Ngày 05/04: Thánh Vi-xen-tê Phê-rê, linh mục (1350 –1419)

Đức GiêSu Đã, Đang Và Mãi Mãi Yêu Chúng Ta Cho Đến Cùng

"Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta"

Ngày 05/04: Thánh Vi-xen-tê Phê-rê, linh mục (1350 –1419)

Ngày 05/04: Thánh Vi-xen-tê Phê-rê, linh mục (1350 –1419)

1. Ghi nhận lịch sử - Phụng Vụ

Vincent Ferrier (tiếng Tây Ban Nha: Vicente Ferrer), sinh tại Valence (Tây Ban Nha) năm 1350. Ngài vào Dòng Đa-minh lúc mười bảy tuổi. Sau khi học xuấc sắc triết học và thần học, ngài được thụ phong linh mục năm 1378 và đỗ tiến sĩ thần học tại Lérida. Sau vài năm giảng dạy và thuyết giảng tại Valence, kể từ năm 1399, ngài sống đời thuyết giáo, chu du khắp Tây Ban Nha, Pháp, Thụy Sĩ, Ý và Ái Nhĩ Lan... Chỉ cái chết mới chấm dứt một đời rong ruổi. Châu Âu lúc đó bị xâu xé bởi cuộc chiến Trăm Năm(1337 – 1453). Cuộc chiến đã khiến Pháp và Anh đối đầu nhau; Hội thánh bị phân hóa do cuộc đại ly giáo ở Tây Phương (1378 – 1417); cuộc Đại Ly khai với hai rồi ba Giáo Hoàng cạnh tranh nhau, cho đến khi Công đồng Constance (1414 – 1418) chấm dứt cuộc ly giáo, nhờ bầu được Đức Giáo Hoàng Martin V vào năm 1417.

Vào thời đại quá nhiễu nhương, Vincent Ferrier đi khắp châu Âu kêu gọi sự hoán cải và hòa giải. Tài hùng biện, sự thánh thiện, các phép lạ và danh tiếng của ngài lan tràn khắp nơi, tất cả đã làm rung chuyển lục địa này. Nhiều đoàn dân theo người, vì thế các “tu hội” được thành lập như: Dòng “Anh em đánh tội – les Flagellants”. Họ mang áo đen và trắng vừa hành xác vừa hát lời ca này: “Vinh danh sự thương khó Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta và lạy Chúa, xin dủ lòng thương xót, xóa các tội lỗi chúng con !”

Người ta gọi Vincent là “Thiên sứ thời phán xét” vì vào thời tao loạn ấy, thánh nhân xuất hiện như nhà thuyết giảng về ngày thế tận. Từ đó, thánh nhân đã chinh phục vô vàn người trở lại, kể cả người Do Thái, người Maures và các kẻ lạc giáo. Sau cùng, ngài mang hòa bình khi giữ vai trò trung gian trong cuộc chiến Trăm Năm. Ngài đóng góp công sức vào việc giải quyết cuộc đại ly giáo ở Tây Phương, khi tham dự Công đồng Constance.

Vincent Ferrier qua đời vào tuổi bảy mươi, tại Vannes miền Bretagne, lúc đang thi hành nhiệm vụ sau chuyến đi giảng Mùa Chay. Ngài được Đức Giáo Hoàng Calixte III phong hiển thánh năm 1455 và nhận tước hiệu là vị Tông Đồ của Châu Âu. Người Tây Ban Nha và Pháp tranh chấp về di hài của thánh nhân.

2. Thông điệp và tính thời sự

Đức Giáo Hoàng Calixte III, khi phong Vincent Ferrier lên bậc hiển thánh, đã ví người như một Thiên sứ đang bay lượn và gieo vãi Tin Mừng khắp nơi. Vì thế nghệ thuật ảnh tượng đôi khi biểu hiện ngài với đôi cánh và tay cầm Thánh giá.

a. Lời nguyện đầu lễ trong ngày kính nhớ thánh Vincent nêu rõ nhiệm vụ rao giảng của ngài là loan báo Đức Kitô lại đến như “vị thẩm phán”. Cũng thế, tin mừng Thánh lễ (Lc 12,35-40) gợi lại cuộc quang lâm của Đức Kitô: ...Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn... Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến. Tuy nhiên, đối với ai hỏi ngài về các dấu chỉ của cuộc phán xét sau cùng ấy, ngài trả lời rằng không có dấu chỉ nào hơn lòng bao dung của Thiên Chúa ban cho chúng ta.

b. Trong khảo luận về đời sống thiêng liêng, xuất bản khoảng năm 1410, thánh Vincent kêu gọi các nhà mục tử tâm hồn nên có một tấm lòng tràn đầy dịu dàng và thương xót. Ngài viết: “Khi giảng dạy khuyên lơn, bạn hãy dùng lời lẽ đơn sơ... hãy nói thế nào cho người ta thấy lời lẽ của bạn không phát xuất từ một tính khí kiêu căng giận dữ, nhưng do một tấm lòng yêu thương đầy tình phụ tử. Hãy nên như người cha đau đớn vì con cái mắc tội ... người cha ấy sẽ ấp ủ nó như một bà mẹ. Lúc giải tội cũng thế: nhẹ nhàng khích lệ kẻ nhút nhát, lúc nào bạn cũng hãy tỏ ra là một người đầy yêu thương trìu mến...” (các bài đọc Kinh sách). Như thế, thánh Vincent hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu “Thiên sứ của ngày phán xét” và đã nhận được sự khôn ngoan cùng vinh dự khi chỉ cho chúng ta thấy một Thiên Chúa đang đến “xét xử” trần gian, nhưng để cứu trần gian, như bài đọc trong Thánh lễ đã nêu lên: Đây là lời của vị chứng nhân trung thành và chân thật...: Này đây ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy ... Ai thắng, Ta sẽ cho ngự bên Ta trên ngai của Ta. (bài đọc một: Kh 3,14 ...22). Vincent có nghĩa là “người chiến thắng”; để làm kẻ chiến thắng chỉ cần đứng bên cửa và lắng nghe tiếng gõ. (xem thêm bài tin mừng Thánh lễ: Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay ... (Lc 12,35-40).

Enzo Lodi

Tag: