Thứ Bảy tuần 4 mùa Chay (Ga 7,40-53)

Đức GiêSu Đã, Đang Và Mãi Mãi Yêu Chúng Ta Cho Đến Cùng

"Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta"

Thứ Bảy tuần 4 mùa Chay (Ga 7,40-53)

Thứ Bảy tuần 4 mùa Chay (Ga 7,40-53)

Trong dân chúng, có những người nghe các lời ấy thì nói:
“Ông này thật là vị ngôn sứ”. (Ga 7,40)

BÀI ĐỌC I: Gr 11, 18-20

“Con như chiên con hiền lành bị đem đi giết”.

Trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Lạy Chúa, Chúa đã tỏ cho con và con đã biết; vì Chúa đã chỉ cho con những mưu toan của chúng. Còn con, con như chiên con hiền lành bị đem đi giết. Con đã không biết chúng mưu toan hại con khi chúng nói: "Chúng ta hãy bỏ cây vào bánh của nó, chúng ta hãy diệt trừ nó khỏi đất kẻ sống, và người ta không còn nhớ đến tên nó nữa".

Nhưng lạy Chúa các đạo binh, Chúa xét xử công minh, và dò xét tâm can. Chớ gì con sẽ thấy Chúa báo thù chúng, vì con đã phó thác việc con cho Chúa. 

Đó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 7, 2-3. 9bc-10. 11-12

Đáp: Lạy Chúa là Thiên Chúa con, con đến nương nhờ Ngài (c. 2a).

Xướng:

1) Lạy Chúa là Thiên Chúa con, con đến nương nhờ Ngài, xin cứu con khỏi mọi người đang lùng bắt, và xin giải thoát thân con, kẻo có người như sư tử chộp bắt hồn con, xé nát ra mà không ai cứu gỡ. - Đáp.

2)Xin minh xét cho con, thân lạy Chúa, theo sự công chính và vô tội ở nơi con. Nguyện cho chấm dứt sự độc dữ kẻ ác nhân, và xin Ngài củng cố người hiền đức, khi Ngài lục soát tâm can, ôi Chúa công minh. - Đáp.

3)Thuẫn che thân con là Thiên Chúa, Đấng cứu độ những kẻ lòng ngay. Thiên Chúa là vị công minh thẩm phán, và Thiên Chúa hăm dọa hằng ngày. - Đáp.

 

Tin mừng: Ga 7,40-53

Trong dân chúng, có những người nghe các lời ấy thì nói: “Ông này thật là vị ngôn sứ.” Kẻ khác rằng: “Ông này là Đấng Ki-tô.”

Nhưng có kẻ lại nói: “Đấng Ki-tô mà lại xuất thân từ Ga-li-lê sao ? Nào Kinh Thánh đã chẳng nói: Đấng Ki-tô xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít và từ Bê-lem, làng của vua Đa-vít sao ?”

Vậy, vì Người mà dân chúng đâm ra chia rẽ. Một số trong bọn họ muốn bắt Người, nhưng chẳng có ai tra tay bắt. Các vệ binh trở về với các thượng tế và người Pha-ri-sêu.

Họ liền hỏi chúng: “Tại sao các anh không điệu ông ấy về đây ?” Các vệ binh trả lời: “Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy!”

Người Pha-ri-sêu liền nói với chúng: “Cả các anh nữa, các anh cũng bị mê hoặc rồi sao ? Trong hàng thủ lãnh hay trong giới Pha-ri-sêu, đã có một ai tin vào tên ấy đâu ? Còn bọn dân đen này, thứ người không biết Lề Luật, đúng là quân bị nguyền rủa!”

Trong nhóm Pha-ri-sêu, có một người tên là Ni-cô-đê-mô, trước đây đã đến gặp Đức Giê-su; ông nói với họ: “Lề Luật của chúng ta có cho phép kết án ai, trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì không ?”

Họ đáp: “Cả ông nữa, ông cũng là người Ga-li-lê sao ? Ông cứ nghiên cứu, rồi sẽ thấy: không một ngôn sứ nào xuất thân từ Ga-li-lê cả.” Sau đó, ai nấy trở về nhà mình.

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Sự xuất hiện của Chúa Giêsu tạo ra một cuộc tranh chấp quyết liệt giữa những người tin và những kẻ chống đối. Hãy theo Chúa với một lập trường dứt khoát vững vàng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, cuộc sống luôn là một sự chọn lựa, và đức tin lại càng đòi hỏi phải chọn lựa quyết liệt hơn. Con tin vào Chúa là con tin vào tình yêu vô biên của Chúa, và đồng thời đức tin đòi con phải chấp nhận dấn thân trọn vẹn, chấp nhận một sự đổi đời. Chúa ban đức tin cho con không phải để ru ngủ con trong yêu thương, trái lại con biết Chúa đòi con chọn lựa một cách quyết liệt để đi theo Chúa, để sống cho Chúa và anh em. Chúa đến bằng con đường thập tự, và đòi buộc con cũng phải dứt khoát theo Chúa.

Lạy Chúa, theo Chúa như vậy thực sự là khó. Cuộc sống ở đời có bao nhiêu cám dỗ ngọt ngào, bao nhiêu thử thách cam go. Và vì thế con thường theo Chúa nửa vời lấp lửng, con muốn vừa được Chúa vừa được thế gian, vừa theo Chúa vừa sợ hy sinh gian khổ. Rốt cuộc con chỉ chuốc lấy đau khổ vào thân. Cũng chính vì con không dứt khoát chọn đứng về phía Chúa mà sau bao nhiêu năm theo Chúa, con vẫn ì ạch ở nửa đường. Xin Chúa thương tha thứ và nâng đỡ con.

Lạy Chúa, trong đời sống có những lúc con sẽ phải công khai đứng về phía Chúa và tuyên xưng lòng tin một cách chân thành như các vệ binh hay ít nữa là bênh vực Chúa như ông Nicôđêmô. Con sợ không làm đuợc vì con thường sợ bị liên lụy thiệt thòi. Xin Chúa giúp con can đam giữ vững lập trường đã chọn. Chỉ có Chúa là Chúa, là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống của con. Xin giữ gìn con trọn đời trung thành với Chúa. Amen.

Ghi nhớ: “Ðấng Kitô xuất thân từ Galilêa sao ?”

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Hạt giống...

1. Bài đọc 1: Hôm qua chúng ta đã nghe một đoạn sách không ngoan nói về việc người công chính bị kẻ gian ác bách hại. Hôm nay, ngôn sứ Giêrêmia cũng lập lại ý tưởng đó. Người công chính thường bị bách hại, đó là một chủ đề lớn của Cựu ước. Chúa Giêsu cũng không được miễn khỏi định luật khắc khe đó.

2. Bài Tin Mừng: Càng ngày, Chúa Giêsu càng tiến đến gần lúc nguy hiểm. Dân chúng trước đây cách chung ủng hộ Ngài nay hoang mang, kẻ thì nói Ngài là Đức Kitô, kẻ khác không còn tin nữa, vì theo những kẻ này Đức Kitô không xuất thân từ Galilê mà phải xuất thân từ Bêlem thành của vua Đavít. Các thượng tế và biệt phái thì nóng lòng muốn bắt Ngài. Gamaliên lên tiếng bênh vực Ngài thì bị chụp mũ là đồng bọn Galilê với Ngài.

B. Nẩy mầm…

1. Chúa Giêsu đã trở nên một dấu hỏi lớn. Mỗi người phải tìm một câu trả lời cho câu hỏi “Giêsu là ai ?”. Câu trả lời của tôi thế nào: đối với tôi, Giêsu là Đấng để tôi chạy tới xin ơn ? Là Đấng nhân từ luôn thông cảm tha thứ ? Là người rắc rối hay đặt vấn đề cho lương tâm tôi ? Là đấng mà tôi phải trung thành đi theo, cho dù phải theo trên con đường Thập giá ?
2. Trong khi nhiều người chống đối Chúa Giêsu, nhiều người khác hoang mang không xác định rõ lập trường, thì Gamaliên đã can đảm lên tiếng bênh vực Ngài. Chung quanh chúng ta ngày nay cũng có nhiều người chống đối hay chưa hiểu Chúa Giêsu. Tôi có can đảm như Gamaliên không ?

3. “Blondin là một trong những tên tuổi của ngành xiếc tại Mỹ. Một trong những kỳ công đáng ghi nhớ nhất của anh là đã có thể đi trên một sợi dây qua thác Niagara là thác dài nhất và cao nhất thế giới. Trong một dịp biểu diễn, anh quay sang hỏi một cậu bé đứng gần đó: “Em có tin là tôi có thể mang một người trên vai và đi xuyên qua dòng thác không ?”. Giữa tiếng thác đổ ầm ầm, câu bé thét lên “Vâng, cháu tin là chú có thể làm được điều đó”. Thế nhưng khi anh đề nghị mang cậu bé trên vai thì em đã lắc đầu từ chối, vì không đủ tin tưởng vào sự bảo đảm của người biểu diễn.

Cậu bé trên đây có thể là hình ảnh của rất nhiều người trong chúng ta khi phải trả lời câu hỏi của Chúa Giêsu “Phần các con, các con bảo Ta là ai ?”. Cũng như Phêrô khi đại diện cho các tông đồ, chúng ta sẽ trả lời “Thầy là con Thiên Chúa hằng sống”. Nhưng trong thực tế, thái độ của chúng ta có lẽ còn tương phản với lời tuyên xưng ấy. Chúng ta chưa là những Kitô hữu thực sự, nghĩa là chưa tin tưởng và sống theo lời mời gọi của Chúa.” (“Mỗi ngày một tin vui”).

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Dư luận chia rẽ về Đức Giêsu (Ga 7,40-53)

  • Khi nghe Đức Giêsu giảng trong Đền thờ, dân chúng đã dị nghị về Ngài. Và khi nghe bài giảng xong, dư luận càng chia rẽ về nguồn gốc của Ngài. Bài Tin mừng cho biết dân chúng trước đây cách chung ủng hộ Ngài nay hoang mang, kẻ thì nói Ngài là Đấng Kitô, kẻ khác không còn tin nữa, vì theo những kẻ này Đức Kitô không xuất thân từ Galilê, mà phải xuất thân từ Belem thành của Đavít. Các thượng tế và biệt phái thì nóng lòng muốn bắt Ngài. Nicôđêmô lên tiếng bênh vực Ngài thì bị chụp mũ là đồng bọn Galilê với Ngài.
  • Đức Giêsu là ai ? Đứng trước Đức Giêsu, kẻ thì nhìn nhận Ngài là Con Thiên Chúa làm người, kẻ thì nghĩ Ngài là một vĩ nhân, một tiên tri có sứ mệnh đặc biệt nào đó, kẻ khác nữa thì cho là một người phàm như mọi người. Thế là người ta hoang mang chia rẽ nhau. Đó cũng là thái độ của người Do thái thời Đức Giêsu như được thuật lại trong bài Tin mừng hôm nay.
  • Chúng sẽ lần lượt nói đến những hạng người đó.

  • Thứ nhất: đây là những con người bình thường ngay lành có lương tâm trong sáng, không bị dư luận xấu chi phối. Họ thuộc giới bình dân. Họ đã nghe lời Chúa giảng, hoặc đã được hưởng việc lạ Chúa làm, và tuyên xưng Chúa là Đấng đến giải phóng cho muôn người, như tiên tri Isaia đã báo trước: “Ngài làm cho người mù được thấy, kẻ điếc được nghe, kẻ câm nói được, kẻ què đi được, kẻ chết sống lại và tuyên bố năm hồng ân của Thiên Chúa”. Như vậy, những người này đã nhìn nhận Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai, là Đấng Kitô.
  • Thứ hai: những nhà lãnh đạo tôn giáo như thượng tế, biệt phái và luật sĩ chối bỏ tất cả, họ không công nhận Ngài là một tiên tri, cũng không phải là Đấng Thiên Sai hay Đấng Kitô, vì không hội đủ những điều kiện về địa dư và dòng tộc, họ coi Ngài chỉ là người tầm thường như mọi người, một người như thế không thể là Đấng Kitô được, thế mà tự nhận cho mình địa vị và vai trò đó. Cho nên họ tức giận và ra lệnh cho binh lính tìm bắt Ngài.
  • Thứ ba: những người lính được các thượng tế sai đi bắt Chúa giải về cho họ xử. Những người này không dám bắt Ngài vì một phần còn sợ dân, nhất là khi nghe Ngài giảng như Đấng có uy quyền. Họ trở về trình diện các thượng tế với dáng vẻ sợ sệt, mà trình bầy với họ bằng những lời: “Chúng tôi chưa từng gặp một người nào nói năng như ông ấy”. Như vậy, mặc nhiên họ đã cống nhận Chúa là một người khác biệt, một siêu nhân.
  • Thứ tư: ông Nicôđêmô, là một người trong nhóm biệt phái, một người có thế giá, một thành viên hội đồng lập pháp, đã bênh vực Đức Giêsu khi ông nói: “Luật pháp của chúng ta có cho phép kết án ai trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì không ?” Như vậy ông đề nghị trước khi kết án Đức Giêsu thì phải điều tra cho cẩn thận; nhưng đề nghị của ông không được họ chấp nhận, đúng là họ theo luật rừng.
  • Đức Giêsu đã trở nên một dấu hỏi lớn. Mỗi người phải tìm một câu trả lời cho câu hỏi: “Đức Giêsu là ai ? Thật ra điều kiện chính yếu để có thể nhận biết Thiên Chúa, đó là thái độ khiêm tốn, vô tư, trung thực, gạt bỏ tự cao tự đại, thay đổi quan điểm, thành kiến, hy sinh quyền lợi riêng tư, để theo sự chỉ dẫn của Thiên Chúa. Người Do thái xưa đã không tin nhận Đức Giêsu là vì họ thiếu những điều kiện kể trên.
  • Đối với chúng ta ngày nay, chúng ta đã tin nhận Đức Giêsu, nhưng chúng ta có thực hiện Lời Chúa dạy bảo không ? Đức tin không việc làm là đức tin chết. Mùa Chay là ăn năn sám hối và sửa đổi đời sống, chúng ta hãy nghe Lời Chúa kêu gọi: “Hôm nay nếu anh em nghe Lời Chúa, thì đừng cứng lòng nữa”.

  • Truyện: Đức tin phải có việc làm
  • Blodin là một trong những tên tuổi của ngành xiếc tại Mỹ. Một trong những kỳ công đáng ghi nhớ nhất của anh là đã có thể đi trên một sợi dây qua thác Niagara là thác dài nhất và cao nhất thế giới. Trong một dịp biểu diễn, anh quay sang hỏi một cậu bé đứng gần đó: “Em có tin là tôi có thể mang một người trên vai và đi xuyên qua dòng thác không ?” Giữa tiếng thác đổ ầm ầm, cậu bé thét lên: “Vâng, cháu tin là chú có thể làm được điều đó”. Thế nhưng khi anh đề nghị mang cậu bé trên vai thì em lắc đầu từ chối, vì không đủ tin tưởng vào sự đảm bảo của người biểu diễn.

              Cậu bé trên đây có thể là hình ảnh của rất nhiều người trong chúng ta khi phải trả lời cho câu hỏi của Đức Giêsu: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai ?” Cũng như Phêrô khi đại diện cho các Tông đồ, chúng ta sẽ trả lời: “Thầy là Con Thiên Chúa hằng sống”. Nhưng trong thực tế, thái độ sống của chúng ta có lẽ còn tương phản với lời tuyên xưng ấy. Chúng ta chưa là những Kitô hữu thực sự, nghĩa là chưa tin tưởng và sống theo lời mời gọi của Chúa” (Mỗi ngày một tin vui).

    Tag:

    2024-03-16