TGP.Huế - Bài giảng Thánh Lễ ngày 03.11.2020 – Tĩnh Tâm Linh Mục Đoàn TGP Huế 2020

Đức GiêSu Đã, Đang Và Mãi Mãi Yêu Chúng Ta Cho Đến Cùng

"Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta"

TGP.Huế - Bài giảng Thánh Lễ ngày 03.11.2020 – Tĩnh Tâm Linh Mục Đoàn TGP Huế 2020

TGP.Huế - Bài giảng Thánh Lễ ngày 03.11.2020 – Tĩnh Tâm Linh Mục Đoàn TGP Huế 2020

Lm. Giuse Nguyễn Văn Chánh, Đại diện Giám mục đặc trách đào tạo Linh mục và Tu sĩ.

(Pl 2,5-11; Lc 14,15-24)

Cộng đoàn Phụng vụ quý mến,

Con xin chia sẻ hai ý của Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay.

A- Người tôi tớ PHỤC VỤ:

Qua bài Tin Mừng, Chúa Giêsu nói đến ông chủ kia có sáng kiến làm tiệc lớn. Để thực hiện ý muốn tốt đẹp ấy, ông chủ cần có các đầy tớ vâng lời, nhanh nhẹn ra đi đó đây mời quan khách đến dự tiệc. Họ được sai đi đến nhiều nơi, gặp nhiều người, nhiều hoàn cảnh và tâm trạng khác nhau… Kết quả cũng đa dạng: thất bại có, thành công có, vui buồn đan xen …

Để xây dựng Hội Thánh, “ Chúa Kitô đã ban cho kẻ này làm tông đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và dạy dỗ. Nhờ đó, dân thánh được chuẩn bị để làm công việc phục vụ, là xây dựng thân thể Chúa Kitô “(x. Ep 4,11-13).

Quả thật, Chúa đã tin cẩn, tín nhiệm, trao phó trách nhiệm và quyền hành cho các Giám mục, Linh mục để phục vụ Dân Chúa như là người TÔI TỚ.

Để phục vụ tốt và hoàn thành mỹ mãn công việc, người tôi tớ cần phải:

1- Nghĩ đến người khác nhiều hơn nghĩ về mình. “Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho Thiên Chúa và cho người khác (x Pl 2,4).

Quá quan tâm chính mình, ta sẽ không còn thời giờ và sức lực cho người khác.

2- Phải suy nghĩ và làm việc như một quản gia, chứ không như người chủ, bởi vì chỉ Thiên Chúa mới là chủ mọi sự.

3- Đã là tôi tớ, thì phải trung thành với chủ: “Người ta đòi hỏi ở người quản gia một điều, là phải trung thành” (x. 1 Cr 4,2).

4- Để khích lệ các tôi tớ là chúng ta đây, Chúa Kitô đã lấy chính bản thân Ngài làm mẫu: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ; nhưng để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc cho muôn người” (Mc 10, 45).

Sau khi rửa chân cho các môn đệ, Chúa dặn dò: “Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em“ (Ga 13,15).

5- Là người tôi tớ, chúng ta hãy nhớ: Tài năng và đức độ không hiện ra ở cái lưỡi, mà ở đôi tay phục vụ. Chúa tâm sự: “Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ” (Lc 22, 27).

Sứ mạng này được tóm gọn trong một bài hát quen thuộc của giới trẻ:

Phục vụ là trao không,

Phục vụ là quên mình,

Phục vụ không đòi đền đáp,

Phục vụ ân nghĩa không chờ,

Phục vụ đầy hy sinh,

Phục vụ đầy thân tình,

Phục vụ cùng Chúa Kitô,

Phục vụ như Chúa Kitô.

6- Trên thiên đàng, Thiên Chúa sẽ công khai tưởng thưởng các tôi tớ vô danh của Ngài, những kẻ không bao giờ được chú ý, được nhắc nhở đến trên trần gian.

Ngay cả các việc nhỏ nhặt nhất cũng được Ngài nhìn thấy và khen thưởng, dù đó chỉ là một ly nước lã (x Mt 10,42), hay là hai đồng xu của bà góa cúng Đền thờ (x Lc 21,1-4).

Đối với Chúa, không có gì nhỏ bé khi được làm với tình yêu vĩ đại, có sức loan báo Tin Mừng.

B- Trong Bài đọc 1, Thánh Phaolô nêu bật Đức tính cần có của người tôi tớ phục vụ, đó là khiêm nhường.

1- Lúa lép luôn ngẩng cao đầu ngạo nghễ cùng tuế nguyệt. Kẻ nông cạn sợ người ta khinh thường, càng cố thể hiện bản thân, thì càng dễ để lộ khuyết điểm. Cây cao thì gió lớn, làm người mà quá hiển thị bản thân thì dễ rước họa vào thân; bởi vì ”Chúa dẹp tan phường lòng trí kiêu căng, Chúa hạ bệ những ai quyền thế“ (Lc 1,51-52).

Hữu xạ tự nhiên hương. Người có tài đức song toàn thật sự thì giống như hoa thơm; không quảng bá ồn ào, nhưng thiên hạ đều biết và ngưỡng mộ. Họ làm việc âm thầm lặng lẽ; bao giờ cũng “vô ngã vị tha”, làm việc để cứu độ chúng sinh, chứ không cầu và không cần danh lợi. Xong việc, họ rút lui ẩn mình “chân nhân bất lộ tướng” (x Lc 17,10).

Hạt lúa chín thì chúc đầu xuống; tâm hồn cao cả luôn khiêm nhường.

2- Khiêm nhường không chỉ là cúi xuống rửa chân kẻ khác; mà còn biết cởi giày mình ra để kẻ khác rửa chân cho. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân; sẵn sàng xin lỗi; mau chóng uốn nắn sửa sai khuyết điểm của mình. Đó là mẫu hình lý tưởng cho một nền “văn minh tâm hồn”. Họ đáng được quý trọng lưu danh biết bao, vì biết từ bỏ tham vọng “hơn người”, để chỉ cố gắng “nên người”.

Đừng thấy cái bóng to của mình trên vách mà tưởng mình vĩ đại.

3- Thánh Giáo hoàng Grêgôriô Cả huấn đức:

“Khi dạy dỗ, người kiêu ngạo tự đặt mình ở trên cao và coi kẻ họ dạy dỗ là người ở mãi bên dưới, như hạng cùng đinh. Vì thế, họ nói theo giọng điệu thống trị chứ không phải khuyên lơn.”

Linh mục phải cố gắng vừa dùng lời nói để rao giảng, vừa dùng đời sống để biểu lộ đức khiêm nhường, là thầy và là mẹ của mọi nhân đức. Người mục tử có uy tín là người làm trước, nói sau. Lời nói kiêu căng không thuyết phục được ai; nhưng hành động tốt lành mới làm cho người ta tín nhiệm. Người tôi tớ đích thực ứng xử kín đáo, không tự đề cao hay tạo sự chú ý, không cho tay trái biết việc tay phải làm (x Mt 6,3; PVGK Sách, thứ 4/tuần 9 TN).  

Anh em hãy lấy đức khiêm nhường mà đối xử với nhau, vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (1 Pr 5,5).

Khiêm nhường bao nhiêu cũng chưa đủ; kiêu căng một chút đã quá nhiều.

Thiếu khiêm nhường, ta sẽ không bao giờ có thể tiến lên trên con đường thánh thiện.

4- Lần đầu tiên được diễm phúc Tĩnh Tâm Năm tại La Vang, chúng ta hướng nhìn lên Đức Mẹ. Mẹ xác tín: mình chỉ là tôi tớ hèn mọn của Chúa (x Lc 1,38), mọi sự đều là hồng ân của Chúa, nên Mẹ đã tri ân Chúa bằng cách khiêm cung sống tinh thần nữ tì (x Lc 1,38), quảng đại hiến thân, cúi xuống phục vụ mọi người (x Ga 2,3).

Kết quả: Mẹ đã được nâng lên thật cao, lên tới tận thiên đàng cả hồn lẫn xác!

5- Trần gian dùng các bậc thang để trèo lên, Chúa Giêsu lại dùng để bước xuống.

Là Thiên Chúa cao sang, Ngài đã tự nguyện hạ mình xuống làm một người dân dã nghèo hèn. Là thánh thiện vô cùng, Ngài đã tự nhận lấy thân phận tội đồ. Suốt đời, Ngài đã không ngừng cúi xuống những thân phận tăm tối, nghèo hèn, tội lỗi, bị loại trừ.

Trong bữa tiệc ly, Ngài quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ. “Ngài đã hạ mình xuống tận cùng, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,8).

Vì thế, Thiên Chúa đã ân thưởng bằng cách siêu tôn Ngài lên, tặng ban danh hiệu trổi vượt trên mọi danh hiệu: Đức Giêsu Kitô là Chúa (x Pl 2,11).

6- Sung sướng và ấm lòng biết bao, nếu mỗi chúng ta được nghe Chúa khen thưởng và đánh giá cao: “Khá lắm, hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành…Hãy đến mà hưởng niềm vui của chủ anh” (Mt 25,23). Amen.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Chánh

Tag:

2020-11-07