NGƯỜI VỢ ĐẢM ĐANG TRONG Cn 31,10-31
Lm. Phanxicô Xaviê Vũ Phan Long, O.F.M.
A. CA TỤNG MỘT PHỤ NỮ
Tuy cũng là một bản văn nói về phụ nữ, chân dung này có những
đường nét khiến nó trở thành độc nhất vô nhị trong Cựu ước. Đây là một bài thơ dài nói về một người phụ nữ vô danh. Bà
Giuđitha cũng đã được ca tụng bằng những vần thơ (x. Gđt 13,18–20; 15,9–10), nhưng ngắn hơn và do một hành vi lẫy lừng,
còn “người vợ đảm đang”[1] (có thể hiểu là có tài và sự
can trường) này dường như đã nổi bật từ nhiều năm rồi. Bản văn này còn là một
bài thơ mẫu tự: mỗi câu bắt đầu bằng một từ có con chữ đầu theo thứ tự của bảng
chữ cái Hípri. Phương pháp văn chương này có mục tiêu nêu bật một toàn thể, “từ
a đến z” (x. Tv 9–10; 37; 111–112;
119; Nkm 1,2–8; Ac 1–4), ở đây nhằm nêu bật phẩm chất ngoại hạng của người phụ nữ
này.
Các nhà chú giải chưa đồng ý với nhau mà cho rằng đây là một
phụ nữ có thật hay chỉ là một hư cấu của thơ văn; còn đa số các bản dịch Kinh Thánh hiện đại dịch các động từ của
bài thơ này ra thì hiện tại phi thời gian. Ngoài ra người ta cũng nhấn mạnh đến
đặc tính lý tưởng hóa của chân dung này, mà cho rằng không thể tưởng tượng ra một
người phụ nữ như thế trong đời thường.
Tuy nhiên, một vài nhà chú
giải có lý khi nhận xét rằng tất cả các động từ của bài chỉ có thể được giải
thích đúng đắn về phương diện ngữ pháp nếu quy chiếu về quá khứ, ngoại trừ một
vài chỗ hiển nhiên (x. cc. 10a.31). Do đó, có những tác giả cho rằng đây là một
bài điếu văn nói về một người vợ cũng là một người mẹ vừa mới qua đời. Chúng ta
biết bài văn tế trứ danh Đavít khóc vua Saun và hoàng tử Giônathan (x. 2 Sm 1,19–27), chứ không biết đến bài
văn tế nào ở Cận Đông thời cổ dành cho một phụ nữ.
AlWolters[2] đã cho thấy rằng bài thơ này
cùng một thể loại “ca ngợi” như các Tv 111–112.
Bài Tv ca ngợi thường được dẫn nhập
và kết thúc ngắn gọn, còn phần thân thì cung cấp dài dòng các lý do ca ngợi. Phần
kết nhắc đến sự tham dự của những người khác vào việc ca ngợi này (x. Tv 111,10; 112,9). Chúng ta thấy các Tv này và Cn 31 có một điểm giống nhau đặc biệt: Hai Thánh vịnh mở đầu bằng tiếng Halêluia, hallyh, “Hãy ca ngợi Đức Chúa”; Cn
31,31b kết thúc bằng “Ước chi nàng luôn được tán dương”, bằng tiếng Hípri
là hallh, nghe rất gần với hallyh. Trong thể “ca ngợi”, bài điếu
văn có thể coi là một thể nhỏ.
Như thế, ba câu 10–12 có thể được coi như phần mở. Người phụ
nữ này là một tấm gương họa hiếm, chứ không phải là phi thường (x. c. 29). Những
phụ nữ như thế đáng giá hơn của cải giàu sang. Phẩm chất đầu tiên của người phụ
nữ mà bản văn ca ngợi, đó là sự hòa hợp với chồng. Chàng có thể tin tưởng nơi
nàng và nàng cũng chưa bao giờ làm cho chồng phải thất vọng, theo nghĩa là nàng
biết chịu trách nhiệm về mọi công việc trong nhà, và làm cho mọi việc sinh lợi
“suốt đời nàng”, tức là cho đến khi nàng qua đời, mà ta không biết nguyên nhân.
Bốn câu cuối (cc. 28–31) là kết luận. Các người con hòa tiếng
với người chồng để ca ngợi nàng có phúc. Lời ca ngợi còn nhấn mạnh rằng nàng trổi
vượt hơn nhiều phụ nữ khác về sự “đảm đang” (Hyil). Hẳn là có phần phóng đại, nhưng hiểu được khi người ta than
khóc một người vợ hay một người mẹ đáng trọng đáng yêu. Mở đầu đã nói là nàng
quý giá hơn châu ngọc; nay tác giả thêm là giá trị của nàng không phải là sự
“duyên dáng” hay “sắc đẹp” (vì đã già rồi?), mà là sự hiểu biết (Bản LXX), hay là lòng kính sợ Đức Chúa
(Hípri). Khi đó, độc giả hiểu được câu cuối: tác giả yêu cầu là việc ca ngợi phải
trở thành một hành vi công khai, chính thức, “nơi cổng thành”, nơi hội họp của
Hội đồng và dân chúng.
B. CÁC LÝ DO CA TỤNG
Phần thân của bài thơ (cc. 13–27) ca tụng con người đặc biệt
ấy. Rõ ràng đây là một phụ nữ có bản lãnh. Để mô tả nàng, tác giả không sắp xếp
tư tưởng cầu may, chỉ để tôn trọng thứ tự các con chữ. Phải nói là bài thơ được
bố cục rất khéo. Sợi chỉ đỏ xuyên suốt cả bài, đó là những nhận định về công việc
của nàng. Trong thực tế, nàng điều khiển một xưởng dệt gia đình. Nàng chọn lọc
nguyên liệu, là len và vải gai (c. 13). Nàng dệt bằng hai dụng cụ, guồng kéo sợi
và suốt chỉ (c. 19). Nàng may những bộ áo dày, có lẽ là những bộ áo hai lớp (c.
21). Các chất liệu quý giá: vải gai mịn của Ai Cập, trắng tinh, người ta mặc
sát người, và vải tía do màu thuốc nhuộm chiết từ một loại sò ở bờ biển Tia. Vậy
đây là những bộ y phục sang trọng (c. 22). Nàng còn dệt vải và làm dây lưng để
bán (c. 24) có lẽ cho các nhà buôn Phêniki. Như thế, nàng là một con người có
óc thực tế.
Ngoài ra, có những dữ kiện khác được kể ra để hoàn tất bản
mô tả. Các câu 19 và 20, vừa tương đồng vừa tương phản, có thể được coi là chia
bản mô tả thành hai. Để thấy rõ các điểm tương đồng và tương phản, chúng ta tạm
dịch sát lại như sau:
a– Nàng đưa tay vào guồng kéo sợi
b– Và lòng bàn tay nàng nắm lấy suốt chỉ (c. 19)
b’– Nàng hướng lòng bàn tay về phía người nghèo khổ
a’– Và nàng đưa tay về phía kẻ khốn cùng (c. 20).
Quả thật, cc. 13–19 mô tả các sinh hoạt của người phụ nữ chủ
nhà, còn cc. 20–27 nêu bật một số đức tính của nàng, nhất là lòng vị tha.
Về các sinh hoạt (cc. 13–19), độc giả ghi nhận nàng hết sức
bận rộn: nàng thức dậy rất sớm và đi ngủ thật khuya. Nàng cung cấp lương thực
cho cả nhà, kể cả rượu, vì nhờ có huê lợi, nàng đã tậu được một vườn nho. Nàng
đánh giá được mức thu nhập, mà chính nàng cũng góp phần vào nhờ ra tay dệt vải.
Phần thứ hai (cc. 20–27) cho thấy nàng quan tâm đến những
người khác. Những người nghèo khổ khốn cùng được hưởng nhờ lòng nhân hậu của
nàng đầu tiên. Trong khi nàng đảm bảo cho sinh hoạt bên trong gia đình và hoạt
động của xưởng dệt được xuôi chảy, chồng nàng thuộc hàng “kỳ mục trong dân”, tức
là hàng lãnh đạo đảm bảo về trật tự trong các sinh hoạt địa phương, bàn thảo về
các kế hoạch và giải quyết các tranh chấp giữa dân chúng. Những nhận xét cuối
cùng thật tích cực: nàng có uy quyền danh giá, thanh thản nhìn về tương lai,
khôn ngoan khi ăn nói, dịu hiền khi dạy dỗ (c. 26), nàng để mắt đến mọi việc
(c. 27).
C. CHÂN DUNG NÀY BỔ
TÚC CHO PHẦN MỞ ĐẦU (CN 1–9)?
Bài thơ ca tụng người phụ nữ gương mẫu trên cho thấy nàng có
một sự khôn ngoan vừa chuyên cần trong công việc vừa quan tâm đến người khác.
Phải chăng bài này có một chiều kích biểu tượng?
Phải chăng người phụ nữ tượng trưng Đức khôn ngoan? Cn 8,22–31 đã nhắc đến xuất xứ và thời
thơ ấu của Đức khôn ngoan, còn Cn 9,1–6
cho thấy Đức khôn ngoan khai trương nhà mình. Phải chăng Cn 31,10–31 cũng mô tả Đức khôn ngoan ấy, mà nay đã đến thời chín
muồi của người phụ nữ? Chúng ta không thể chứng minh được điều này.
Nhưng điều chắc chắn đúng, đó là người vợ và người mẹ đáng
khâm phục này đã cụ thể hóa tất cả lý tưởng về minh triết. Nàng chỉ đạt được
như thế nhờ đón nhận giáo huấn của các hiền nhân và nhất là, giống như các
ngài, nhờ có Đức khôn ngoan trên cao ở với mình. Chính vì thế, ta có thể hiểu
vì sao các soạn giả sách Châm ngôn đã
đặt chân dung này vào cuối sách, và hơn nữa vì sao, trong bản văn Hípri, các
ngài đã nói rõ là người phụ nữ có lòng kính sợ Đức Chúa (c. 30): Phần Mở đã xác
định điều này như là chính nguyên lý đưa đến sự khôn ngoan (x. 1,7; 9,10).
Quả thật, Phần Mở đầu đã cung cấp một sự tương phản rất rõ
nét giữa người phụ nữ trắc nết trong Cn 7
và Đức khôn ngoan của Cn 8. Bức tranh
bộ đôi Cn 9,1–6.13–18 còn nhấn mạnh
thêm nữa. Những lời khuyên của người cha dọc theo Phần Mở lưu ý đề phòng người
đàn bà xa lạ (x. chẳng hạn Cn 5,15–20);
đôi khi bà này được mô tả rất thực tế. Hẳn là để đối trọng lại những chân dung
tiêu cực kia, các hiền nhân đã đưa chân dung cũng rất thực tế về người phụ nữ
gương mẫu vào sách. Nhưng áp dụng cho Đức khôn ngoan thì e rằng không mấy thích
hợp, bởi vì Đức khôn ngoan không phải là một phụ nữ của trần gian này, mà là sự
khôn ngoan của Thiên Chúa được nhân–cách–hóa. Các lời khuyên nhủ của người cha ở
Cn 5,15–19, với những hình ảnh đưa trở
về với sách Diễm ca (x. Dc 4,1; 5,1 // Cn 5,18.19), vẫn chỉ là những lời mời gọi sống trung thành với người
vợ hợp pháp mà thôi.
Trích Bản tin Hiệp
Thông / HĐGMVN, Số 100
(Tháng 5 & 6 năm 2017)
WHĐ (12.02.2022)
Giống như Rút (R 3,11), người
phụ nữ này được gọi là ´šet-Hayil, “phụ nữ mạnh” (LXX: gynaika andreian; Neo Vg: mulierem fortem; TOB: femme de valeur; BJ: parfaite maỵtresse, maỵtresse
femme).
“Proverbs XXXI 10–31 as Heroic Hymn. A Form-critical Analysis”, trong Vetus Testamentum 38 (1988) 445–457.