TGP.Huế - Nhật ký Tuần Tĩnh Tâm Năm 2020 của Linh Mục Đoàn TGP Huế – Ngày 03.11.2020

Đức GiêSu Đã, Đang Và Mãi Mãi Yêu Chúng Ta Cho Đến Cùng

"Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta"

TGP.Huế - Nhật ký Tuần Tĩnh Tâm Năm 2020 của Linh Mục Đoàn TGP Huế – Ngày 03.11.2020

TGP.Huế - Nhật ký Tuần Tĩnh Tâm Năm 2020 của Linh Mục Đoàn TGP Huế – Ngày 03.11.2020

Lúc 05g00 sáng thứ ba, ngày 03.11.2020, tiếng chuông báo thức rộn rã vang lên, mời gọi quý Cha tiếp tục ngày sống với Chúa bằng sự hiệp thông dâng Thánh lễ đồng tế.

Dẫn vào Thánh lễ, Đức TGM Giuse nhắc lại tình hình Giáo hội Việt Nam đã và đang trải qua sau những cơn dịch và những trận lũ lụt, cũng như những khó khăn thử thách mà các linh mục đang phải đối mặt, để mời gọi quý Cha tha thiết cầu xin Chúa Thánh Thần là ánh sáng soi dẫn thế giới, soi dẫn Giáo Hội và soi dẫn mỗi người. Hơn nữa, quý Cha đang hiện diện tại linh địa Đức Mẹ La Vang, bù cho những tháng ngày dịch bệnh và lũ lụt không thể thực hiện các chương trình bên Mẹ. Xin Mẹ bảo trợ nâng đỡ mỗi người sau cuộc tĩnh tâm trở về với một trái tim mới, một tinh thần mới và một lời xin vâng mới như Mẹ.

Theo bài Tin mừng Lc 14,15-24, Cha Giuse Nguyễn Văn Chánh, Đại Diện Giám mục đã chia sẻ hai ý: Người tôi tớ phục vụ và những đức tính cần có của người tôi tớ phục vụ. Đối với người tôi tớ phục vụ, ngài nhấn mạnh đến sáu điểm:

– Nghĩ đến người khác hơn nghĩ về mình.

– Phải suy nghĩ và làm việc như một quản gia chứ không như ông chủ, vì Thiên Chúa mới là chủ mọi sự.

– Đã là tôi tớ thì phải trung thành với chủ.

– Lấy Chúa Kitô làm gương – hạ mình xuống rửa chân cho anh em.

– Mỗi người cần nhớ: Tài năng và đức độ không hiện ra ở cái lưỡi, mà ở đôi tay phục vụ.

– Đối với Chúa, không có gì nhỏ bé khi được làm với tình yêu vĩ đại, có sức loan báo Tin mừng. Chúa sẽ thưởng công tất cả.

Cha Giuse dựa vào bài đọc 1 trích thư của Thánh Phaolô gởi Philipphê 2,5-11, để nêu bật đức tính cần có của người tôi tớ phục vụ là khiêm nhường. Vì sao phải khiêm nhường? Vì “Chúa dẹp tan phường lòng trí kiêu căng, Chúa hạ bệ những ai quyền thế” (Lc 1,51-52). Tâm hồn cao cả luôn khiêm nhường. Và qua mẫu hình lý tưởng cho một nền “văn minh tâm hồn”, đó là sẵn sàng xin lỗi, mau mắn uốn nắn sửa sai khuyết điểm của mình. Thiếu khiêm nhường sẽ không bao giờ có thể tiến lên trên con đường thánh thiện. Đồng thời, ngài cũng mời gọi nhìn vào mẫu gương khiêm nhường của Mẹ Maria và đặc biệt là Chúa Giêsu, đã hạ mình xuống, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết.

Kết thúc bài chia sẻ, Cha Giuse nói lên niềm sung sướng và ấm lòng khi mỗi người được Chúa khen thưởng và đánh giá cao: “Khá lắm, hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành… Hãy đến mà hưởng niềm vui của chủ anh” (Mt 25,23).

Đúng 08g30, quý Cha tiếp tục lắng nghe Đức Cha Matthêu chia sẻ đề tài: Từ Đức Kitô Thượng tế đến chức tư tế thừa tác. Ngài nhấn mạnh căn cước của các linh mục hết sức quan trọng, là hình ảnh sống động và trong suốt của Đức Kitô. Dựa vào thư Do thái, Đức Cha Matthêu cho thấy chức tư tế của Chúa Giêsu không xuất phát từ nguồn gốc Lêvi mà từ hình ảnh huyền bí của Menkixêđê, Ngài là vị Thượng tế đời đời và hiệu quả của hy lễ hoàn hảo của Ngài kéo dài vô tận. Linh mục là người phải nối tiếp và trải dài căn tính Thượng tế của Đức Giêsu trong mọi giai đoạn lịch sử.

Đức Cha Matthêu khẳng định trong toàn thể truyền thống Kitô giáo xuất phát từ Kinh Thánh đều nói về linh mục như người của Chúa, thuộc về Chúa, làm cho người ta suy nghĩ về Chúa. Vì thế, tất cả công việc thánh hóa bản thân linh mục phải được uốn nắn theo khuôn mẫu hy lễ mà ngài cử hành. Một người ngoại giáo không thể có được đức tin sâu xa bao lâu họ chưa thấy những bàn tay linh mục mang dấu tích thương đau, một linh mục sống như lễ vật hiến tế với Chúa Giêsu.

Kết thúc bài chia sẻ, Đức Cha Matthêu mời gọi mỗi linh mục hãy có lòng thương xót của Chúa Giêsu, biết thương xót đến những người đau khổ trong tâm hồn và nơi thân xác, những người nghèo nàn túng thiếu, bé nhỏ thấp kém, cô thân cô thế và bị gạt ra bên lề xã hội.

Lúc 14g00 cùng ngày,  Đức Cha Matthêu tiếp tục hướng dẫn với đề tài: Người môn đệ được Đức Kitô kêu gọi.

Đi từ kinh nghiệm của hai môn đệ trên đường Emmaus, nói theo ngôn từ của thánh Gioan Phaolô II: phải xuất phát lại từ Đức Kitô, một Đức Kitô đem lại ý nghĩa cuộc đời, cùng với niềm vui, sự tin tưởng và nhiệt tình tông đồ.

Ngày thứ hai được khép lại bằng giờ Sám hối, xưng tội và lãnh nhận phép lành của Chúa.

Ban Truyền Thông TGP Huế

Xin xem thêm một số hình ảnh:

 

Tag:

2020-11-04