TGP.Sài Gòn - Giáo xứ Chợ Quán: Tĩnh tâm mùa vọng 2022

Đức GiêSu Đã, Đang Và Mãi Mãi Yêu Chúng Ta Cho Đến Cùng

"Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta"

TGP.Sài Gòn - Giáo xứ Chợ Quán: Tĩnh tâm mùa vọng 2022

TGP.Sài Gòn - Giáo xứ Chợ Quán: Tĩnh tâm mùa vọng 2022

TGPSG - Giáo xứ Chợ Quán đã tổ chức tĩnh tâm Mùa Vọng cho người lớn vào 2 thánh lễ 17g30 ngày thứ Ba & thứ Tư ngày 13, 14-12-2022. Cha Sở Gabriel Trịnh Công Chánh cùng đồng tế với cha giảng tĩnh tâm là cha Đaminh Nguyễn văn Minh, Chánh xứ Giáo xứ Tân Phước. Đông đảo giáo dân đến tham dự.

Mở đầu thánh lễ kết thúc 2 buổi tĩnh tâm, cha Đaminh mời gọi mọi người sốt sắng tham dự lễ mừng kính Thánh Gioan Thánh Giá, linh mục tiến sĩ Hội Thánh, người đã cùng Thánh Têrêsa Avila cải cách Dòng Cát Minh chân trần sống nhiệm nhặt hơn . Thánh Gioan Thánh Giá mất lúc 47 tuổi. Câu nói thời danh của Ngài là “ Cuối đời chúng ta sẽ bị xét xử bằng tình yêu”. Đó là điều thánh nhân luôn nhắc nhở chúng ta, đặc biệt trong mùa Vọng này. Thiên Chúa yêu thương con người vô hạn, tình yêu phải được đáp trả bằng tình yêu. Để làm được điều ấy chúng ta phải ăn năn sám hối theo như lời mời gọi của Thánh Gioan Tẩy Giả. Xin cho thánh lễ hôm nay mang lại nhiều hồng ân của Chúa và xin cho chúng ta biết mở lòng ra để đón nhận tình yêu của Ngài qua mầu nhiệm Phục sinh. Từ đó chúng ta biết cách đáp lại tình yêu của Chúa dành cho chúng ta.

Trong bài giảng, cha nhắc lại chủ đề đã nói hôm qua “ TỈNH THỨC”. Tỉnh thức là nhìn xem chúng ta là ai đối với Chúa, có phải là con Chúa không? Chúng ta là con người sống trong không gian và thời gian giới hạn. Không ai biết được mình sẽ chết lúc nào. Ngày 11/9 khi quân khủng bố làm nổ tung 2 tòa tháp cao nhất ở New York, tượng trưng cho sự thịnh vượng và an toàn nhất nước Mỹ, 3000 người đã chết cách bất ngờ. Biến cố ấy đã làm cho thế giới phải thay đổi nhiều sự, như kiểm tra kiểm soát an ninh chặt chẽ hơn khi đi máy bay v.v… 20 năm sau, ai trong chúng ta cũng đều có kinh nghiệm về đại dịch Covid đã diễn ra từ cuối năm 2019 cho đến nay chưa chấm dứt. Nạn dịch này cướp đi 15 triệu sinh mạng trên thế giới, riêng Việt Nam hơn 43 ngàn người chết.Mọi thứ diễn ra đều bất ngờ không ai biết trước được. Thân phận con người là yếu đuối, bất toàn nên phải luôn TỈNH THỨC VÀ SÁM HỐI. Thánh Gioan Tẩy Giả rao giảng kêu gọi mọi người sám hối, nhưng chính ông cũng phải sám hối. Khi bị cầm tù vì dám can ngăn không cho vua Hêrôđê lấy vợ của anh mình là bà Hêrôđia, Gioan cũng bán tín bán nghi không biết Đấng mà mình đã cả đời rao giảng sẽ đến có phải chính là Thầy Giêsu không ? Trong bài hát kính Mẹ, cũng có câu Mẹ kêu gọi sám hối, năng lần chuỗi Mân côi. Bước vào thánh lễ, điều đầu tiên chúng ta phải làm là nhìn nhận tội lỗi, thiếu sót của mình trong tương quan với Chúa và anh em để xin Chúa thứ tha làm cho chúng ta nên trong sạch hơn trước khi bước vào bàn tiệc Lời Chúa và tiệc Thánh Thể. Trong kinh Tin kính chúng ta tuyên xưng vì loài người nên Chúa đến để cứu độ chúng ta. Sám hối là một việc rất quan trọng. Ai nghĩ mình trong sạch thánh thiện rồi, thì sẽ không thấy mình phải ăn năn sám hối.

Sám hối (metanoia) là gì ? Trước hết, là phải thay đổi hoàn toàn cách nhìn, cách nghĩ của chúng ta, xác tín rằng mình có sai lỗi phải tránh. Nếu không nhận ra những điều sai lỗi này thì ta không thể thay đổi cuộc đời của mình từ trong suy nghĩ cho đến việc làm. Thánh Gioan Tẩy Giả là người được chọn làm “tiên tri, đi trước Chúa để dọn lối cho Người”. Cách sống và giảng dạy của Gioan làm cho dân Do Thái lúc bấy giờ coi Gioan như là Đấng Mêsia. Nhưng Gioan đã khẳng định: “ Người đến sau tôi cao trọng hơn tôi. Tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi.” Trong mùa Vọng ta đã nghe biết nhiều về Gioan Tẩy Giả. Ông luôn kêu gọi sám hối và tin vào Tin Mừng. Việc kế tiếp của sám hối là kể lại những điều mắt thấy, tai nghe việc Chúa đã làm như Chúa đã bảo các môn đệ của ông Gioan. Chúa đến để cứu độ chúng ta và đem lại cuộc sống đầy dư ơn sủng của Ngài. Bí tích chính là nguồn mạch của ơn sủng, là cách Chúa “độ” chúng. Các bí tích dọc dài trong cuộc sống của ta từ lúc được sinh ra cho đến khi chết giúp ta sống nên thánh như Chúa muốn. Bí tích Thánh Thể mời gọi ta đến với Chúa để sống với Chúa. Đỉnh cao của phụng vụ và là mục đích cuối cùng của Chúa là gì? Thưa là mầu nhiệm Phục sinh. Mầu nhiệm thập giá là con đường Chúa đi để cứu độ chúng ta. Muốn bước theo Chúa làm môn đệ của người thì phải theo con đường này. “Ai muốn theo Ta thì phải bỏ mình, vác thập giá hằng ngày mà theo.” Nước Trời là của kẻ mạnh. Ai yếu đuối thì không vào được.

Tiếp tục bài giảng, cha nói tóm tắt về cuộc đời vác thập giá của Thánh Gioan Thánh Giá. Chính qua thập giá mà ta hiểu được tình thương của Chúa dành cho ta. Câu nói của ngài lúc cuối đời là: “ Chúng ta sẽ bị phán xét về tình yêu, tình yêu đối với Chúa và tình yêu đối với nhau”. Kết thúc bài giảng, cha nêu ra câu hỏi cho mọi người phải hỏi chính mình: “Những gì chúng ta làm bên ngoài cho thật đẹp như làm hang đá, dự tĩnh tâm, trang hoàng nhà cửa…có thật là dấu hiệu ta chuẩn bị đón Chúa từ bên trong không?”

Phụng vụ Thánh Thể tiếp theo bài giảng.

Cuối lễ, ông Chủ tịch Hội đồng Mục vụ Giáo xứ bày tỏ lòng biết ơn cha Đaminh đã giúp cho cộng đoàn Giáo xứ Chợ Quán 2 buổi tĩnh tâm thật bổ ích. Cha đã hướng dẫn mọi người sám hối và chiêm ngưỡng tình yêu của Thiên Chúa trong công trình sáng tạo và cứu chuộc của Người,biết mình là ai trong cuộc đời này, được diễm phúc làm con của Chúa vậy phải sống sao cho đẹp lòng Người.Mong cha sẽ đến với Chợ Quán trong những lần tĩnh tâm khác trong tương lai và xin cha cũng cầu nguyện cho Giáo xứ thân thương này.Xin dâng cha một bó hoa tươi thắm biểu lộ lòng biết ơn của cộng đoàn tham dự tĩnh tâm.

Maria Trần Thị Nhan (TGPSG)
Ảnh: Giuse Phạm Văn Hân K1

Tag:

2022-12-14