Ngày 1 tháng 1: Cuối tuần Bát nhật Giáng sinh - Thánh Maria, Mẹ Thiên Chúa (Lc 2,16-21)

Đức GiêSu Đã, Đang Và Mãi Mãi Yêu Chúng Ta Cho Đến Cùng

"Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta"

Ngày 1 tháng 1: Cuối tuần Bát nhật Giáng sinh - Thánh Maria, Mẹ Thiên Chúa (Lc 2,16-21)

Ngày 1 tháng 1: Cuối tuần Bát nhật Giáng sinh - Thánh Maria, Mẹ Thiên Chúa (Lc 2,16-21)

Các người chăn chiên gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se và Hài Nhi.
Được đủ tám ngày, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giê-su.

Bài đọc 1: Ds 6,22-27

Khi chúng kêu cầu danh Ta cho con cái Ít-ra-en, Ta sẽ ban phúc lành.

Bài trích sách Dân số.

22 Đức Chúa phán với ông Mô-sê: 23 “Hãy nói với A-ha-ron và các con nó rằng: Khi chúc lành cho con cái Ít-ra-en, anh em hãy nói thế này:

24‘Nguyện Đức Chúa chúc lành và gìn giữ anh em!
25Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em,
và dủ lòng thương anh em!

26Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn,
và ban bình an cho anh em!’

27 Chúc như thế là đặt con cái Ít-ra-en dưới quyền bảo trợ của danh Ta, và Ta, Ta sẽ chúc lành cho chúng.”

 

Đáp ca: Tv 66,2-3.5.6 và 8 (Đ. c.2a)

Đ.Nguyện Chúa Trời rủ thương và chúc phúc cho chúng con.

2Nguyện Chúa Trời rủ thương và chúc phúc,
xin toả ánh tôn nhan rạng ngời trên chúng con,
3cho cả hoàn cầu biết đường lối Chúa,
và muôn nước biết ơn cứu độ của Ngài.

Đ.Nguyện Chúa Trời rủ thương và chúc phúc cho chúng con.

5Ước gì muôn nước reo hò mừng rỡ,
vì Chúa cai trị cả hoàn cầu theo lẽ công minh,
Người cai trị muôn nước theo đường chính trực
và lãnh đạo muôn dân trên mặt đất này.

Đ.Nguyện Chúa Trời rủ thương và chúc phúc cho chúng con.

6Ước gì chư dân cảm tạ Ngài, lạy Thiên Chúa,
chư dân phải đồng thanh cảm tạ Ngài.
8Nguyện Chúa Trời ban phúc lộc cho ta!
Ước chi toàn cõi đất kính sợ Người!

Đ.Nguyện Chúa Trời rủ thương và chúc phúc cho chúng con.

 

Bài đọc 2: Gl 4,4-7

Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người phụ nữ.

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Ga-lát.

4 Thưa anh em, khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người phụ nữ, và sống dưới Lề Luật, 5 để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử. 6 Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: “Áp-ba, Cha ơi!” 7 Vậy anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa.

 

Tin mừng: Lc 2, 16-21

16 Khi ấy, các người chăn chiên hối hả ra đi đến Bê-lem. Họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ.

17 Thấy thế, họ kể lại điều họ đã được nghe nói về Hài Nhi này.

18 Tất cả những ai nghe đều ngạc nhiên về những gì các người chăn chiên nói cho biết.

19 Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng.

20 Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được tai nghe mắt thấy theo như họ đã được loan báo.

21 Khi Hài Nhi được đủ tám ngày, nghĩa là đến lúc phải làm lễ cắt bì, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giê-su; đó là tên mà sứ thần đã đặt cho Người trước khi Người được thụ thai trong lòng mẹ.

 

Giáo lý cho bài giảng Lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa

WHĐ (30.12.2023) - Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của các lễ Chúa nhật, lễ trọng theo sự theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích trong Tập sách Hướng dẫn giảng thuyết được công bố qua Sắc lệnh ký ngày 29.06.2014.

 


Số 464-469: Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa thật và Người thật

Số 495, 2677: Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa

Số 1, 52, 270, 294, 422, 654, 1709, 2009: Chúng ta được nhận làm nghĩa tử

Số 527, 577-582: Chúa Giêsu suy phục Lề Luật và kiện toàn nó

Số 580, 1972: Luật Mới giải thoát khỏi những hạn chế của Luật Cũ

Số 683, 689, 1695, 2766, 2777-2778: Trong Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể gọi Thiên Chúa là “Abba - Cha ơi”

Số 430-435, 2666-2668, 2812: Danh Chúa Giêsu

Bài Ðọc I: Ds 6, 22-27

Bài Ðọc II: Gl 4, 4-7

Phúc Âm: Lc 2, 16-21

 

Số 464-469: Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa thật và Người thật

464. Biến cố độc nhất vô nhị là việc Nhập Thể của Con Thiên Chúa không có nghĩa là Chúa Giêsu Kitô một phần là Thiên Chúa, một phần là người; cũng không có nghĩa Người là kết quả của một sự pha trộn lẫn lộn giữa hai ban tính thần linh và nhân loại. Người đã thật sự làm người, mà vẫn thật sự là Thiên Chúa. Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật. Hội Thánh đã phải bảo vệ và làm sáng tỏ chân lý đức tin này suốt những thế kỷ đầu tiên, trước các lạc thuyết đã làm sai lạc chân lý đó.

465. Các lạc thuyết đầu tiên không phủ nhận thần tính của Đức Kitô, cho bằng chối bỏ nhân tính thật của Người (Ảo thân thuyết theo chủ trương Ngộ đạo). Ngay từ thời các Tông Đồ, đức tin Kitô giáo nhấn mạnh đến việc Nhập Thể thật của Con Thiên Chúa, Đấng đã đến trong xác phàm[1]. Nhưng vào thế kỷ thứ III, để chống lại Phaolô Samosatênô, tại Công đồng họp ở Antiôchia, Hội Thánh phải khẳng định rằng: Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa do bản tính chứ không phải do được nhận làm nghĩa tử. Công đồng chung thứ I, họp tại Nicêa vào năm 325, tuyên xưng trong Tín biểu của mình rằng: Con Thiên Chúa “được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha” (trong tiếng Hy Lạp là homousion)[2], và Hội Thánh đã kết án Ariô là người đã khẳng định rằng “Con Thiên Chúa đã xuất phát từ hư vô”[3] và “có một bản thể hay yếu tính khác với Chúa Cha”[4].

466. Lạc thuyết cua Nestôriô cho rằng trong Đức Kitô ngôi vị nhân loại được liên kết với Ngôi Vị thần linh của Con Thiên Chúa. Chống lại lạc thuyết này, Thánh Cyrillô Alêxanđria và Công đồng chung thứ III họp tại Êphêsô năm 431 tuyên xưng rằng: “Ngôi Lời đã làm người, khi một thân thể do một linh hồn có lý trí làm cho sống động được kết hợp với Ngài theo Ngôi Vị”[5]. Nhân tính của Đức Kitô không có một chủ thể nào khác ngoài Ngôi Vị thần linh của Con Thiên Chúa, Đấng đã nhận lấy nhân tính ấy làm của mình từ lúc tượng thai. Chính vì vậy, Công đồng chung Êphêsô vào năm 431 công bố rằng Đức Maria, nhờ sự tượng thai nhân loại của Con Thiên Chúa trong lòng bà, bà đã rất thật sự trở thành Mẹ Thiên Chúa: “[Đức Maria là] Mẹ Thiên Chúa…, không phải vì bản tính của Ngôi Lời và thần tính của Ngài đã bắt đầu được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ rất thánh, nhưng vì từ Đức Trinh Nữ đã sinh ra thân xác thánh thiêng đó, do một linh hồn có lý trí làm cho sống động, và Ngôi Lời Thiên Chúa đã kết hợp với thân xác đó theo Ngôi Vị, nên có thể nói Ngôi Lời đã được sinh ra theo xác phàm”[6].

467. Những người chủ trương thuyết Nhất Tính (Monophysitae) khẳng định: bản tính nhân loại không còn tồn tại nơi Đức Kitô, khi bản tính đó được Ngôi Vị thần linh của Con Thiên Chúa đảm nhận. Để chống lại lạc thuyết này, Công đồng chung thứ IV, họp tại Chalcêđonia năm 451, tuyên xưng:

“Theo sau các thánh phụ, chúng tôi đồng thanh dạy phải tuyên xưng Một Chúa Con Duy Nhất là Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, hoàn hảo trong thần tính và cũng hoàn hảo trong nhân tính; là Thiên Chúa thật và là người thật, gồm có một linh hồn có lý trí và một thân xác; đồng bản thể với Đức Chúa Cha theo thần tính mà cũng đồng bản tính với chúng ta theo nhân tính, ‘giống chúng ta về mọi phương diện ngoại trừ tội lỗi’;[7] sinh bởi Đức Chúa Cha theo thần tính từ trước muôn đời, và trong những thời cuối cùng này, vì chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người được sinh ra theo nhân tính từ Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa.

Cùng một Đấng duy nhất là Đức Kitô, là Chúa, là Con Một, phải được nhìn nhận trong hai bản tính một cách không lẫn lộn, không thay đổi, không phân chia, không tách biệt, sự khác biệt giữa hai bản tính không hề bị mất đi do việc kết hợp, nhưng các đặc điểm của mỗi bản tính đã được bảo tồn khi kết hợp với nhau trong một Ngôi Vị và một Đấng duy nhất”[8].

468. Sau Công đồng Chalcêđônia một số người biến nhân tính của Đức Kitô thành như một chủ thể có ngôi vị riêng. Chống lại những người này, Công đồng chung thứ V, họp tại Constantinôpôli, năm 553, tuyên xưng rằng: “Chỉ có một Ngôi Vị duy nhất, là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Một Ngôi Vị trong Ba Ngôi Chí Thánh[9]. Bởi vậy, mọi sự trong nhân tính của Đức Kitô đều phải được quy về Ngôi Vị thần linh của Người với tư cách là chủ thể riêng của Người [10], không những các phép lạ, nhưng cả những đau khổ[11] và chính cái chết: chúng tôi tuyên xưng rằng “Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, Đấng bị đóng đinh vào thập giá về phần xác, là Thiên Chúa thật, là Chúa vinh quang, và là một Ngôi trong Ba Ngôi chí thánh”[12].

469. Như vậy, Hội Thánh tuyên xưng rằng Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật một cách không thể tách biệt. Người thật sự là Con Thiên Chúa đã làm người, là anh em của chúng ta, mà vẫn không ngừng là Thiên Chúa, Chúa chúng ta:

Phụng vụ Rôma hát kính: “Ngài vẫn là Ngài như trước [Ngài là Thiên Chúa], và Ngài đã đam nhận lấy điều mà trước đó Ngài không là [Ngài làm người]”[13]. Còn phụng vụ của thánh Gioan Kim Khẩu công bố và hát kính: “Lạy Con duy nhất và Ngôi Lời của Thiên Chúa, dù bất tử, nhưng để cứu độ chúng con, Chúa đã đoái thương nhập thể trong lòng Đức Maria, Mẹ rất thánh của Thiên Chúa và trọn đời đồng trinh. Chúa đã làm người và đã chịu đóng đinh vào thập giá mà không hề biến đổi. Lạy Đức Kitô, là Thiên Chúa, Chúa đã dùng cái chết của mình mà đập tan sự chết, Chúa là Một trong Ba Ngôi Chí Thánh, được tôn vinh cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, xin cứu độ chúng con!”[14]

 

Số 495, 2677: Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa

495. Trong các sách Tin Mừng, Đức Maria được gọi là “Thân mẫu Chúa Giêsu” (Ga 2,1; 19,25)[15]. Cả trước khi Con Mẹ chào đời, dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, Mẹ đã được gọi là “Thân mẫu Chúa tôi” (Lc 1,43). Quả thật, Đấng mà Mẹ đã cưu mang làm người bởi phép Chúa Thánh Thần, Đấng thật sự là Con Mẹ theo xác phàm, chính là Con vĩnh cửu của Chúa Cha, là Ngôi Hai trong Ba Ngôi chí thánh. Vì vậy, Hội Thánh tuyên xưng Đức Maria thật sự là Mẹ Thiên Chúa (Theotokos)[16].

2677. “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con…”. Cùng với bà Êlisabeth chúng ta sửng sốt: “Bởi đâu tôi được thân mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?” (Lc 1,43). Đức Maria, vì đã tặng ban cho chúng ta Chúa Giêsu là Con của Mẹ, nên Mẹ là Thân mẫu của Thiên Chúa và là Thân mẫu của chúng ta: chúng ta có thể phó thác cho Mẹ mọi nỗi âu lo và những lời cầu xin của chúng ta. Mẹ cầu nguyện cho chúng ta như Mẹ đã cầu nguyện cho bản thân Mẹ: “Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Khi phó thác để Mẹ cầu nguyện cho chúng ta, chúng ta cùng với Mẹ phó dâng bản thân chúng ta cho thánh ý Thiên Chúa: “Nguyện cho ý Cha thể hiện”.

“Cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử”. Khi xin Đức Mẹ cầu nguyện cho chúng ta, chúng ta nhìn nhận mình là những người tội lỗi khốn cùng và kêu cầu đến “Mẹ của lòng thương xót”, Mẹ hoàn toàn thánh thiện. Chúng ta trao phó bản thân cho Mẹ “khi nay”, là ngày hôm nay của cuộc đời chúng ta. Lòng tín thác của chúng ta được mở rộng để ngay từ bây giờ chúng ta đã trao phó “giờ lâm tử” của chúng ta cho Mẹ. Xin Mẹ hiện diện trong giờ phút đó như Mẹ đã hiện diện lúc Con Mẹ chết trên thập giá. Vào giờ chúng ta qua đời, với tư cách là Mẹ chúng ta[17], xin Mẹ đón nhận và dẫn chúng ta đến với Con của Mẹ, trên thiên đàng.

 

Số 1, 52, 270, 294, 422, 654, 1709, 2009: Chúng ta được nhận làm nghĩa tử

1. Thiên Chúa, tự bản thể là Đấng vô cùng hoàn hảo và hạnh phúc. Theo ý định hoàn toàn do lòng nhân hậu, Ngài đã tự ý tạo dựng con người, để cho họ được thông phần sự sống hạnh phúc của Ngài. Do đó, trong mọi thời và mọi nơi, Ngài đã đến gần với con người. Thiên Chúa kêu gọi con người, giúp họ tìm kiếm Ngài, nhận biết và đem hết tâm lực yêu mến Ngài. Thiên Chúa triệu tập mọi người, vốn đã bị phân tán vì tội lỗi, để hợp nhất thành gia đình của Ngài là Hội Thánh. Để thực hiện điều này, khi thời gian tới hồi viên mãn, Ngài đã sai Con Ngài đến làm Đấng Chuộc Tội và Cứu Độ. Trong và nhờ Người Con ấy, Thiên Chúa kêu gọi loài người để trong Chúa Thánh Thần, họ trở nên dưỡng tử của Ngài và do đó, được thừa hưởng sự sống hạnh phúc của Ngài.

52. Thiên Chúa, Đấng “ngự trong ánh sáng siêu phàm” (1 Tm 6,16), muốn truyền thông sự sống thần linh của Ngài cho loài người mà Ngài đã tự ý tạo dựng, để cho họ được trở nên nghĩa tử trong Con Một của Ngài[18]. Khi tự mạc khải, Thiên Chúa muốn làm cho loài người có khả năng đáp lại Ngài, nhận biết và yêu mến Ngài vượt quá những gì họ có thể làm được tự sức mình.

270. Thiên Chúa là Cha toàn năng. Tình phụ tử và quyền năng của Ngài soi sáng lẫn nhau. Quả thế, Ngài cho thấy sự toàn năng đầy tình Cha của Ngài qua cách Ngài chăm lo cho những nhu cầu của chúng ta[19]; qua việc Ngài nhận chúng ta làm nghĩa tử (“Ta sẽ là Cha các ngươi, và các ngươi sẽ là con trai, con gái của Ta, Chúa toàn năng phán như vậy”: (2 Cr 6,18); sau hết, Ngài bày tỏ rõ ràng quyền năng của Ngài qua lòng khoan dung vô tận, khi Ngài tự ý tha thứ các tội lỗi.

294. Vinh quang của Thiên Chúa cốt tại việc biểu lộ và truyền thông sự tốt lành của Ngài, vì đó mà trần gian đã được tạo dựng. “Theo ý muốn nhân hậu của Ngài, Ngài đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Chúa Giêsu Kitô, để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Ngài ban tặng cho ta” (Ep 1,5-6). “Thật vậy, vinh quang của Thiên Chúa là con người sống, và sự sống của con người là được nhìn thấy Thiên Chúa. Nếu sự mạc khải của Thiên Chúa qua công trình tạo dựng đã đem đến sự sống cho mọi loài trên trái đất, thì việc Ngôi Lời biểu lộ Chúa Cha lại càng đem lại sự sống gấp bội cho những ai thấy Thiên Chúa”[20]. Mục đích tối hậu của công trình tạo dựng là Thiên Chúa, “Đấng dựng nên mọi loài, cuối cùng sẽ ‘có toàn quyền trên muôn loài’ (1 Cr 15,28), đem lại vinh quang cho Ngài và đồng thời đem lại vinh phúc cho chúng ta”[21].

422. “Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người phụ nữ và sống dưới Lề luật, để chuộc những ai sống dưới Lề luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (Gl 4,4-5). Đây là Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa[22]: Thiên Chúa đã viếng thăm dân Ngài[23]. Ngài đã thực hiện những lời hứa với tổ phụ Abraham và con cháu ông[24]. Ngài đã thực hiện vượt quá mọi điều chúng ta mong ước: Ngài đã sai Con yêu dấu của Ngài tới[25].

654. Trong mầu nhiệm Vượt Qua có hai khía cạnh: Đức Kitô, nhờ sự Chết của Người, giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi, nhờ sự Phục Sinh của Người, mở đường cho chúng ta tiến vào cuộc sống mới. Trước hết, đây là sự công chính hoá, phục hồi chúng ta trong ân sủng của Thiên Chúa[26], để “cũng như Đức Kitô đã được sống lại từ cõi chết…, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6,4). Đời sống mới này cốt tại việc chiến thắng cái chết của tội lỗi, và việc tham dự mới vào ân sủng[27]. Đời sống mới hoàn thành ơn được làm nghĩa tử, bởi vì người ta trở thành anh em của Đức Kitô, như chính Chúa Giêsu gọi các môn đệ Người sau cuộc phục sinh của Người: “Về báo cho anh em của Thầy” (Mt 28,10)[28]. Anh em đây không phải do bản tính, nhưng do hồng ân của ân sủng, bởi vì ơn được làm nghĩa tử cho chúng ta thật sự thông phần vào sự sống của Người Con Một, sự sống đó đã được mạc khải trọn vẹn trong sự Phục Sinh của Người.

1709. Ai tin vào Đức Kitô thì trở nên con cái Thiên Chúa. Ơn được làm nghĩa tử này biến đổi người ấy, giúp họ sống theo mẫu gương Đức Kitô. Ơn này ban cho họ khả năng hành động đúng đắn và thực thi điều tốt. Được kết hợp với Đấng Cứu độ của mình, người môn đệ đạt tới sự trọn hảo của đức mến, là sự thánh thiện. Được hoàn thiện trong ân sủng, đời sống luân lý sẽ được triển nở thành sự sống vĩnh cửu trong vinh quang trên trời.

2009. Nhờ ân sủng, ơn được làm nghĩa tử cho chúng ta được tham dự vào bản tính Thiên Chúa, có thể đem lại cho chúng ta một công trạng đích thực theo đức công chính nhưng không của Thiên Chúa. Đây là một quyền có được nhờ ân sủng, quyền sung mãn của tình yêu, làm cho chúng ta nên những người “đồng thừa tự” với Đức Kitô và xứng đáng được hưởng phần gia tài đã được hứa ban là đời sống vĩnh cửu[29]. Công trạng do các việc tốt lành của chúng ta là những hồng ân của lòng nhân hậu của Thiên Chúa[30]. “Ân sủng đã được ban trước, giờ đây nợ được trả.... Các hồng ân của Thiên Chúa là những công trạng của bạn”[31].

 

Số 527, 577-582: Chúa Giêsu suy phục Lề Luật và kiện toàn nó

527. Việc cắt bì cho Chúa Giêsu, ngày thứ tám sau khi Người ra đời[32], là dấu chỉ việc Người được tháp nhập vào dòng dõi của tổ phụ Abraham, vào dân của Giao Ước, là dấu chỉ sự suy phục Lề luật của Người[33], của việc Người đến với phụng tự Israel, nền phụng tự mà Người sẽ tham dự suốt đời Người. Dấu chỉ này báo trước “phép cắt bì của Đức Kitô”, tức là bí tích Rửa Tội[34].

577. Khởi đầu Bài giảng trên núi, Chúa Giêsu đưa ra một giáo huấn long trọng trong đó Người trình bày Lề luật, đã được Thiên Chúa ban tại Sinai dịp Giao Ước đầu tiên, dưới ánh sáng của ân sủng của Giao Ước Mới:

“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môisen hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành. Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành, và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời” (Mt 5,17-19).

578. Chúa Giêsu, Đấng Messia của Israel, do đó là người lớn nhất trong Nước Trời, đã phải chu toàn Lề luật, khi tuân giữ toàn bộ Lề luật, theo chính lời Người nói, cho đến cả những điều răn nhỏ nhất. Nói cho đúng, chính Người là Đấng duy nhất đã có thể làm điều này một cách trọn hảo[35]. Những người Do Thái, theo chính họ thú nhận, đã không bao giờ có thể chu toàn trọn bộ Lề luật mà không vi phạm một điều răn nhỏ nhất nào[36]. Vì vậy trong lễ Xá Tội hằng năm, con cái Israel cầu xin Thiên Chúa tha thứ cho những lỗi phạm Lề luật của họ. Thật vậy, Lề luật tạo thành một tổng thể và, như thanh Giacôbê nhắc nhở, “ai tuân giữ tất cả Lề luật, mà chỉ sa ngã về một điểm thôi, thì cũng thành người có tội về hết mọi điểm” (Gc 2,10)[37].

579. Những người Pharisêu rất trọng nguyên tắc tuân giữ toàn bộ Lề luật, không những chỉ theo văn tự, mà cả theo tinh thần nữa. Khi nêu nguyên tắc đó cho Israel, họ đã dẫn đưa nhiều người Do Thái thời Chúa Giêsu tới việc hết sức nhiệt thành giữ đạo[38]. Điều này, nếu không bị phá huỷ do việc xét đoán mọi sự cách “giả hình”[39], thì nhất định đã chuẩn bị cho dân hướng tới sự can thiệp chưa từng thấy của Thiên Chúa, là việc thi hành trọn vẹn Lề luật sẽ được hoàn thành bởi Đấng Công Chính duy nhất thay cho mọi tội nhân[40].

580. Việc chu toàn Lề luật cách trọn hảo chỉ có thể được thực hiện bởi Đấng ban hành Lề luật của Thiên Chúa, là Ngôi Con, được sinh ra dưới Lề luật[41]. Nơi Chúa Giêsu, Lề luật không còn được ghi trên bia đá nữa, nhưng “vào lòng dạ” và “vào tâm khảm” (Gr 31,33) của Người Tôi Trung, là người, vì đã “trung thành làm sáng tỏ công lý” (Is 42,3), nên được đặt làm “Giao Ước với dân” (Is 42,6). Chúa Giêsu chu toàn Lề luật cho đến độ đảm nhận trên mình “lời nguyền rủa của Lề luật”[42] mà những ai “không bền chí thi hành tất cả những gì được chép trong sách Luật” đã chuốc lấy[43], bởi vì Đức Kitô đã chịu chết “mà chuộc tội lỗi người ta đã phạm trong thời Giao Ước Cũ” (Dt 9,15).

581. Trước mắt người Do Thái và các nhà lãnh đạo tinh thần của họ, Chúa Giêsu xuất hiện như một “kinh sư”[44]. Người thường tranh luận về cách giải thích Lề luật của các kinh sư[45]. Nhưng đồng thời, Chúa Giêsu tất yếu phải đối đầu với những tiến sĩ Luật bởi vì khi trình bày cách giải thích của mình, Người không tự giới hạn trong những cách giải thích của họ; “vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư của họ” (Mt 7,28-29). Nơi Người, cùng một Lời của Thiên Chúa đã từng vang lên trên núi Sinai để ban hành Lề luật được ghi khắc cho ông Môisen, nay lại vang dội trên núi Bát Phúc[46]. Đấng là Ngôi Lời không bãi bỏ, nhưng kiện toàn Lề luật, bằng cách đưa ra lời giải thích tối hậu với một uy quyền thần linh: “Anh em còn nghe Luật dạy người xưa rằng…. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết” (Mt 5,33-34). Chính Người, với cùng một thẩm quyền thần linh ấy, phủ nhận một số “truyền thống của người phàm”[47] (Mc 7,8) của nhóm Pharisêu, vì những truyền thống đó hủy bỏ Lời Thiên Chúa[48].

582. Đi xa hơn nữa, Chúa Giêsu còn kiện toàn Lề luật về sự thanh sạch của các thức ăn, một điều hết sức quan trọng trong cuộc sống hằng ngày của người Do Thái, khi Người cho thấy ý nghĩa “quản giáo” của luật ấy[49] bằng lời giải thích thần linh: “Bất cứ cái gì từ bên ngoài vào trong con người, thì không thể làm cho con người ra ô uế…. Như vậy là Người tuyên bố mọi thức ăn đều thanh sạch…. Cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu” (Mc 7,18-21). Khi lấy thẩm quyền thần linh mà đưa ra lời giải thích tối hậu về Lề luật, Chúa Giêsu ở trong tình thế đối nghịch với một số kinh sư không chấp nhận lời giải thích của Người, mặc dù lời giải thích này được củng cố bằng những dấu lạ thần linh kèm theo[50]. Điều này đặc biệt đúng, trong vấn đề ngày sabat. Chúa Giêsu thường dựa trên chính lập luận của các kinh sư[51], để nhắc nhở rằng luật nghỉ ngơi ngày sabat không bị vi phạm khi phục vụ Thiên Chúa[52] hay phục vụ người lân cận[53], như trường hợp các lần Người chữa lành.

 

Số 580, 1972: Luật Mới giải thoát khỏi những hạn chế của Luật Cũ

580. Việc chu toàn Lề luật cách trọn hảo chỉ có thể được thực hiện bởi Đấng ban hành Lề luật của Thiên Chúa, là Ngôi Con, được sinh ra dưới Lề luật[54]. Nơi Chúa Giêsu, Lề luật không còn được ghi trên bia đá nữa, nhưng “vào lòng dạ” và “vào tâm khảm” (Gr 31,33) của Người Tôi Trung, là người, vì đã “trung thành làm sáng tỏ công lý” (Is 42,3), nên được đặt làm “Giao Ước với dân” (Is 42,6). Chúa Giêsu chu toàn Lề luật cho đến độ đảm nhận trên mình “lời nguyền rủa của Lề luật”[55] mà những ai “không bền chí thi hành tất cả những gì được chép trong sách Luật” đã chuốc lấy[56], bởi vì Đức Kitô đã chịu chết “mà chuộc tội lỗi người ta đã phạm trong thời Giao Ước Cũ” (Dt 9,15).

1972. Luật mới được gọi là luật của tình yêu, bởi vì dạy chúng ta hành động vì tình yêu mà Chúa Thánh Thần tuôn đổ, hơn là vì sợ hãi; Luật mới được gọi là luật của ân sủng, bởi vì mang lại sức mạnh của ân sủng để hành động nhờ đức tin và các bí tích; Luật mới được gọi là luật của sự tự do[57], bởi vì giải thoát chúng ta khỏi những ràng buộc về nghi thức và pháp lý của luật cũ, khiến chúng ta sẵn sàng tự nguyện hành động theo sự thúc đẩy của đức mến, và sau hết làm cho chúng ta chuyển từ thân phận của một tôi tớ “không biết việc chủ làm”, sang tình trạng là bạn hữu của Đức Kitô “vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15,15), hoặc còn tới địa vị là một người con thừa tự nữa[58].

 

Số 683, 689, 1695, 2766, 2777-2778: Trong Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể gọi Thiên Chúa là “Abba - Cha ơi”

683. “Không ai có thể nói rằng: ‘Đức Giêsu là Chúa’, nếu người ấy không ở trong Thần Khí” (1 Cr 12,3). “Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: ‘Abba, Cha ơi!’” (Gl 4,6). Sự nhận biết đó của đức tin chỉ có thể có được trong Chúa Thánh Thần. Để được hiệp thông với Đức Kitô, trước hết cần phải được Chúa Thánh Thần đánh động. Ngài đến với chúng ta trước và khơi dậy đức tin trong chúng ta. Nhờ phép Rửa Tội của chúng ta, là bí tích đầu tiên của đức tin, mà sự sống, vốn bắt nguồn nơi Chúa Cha và được ban cho chúng ta trong Chúa Con, được truyền thông một cách thân mật và cá vị bởi Chúa Thánh Thần trong Hội Thánh:

Bí tích Rửa Tội “ban cho chúng ta ơn tái sinh trong Chúa Cha, nhờ Con của Ngài, trong Chúa Thánh Thần. Bởi vì những ai mang Thần Khí Thiên Chúa, thì được dẫn đến với Ngôi Lời, nghĩa là đến với Chúa Con; nhưng Chúa Con trình diện họ với Chúa Cha và Chúa Cha ban cho họ sự bất diệt. Vì vậy, không có Thần Khí thì không thể thấy Con Thiên Chúa, và không có Chúa Con thì không ai có thể đến gần Chúa Cha, bởi vì Chúa Con là sự nhận biết Chúa Cha, và sự nhận biết Con Thiên Chúa là nhờ Chúa Thánh Thần”[59].

689. Đấng mà Chúa Cha đã sai đến trong tâm hồn chúng ta, Thần Khí của Con Ngài[60], Đấng ấy thật sự là Thiên Chúa. Là Đấng đồng bản thể với Chúa Cha và Chúa Con, Ngài không thể bị tách biệt khỏi Chúa Cha và Chúa Con, trong đời sống thâm sâu của Ba Ngôi cũng như trong hồng ân tình yêu của Ba Ngôi dành cho trần gian. Nhưng đức tin của Hội Thánh, khi tôn thờ Ba Ngôi Chí Thánh ban sự sống, đồng bản thể và không thể phân chia, cũng tuyên xưng sự phân biệt giữa các Ngôi Vị. Khi Chúa Cha sai Lời của Ngài đến, Ngài luôn sai Thần Khí của Ngài nữa: một sứ vụ phối hợp trong đó Chúa Con và Chúa Thánh Thần được phân biệt, nhưng không thể tách biệt. Đức Kitô là Đấng xuất hiện vì Người là hình ảnh hữu hình của Thiên Chúa vô hình, nhưng chính Chúa Thánh Thần là Đấng mạc khải Đức Kitô.

1695. Các Kitô hữu, “được nên công chính nhờ danh Chúa Giêsu Kitô và nhờ Thần Khí của Thiên Chúa chúng ta” (1 Cr 6,11), được thánh hoá và được gọi là thánh[61], họ trở thành “đền thờ của Chúa Thánh Thần” (1 Cr 6,19). Chính “Thần Khí của Chúa Con” dạy họ cầu nguyện với Chúa Cha[62], và khi đã trở nên sự sống của họ, Ngài thúc đẩy họ hành động[63], để mang lại hoa trái của Thần Khí[64], nhờ thực hiện đức mến. Khi chữa lành các vết thương của tội lỗi, Chúa Thánh Thần canh tân nội tâm chúng ta bằng sự biến đổi thiêng liêng[65], Ngài soi sáng chúng ta và củng cố để với tư cách là “con cái ánh sáng” (Ep 5,8), chúng ta sống “lương thiện, công chính và chân thật” (Ep 5,9).

2766. Nhưng Chúa Giêsu không để lại cho chúng ta một công thức được lặp đi lặp lại cách máy móc[66]. Cũng như trong bất cứ lời khẩu nguyện nào, chính nhờ Ngôi Lời Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần dạy cho con cái Thiên Chúa biết cầu nguyện với Cha họ. Chúa Giêsu không những ban cho chúng ta những lời cầu nguyện của người con hiếu thảo, mà đồng thời Người còn ban tặng chúng ta Thần Khí để những lời ấy trở thành “thần khí và là sự sống” (Ga 6,63) trong chúng ta. Hơn nữa, chúng ta có lý do và có khả năng dâng lời cầu nguyện con thảo là vì Chúa Cha “đã sai Thần Khí của Con Ngài đến ngự trong lòng chúng ta mà kêu lên: ‘Abba, Cha ơi’” (Gl 4,6). Bởi vì lời cầu nguyện của chúng ta nói lên những ước muốn của chúng ta trước mặt Chúa Cha, nên Đấng “thấu suốt tâm can”, tức là Chúa Cha, “biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa” (Rm 8,27). Việc cầu nguyện dâng lên Cha chúng ta được đưa vào trong sứ vụ huyền diệu của Chúa Con và của Thần Khí.

2777. Trong phụng vụ Rôma, cộng đoàn tham dự thánh lễ được mời đọc kinh Lạy Cha với sự bạo dạn của người con hiếu thảo; các phụng vụ Đông Phương cũng dùng những cách diễn tả tương tự và triển khai thêm: “Chúng con dám tin tưởng nguyện rằng”, “xin làm cho chúng con xứng đáng”. Trước bụi gai rực cháy, có tiếng phán bảo ông Môisen: “Chớ lại gần! Cởi dép ở chân ra!” (Xh 3,5). Duy một mình Chúa Giêsu có thể bước qua ngưỡng cửa của sự thánh thiện của Thiên Chúa, vì Người là Đấng “đã tẩy trừ tội lỗi” (Dt 1,3), dẫn chúng ta đến trước tôn nhan Chúa Cha: “Này Con đây, cùng với những con cái mà Cha đã ban cho Con” (Dt 2,13).

“Ý thức về tình trạng nô lệ của mình sẽ dìm chúng ta xuống đất, thân phận phàm trần sẽ tiêu tan thành bụi tro, trừ phi quyền bính của chính Chúa Cha, Thần Khí của Con Ngài thúc đẩy chúng ta kêu lên lời này. Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con Ngài kêu lên trong lòng chúng ta: ‘Abba, Cha ơi!’ (Rm 8,15). Có khi nào một phàm nhân đáng chết dám gọi Thiên Chúa là Cha, nếu quyền năng của thượng giới không tác động vào nội tâm con người?”[67]

2778. Quyền năng này của Thần Khí, Đấng dẫn đưa chúng ta vào Lời Kinh Chúa dạy, được diễn tả trong các phụng vụ Đông và Tây phương, bằng kiểu nói đẹp đẽ, mang nét đặc trưng Kitô giáo, là “parrhesia”, có nghĩa là sự đơn sơ thẳng thắn, lòng tin tưởng của người con thảo, sự an tâm phấn khởi, sự bạo dạn khiêm tốn, sự xác tín rằng chúng ta được yêu thương[68].

 

Số 430-435, 2666-2668, 2812: Danh Chúa Giêsu

430. Trong tiếng Do thái, “Giêsu” có nghĩa là “Thiên Chúa Cứu Độ”. Khi Truyền tin, thiên thần Gabriel dạy đặt tên cho Người là Giêsu; tên gọi này vừa diễn tả căn tính của Người, vừa diễn tả sứ vụ của Người[69]. Bởi vì không ai “có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa” (Mc 2,7), cho nên, trong Chúa Giêsu là Con vĩnh cửu của Ngài, đã làm người, chính Thiên Chúa “sẽ cứu dân Ngài khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1,21). Như vậy, nơi Chúa Giêsu, Thiên Chúa tóm kết toàn bộ lịch sử cứu độ của Ngài cho nhân loại.

431. Trong lịch sử cứu độ, Thiên Chúa không chỉ bằng lòng với việc giải thoát Israel khỏi “cảnh nô lệ” (Đnl 5,6) khi đưa họ ra khỏi Ai cập. Ngài còn cứu họ khỏi tội lỗi của họ nữa. Bởi vì tội luôn là một xúc phạm đến Thiên Chúa[70], nên chỉ mình Ngài mới có quyền tha tội[71]. Vì vậy, khi Israel càng ý thức rõ hơn về tính phổ quát của tội lỗi, họ càng không thể tìm kiếm ơn cứu độ ngoài việc khẩn cầu danh Thiên Chúa, Đấng Cứu Chuộc[72].

432. Danh “Giêsu” nói lên rằng chính Danh Thánh Thiên Chúa hiện diện nơi bản thân của Con Ngài[73], Đấng đã làm người để cứu chuộc mọi người khỏi tội lỗi một cách dứt khoát. “Giêsu” là một Danh thần linh, Danh duy nhất mang lại ơn cứu độ[74], và từ nay mọi người có thể kêu cầu Danh của Người, bởi vì qua việc Nhập Thể, chính Người đã tự kết hợp với tất cả mọi người[75] đến độ “dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (Cv 4,12)[76].

433. Thánh danh Thiên Chúa Cứu Độ được vị thượng tế kêu cầu mỗi năm một lần để xin ơn xá tội cho Israel, khi ông lấy máu của hy lễ rảy lên bàn xá tội trong nơi Cực Thánh[77]. Bàn xá tội xưa là nơi Thiên Chúa hiện diện[78]. Khi thánh Phaolô nói về Chúa Giêsu: “Thiên Chúa đã đặt Người làm nơi xá tội nhờ máu của Người” (Rm 3,25), ông muốn nói rằng trong bản tính nhân loại của Chúa Giêsu, “Thiên Chúa đã cho thế gian được hòa giải với Ngài” (2 Cr 5,l9).

434. Việc phục sinh của Chúa Giêsu làm hiển vinh thánh danh Thiên Chúa Cứu Độ[79], bởi vì từ lúc đó Danh Giêsu bày tỏ cách trọn vẹn quyền năng tối thượng của “Danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu” (Pl 2,9-l0). Các Thần dữ khiếp sợ Danh Người[80], và nhân Danh Người, các môn đệ Chúa Giêsu làm nhiều phép lạ[81], bởi vì tất cả những gì họ xin Chúa Cha nhân danh Chúa Giêsu, Chúa Cha đều ban cho họ[82].

435. Danh Chúa Giêsu nằm ở trung tâm của kinh nguyện Kitô giáo. Tất cả các lời nguyện trong phụng vụ đều kết thúc bằng công thức: “Nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con”. Tột đỉnh của Kinh Kính Mừng Maria là câu “và Giêsu, con lòng Bà gồm phúc lạ”. Lời tâm nguyện của Giáo Hội Đông phương, gọi là “Lời khẩn nguyện Chúa Giêsu” (oratio Iesu) thưa lên rằng: “Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội”. Nhiều Kitô hữu đã chết khi mieng chỉ kêu danh thánh “Giêsu”, như thánh nữ Jeanne d’Arc[83].

2666. Nhưng Danh thánh hàm chứa tất cả các tước hiệu trên là Danh thánh mà Con Thiên Chúa đã tiếp nhận trong cuộc Nhập Thể: đó là Danh thánh GIÊSU. Danh Thiên Chúa là siêu phàm, môi miệng loài của chúng ta không được đọc lên[84], nhưng Ngôi Lời Thiên Chúa, khi nhận lấy bản tính nhân loại của chúng ta, đã trao Danh ấy cho chúng ta, và chúng ta có thể kêu cầu Danh ấy: “Giêsu”, nghĩa là “Thiên Chúa cứu độ”[85]. Danh thánh Giêsu bao hàm mọi sự: Thiên Chúa và con người cùng với toàn thể Nhiệm cục tạo dựng và cứu độ. Cầu nguyện danh “Giêsu”, là khẩn cầu Người, là kêu gọi Người. Danh của Người là Danh duy nhất hàm chứa sự hiện diện mà Danh ấy biểu thị. Chúa Giêsu là Đấng phục sinh, và bất cứ ai kêu cầu Danh Người thì đón nhận Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương họ và tự nộp mình vì họ[86].

2667. Lời khẩn nguyện này của đức tin, tuy đơn sơ, đã được khai triển dưới nhiều hình thức trong truyền thống kinh nguyện Đông và Tây phương. Công thức thông dụng nhất, được các đan sĩ ở núi Sinai, Syria và núi Athos truyền lại, là lời khẩn nguyện: “Lạy Đức Giêsu Kitô, là Con Thiên Chúa, và là Chúa chúng con, xin thương xót chúng con là những kẻ tội lỗi”. Công thức này phối hợp thánh thi ca ngợi Đức Kitô trong Thư gửi giáo đoàn Philipphê (2,6-11) với lời van xin của người thu thuế và những người xin được sáng mắt[87]. Nhờ lời khẩn nguyện này, tâm hồn được hòa nhịp với sự khốn cùng của con người và lòng thương xót của Đấng Cứu Độ họ.

2668. Lời khẩn nguyện Danh thánh Chúa Giêsu là con đường đơn giản nhất của việc cầu nguyện liên lỉ. Được thường xuyên lặp đi lặp lại bởi một tâm hồn chăm chú cách khiêm tốn, lời khẩn nguyện này không bị phân tán thành những lời “lải nhải” (Mt 6,7), nhưng “nắm giữ Lời Chúa và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết quả”[88]. Lời khẩn nguyện này có thể thực hiện “luôn luôn”, vì đây không phải là một công việc bên cạnh một công việc khác, nhưng chỉ là công việc duy nhất, đó là việc yêu mến Thiên Chúa, công việc này làm sinh động và biến đổi mọi hoạt động trong Đức Kitô Giêsu.

2812. Sau cùng, Danh của Thiên Chúa chí thánh được mạc khải và được ban tặng cho chúng ta trong Chúa Giêsu, trong xác thể, với tư cách là Đấng Cứu Độ[89]: Danh Thiên Chúa được mạc khải bằng điều “Người Là”, bằng lời Người và bằng hy lễ của Người[90]. Đó là trung tâm của lời nguyện tư tế của Người: Lạy Cha chí thánh, “vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến” (Ga 17,19). Bởi vì Chúa Giêsu đã “thánh hiến” Danh của Người[91], nên Người “biểu lộ” cho chúng ta Danh của Chúa Cha[92]. Lúc Người hoàn tất cuộc Vượt Qua, Chúa Cha ban cho Người một Danh vượt trên mọi danh: Đức Giêsu là Chúa để tôn vinh Thiên Chúa Cha[93].

 

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa làm người sinh bởi Mẹ Maria. Con của Đức Mẹ là Thiên Chúa, nên Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Cùng với Đức Mẹ, ta suy niệm, chiêm ngắm, thờ lạy và đón nhận mầu nhiệm Nhập thể.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa là Con Thiên Chúa nhưng Chúa chẳng nề quản làm người con bé nhỏ trong tay Mẹ Maria. Chúa được Đức mẹ sinh hạ, nuôi nấng, dạy dỗ. Chúa đã lớn lên nhờ sự giáo dục và bàn tay chăm sóc của Đức Mẹ. Con hiểu sứ mạng của Đức Mẹ thật là cao cả và nặng nề. Không những Đức Mẹ nuôi nấng Chúa về phần xác, dạy dỗ Chúa về đời sống tinh thần, chỉ bảo Chúa về cách sống ở đời, nhưng khó khăn nhất là ở chỗ Đức Mẹ phải nuôi dạy Chúa thế nào cho xứng với phẩm giá của Chúa là Đấng Cứu Thế, là Con Thiên Chúa. Dù khó khăn vượt quá sức Mẹ, nhưng Mẹ đã suy nghĩ, cầu nguyện, và với ơn Chúa, Mẹ đã chu toàn sứ mạng cao cả ấy.

Lạy Chúa, xin cho con được hưởng nhờ tình yêu thương từ mẫu và sự chăm sóc của Mẹ Maria, để con được sống bằng an trong năm mới này, để con trưởng thành trong đời sống làm người với những đức tính tốt, và nhất là để con biết sống xứng đáng với ơn gọi làm con Thiên Chúa.

Hôm nay con nhớ tới các người mẹ. Có những bà mẹ sống ích kỷ, bỏ bê con cái. Có những bà mẹ chỉ lo cho con cái về phần xác. Xin Chúa giúp cho các người mẹ ý thức bổn phận lo cho con cái về mọi phương diện, giáo dục con cái nên người và nên con Thiên Chúa. Con cái ngày nay gây ra cho cha mẹ nhiều khó khăn trong việc giáo dục. Xin Chúa giúp các bậc phụ huynh chu toàn trọng trách này theo gương Mẹ Maria. Amen.

Ghi nhớ: “Họ đã gặp thấy Maria, Giuse và hài nhi... và tám ngày sau người ta gọi tên Người là Giêsu”.

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

Đây là một thánh lễ có từ lâu đời, nên mang nhiều ý nghĩa:

1. Thánh lễ đầu năm dương lịch

2. Kính thánh Danh Chúa Giêsu

3. Cầu cho hòa bình thế giới

4. Kính Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa.

1. Thánh lễ đầu năm dương lịch

Hội Thánh mượn lời sách Dân số 6, 22-27 để xin Thiên Chúa chúc lành cho cả nhân loại trong năm mới: “Chúa phán cùng Môsê rằng: Hãy nói với Aaron và con cái nó rằng: các ngươi hãy chúc lành cho con cái Ít-ra-en ; hãy nói với chúng thế này: Xin Chúa chúc lành cho con và gìn giữ con. Xin Chúa tỏ Nhan Thánh Chúa cho con và thương xót con. Họ sẽ kêu cầu Danh Ta trên con cái Ít-ra-en, và ta sẽ chúc lành cho chúng. Xin Chúa ghé mặt lại cùng con và ban bằng yên cho con.”

“Xin Chúa tỏ Thánh Nhan”, có nghĩa là:

- Xin Người tha thứ, đừng giận, đừng che mặt trước loài người, đừng để con người phải lẻ loi đương đầu với tất cả sự ác trên thế giới.

- Xin người ban sự hiện diện của Người cho nhân loại, có nghĩa là con người xin được giao hoà, được sống dưới sự che chở, dưới lòng nhân từ của Thiên Chúa.

- Xin Người ban cho nhân loại sự hiệp thông với Người trong cả cuộc sống.

Đó là sự chúc lành cao cả nhất của Thiên Chúa ban cho nhân loại.

2. Lễ đặt tên

Hôm nay cũng là bát nhật lễ Giáng sinh. Hội Thánh nhớ đến phong tục do thái: tám ngày sau khi được sinh ra, các bé trai do thái sẽ được cắt bì và đặt tên: “Khi Hài nhi được đủ 8 ngày, nghĩa là đến lúc phải làm lễ cắt bì, người ta đặt tên cho Hài nhi là Giêsu ; đó là tên mà sứ thần đã đặt, trước khi Hài nhi thành thai trong lòng mẹ” (Lc 2,21)

Danh Thánh Giêsu, theo nghĩa do thái là “Yavê là sự cứu độ”. Hài nhi được đặt tên Giêsu. Còn chúng ta, khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, cũng được đóng ấn trong danh Đức Giêsu.

Ngày đầu năm, Hội Thánh nói lên khát vọng của mình: không phải chỉ những tín hữu mới mang danh thánh Giêsu ; nhưng ước gì mọi người, cũng như muôn loài muôn vật cũng đều được đóng ấn trong Danh Thánh này. Lúc ấy ơn cứu độ mới được hoàn tất: “Người cho ta biết thiên ý nhiệm mầu: Thiên ý này là kế hoạch yêu thương Người đã định từ trước trong Đức Kitô. Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn, là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một Thủ Lãnh là Đức Kitô” (Ep 1,9-10)

3. Ngày cầu nguyện cho hòa bình thế giời

Khi các thiên sứ từ biệt mấy người chăn chiên để về trời, những người này bảo nhau rằng: “Nào chúng ta sang Bêlem để xem sự việc đã xảy ra như Chúa đã tỏ cho ta biết”. Họ liền hói hả ra đi. Đến nơi, họ gặp Bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài nhi đặt nằm trong máng cỏ. Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài nhi này” (Lc 2,15-17)

Hài nhi này là ai ? Là Cứu Chúa, là Vua Hòa bình. Chính vì Người sinh ra mà “có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,13-14)

Vị Vua Hòa bình đã xuất hiện. Xin bình an của Người đổ tràn trên thế giới còn đầy dẫy chiến tranh, nghèo đói, bệnh tật, thất học, đầy bạo lực và bất công ; một thế giới đang nằm trên những kho vũ khí hạt nhân, bất cứ lúc nào cũng có thể huỷ diệt toàn thể nhân loại và trái đất này.

4. Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa

Con Thiên Chúa đã nhập thể làm người và trở thành anh em của loài người. Trong Người, chúng ta được trở thành con của Thiên Chúa và là anh em của nhau. Trong bí tích Rửa tội, chúng ta nhận Thần Khí của Người Con chí ái và với niềm tin tưởng, chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha. Đó là mầu nhiệm giáng sinh cho nhân loại.

Ngày hôm nay, với sự trìu mến, Hội Thánh ngắm nhìn Người Phụ Nữ được tuyển chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Nếu không có tiếng “Xin vâng” của người Trinh nữ này, sẽ không có mầu nhiệm Thập giá (Lm Nguyễn văn Trinh, Phụng vụ chư thánh)

A. Hạt giống…

Bài Tin Mừng này trình bày 2 thái độ khác hẳn nhau: a/ Thái độ của những người chăn chiên là tíu tít kể chuyện ; b/ Thái độ của Đức Maria là ghi nhớ mọi sự và suy niệm trong lòng.

B. Nẩy mầm…

1. “Đức Maria đã thinh lặng không chỉ lúc này, nhưng trong suốt cuộc đời Người. Được làm Mẹ Thiên Chúa, nhưng chung quanh Người chẳng có mấy ai biết đến tước hiệu này... Tại Cana, Người đã nhẹ nhàng báo cho Chúa Giêsu biết bữa tiệc không còn rượu nữa. Trong cuộc đời công khai của Chúa, Người đã âm thầm theo bước chân Con. Và bên Thánh giá, trong nỗi đau đớn tột cùng, Người đã chứng kiến những giờ phút cuối cùng của Con. Có thể nói Người đã sống tâm tình của một nữ tì khiêm tốn. Người chỉ muốn phục vụ trong âm thầm, còn vinh quang danh dự thì Người xin dành cho người khác. Trong một thế giới có quá nhiều tiếng động: tiếng động của bom đạn, của tranh chấp, của bạo lực, chúng ta hãy bắt chước thái độ thinh lặng và lắng nghe của Đức Maria, nhờ đó chúng ta sẽ tìm được bình an trong tâm hồn và tạo được hòa khí trong tương quan với tha nhân” (Trích "Mỗi ngày một tin vui").

2. Thánh Luca khám phá đặc điểm của Mẹ Thiên Chúa là “ghi nhớ những kỷ niệm đó và suy đi nghĩ lại trong lòng”. Tuy là mẹ của Chúa Giêsu nhưng ban đầu Đức Mẹ không hiểu hết về con mình. Tuy không hiểu nhưng nhờ “ghi nhớ và suy đi nghĩ lại” nên sau cùng Mẹ đã rất hiểu Ngài. Huống chi chúng ta: chúng ta là môn đệ Chúa, là con Chúa, chúng ta càng cần phải ghi nhớ và suy đi nghĩ lại những kỷ niệm về Chúa thì mới hiểu được Ngài.

3. Một bài hát kia có một tựa đề rất gợi ý, là “The sound of silent”, tiếng của thinh lặng. Phải, thinh lặng nói với ta rất nhiều điều. Ta thử thinh lặng để “suy đi nghĩ lại” về những sự việc chung quanh việc Chúa Giáng sinh, để coi xem ta nghe được gì.

4. Một người da đỏ cùng đi với một người da trắng trên đường. Người da đỏ bỗng vỗ vai người da trắng, hỏi

- Anh có nghe gì không ?

Người da trắng hết sức lóng tai nghe, rồi đáp

- Tôi chẳng nghe gì cả.

- Có mà, tôi nghe tiếng một con dế gáy.

- Làm gì mà có con dế nào giữa đường phố nhộn nhịp như thế này ? Mà cho dù có đi nữa thì làm sao anh nghe được tiếng nó giữa bao tiếng ồn ào của xe cộ và người qua kẻ lại ?

Người da đỏ không thèm trả lời. Anh đi đến một bức tường bên vệ đường. Bức tường đã cũ. Nhiều dây leo chằng chịt trên đó. Anh vạch đám dây leo sang một bên. Một lỗ trống hiện ra, trong đó rõ ràng có một con dế đang gáy.

Người da trắng thán phục:

- Dân da đỏ các anh có lỗ tai thính hơn dân da trắng chúng tôi nhiều.

- Không phải thế đâu. Để tôi thử cái này cho anh xem.

Người da đỏ lấy trong túi ra một đồng tiền kẽm, thảy xuống mặt đường. Tiếng đồng tiền lăn leng keng khiến mọi người đi đường ngoái đầu nhìn lại. Liền đó người da đỏ giải thích:

- Tiếng của đồng tiền kẽm nhỏ hơn tiếng dế kêu rất nhiều. Thế mà mọi người da trắng đều nghe được. Còn tiếng con dế lớn hơn nhưng chỉ có tôi nghe được. Không phải ai thính tai hơn ai cả. Sự thực chính là chúng ta chỉ nghe được tiếng của những thứ chúng ta thường quan tâm để ý (Willi Hoffsemmer).

5. “Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài nhi đặt nằm trong máng cỏ” (Lc 2,16)

Một buổi sáng Chúa nhật, ngày đẹp nhất trong tuần, tôi đến nhà thờ dự lễ và ngao ngán với một bài giảng quá dài lại chẳng có gì hấp dẫn… Chúa nhật sau, anh hẹn đưa tôi đi chơi. Tôi náo nức chờ đợi từng phút giây, mong tới giờ hẹn. Và chúng ta đã lên đường… bỏ lại đàng sau không buồn luyến tiếc: ngôi thánh đường và cả Chúa Giêsu nữa!

Tôi là thế đó, chỉ muốn làm những gì mình thích và thích làm những điều thật vĩ đại. Còn Mẹ Maria thì chọn những gì Chúa muốn và để cho Ngài làm nên những điều cao cả. Nếu như Thiên Chúa cần một người mẹ cho Ngôi Lời nhập thể thì Mẹ đã cất tiếng xin vâng để trần gian được cứu độ. Và trong nữ giới, Mẹ thành người diễm phúc nhất.

Cầu nguyện: Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã chọn phần tuyệt hảo là lắng nghe và tuân giữ lời Chúa. Xin cho con hằng noi gương Mẹ mà gắn bó cùng Chúa trọn đời. (Epphata)

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

THÁNH MARIA, MẸ THIÊN CHÚA (Lc 2,16-21)

  • CẦN THIẾT CÓ MỘT NGƯỜI MẸ
  • Con chim nó hót trên cao
    Nếu không có mẹ làm sao có mình ?
    Con chim nó hót trên cành
    Nếu không có mẹ thì mình làm sao ? (Ca dao)

  • Câu đố nói lên một cách thống thiết con người cần phải có cha có mẹ vì “Không ai ở chỗ nẻ chui lên”. Đó là nguồn cội của con người. Chim có tổ, nước có nguồn, con người phải có tổ ấm, phải có gia đình.
  • Chúa Giêsu khi bước xuống trần gian này cũng không muốn sống ngoài định luật của con người. Ngài cũng có mẹ có cha. Đó là tính cách rất người của Chúa Giêsu. Chúa không muốn trở thành một vị tiên giáng trần hay một Phù Đổng Thiên Vương vươn vai rồi lớn lên hay như một vị khác thường từ trời giáng thế. Chúa đã chọn con đường bình thường như mọi người là có một gia đình để sinh ra. Đức Maria chính là người đã sinh ra Chúa Giêsu.

  • Kinh thánh Tân ước đã chứng minh Đức Maria là Mẹ của Chúa Giêsu trong nhiều trường hợp:
  • - Trong Tin mừng thánh lễ hôm nay, thánh Luca đã viết: “Các mục đồng liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài nhi đặt nằm trong máng cỏ” (Lc 2,16). Đó là gia đình của Chúa Giêsu mà bà Maria là thân mẫu và ông Giuse là cha nuôi Ngài.

    - Khi đến truyền tin, sứ thần Gabriel đã báo cho Đức Maria biết Ngài sẽ là Mẹ Thiên Chúa: “Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh con trai, tên Ngài là Giêsu… Ngài sẽ là Con Đấng cao cả… và là Con Thiên Chúa” (Lc 1,31,35-36).

    - Trong dịp đi thăm viếng bà chị họ Elisabeth, Thiên Chúa lại công bố việc Ngài chọn Đức Maria làm Mẹ. Khi hai chị em gặp nhau, đột nhiên bà Elisabeth tự động nói một câu lạ tai, nếu không dám nói là bạo miệng:“Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến thăm tôi” (Lc 1,43). Chúng ta không thắc mắc về câu nói đó, vì đã có thánh Luca giải thích: “Bà được đầy Thánh linh soi sáng” (Lc 1,41).

    - Trong dịp đi lễ đền thờ Giêrusalem, hai ông bà lạc mất con, sau ba ngày trở lại đền thờ thấy Chúa Giêsu đang ngồi giữa các thầy dạy, đàm đạo với họ. Đức Maria vừa vui mừng vừa mắng yêu con: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ con như vậy ? Con không thấy, cha con và mẹ đây đã phải cực nhọc tìm con ?” (Lc 2,48)

  • Như vậy, sứ thần Gabriel - Thánh Linh - bà Elisabeth - Đức Mẹ nói rõ ra chưa đủ, Chúa Giêsu còn bổ khuyết: “Sao cha mẹ lại tìm con ? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà Cha con sao ?” (Lc 2,49)
  • Cha của con ở đây là ai ? Dĩ nhiên không phải thánh Giuse, vì thánh Giuse đang đi tìm Chúa, nên phải hiểu “Cha của con”, Chúa nói đây là Thiên Chúa Cha - Cha của Ngài. Do đó, việc Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa lại càng sáng tỏ hơn nữa.

  • ĐỨC MARIA LÀ MẸ THIÊN CHÚA
  • Xưa nay mọi người vẫn tuyên xưng Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, vì chúng ta lý luận rằng: gọi là mẹ những người đàn bà đã thật sự sinh con. Bà Maria đã thực sự sinh con là Chúa Giêsu. Mà Chúa Giêsu theo các chứng đã nêu trên là Con Thiên Chúa và là chính Thiên Chúa thật “Cha Ta và Ta là một” (Ga 10,30; 17,11.22). Cho nên bà Maria là Mẹ Thiên Chúa.
  • Tước hiệu “Đức Maria Mẹ Thiên Chúa” là một tước hiệu đã có từ lâu đời trong Giáo hội. Nhưng tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa” không có trong bản văn Tân ước. Tước hiệu này được đề cập lần đầu tiên trong tài liệu của thánh Hippolytô (+235) ở Rôma. Sau đó thượng phụ giáo chủ Constantinople là Nestoriô (428) dựa trên quan điểm Kitô học riêng của mình đã phản đối việc xưng tụng Đức Maria dưới tước hiệu này.
  • Theo Nestôriô, chỉ nên gọi Maria là Mẹ Đức Giêsu Kitô, chứ không được gọi là Mẹ Thiên Chúa, vì theo ông, Con Thiên Chúa là một hữu thể, con Đức Maria là một hữu thể khác, vì ông cho rằng: Chúa Kitô có hai ngôi vị, đó là ngôi vị Thiên Chúa (Ngôi Lời) và ngôi vị con người (Giêsu). Như thế, Đức Maria không thể được gọi là “Theotokos” (Mẹ Thiên Chúa) ít nhất là theo ý nghĩa thực của hành vi ngôi hiệp (hợp nhất bản tính Thiên Chúa và bản tính nhân loại trong một ngôi vị duy nhất của Chúa Kitô).
  • Thế nên, vào năm 431, Giáo hội đã triệu tập Công đồng Êphêsô dưới sự chủ toạ của thánh Cyrillô, các nghị phụ trong công đồng này đã tuyên bố cách chức giáo chủ Nestôriô và đánh đổ lạc thuyết của ông ta. Công đồng đã định tín Maria là Mẹ Thiên Chúa, vì thực sự Mẹ đã sinh ra Con-Thiên-Chúa-Làm-Người. Từ công đồng Êphêsô, tước hiệu Maria Mẹ Thiên Chúa đã trở thành tước hiệu chính thức của Đức trinh Nữ Maria. Từ công đồng này, chúng ta có phần sau của kinh Kính Mừng: “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử. Amen”.
  • Công đồng Vatican II cũng tái xác quyết địa vị Mẹ Thiên Chúa: “Đức trinh nữ Maria đã đón nhận Ngôi Lời Thiên Chúa trong tâm hồn và thân xác, và đem sự sống đến cho thế gian. Ngài được công nhận và tôn kính là Mẹ thật của Thiên Chúa” (Lumen gentium, số 53).
  • Truyện: Mẹ Tổng thống
  • Ngày 20.01.1961 John Kennedy Tổng thống thứ 35 của Hoa kỳ, một người Công giáo đầu tiên giữ chức vụ chóp bu. Trong ngày nhậm chức, có mặt tất cả dòng họ Kennedy, cùng bà mẹ đứng một chỗ danh dự. Vào lúc John Kennedy thề nhậm chức và trở thành Tổng thống thì Rosa Kennedy trở thành mẹ của Tổng thống.

    Khi bà sinh John vào năm 1917, bà đã cho đất nước Hoa Kỳ một con người mà sau này làm Tổng thống. Bà không sinh ra một con người Tổng thống. Nhưng thực sự và đúng là mẹ của một Tổng thống.

  • Một cách tương tự, nhưng không y hệt như thế, chúng ta xưng tụng Đức Nữ Đồng trinh là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ đã sinh ra Chúa Giêsu Kitô Đấng vừa là Thiên Chúa vừa là người. Đức Maria không sinh ra Chúa là Chúa, Đức Maria cũng không phải là Chúa hay Bà Chúa. Mẹ là một con người có hạn, được vinh dự dâng hiến bản tính nhân loại cho Ngôi Con trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Qua Mẹ, Đức Giêsu là một người thật và cũng là Thiên Chúa thật. Đó là chân lý chúng ta mừng lễ hôm nay. Ngày đầu năm dương lịch (Gm. Arthur Tonne).
  • Đức Maria là Mẹ Đức Giêsu vì đã sinh ra Ngài đúng nghĩa, chúng ta cũng là con cái Mẹ Maria theo nghĩa thiêng liêng và trở nên anh em với Chúa Giêsu. Chúng ta không còn phải mồ côi, vì đã có người Mẹ yêu thương và săn sóc dìu dắt. Phúc cho những người con nào có mẹ. Thật hạnh phúc cho chúng ta khi chúng ta có thể mở miệng ra kêu: “Mẹ ơi”, như lời ca trong ca khúc “Bông hồng cài áo” của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ: “Một bông hồng cho anh, một bông hồng cho em, một bông hồng cho những ai đang còn mẹ… Thì xin em hãy cùng tôi vui sướng lên, hãy cùng tôi vui sướng lên…”.
  • Nếu chúng ta đang tìm cho mình một hướng đi trong năm mới, thiết tưởng không một hướng đi nào vừa bảo đảm lại vừa tốt đẹp cho bằng hãy chạy đến với Đức Maria. Với chức vụ làm Mẹ Thiên Chúa, Mẹ có đủ khả năng để bầu cử và giúp đỡ chúng ta. Với địa vị là mẹ chúng ta, Mẹ có đủ tình thương để sẵn sàng thực hiện những điều chúng ta van xin, vì vậy chúng ta hay thường đọc:
  • Xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến kêu xin cùng Mẹ mà Mẹ chẳng nhận lời (Kinh Hãy nhớ). Hay như thánh Bênađô đã bảo: “Kêu xin Mẹ, chúng ta sẽ không bao giờ lầm đường lạc lối”.

  • ĐỨC MARIA, NỮ VƯƠNG HOÀ BÌNH
  • Hôm nay, các mục đồng lại kể thêm về các lời của thiên sứ. Hài nhi trong máng cỏ là Đấng Cứu Thế, các thiên thần đã xướng ca: Vinh danh Thiên Chúa trên trời
  • Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.

    Như vậy, Giêsu, Con của Đức Maria thực hiện lời tiên tri hứa cùng nhà Đavít. Ngài sẽ đem lại hoà bình cho Dân Chúa và vinh quang cho Thiên Chúa. Đức Maria hôm nay gẫm suy những điều ấy. Đấng Cứu Thế đem lại hoà bình, Ngài là Hoàng tử hòa bình, là Vua hòa bình.

    Ý thức được quyền uy cao cả của Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, Giáo hội luôn kêu xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa Giêsu Hài đồng, Con Mẹ ban cho thế giới được bình an trong năm mới.

  • Chính Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã đặt ngày 1/1 dương lịch hàng năm làm ngày cầu cho hòa bình thế giới. Ngài viết trong tông huấn Marialis Cultus như sau: “Khi canh tân mùa Giáng Sinh, mọi người phải chú ý đến việc tái lập lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa vào ngày 1/1 đúng Phụng vụ Rôma từ xưa, nhằm tôn kính địa vị đặc biệt của Mẹ, Đấng tiếp nhận nguồn gốc là Đức Giêsu. Lễ này là dịp rất tốt để chúng ta tôn thờ Vua hoà bình mới sinh ra và nghe lại lời chúc hoà bình của các thiên sứ và cũng để cầu Chúa Hài nhi, nhờ sự can thiệp của Nữ Vương Hoà Bình ban cho chúng ta ơn cao cả nhất là ơn hoà bình” (Marialis Cultus, số 5).
  • Hoà bình không những là khát vọng của mỗi người mà còn là ước vọng của cả nhân loại. Hoà bình là quà tặng quý giá nhất Thiên Chúa ban cho nhân loại: “Thầy để bình anh cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con” (Ga 14,27). Hoà bình khởi đi trong tâm hồn. Con Thiên Chúa đã ban cho nhân loại sự bình an đích thực.
  • Hoà bình không phải chỉ là chấm dứt chiến tranh. Hoà bình còn là xây dựng bình đẳng, ấm no, thịnh vượng, hạnh phúc nữa. Phần tích cực có thể nói còn giấu nhiều mặt hơn tiêu cực. Hết chiến tranh cũng chưa phải là đã hết những hậu quả của chiến tranh là những thương tích, đổ vỡ vật chất và tinh thần. Chúng ta phải cải tạo cái cũ, xây dựng cái mới. Hoà bình hạnh phúc phải là khí thở của mọi người trên thế giới này.

  • Chúng ta đóng góp được những gì ? Kể từ khi Đức Giáo hoàng Phaolô VI chọn ngày 1/1 làm ngày thế giới hoà bình lần đầu tiên trở đi, mỗi năm các Đức Giáo hoàng chọn cho ngày đó một chủ đề về hoà bình để mọi người suy niệm, học hỏi, thực hành, như năm 2008, Đức Bênêđictô XVI đã lấy đề tài: Bài trừ đói nghèo, xây dựng hoà bình./Đức Giáo hoàng kêu gọi phải chiến đấu chống lại sự nghèo đói. Cuộc chiến này phải được mọi người tiếp tay, phải được cả thế giới quyết tâm cao. Các nước giàu phải có bổn phận giúp đỡ nước nghèo. Người giàu có phải giúp đỡ người nghèo. Nhưng trong thực tế, người ta ích kỷ không muốn chia sẻ cho nhau. Chỉ khi con người biết yêu thương nhau, quảng đại chia sẻ giúp đỡ nhau, giảm bớt chi tiêu lãng phí để giúp đỡ kẻ khác thì mới bớt sự nghèo khó và mới có sự bình an trong cuộc sống. Thánh Têrêsa Calcutta nói: “Chỉ khi con người biết chia sẻ cho nhau, thì mới hết cảnh đói nghèo”.
  • Yêu hoà bình thì phải xây dựng công bằng, bác ái, phải kiến tạo bình đẳng, ấm no, thịnh vượng, hạnh phúc. Hoà bình đòi phải phấn đấu và đấu tranh, để tiêu diệt cái xấu và phát triển cái tốt. Rất nhiều công tác cụ thể đang ở tầm tay mỗi người chúng ta. Hết thảy chúng ta hãy tích cực, để không chỉ nói hòa bình, nhưng muốn xây dựng hoà bình.
  • Trong ngày lễ Mẹ Thiên Chúa và cầu cho hòa bình thế giới hôm nay, chúng ta xin Đức Mẹ là Nữ Vương Hoà Bình ban cho chúng ta , cho các gia đình, cho cộng đoàn giáo xứ, nền hoà bình của Chúa Kitô - Hoà bình mà Đấng Cứu Thế, Con của Mẹ Maria đã đem xuống trần gian cho mọi người trong đêm Giáng sinh, để chúng ta biết sống hòa thuận thương yêu nhau, đoàn kết xây dựng hòa bình trên quê hương đất nước và trên toàn thế giới hôm nay.
  • Lạy Hoàng Tử Hòa Bình vừa hạ sinh, nhờ sự can thiệp của Nữ Vương Hoà Bình, xin ban cho nhân loại được hưởng niềm hoà bình viên mãn và tuôn tràn nguồn an bình đích thực xuống trong mỗi tâm hồn chúng con. Amen.

     

     

    4. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)

    MARIA VÀ HÀI NHI

    “Mẹ sinh Chúa thiên đình, Đấng Tạo thành nên Mẹ…”

    Đây là một câu trong Ca vãn kính Đức Mẹ ở thế kỷ 11.

    Người không có đức tin sẽ chẳng thể nào hiểu nổi.

    Làm sao một phụ nữ có thể sinh ra Đấng đã tạo nên mình?

    Nhưng đây lại là đức tin của kitô hữu chúng ta.

    Chẳng ai chối cãi chuyện Mẹ Maria sinh Đức Giêsu.

    Nhưng nếu ta tin người con đó là Ngôi Lời nhập thể,

    là Thiên Chúa Con Một xuống thế làm người

    là Đấng Tạo Thành mọi thụ tạo, trong đó có Mẹ (Ga 1,1-18),

    chúng ta mới hiểu được ý nghĩa của câu:

    “Mẹ sinh Chúa thiên đình, Đấng Tạo thành nên Mẹ…”

    Chúa Cha là Đấng tự hữu, không do ai sinh ra.

    Chúa Con được Chúa Cha sinh ra từ vĩnh cửu

    và có cùng thiên tính với Chúa Cha.

    Chúa Con được Chúa Cha sai xuống trần gian,

    làm người để cứu độ cả nhân loại.

    Vì muốn mang trọn phận người như chúng ta,

    Chúa Con cần được sinh ra bởi một người mẹ trần thế.

    Maria là người được Thiên Chúa tuyển chọn làm Mẹ.

    Chúa Con được cưu mang và lớn lên trong bụng Maria,

    và được Mẹ sinh ra như bao trẻ em khác.

    Cùng với các mục đồng, chúng ta hãy đến Bê-lem,

    để ngắm nhìn một bà mẹ mới sinh con.

    Bé sơ sinh được mẹ quấn tã và đặt trong máng cỏ.

    Nếu chúng ta tin em bé ấy là Thiên Chúa làm người,

    chúng ta sẽ quỳ xuống trước hang đá

    để thờ lạy một Thiên Chúa yêu thương và khiêm hạ.

    Chúng ta cũng sẽ nhận ra khuôn mặt của Mẹ Maria,

    người phụ nữ đã sinh ra Thiên Chúa làm người,

    sinh ra Đấng Emmanuel.

     

    Chúng ta thường nghĩ Đức Maria biết rõ mọi sự

    về Người Con do mình cưu mang và sinh ra,

    vì ngay từ lúc truyền tin,thiên sứ đã nói cho Mẹ biết rồi.

    Thật ra Mẹ Maria từ từ hiểu về Con của Mẹ.

    Đức Giêsu mà mẹ dạy dỗ, gần gũi, dưỡng nuôi,

    là một mầu nhiệm từng ngày vén mở dưới mắt Mẹ.

    Mẹ biết Con của Mẹ là Đấng Mêsia, là Vua,

    nhưng Ngài lại không phải là vua kiểu trần gian,

    với quyền lực và vinh quang trần thế.

    Mẹ biết Con của Mẹ là Con Thiên Chúa,

    nhưng để hiểu ý nghĩa thực sự của tước vị này,

    Mẹ cần nhiều thời gian, nghiền ngẫm và cầu nguyện.

    Maria là người có lòng tin.

    Lòng tin đòi Mẹ suy nghĩ, nghiền ngẫm

    những biến cố xảy ra mà lúc đầu không sao hiểu nổi.

    Mẹ đã từng đặt câu hỏi cho thiên sứ Gabriel:

    “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào?” (Lc 1,34)

    Mẹ không hiểu nên hỏi, và đi tìm câu trả lời.

    Giờ đây khi các người chăn chiên kể chuyện

    thiên sứ đã hiện ra với họ để báo tin mừng,

    Maria đã lắng nghe, suy nghĩ và có những câu hỏi.

    Không phải lúc nào Mẹ cũng thấy

    một câu trả lời rõ ràng ngay lập tức.

    Khi nhìn vào những gì đang xảy ra cho Hài Nhi,

    nghèo khó, long đong, bị hất hủi, thiếu thốn mọi sự,

    Mẹ nhớ lại lời thiên sứ, lời mục đồng…

    Vẫn thói quen của Mẹ: “ghi nhớ mọi chuyện ấy

    và suy đi nghĩ lại chúng trong trái tim mình” (Lc 2,19).

    Mừng lễ Thánh Maria là Mẹ Thiên Chúa nhập thể,

    chúng ta thấy Mẹ không xa cách với phận người.

    Mẹ cũng là người đã vất vả trong hành trình đức tin, để hiểu và đón lấy những biến cố Chúa gửi đến.

    Mẹ chỉ hiểu hết về Đức Giêsu, Con của Mẹ,

    sau khi Ngài hoàn tất mầu nhiệm chết và phục sinh.

     

    Trên thiên đàng, có khi nào Mẹ ngây ngất khi nhớ lại

    mình đã nhiều năm ở bên một vị Thiên Chúa,

    đã dưỡng nuôi và đã góp phần làm cho Ngài lớn lên?

    LỜI NGUYỆN

    Lạy Mẹ Maria,

    Chúng con tạ ơn Chúa Giêsu

    đã ban cho chúng con một người mẹ

    như quà tặng vô giá lúc Người sắp lìa đời.

    Mẹ được chọn làm thân mẫu của Chúa

    và được ban đầy ân sủng siêu phàm,

    khiến muôn thế hệ phải ngợi khen chúc tụng.

    Nhưng Mẹ cũng là tỳ nữ mọn hèn

    luôn mau mắn thi hành ý định của Thiên Chúa,

    dù Mẹ chẳng hiểu hết được mầu nhiệm cao sâu.

    Chúng con tưởng Mẹ sẽ đi trên con đường đầy hoa,

    nhưng thật ra Mẹ đã đi con đường của Chúa,

    con đường gập ghềnh và trắc trở,

    với lưỡi gươm sắc đâm thấu tâm hồn.

    Trong đời Mẹ có bao tiếng xin vâng trên môi,

    từ tiếng xin vâng đầu tiên đến tiếng xin vâng trên núi Sọ.

    Những tiếng xin vâng này

    kết hợp với tiếng xin vâng của Con Mẹ

    để Người đem ơn cứu độ cho chúng con.

    Lạy Mẹ Maria,

    là Mẹ Chúa Giêsu và là Mẹ chúng con.

    Mẹ đã sống trọn phận người như chúng con,

    và đã chiến thắng sau khi kết thúc cuộc đời trần thế.

    Mẹ hiểu chúng con cần lời chuyển cầu của Mẹ biết bao

    đang khi phải chiến đấu giữa trần gian đầy sóng gió.

    Ước gì chúng con cũng có phúc vì đã tin như Mẹ,

    có phúc vì đã làm cho Con của Mẹ được sinh ra,

    và lớn lên trong thế giới hôm nay. Amen.

    Tag:

    2024-01-01