), về ngoại tình (Mt 5,27-30), về ly dị (Mt 5,31-32), về thề thốt (Mt 5,33-37), về trả thù (Mt 5,38-42), và về yêu kẻ thù (Mt 5,43-48). Ta gọi là “phản đề” vì các đoạn trên đây đều bắt đầu bằng câu: “Anh em đã nghe Luật dạy (người xưa) rằng… Còn Thầy, Thầy bảo anh em…” (Mt 5,21.27.31.33.38.43). Các đoạn trên đây đều trích một câu nào đó trong Cựu Ước, sau đó mới trình bày lời giáo huấn của Đức Giêsu. Như thế có thể nói Đức Giêsu đặt lời giáo huấn của mình lên trên lời dạy của Môsê. Ngài cho chúng ta hiểu được ý định thâm sâu của Thiên Chúa, điều mà ông Môsê chưa làm được vì dân Ítraen lúc đó chưa đủ trình độ (xem Mt 19,3-9). Giáo huấn của Đức Giêsu trong Bài Giảng Trên Núi không loại bỏ giáo huấn của ông Môsê, nhưng đòi hỏi hơn (Mt 5,22.44.32) và đi sâu vào nội tâm hơn (Mt 5,28). Đức Giêsu cho thấy thế nào là sự hoàn thiện mới, hoàn thiện như Cha trên trời. Sự hoàn thiện này vượt trên sự hoàn thiện của các kinh sư và phái Pharisêu (Mt 5,20.48)

2. Các sách Xuất hành 21,23-25; Lê vi 24,20 và Đệ nhị luật 19,21 đều nói đến luật báo thù (lex talionis), thường được diễn tả bằng lối nói “mắt đền mắt, răng đền răng”. Luật này đòi người phạm tội phải chịu hình phạt tương xứng với thiệt hại đã gây ra. Luật này nhằm loại bỏ lối báo thù quá đáng, như được nói đến trong sách Sáng thế 4,23-24 (gấp 7 hay 70 lần). Như thế luật này đã có một bước tiến nào đó so với lối báo thù theo kiểu luật rừng. Tuy nhiên, Cựu Ước cũng có chỗ đòi không được trả thù đồng bào của mình (Lêvi 19,18).

3. Thay vì dạy báo thù kẻ ác cho cân xứng, Đức Giêsu dạy các môn đệ: “anh em đừng chống cự lại người ác” (Mt 5,39a). Và Ngài đưa ra ba trường hợp cụ thể để minh họa cho thái độ “không chống cự” mà Ngài nói đến (Mt 5,39-41). Trường hợp 1: nếu có ai tát má bên phải, nghĩa là bị tát bằng mu bàn tay phải, thì anh hãy đưa má trái. Tát kiểu này được coi là làm nhục hơn nhiều, nên có thể bị phạt gấp đôi. Trường hợp 2: nếu có ai muốn kiện để lấy áo trong, thì anh hãy cho cả áo choàng ngoài. Áo choàng ngoài là áo quan trọng để giữ ấm, vì thế Luật không cho phép giữ áo này của người khác qua đêm, nhất là đối với người nghèo (Xh 22,25-27; Đnl 24,13). Trường hợp 3: nếu có ai bắt anh đi một dặm, hãy đi với nó hai dặm. Dưới thời đế quốc Rôma đô hộ, lính Rôma có quyền ép buộc một người Do-thái nào đó khiêng vác quân dụng cho mình đi một quãng đường. Chúng ta không áp dụng giáo huấn của Đức Giêsu theo nghĩa đen, nhưng phải nắm được tinh thần Ngài muốn chúng ta sống: ôn hòa, nhẫn nhục, bất bạo động, qua đó hóa giải được những tranh chấp, xung đột. Khi bị một thuộc hạ của thượng tế tát vào má, Đức Giêsu đã không đưa má kia (Ga 18,22-23).

4. Đối với người Ítraen, “yêu người thân cận” (Lv 19,18) thường được hiểu là yêu đồng bào, người có cùng lãnh thổ, tôn giáo, quốc gia, ngôn ngữ với mình. Cũng có thể hiểu theo nghĩa hẹp hơn: người thân cận là người sống gần mình, người mình tiếp xúc mỗi ngày, người cùng họ, cùng làng, cùng vùng, với mình. Trong dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu (Lc 10,30-37), Đức Giêsu đã trả lời câu hỏi ai là người thân cận: người thân cận là người đã giúp đỡ ai đó trong cơn hoạn nạn. Khi cứu giúp người bị nạn, người Samaritanô trở nên người thân cận của người đó, và biến người đó thành người thân cận của mình. Như vậy Đức Giêsu đã mở ra một lối hiểu mới về người thân cận. Cả người ngoại giáo, cả kẻ thù cũng có thể thành người thân cận của người Ítraen.

5.Trong Cựu Ước không có câu nào dạy phải ghét kẻ thù. Nhưng có nhiều chỗ nói gián tiếp đến thái độ này (Tv 139,21-22; Huấn ca 12,4-7). Tuy Cựu Ước không bảo ta phải yêu kẻ thù, nhưng vẫn khuyên ta nên đối xử tốt với kẻ thù. Phải giúp đỡ kẻ thù khi nó gặp hoạn nạn (Xh 23,4-5; Châm ngôn 25,21), và không được vui khi kẻ thù gục ngã (Châm ngôn 24,17).

6.Vào thời Đức Giêsu, khi nói đến kẻ thù, người Do-thái hay nghĩ đến kẻ thù của dân tộc là đế quốc Rôma. Họ đã chiếm lãnh thổ, bắt đóng thuế, và bách hại dân Do-thái. Dĩ nhiên kẻ thù cũng có thể là người nào đó đang làm hại cuộc sống cá nhân hay gia đình của ta. Trong Mt 5,45, Đức Giêsu đòi ta yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ bách hại mình. Điều này thật là khó với sức con người. Làm sao yêu được quân Rôma đang giày xéo đất nước? Ngài đưa ra lý do khiến ta yêu kẻ thù: nhờ yêu kẻ thù mà ta trở nên con cái của Cha trên trời, nên giống Cha là Đấng rộng rãi, ban mặt trời và mưa cho cả người tốt lẫn kẻ xấu.

7.Yêu mến kẻ không yêu mến mình, chào hỏi những kẻ không phải là anh em của mình: đó là điều Đức Giêsu đòi hỏi người môn đệ. Như thế họ mới sống công chính hơn những người thu thuế và dân ngoại (Mt 5,46-47). Đây là hai hạng người bị người Do-thái coi khinh. Trước đây, Đức Giêsu còn đòi hỏi môn đệ phải công chính hơn các kinh sư và những người Pharisêu (Mt 5,20). Đây là hai hạng người được kính trọng về học thức, đạo đức và vị thế trong xã hội Do-thái thời bấy giờ.

8.Mát-thêu 5,48 là câu tóm tắt những lời giáo huấn trong 6 phản đề (Mt 5,21-47). Trong Cựu Ước, Thiên Chúa mời dân Ítraen: “Hãy nên thánh, vì Ta, ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, Ta là thánh” (Lv 19,2). Nên thánh ở đây thường được hiểu là xa tránh tội, tội nhân, dân ngoại… Còn Đức Giêsu lại mời các môn đệ bắt chước Thiên Chúa Cha bằng cách nên hoàn thiện trong tình yêu, đưa thật nhiều tình yêu vào mọi tương quan với tha nhân, bất kể họ là ai.

 

Tag: