TGPSG - Hiệp với toàn thể Giáo hội mừng kính Thánh Gia Thất, chúng ta nhìn vào hang đá Belem có Chúa Giêsu, Đức Maria, Thánh cả Giuse. Đây là mẫu gương gia đình Thánh để tất cả mọi người chúng ta noi theo để vượt qua mọi khó khăn, thử thách để tìm thấy niềm vui, hạnh phúc và bình an trong gia đình không chỉ đời này mà còn cả đời sau.
Đó là mời gọi của Linh mục (Lm) Chánh xứ Giuse Lê Hoàng - chủ tế Thánh lễ mừng kính Thánh Gia Thất bổn mạng của Chương trình Thăng tiến Hôn nhân Gia đình TGP Sài Gòn vào lúc 16g ngày 30-12-2022 tại Thánh Đường Giáo xứ Tân Phú, Giáo hạt Tân Sơn Nhì.
Đồng tế Thánh lễ có Lm Gioan Baotixita Nguyễn Quang Tuyến – Trưởng ban mục vụ Gia đình TGP Sài Gòn và Lm Đaminh Nguyễn Khải Tú – Linh nguyền của Chương trình. Tham dự Thánh lễ có sự tham dự của các anh chị em Song nguyền đến từ các Giáo xứ trong Giáo hạt Tân Sơn Nhì và các Giáo hạt khác trong TGP Sài Gòn cùng đông đảo cộng đoàn dân Chúa Giáo xứ Tân Phú.
Đầu thánh lễ, Lm Gioan Baotixita Nguyễn Quang Tuyến thay mặt cho Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng đọc thư bổ nhiệm Lm Giuse Lê Hoàng – Chánh xứ Tân Phú – Hại trưởng Giáo hạt Tân Sơn Nhì làm Tổng Linh nguyền của Chương trình Thăng tiến hôn nhân gia đình thay cho Cha cố Phanxico Assisi Lê Quang Đăng.
Đáp từ, Lm Giuse cám ơn Đức TGM Giuse đã tín nhiệm và bổ nhiệm Cha làm Tổng linh nguyền của Chương trình. Lm Giuse cũng xin cộng đoàn (đặc biệt là các anh chị Song nguyền) thương cầu nguyện cho Cha luôn đầy tràn ơn Chúa Thánh Thần soi sáng hướng dẫn và sức khỏe để đồng hành cùng với Chương trình trong các hoạt động, để làm cho Chương trình càng ngày càng thăng tiến trong đời sống đức tin, thăng tiến trong đời sống hôn nhân gia đình.
Sau bài công bố Tin mừng, Lm Gioan Baotixita Nguyễn Quang Tuyến đã chia sẻ chia sẻ cùng cộng đoàn: Thánh Gia là mẫu gương tuyệt hảo cho đời sống hôn nhân và gia đình. Khi mừng lễ Thánh Gia Thất, chúng ta thêm một lần nữa được mời gọi ôn lại và thấm nhuần các bài học từ mái ấm Nazareth. Trong lễ Thánh Gia Thất, chúng ta cùng hướng về máng cỏ nghèo hèn. Sự vĩ đại của con người được dựa trên của cải, bạc tiền, danh vọng, địa vị, sức mạnh và quyền lực. Còn sự vĩ đại của Thiên Chúa thì được tỏ lộ ra nơi máng cỏ nghèo hèn là chiếc nôi bất đắc dĩ của Con Thiên Chúa khi chào đời. Chiếc nôi máng cỏ ấy chứng minh cho chúng ta một tình yêu cúi xuống tận cùng của Thiên Chúa, một tình yêu muốn trở nên nghèo khó ở giữa chúng ta vì muốn chung chia thân phận bọt bèo phàm nhân của chúng ta. Đây là tình yêu cúi xuống của Thiên Chúa. Ở khía cạnh khác, máng cả là nơi để đồ ăn cho súc vật. Hài nhi Giêsu nằm trong máng cỏ chính là muốn trở nên thức ăn cho muôn dân. Trong góc nhìn này, mầu nhiệm Nhập thể dẫn đến mầu nhiệm Thánh Thể. Nơi ấy, Chúa Giêsu – Thiên Chúa làm người sẵn sàng để cho chúng ta ăn, sẵn sàng trở nên lương thực cho cuộc đời của chúng ta.
Khi nhìn vào máng cỏ, chúng ta cũng đón lấy những bài học cho đời sống hôn nhân gia đình, cho đời sống của mỗi người chúng ta:
Mỗi người phải thật sự là máng cỏ cho Chúa ngự đến mỗi ngày khi chúng ta đón rước Chúa qua Bí tích Thánh Thể.
Chúng ta cũng được mời gọi để tiếp tục khám phá những máng cỏ khác đang hiện hữu trong cuộc đời, trong gia đình của chúng ta đó là chiếc bàn ăn. Bàn ăn là nơi cha, mẹ, con cái quây quần bên nhau để sống cái tình gia đình.
Máng cỏ cũng có thể là bàn thờ nơi gia đình quây quần cầu nguyện.
Máng cỏ cũng có thể là chiếc giường bệnh của người thân đang nằm ở trong gia đình mà nhiều khi chúng ta bỏ quên, coi thường, không chăm sóc, thăm nom.
Mừng lễ Thánh Gia thất, Giáo hội mời gọi chúng ta tái khám phá lại và hãy ý thức rằng: Những máng cỏ ấy cần được chúng ta đón nhận, chăm sóc, làm cho ấm bằng chính những nỗ lực yêu thương của chúng ta.
Thánh lễ tiếp tục với lời nguyện chung và phần Phụng vụ Thánh Thể.
Trước khi kết thúc Thánh lễ, 2 vị đại diện của Chương trình Thăng tiến Hôn nhân Gia đình TGP thay mặt cho anh chị em trong Chương trình tri ân quý Cha và quý cộng đoàn.
Thánh lễ kết thúc vào lúc 17g30. Sau Thánh lễ, các anh chị em Song nguyền ở lại chụp hình lưu niệm với quý Cha Đồng tế.
Bài & Ảnh: Đaminh Hòa (TGPSG)