Thứ Ba tuần 26 Thường niên năm II (Lc 9,51-56)

Đức GiêSu Đã, Đang Và Mãi Mãi Yêu Chúng Ta Cho Đến Cùng

"Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta"

Thứ Ba tuần 26 Thường niên năm II (Lc 9,51-56)

Thứ Ba tuần 26 Thường niên năm II (Lc 9,51-56)

"Người cương quyết lên đường đi Giêrusalem".

BÀI ĐỌC I (năm II): G 3, 1-3. 11-17. 20-23

“Tại sao ban sự sáng cho kẻ khốn cực?”

Trích sách ông Gióp.

Gióp mở miệng nguyền rủa ngày mình sinh ra và nói rằng: “Hãy biến đi, ngày tôi đã sinh ra, và đêm có lời phán: ‘Con người chịu thai’. Tại sao tôi không chết trong lòng mẹ? Tại sao tôi không tắt thở ngay khi mới sinh ra? Tại sao có đầu gối đỡ lấy tôi và có vú cho tôi bú?

“Chẳng như vậy thì bây giờ tôi được ngủ yên, và an nghỉ trong giấc điệp làm một với các vua chúa, với các quan quyền trên mặt đất, là những kẻ xây cất cho mình những lăng tẩm thanh vắng, hay là cùng với các công hầu lắm vàng nhiều bạc chất đầy nhà. Sao tôi không giống như thai sảo được giấu đi, để tôi không còn sống, hoặc như các trẻ không được xem thấy sự sáng. Nơi ấy kẻ hung ác hết khuấy phá, và kẻ mỏi mệt được yên nghỉ.

“Tại sao ban sự sáng cho kẻ khốn cực, và ban sự sống cho những kẻ phải cay đắng trong tâm hồn? Những kẻ ấy mong chết mà lại không được chết, họ như những người đào mỏ tìm vàng. Khi họ tìm thấy nấm mồ, họ vui mừng hớn hở. Người chẳng tìm được lối đi, thì Thiên Chúa lấy sự tối tăm vây bọc nó tư bề”.

Ðó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 87, 2-3. 4-5. 6. 7-8

Ðáp: Nguyện cho lời con cầu thấu đến tai Chúa (c. 3a).

Xướng: Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, ban ngày con kêu van, ban đêm con than thở trước thiên nhan Ngài. Nguyện cho lời con cầu thấu đến tai Chúa, xin Chúa lắng tai nghe tiếng con kêu. 

Xướng: Vì tâm hồn con đau khổ ê chề, và mạng sống con đã gần kề âm phủ. Con bị liệt vào số những kẻ đang bước xuống mồ, con đã trở nên như người tàn phế. 

Xướng: Giường nằm của con kề những người đã chết, như giường của người bị giết nằm trong nấm mồ, họ là những người mà Chúa không còn nhớ tới, và họ không còn được Ngài săn sóc yêu thương. 

Xướng: Ngài đã đặt con trong lỗ huyệt sâu, trong nơi u tối, trong vực thẳm. Cơn giận Chúa đè nặng trên người con, và Chúa vùi lấp con dưới sóng cả ba đào.

 

Tin mừng: Lc 9, 51-56

51 Vì gần tới thời gian Chúa Giêsu phải cất khỏi đời này, Người cương quyết lên đường đi Giêrusalem, 52 và sai những người đưa tin đi trước Người.

Những người này lên đường vào một làng Samaria để chuẩn bị mọi sự cho Người. 53 Nhưng ở đó người ta không đón tiếp Người, bởi Người đi lên Giêrusalem.

54 Thấy vậy, hai môn đệ Giacôbê và Gioan thưa Người rằng: “Lạy Thầy, Thầy muốn chúng con khiến lửa bởi trời xuống thiêu huỷ chúng không ?”

55 Nhưng Người quay lại, quở trách các ông rằng: “Các con không biết thần trí nào xúi giục mình. Con Người đến không phải để giết, nhưng để cứu chữa người ta”. 56 Và các Ngài đi tới một làng khác.

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Chúa là Đấng khoan dung nhân từ. Dù những người Sa-ma-ri không tiếp đón Chúa, nhưng Chúa không muốn tiêu diệt họ. Chúa vẫn tha thứ và chờ đợi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con cảm tạ Chúa là Đấng giàu lòng thương xót nhân từ. Biết bao lần con cũng sống như người Samari, đã không tiếp đón Chúa, đã từ chối Chúa, đã xúc phạm đến Chúa, nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thứ cho con. Chúa chấp nhận bị từ chối vì Chúa tôn trọng tự do của con. Chúa muốn đến cứu con chứ không đến để tiêu diệt con. Nếu con có phải bị phạt thì cũng đáng, vì con đã phạm đến Chúa và Chúa có quyền phạt con. Nhưng lạy Chúa, Chúa không xử với con như con đáng tội. Chúa không phải là Thiên Chúa báo oán, nhưng là Thiên Chúa tình yêu giàu lòng nhân ái. Con được sống đến ngày hôm nay là do Chúa nhân từ xót thương. Con tạ ơn Chúa.

Lạy Chúa, xin cho con nhận ra tình thương của Chúa để con sống xứng đáng với tình thương bao la ấy. Không phải vì Chúa thương con mà con lạm dụng tình thương ấy. Nhất là xin Chúa giúp con biết sống hiền lành và khiêm nhường theo gương Chúa. Mỗi lần nghe một lời nói mất lòng, một câu chướng tai, mỗi lần thấy một việc gai mắt, mỗi lần gặp những điều trái ý, mỗi lần bị xúc phạm, xin Chúa giúp con biết kiên nhẫn nhịn nhục và chấp nhận. Xin cho con biết hãm dẹp tự ái, biết kềm hãm tính nóng nảy để chịu đựng những sự buồn phiền trái ý. Con đã kinh nghiệm rằng mắng chửi, quát tháo, đánh đập đã đem lại những hậu quả không tốt. Chỉ có tình thương mới có sức cảm hoá và đem lại niềm vui cho cuộc sống. Xin Chúa ban cho con một quả tim mới, một quả tim biết yêu thương. Amen.

Ghi nhớ: “Người cương quyết lên đường đi Giêrusalem”.

 

2. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Con Người không đến để giết chết (Lc 9,51-56)

  • Đức Giêsu cương quyết lên Giêrusalem qua xứ Samaria cho gần, nhưng dân làng không chấp nhận, vì họ thù nghịch với dân Do thái mà Đức Giêsu là người Do thái. Thấy vậy, hai ông Giacôbê và Gioan nổi giận xin Chúa cho phép lấy lửa trên trời xuống đốt cháy tụi này. Nhưng Đức Giêsu quở trách tính hung hãn của hai ông và nói cho hai ông biết: “Con Người đến không phải để giết chết nhưng để cứu sống”. Thật vậy, bài học này đã làm cho các môn đệ và mỗi người chúng ta phải xét lại thái độ của chúng ta đối với anh em.
  • Nên biết, giữa người Do thái và Samaria có một sự xung khắc về quốc gia và tôn giáo. Người Samaria bị những người Do thái giáo coi như những kẻ ly giáo, từ khi họ đã xây dựng một ngôi đền thờ trên đỉnh núi Garizim để cạnh tranh với đền thờ Giêrusalem. Phải tránh tiếp xúc với những kẻ “lầm lạc” (Ga 4,9-20). Bị những người Do thái khinh bỉ, họ trả đũa lại bằng cách gây ra mọi phiền nhiễu cho các đoàn hành hương mượn con đường ngắn nhất để đi từ Galilêa về Giêrusalem.
  • Trước thái độ từ chối của dân làng Samaria, hai ông Giacôbê và Gioan, với biệt hiệu “Con trai Thiên lôi”: muốn xin lửa từ trời xuống thiêu đốt những kẻ nghịch này. Hai ông có thái độ như thế vì nhớ lại trường hợp tiên tri Êlia xưa (2V1,10) và nghĩ rằng dân làng Samaria làm như thế là đã làm nhục cho Chúa. Đây là thái độ còn nhiều tinh thần Cựu ước, tinh thần báo thù.

  • Nhưng ở đây, Đức Giêsu muốn cho các môn đệ một hình ảnh đích thực về Thiên Chúa, Ngài vốn là Đấng toàn năng, nhưng không can thiệp như một ông vua chuyên chế bắt các bề tôi và kẻ thù phải quỳ mọp dưới chân, nhưng Ngài chờ đợi họ hoán cải như người cha, người mẹ đối với con cái: “Con Người đến không phải để giết, nhưng để cứu chữa”.
  • Các môn đệ được hiểu rằng việc báo thù là việc của tà thần chứ không phải là việc của Thiên Chúa. Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa báo oán, mà là Thiên Chúa tình thương. Đức Giêsu muốn dạy cho các ông con đường đi theo Chúa  không luôn thẳng tắp, không gặp trắc trở. Vậy những ai muốn theo Chúa phải nhẫn nại hiền lành để đối xử lại, để chinh phục lại các linh hồn. Thánh Phanxicô Salêsiô nói: “Một thìa mật lôi kéo nhiều ruồi hơn một thùng giấm”.

  • Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy lối suy nghĩ của các môn đệ khi chưa hiểu và thấm nhuần giáo huấn của Chúa. Lối suy nghĩ và lối thích sử dụng quyền lực để răn đe hay trấn áp người khác là cách hành xử hoàn toàn trái với tinh thần Tin mừng. Nên Chúa Giêsu đã cảnh cáo các ông. Thái độ của các môn đệ ngày xưa cũng chính là thái độ của chúng ta ngày hôm nay. Tôi tôn thờ một Thiên Chúa nào? Phải chăng là một Thiên Chúa tình yêu, nhân từ, quảng đại hay tha thứ... hay là một Thiên Chúa mà chúng ta cố giải thích méo mó để phục vụ cho ý muốn của riêng ta? (5 phút Lời Chúa)
  • Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy có thái độ cảm thông cho những nghi kỵ, khinh khi và cự tuyệt của người đời, ngay cả những sự vu khống, bắt bớ vì Đạo. Noi gương Đức Giêsu, sẵn sàng đón nhận đau khổ vì sứ vụ: “Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao” (Mt 5,11-12).
  • Biết chấp nhận những sự giới hạn của con người, và ý thức rằng: chúng ta đi đến đâu cũng có một số người sống chết với ta, một số người quyết loại bỏ ta và số còn lại thì chẳng cần quan tâm đến chúng ta cũng như công việc của ta. Đây cũng chính là thân phận của Thầy chí thánh Giêsu đã trải qua trong cuộc đời của Ngài.
  • Truyện: Tấm lòng nhân ái tuyệt vời
  • Nhiều năm về trước, một  uỷ viên chấp hành khá cao tuổi của một tập đoàn dầu lửa Rochefeller ở Mỹ đã đưa ra một quyết định sai lầm làm công ty thiệt hại hơn hai triệu đôla. John D. Rochefeller lúc đó là người đứng đầu công ty.

    Bedford được Rochefeller mời lên văn phòng. Bedford đến rất đúng giờ và sẵn sàng để nghe những lời chỉ trích có thể nặng nề của Rochefeller.

    Khi Bedford bước vào phòng, ông vua dầu hỏa đang ngồi cạnh bàn, chăm chú viết bằng bút chì lên một tờ giấy. Bedford đứng yên lặng, không muốn phá ngang. Sau vài phút, Rochefeller ngẩng lên.

    - A, anh đấy à, Bedford – Rochefeller nói rất chậm rãi – Anh đã nghe tin những tổn thất của công ty chúng ta rồi chứ?

    Bedford đáp rằng tôi đã biết rồi.

    - Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về điều này, - Rochefeller nói, - Và trước khi nói chuyện với anh, tôi đã ghi ra đây vài dòng.

    Sau này, Bedford kể lại cuộc nói chuyện của ông với Rochefeller như sau: Tôi thấy rõ dòng đầu tiên của tờ giấy mà ông chủ đã “ghi vài dòng” là “những ưu điểm của Bedford”. Sau đó là một loạt những đức tính của tôi, kèm theo là miêu tả vắn tắt rằng tôi đã giúp công ty, đưa ra quyết định đúng đắn được ba lần, giúp công ty kiếm được gấp nhiều lần số tiền tổn thất lần này.

    Bedford không bao giờ quên bài học ấy. Ông đã ghi khắc những điều đó trong lòng và đem ra áp dụng trong những ngày làm việc còn lại của ông.

    Thánh Giacôbê khuyên mọi người: “Phải mau nghe, đừng vội nói, và khoan giận” (Gc 1,20-21).

    Tag: