TGP.Huế - Nhật ký Tuần Tĩnh Tâm Năm 2020 của Linh Mục Đoàn TGP Huế – Ngày 05.11.2020

Đức GiêSu Đã, Đang Và Mãi Mãi Yêu Chúng Ta Cho Đến Cùng

"Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta"

TGP.Huế - Nhật ký Tuần Tĩnh Tâm Năm 2020 của Linh Mục Đoàn TGP Huế – Ngày 05.11.2020

TGP.Huế - Nhật ký Tuần Tĩnh Tâm Năm 2020 của Linh Mục Đoàn TGP Huế – Ngày 05.11.2020

Ngày mới được bắt đầu bằng Thánh lễ đồng tế của linh mục đoàn với vị chủ tế là Đức Cha Matthêu Nguyễn Văn Khôi, vị giảng phòng.

Dẫn vào Thánh lễ, Đức cha Matthêu nêu lên tấm gương quan trọng của Thánh cả Giuse cho các linh mục noi theo, đó là sự thinh lặng không ngừng tìm kiếm Thánh ý Chúa và mau mắn thực thi. Ngài cũng nói lên những khó khăn tinh thần và vật chất của con dân trong Giáo phận Qui Nhơn, đặc biệt là Giáo phận còn thiếu nhiều linh mục trên cánh đồng truyền giáo này, để xin linh mục đoàn cùng thêm lời cầu nguyện.

Trong bài chia sẻ Tin Mừng, Cha Giuse Hồ Thứ, Giám đốc Đại Chủng Viện Huế đã chia sẻ về đức công chính của Thánh Cả Giuse. Trước hết, khi nói đến đức công chính, theo Thánh Phaolô thì có hai loại công chính, đó là công chính theo lề luật, nhưng loại công chính này thánh Giuse đã không làm theo, bằng chứng là ngài không tố cáo Đức Mẹ. Mà đức công chính của Thánh Cả Giuse là đức công chính mới, nghĩa là công chính sống theo đức tin. Cuộc đời Thánh Cả Giuse được bao phủ bởi đức tin và trong đức tin ngài gặp gỡ Thiên Chúa.

Thánh Giuse luôn kiên trì trong thinh lặng để lắng nghe tiếng Chúa, thực thi Lời Chúa cách nhanh chóng cũng trong thinh lặng. Thánh Giuse thinh lặng ngay cả khi hoạt động. Chính trong thinh lặng mà Thánh Giuse nhận ra sứ vụ: sứ vụ làm chồng, làm cha.

Cha Giuse cũng cho thấy sứ vụ của các linh mục cũng giống của Thánh cả Giuse. Trong những ngày tĩnh tâm này, có sự thuyên chuyển, mời gọi các linh mục đón nhận các Giáo xứ, giáo dân mà mình được sai đến như Thánh Giuse đón nhận Mẹ Maria vậy. Học gương làm cha của Thánh Giuse, để dạy dỗ, chăm sóc đoàn chiên được giao phó.

Kết thúc bài chia sẻ, Cha Giuse đề ra hai bài học: một là khiêm nhường, nâng niu, chìu chuộng, phục vụ con mình như một đầy tớ. Tuy bên trong gia đình và ngoài xã hội ngài là cha, là bề trên của Đức Giêsu nhưng trong thâm sâu, ngài kính trọng, suy phục Giêsu như bề trên. Điều này soi chiếu cho các linh mục cũng nên kính trọng và phục vụ những đứa con thiêng liêng Chúa đã, đang và sẽ trao phó cho mình. Bài học thứ hai của thánh Giuse là hy sinh quên mình, mời gọi mỗi người dùng hết khả năng, sức khỏe phục vụ cộng đoàn mình được sai đến.

Đúng 08g30, quý Cha tiếp tục được lắng nghe Đức Cha Matthêu chia sẻ đề tài: “Anh em với nhau trong chức linh mục”.

Đức Cha Matthêu nói đến thực trạng bầu cử Tổng thống bên Mỹ khiến dân chúng chia rẽ nhau. Nhìn ra bên ngoài các nước cũng chia rẽ nhau và nhìn vào chính mình, vào Giáo hội cũng đầy sự chia rẽ và bè phái. Các linh mục là những người được sai đi, xây dựng tình hiệp nhất. Từ đó,  Đức Cha Matthêu đề cập đến tình huynh đệ giữa các linh mục.

Ngài mời gọi chiêm ngắm tình huynh đệ nơi lời dạy của Chúa Giêsu. Mối tương quan với Đức Kitô là nền tảng của tình hiệp thông huynh đệ của các linh mục. Tình huynh đệ linh mục là ân huệ của Chúa nên phải luôn cầu xin. Các linh mục cùng nhau gánh vác trách nhiệm mà Chúa Kitô trao phó, cùng nhau sống ơn gọi, chính bí tích truyền chức thánh sinh ra tình huynh đệ của linh mục. Để dạy giáo dân sống yêu thương thì các linh mục phải yêu thương anh em linh mục của mình. Tình huynh đệ linh mục vừa siêu nhiên vừa mang tính nhập thể, tức được diễn tả với từng anh em trong hoàn cảnh cụ thể. Đức Cha Matthêu cho thấy một trong những thách đố của các linh mục là tìm được tình bạn chân thành với nhau, để san sẻ cho nhau mọi vui buồn sướng khổ, cảm thông về những yếu đuối lầm lỗi và nâng đỡ khích lệ nhau trước những khó khăn thử thách trong đời sống cá nhân cũng như trong công tác mục vụ.

Thách đố thứ hai đó là sự cộng tác với nhau. Để cộng tác với nhau, các linh mục cần loại bỏ tính vị kỷ. Tính vị kỷ này biểu lộ qua thái độ quá quan tâm đến cuộc sống thoải mái về vật chất, về tâm lý. Các linh mục cần học nơi Đức Kitô về tình yêu thương, tương trợ nhau trong tinh thần lẫn vật chất… Cần có tinh thần cộng tác giữa các linh mục, vì điều này giúp các linh mục vừa nhận ra những giới hạn của mình để sống khiêm tốn, vừa khám phá ra những khả năng của kẻ khác để tôn trọng và học hỏi.

Đặc biệt những linh mục lớn tuổi thực sự đón nhận các linh mục trẻ như những người anh em, giúp đỡ cũng như cố gắng tìm hiểu tâm trạng và dõi theo công việc của các linh mục trẻ với một lòng nhân hậu. Các linh mục trẻ thì cần kính trọng tuổi tác và kinh nghiệm của các vị cao niên, tìm đến bàn hỏi với các ngài về những vấn đề liên quan đến việc coi sóc các linh hồn và sẵn sàng cộng tác với các ngài.

Tóm lại, linh mục đoàn được hình thành từ những con người có cá tính và khả năng khác nhau. Mỗi người phải nhìn nhận và đối xử với nhau như anh em, nâng đỡ nhau trong tình bác ái và yêu thương nhau trong tình huynh đệ chân thành.

Lúc 14g00, Đức Cha Matthêu chia sẻ đề tài cuối cùng trong dịp tĩnh tâm: “Bạn đồng hành với người trẻ”. Tuổi trẻ là tầng lớp năng động nhất của bất cứ xã hội nào. Việc đào tạo giới trẻ là một chương trình quan trọng trong hoạt động của Giáo hội được gọi là mục vụ giới trẻ. Linh mục phải trở thành những người bạn đồng hành của giới trẻ và dám chấp nhận những thách thức và vai trò và sứ vụ này đòi hỏi.

Đức Cha Matthêu nhấn mạnh trước hết là yêu cầu đổi mới mục vụ giới trẻ. Vì việc canh tân mục vụ giới trẻ góp phần làm cho giới trẻ trở nên thánh thiện và đổi mới chính Giáo hội. Ngài nhắc lại Sắc lệnh về Tông đồ giáo dân: người trẻ phải trở nên những tông đồ đầu tiên và trực tiếp của giới trẻ. Các linh mục đồng hành và giúp người trẻ ngày càng trưởng thành trong đức tin, nhờ đó chính họ có thể đảm trách sứ vụ tông đồ giữa lòng Giáo hội và xã hội.

Đức Cha Matthêu mời gọi các cha canh tân mục vụ giới trẻ bằng chính phương pháp của Đức Kitô trên đường Emmau. Các linh mục phải là những người trung thành trong việc dấn thân cho Chúa và tha nhân, không ngừng tìm kiếm sự thánh thiện, một người bạn tâm tình và không phán xét, đầy tình thương, sẵn sàng lắng nghe, và tích cực đáp ứng các nhu cầu của người trẻ, chia sẻ vui buồn với họ. Các linh mục cần quan tâm đặc biệt đến các lãnh vực như: giáo dục, ơn gọi, truyền giáo, nghề nghiệp, di dân, truyền thông… Đức Cha Matthêu đã mở rộng việc canh tân đổi mới cho các cha về các lãnh vực đã kể.

Nói tóm lại các linh mục cần có những sáng kiến đồng hành với giới trẻ trong mọi lãnh vực của đời sống, để giúp họ ngày một thăng tiến và phát triển không ngừng trong sự thánh thiện và tinh thần đạo đức.

Cuối buổi chia sẻ, Cha Antôn Dương Quỳnh, Tổng Đại Diện TGP Huế thay mặt cho Linh mục đoàn dâng lời tri ân đến Đức Cha Matthêu. Ngài nói: cám ơn Đức Cha đã nhận lời mời của Đức TGM Giuse để đến giảng phòng cho quý Cha. Đây quả là một thời gian ân sủng cho quý Cha. Qua các bài giảng, Đức Cha đã mời gọi mỗi người ngày càng ý thức hơn và làm mới lại sự thánh thiện ơn gọi linh mục thừa tác, để trở nên khí cụ sống động của Chúa Kitô. Mỗi người ý thức hơn về căn tính linh mục, là tư tế và hy tế theo gương mẫu độc nhất là chính Chúa Kitô. Ý thức này dẫn mỗi người đến bổn phận phải mặc lấy tâm tình và thái độ của Chúa Kitô, luôn hướng về Chúa Cha trong việc thờ phượng Ngài và thực thi lòng mục tử đầy lòng thương xót nhân ái và cảm thông giữa đoàn chiên và mọi người như một Chúa Kitô thứ hai. Xin Đức Cha tiếp tục cầu nguyện cho quý Cha, để những lời giáo huấn của Đức Cha luôn triển nở và sinh hoa trái dồi dào trong cuộc sống chứng nhân của quý cha.

Tạ ơn Chúa về tuần tĩnh tâm thật tốt đẹp, mang nhiều ân sủng và niềm vui cho quý cha, tiếp thêm năng lực cần thiết để quý Cha dấn thân vào sứ mạng mục tử mai ngày với nhiều quyết tâm và đổi mới.

Ban Truyền Thông TGP Huế

Xin xem thêm một số hình ảnh:

 

Tag:

2020-11-06