Ngày 17/01: Thánh Antôn viện phụ (251-356), lễ nhớ

Đức GiêSu Đã, Đang Và Mãi Mãi Yêu Chúng Ta Cho Đến Cùng

"Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta"

Ngày 17/01: Thánh Antôn viện phụ (251-356), lễ nhớ

Ngày 17/01: Thánh Antôn viện phụ (251-356), lễ nhớ

THÁNH ANTÔN (251-356)
VIỆN PHỤ

Lễ nhớ

1. Ghi nhận lịch sử - Phụng Vụ

Lễ nhớ đến vị thầy của đời sống tâm linh và là tổ phụ của các ẩn sĩ được cử hành vào ngày 17.01, đã có từ khởi đầu thế kỷ thứ V trong các lịch của Syriaque, Copte và Byzantin. Ở Phương Tây, việc tôn kính vị thánh này chỉ xuất hiện vào thế kỷ thứ IX. Chúng ta chỉ được biết về thánh nhân qua quyển “Cuộc đời thánh Antoine” do người bạn của ngài là thánh Athanase viết, sau khi thánh nhân qua đời ; Hạnh thánh Antoine là quyển sách gối đầu của thánh Augustinô và thánh Martin cũng như nhiều vị thánh khác.

Thánh Antoine, được gọi là Cả hay Đan viện phụ, sinh tại Queman, miền Thượng Ai Cập, vào năm 251 từ một gia đình Kitô giáo. Vào khoảng 20 tuổi, khi nghe một đoạn Phúc Âm trong Thánh lễ : “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời ; rồi hãy đến theo tôi” (Mt 19,21). Cuộc đời ngài đã thay đổi. Nắm từng chữ của Phúc Âm, ngài bán đi tài sản của mình, bố thí cho kẻ nghèo và bắt đầu đi học với một vị ẩn sĩ già đạo đức, dạy cho ngài biết chia đời sống ra thành những giờ cầu nguyện, đọc Lời Chúa và lao động tay chân. Sau đó ngài rút vào sa mạc Thébaide ; trong vùng cô tịch này, ngài phải chiến đấu với các cơn cám dỗ nặng nề trong vòng 15 năm.

Antoine thu hút được nhiều đệ tử cùng chí hướng, muốn sống đời ẩn tu hay khổ tu, mỗi người sống trong một lều riêng cách biệt nhau. Tiếng tâm vị thánh vang rất xa, vươn khỏi xứ Ai Cập ; vị Thượng phụ Giáo chủ ở Alexandrie là thánh Athanase cũng là một trong các bạn hữu của ngài.

Vào năm 311, dưới thời bách hại của hoàng đế Maximin Daia, Antoine rời bỏ sa mạc, tuyên bố rằng : “Chúng ta hãy đi chiến đấu cùng với bạn bè chúng ta”. Ngài đến Alexandrie để động viên các tín hữu bị bách hại, bị bỏ tù hay bị kết án lao động khổ sai. Ngài trở lại thành này một lần nữa để giúp đỡ thánh Athanase trong việc chiến đấu với bè rối Arius.

Trở về sa mạc, ngài cắm lều gần Biển Đỏ, dưới chân núi Quelzoum, có một dòng suối và một cụm dừa. Đó là nguồn gốc Đan viện Copte ngày nay của thánh Antoine. Vị thánh đan sĩ này sống đến 150 tuổi và qua đời cách thánh thiện trong căn lều của mình, khi dạy các môn đệ : “Hãy sống như anh em phải chết hàng ngày. Hãy cố gắng bắt chước các vị thánh”.

Các ảnh tượng cho thấy thánh Antoine bị ma quỷ cám dỗ, đang khi ngài cầu nguyện giang tay theo hình Thánh giá, và một con heo, nhắc nhớ lại một đặc ân của Nhà trú của thánh Antoine : vào thời Trung cổ, các vị này có quyền để cho các con heo của mình đi lang thang trong thành phố, cổ đeo một chuông nhỏ.

Thánh Antoine được kể vào số 14 vị thánh Bảo Trợ và thường được kêu cầu để chống lại Lửa thánh Antoine. Ngài cũng được xem như thánh quan thầy cho các thú vật trong nhà.

2. Thông điệp và tính thời sự

Thánh Antoine, tổ phụ các ẩn sĩ Ai Cập, là một mẫu mực cho mọi tâm hồn đi tìm Chúa, không gắn bó những gì đã qua, nhưng luôn giữ Lời Chúa trong tâm hồn.

a. Thánh Vịnh 91 gợi lên đời sống cô tịch của thánh nhân trong sa mạc, hoàn toàn dùng để cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa và làm việc : Người công chính lớn lên như cây dừa, giương cao như cây hương bá xứ Liban.

- Sa mạc biểu trưng cho việc từ bỏ, dứt bỏ, nơi Đức Giêsu mời chúng ta đến : Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo...Rồi hãy đến theo tôi (Phúc Âm : Mt 19,16-21).

- Sa mạc là nơi, hay là biểu trưng cho sự thử thách, chiến đấu và khổ hạnh. Theo gương Đức Giêsu Đấng được dẫn vào sa mạc để chịu thử thách (Mt 4,1) và bước ra như người chiến thắng, Antoine chọn sự cô tịch nơi Thébaide, chiến đấu với ma quỷ và sống một cuộc đời anh hùng để yêu mến Chúa “trên hết mọi sự”.

Bài đọc một (Ep 6,10.18) : Chúng ta chiến đấu với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm..., nhắc nhớ đến những cuộc chiến đấu kiên cường của thánh Antoine chống lại các thần lực xấu suốt 15 năm khi ngài ở trong sa mạc. Thánh Athanase đã nói điều này trong Hạnh thánh ; truyền thuyết và mỹ thuật làm cho những hình ảnh này nổi tiếng. Antoine, bước ra khỏi sa mạc như một kẻ chiến thắng, dạy cho chúng ta biết phấn đấu đẩy lui các thần xấu : “Không có gì làm cho linh hồn yếu đuối trở nên mạnh mẽ bằng việc kính sợ Thiên Chúa, cầu nguyện và chiêm niệm không ngừng Lời Chúa... Dấu Thánh giá và niềm tin vào Chúa chúng ta là những tường lũy bất khả xâm phạm”.

Ngày kia, sau một cuộc chiến đấu, thánh Antoine la lên: “Lạy Chúa và Thầy của con, Chúa ở đâu ?” Một tiếng nói thiêng linh đáp lại : “Ta ở gần ngươi. Ta thấy tất cả cuộc chiến của ngươi và, bởi vì ngươi đã chống cự lại ma quỷ, Ta sẽ bảo vệ phần còn lại cuộc đời của ngươi..”..

Thánh Antoine nói với các môn đệ : “Con người chỉ tốt lành, khi nào Thiên Chúa ở trong người đó”. Vì thế, nhờ được kiên vững bằng Mình Máu Thánh Chúa Kitô, chúng ta cầu xin Chúa ban cho chúng ta “có khả năng chống lại mọi chước cám dỗ” và “chiến thắng quyền lực thống trị bóng tối” (Lời nguyện hiệp lễ).

Tag:

2020-03-16