“Con là Con yêu dấu của Cha,
Cha hài lòng về Con”. (Mc 1,11)
BÀI ĐỌC I: Is 42, 1-4. 6-7
“Này là tôi tớ Ta, Ta hài lòng về người”.
Trích sách Tiên tri Isaia.
Đây là lời Chúa phán: “Này là tôi tớ Ta mà Ta nâng đỡ, là người Ta chọn, Ta hài lòng về người. Ta ban Thần trí Ta trên người. Người sẽ xét xử chư dân. Người sẽ không lớn tiếng, không thiên vị ai; không ai nghe tiếng người ở công trường. Người không bẻ gẫy cây lau bị giập, không dập tắt tim đèn còn khói. Người trung thành đem lại lẽ công bình. Người sẽ không buồn phiền, không nao núng, chỉ lo đặt công lý trên địa cầu, vì trăm đảo mong đợi lề luật người.
Ta là Chúa, Ta đã gọi con trong công lý, đã cầm lấy tay con, đã gìn giữ con, đã đặt con thành giao ước của dân, và nên ánh sáng của chư dân, để con mở mắt cho người mù, đưa ra khỏi tù những người bị xiềng xích, đưa ra khỏi ngục những người ngồi trong tối tăm”.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 28, 1a và 2. 3ac-4. 3b và 9b-10
Đáp: Chúa sẽ chúc phúc cho dân Người trong cảnh thái bình (c. 11b).
Xướng: 1) Các con cái Thiên Chúa hãy dâng kính Chúa, hãy dâng kính Chúa vinh quang xứng với danh Người; hãy mang lễ phục thánh để thờ lạy Chúa. - Đáp.
2) Tiếng Chúa vang dội trên mặt nước, Chúa ngự trên muôn ngàn sóng nước. Tiếng Chúa phán ra trong uy quyền, tiếng Chúa phán ra trong oai vệ. - Đáp.
3) Thiên Chúa oai nghiêm làm cho sấm sét nổ ran, và trong thánh đài của Chúa, mọi người kêu lên: Vinh quang! Chúa ngự trị trong cơn hồng thuỷ, và Chúa làm vua ngự trị tới muôn đời. - Đáp.
BÀI ĐỌC II: Cv 10, 34-38
“Chúa dùng Thánh Thần mà xức dầu tấn phong cho Người”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, Phêrô mở miệng nói rằng: “Quả thật, tôi nghiệm biết rằng Thiên Chúa không thiên tư tây vị, nhưng ở bất cứ xứ nào, ai kính sợ Người và thực hành sự công chính, đều được Người đón nhận. Thiên Chúa đã sai Lời Người đến cùng con cái Israel, loan tin bình an, nhờ Chúa Giêsu Kitô là Chúa muôn loài. Như anh em biết, điều đã xảy ra trong toàn cõi Giuđa, khởi đầu từ Galilêa, sau khi Gioan đã rao giảng phép rửa: ấy là Chúa Giêsu thành Nadarét. Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong cho Người. Người đi qua mọi nơi, ban bố ơn lành và chữa mọi người bị quỷ ám, bởi vì Thiên Chúa ở với Người”.
Đó là lời Chúa.
Tin mừng: Mc 1, 7-11
7 Ông rao giảng rằng: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. 8 Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần.”
9 Hồi ấy, Đức Giê-su từ Na-da-rét miền Ga-li-lê đến, và được ông Gio-an làm phép rửa dưới sông Gio-đan. 10 Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên mình.
11 Lại có tiếng từ trời phán rằng: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.”
Bài giảng của Lm. Ignatio Hồ Văn Xuân
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: “Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại”. Đó là tâm tình của thánh Gioan Tẩy Giả mà Giáo Hội muốn gởi đến chúng ta qua bài Tin Mừng hôm nay.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã khởi sự sứ mệnh tông đồ bằng việc đến sông Gio-đan xin Thánh Gioan làm phép rửa cho mình như một người môn đệ. Và từ vị thế của một môn đệ, Chúa đã từ từ thu hút một số các môn đệ, và cuối cùng trở thành một bậc thầy hơn cả Thánh Gioan. Ảnh hưởng của Chúa càng lớn thì vai trò của Thánh Gioan Tẩy Giả càng mờ nhạt. Thánh Gioan Tẩy Giả đã không ghen tức và buồn phiền vì Chúa thành công, nhưng ngài đã vui mừng vì đã đóng trọn vai phụ của mình. Đặc biệt thánh Gioan đã khơi dậy niềm vui và quy hướng mọi người về với Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, hôm nay, con cũng cần tiếp tục vai trò của Thánh Gioan Tẩy Giả: Chúa phải lớn lên, còn con phải nhỏ lại: nhỏ lại trong muôn vàn những khuynh hướng xấu đang lôi kéo con vào vòng tội lỗi. Con cần nhỏ lại trong sự tham lam ích kỷ của mình để người khác được lớn lên bằng tấm lòng quảng đại của con. Con cần nhỏ lại trong hận thù, ghen ghét, để tha nhân được lớn lên bằng sự cảm thông và tha thứ. Và khi người khác được lớn lên thì cũng chính là lúc Chúa được lớn lên trong tâm hồn con.
Lạy Chúa Giêsu, xin ánh sáng Lời Chúa soi dẫn để con biết khám phá những nét đẹp nơi người khác. Xin sức sống của Bí tích Thánh Thể nuôi dưỡng tâm hồn con mỗi ngày, để con biết hy sinh chính mình, cho Chúa lớn lên trong anh chị em con. Amen.
Ghi nhớ: “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha”.
2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
1. Sám hối: Satan phàn nàn với Chúa: "Ngài không công bằng. Nhiều tội nhân làm điều sai trái và Ngài lại đón nhận họ. Thật ra, có người trở lại sáu bảy lần và Ngài vẫn nhận. Tôi chỉ phạm một lỗi lớn mà Ngài kết án tôi đời đời." Chúa nói: "Đã bao giờ ngươi xin tha thứ hoặc ăn năn chưa ?". (Góp nhặt)
2. Paddy đang hồi phục sau ca mổ, ba bạn thân ghé thăm để khích lệ anh. Ngoài chuyện thăm hỏi, họ kể cho anh về những ca mổ họ nghe biết.
Một người nói: "Tôi nghe có một ca mổ họ để quên cái gạc trong bụng bệnh nhân và phải mổ để lấy ra".
Người khác kể về ca mổ bác sĩ để quên kéo bên trong và bệnh nhân phải mổ lần nữa để lấy ra. Vừa nói xong, bác sĩ thực hiện ca mổ cho Paddy thò đầu vào cửa gọi lớn: "Có ai thấy mũ của tôi không ?" Và Paddy ngất đi.
Một lần xưng thú không chân thành giống như một ca mổ tồi tệ. Một vài thứ bị để quên và phải thực hiện một ca mổ khác để lấy ra. (Góp nhặt)
3. Người ta thường hiểu ơn gọi theo nghĩa hẹp là ơn gọi làm Linh mục, Tu sĩ. Nhưng thực ra mọi kitô hữu cũng đều được Chúa gọi để làm Kitô hữu xứng đáng trong bậc sống của mình.
4. Khi Chúa gọi ai, việc đầu tiên là Ngài bảo người đó từ bỏ. Ơn gọi đầu tiên trong Cựu Ước là như thế: Thiên Chúa nói với Abraham "Hãy đi khỏi xứ sở ngươi, khỏi nhà cha ngươi..." (St 12,1). Ơn gọi đầu tiên trong Tân Ước cũng như thế: bốn môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu "lập tức bỏ chài lưới (bỏ thuyền, bỏ cha mẹ lại) mà theo Ngài" (Mt 4,20.22). Tất cả những ơn gọi khác cũng phải như thế thôi.
5. Hai người giáo dân đứng ngoài chợ nói chuyện với nhau:
- Anh nghĩ xem chúng ta có cần tiếp tay với Cha xứ để lo việc họ đạo không ? Người thứ nhất hỏi:
- Tôi cũng thường nghĩ đến điều đó. Nhưng khi tôi thấy chung quanh cha chỉ có một nhóm nhỏ những người thân tín thì tôi không muốn gia nhập nhóm nhỏ ấy nữa.
Nảy giờ đứng bên cạnh đã nghe hết, anh chen vào:
- Đúng thế, chung quanh cha xứ chỉ có một nhóm nhỏ thôi. Nhưng các anh có biết tại sao không ?
- Tại sao ? Tại sao ? Xin cho chúng tôi biết với.
- Hồi cha mới đến xứ đạo, cha đã kêu mời mọi người cộng tác. Nhưng sau đó chỉ có một ít người đáp lời thôi. Đó là những người biết nói "VÂNG". (Góp nhặt)
Cầu nguyện: Xin mở mắt cho con được thấy xa hơn những dòng chữ viết về Ngài trong Thánh Kinh, để con gặp được một Thiên Chúa sống động.
3. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ.)
CHA HÀI LÒNG VỀ CON
Người Do-thái rất nhạy cảm về sự ô uế nơi thân xác.
Theo sách Lêvi, thân xác con người có thể bị ô uế bởi nhiều lý do.
Chạm vào xác chết hay vào người phong làm ta ra ô uế.
Người phụ nữ sinh con hay có phản ứng sinh lý bình thường
cũng trở thành ô uế và cần được thanh tẩy.
Lẽ ra người phụ nữ bị băng huyết không được chạm vào Đức Giêsu.
Đây không phải là sự ô uế do phạm tội về mặt đạo đức,
mà chỉ là sự ô uế khiến người ta không được phép dự các lễ nghi.
Để sạch trở lại, cần được thanh tẩy.
Nước là cách thanh tẩy dễ dàng nhất.
Sách Lêvi hay dùng câu: “lấy nước mà tắm rửa” (chương 14-17).
Nước dùng để thanh tẩy thường là nước nguồn, nước mưa.
Cho đến nay trong nhánh Do-thái giáo Chính Thống hay Bảo Thủ,
nơi thanh tẩy (mikvah) vẫn chiếm vị trí trung tâm của nhà cộng đoàn.
Chúng ta không lấy làm lạ khi Gioan Tẩy giả mời gọi dân chúng
đến với ông để chuẩn bị cho Đấng Mêsia đang gần tới.
Ông kêu gọi người ta hối cải, xưng thú tội lỗi mình,
rồi chịu phép rửa của ông ở dòng nước sông Giođan.
Đức Giêsu đã nghe tiếng kêu của Gioan và đã đến,
đã đứng chung với các tội nhân, chờ đến phiên mình,
đã dìm toàn thân mình dưới nước, và được Gioan ban phép rửa.
Lúc ấy Ngài đã trên ba mươi tuổi, làm thợ nhiều năm ở Nadarét,
đã lặng lẽ và bình an chờ đợi ngày Cha sai mình.
Nhận phép rửa của Gioan là làm một cử chỉ khiêm hạ.
Đức Giêsu không ngờ chính giây phút dìm mình ở con sông này
lại là giây phút Thiên Chúa ngỏ lời với Ngài,
vén mở cho Ngài biết Ngài là ai trong mắt của Thiên Chúa,
và kín đáo mời gọi Ngài rời Nadarét để lên đường.
“Con là Con yêu dấu của Cha!” đó là lời Thiên Chúa từ trời phán.
Như Isaac là con yêu dấu của Abraham (St 22,2),
Đức Giêsu là Con yêu dấu của Cha.
Ngài là Con như vị vua mới đăng quang thuộc dòng Đavít,
được Thiên Chúa tuyển chọn và bảo:
“Con là con của Cha, hôm nay Cha đã sinh ra con” (Tv 2,7).
Như Người Tôi trung được đầy Thánh Thần để làm sứ mạng,
Ngài được Thiên Chúa tuyên bố: “Cha hài lòng về Con” (Is 42,1).
Thiên Chúa Cha hài lòng về Đức Giêsu là người Con yêu dấu,
người đã vâng ý cha suốt bao năm ở Nadarét,
và sẽ còn vâng ý Cha cho đến nỗi hy sinh chính mạng sống mình.
Những gì xảy ra trên sông Giođan hôm nay
sẽ tiếp diễn mãi trong suốt đời của Đức Giêsu.
Ngài không chỉ xếp hàng với những người tội lỗi,
mà hơn nữa, “Đấng không hề biết đến tội, thì vì chúng ta,
Thiên Chúa đã làm Ngài thành thân tội” (2 Cr 5,21).
Thánh Thần đã xuống trên Ngài ở Giođan,
sau đó sẽ đưa Ngài vào hoang địa để chịu thử thách (Mc 1,12).
Đức Giêsu đã khiêm tốn chịu phép rửa bởi Gioan,
và Ngài sẽ còn đau đáu chờ một phép rửa khác nữa (Lc 12,50).
Ngài đã hỏi hai môn đệ xem họ có dám chịu phép rửa
mà Ngài sắp chịu không (Mc 10,38-39).
Phép rửa ấy không gì khác hơn là cái chết để phục vụ,
và hiến mạng làm giá chuộc cho muôn người (Mc 10,45).
Chúng ta đã được chịu Phép Rửa trong Thánh Thần,
nhân danh Chúa Giêsu, để được ơn tha tội (Cv 2,38).
Ước gì Chúa Cha cũng nói với từng người chúng ta:
“Con là con Cha yêu dấu, Cha hài lòng về con.”
CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa Giêsu,
sám hối không phải là điều dễ dàng,
bởi lẽ chúng con không đủ khiêm tốn
để nhận mình lầm lỗi.
Chúng con ngỡ ngàng
khi thấy Chúa là Đấng vô tội
mà lại đứng chung với các tội nhân,
chờ Gioan ban phép rửa.
Chúa đã muốn nên bạn đồng hành
với phận người mỏng dòn yếu đuối chúng con.
Xin cho chúng con biết thường xuyên điều chỉnh
lối nghĩ và lối sống của mình,
tỉnh táo để khỏi rơi vào ảo tưởng,
thành thật để khỏi tự dối mình.
Ước gì Chúa ban cho chúng con ơn hoán cải,
dám đi đến những hành động cụ thể,
và chấp nhận những cắt tỉa đớn đau.
Nhưng xin đừng quên ban cho chúng con
niềm vui của Gia kêu,
hạnh phúc vì được tự do và được yêu mến.
4. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
A. DẪN NHẬP
Hôm nay Phụng vụ kết thúc mùa Giáng sinh và bắt đầu mùa thường niên. Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa khởi đầu cho mùa thường niên này.
Việc Chúa Giêsu nài ép Gioan làm phép rửa cho mình khiến chúng ta phải ngạc nhiên. Ngài là Đấng “vô tội” tại sao lại xin chịu phép rửa sám hối như một tội nhân ? Ngài làm như vậy là vì ngay từ đầu đời sống công khai, Ngài đã thực hiện trọn vẹn ý Cha, như người “Tôi Tớ vâng phục” mà các tiên tri đã loan báo. Ngài sẵn sàng vâng phục chấp nhận cái chết trên thập giá. Phép Rửa bằng máu này dẫn tới và thánh hiến phép rửa bằng nước.
Việc làm của Chúa Giêsu giúp chúng ta nhận ra ý nghĩa Phép Rửa tội của chúng ta. Nhờ phép rửa tội, chúng ta được nhận lại làm con Chúa, được thừa hưởng Nước trời. Do đó, chúng ta phải dấn thân trọn vẹn để sống với Chúa trong tình hiệp nhất yêu thương, sống trọn vẹn tình con đối với Cha, sống sao cho xứng danh Kitô hữu để làm vinh danh Cha trên trời.
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA
+ Bài đọc 1: Is 42,1-4.6-7
Khi ấy dân Do thái bị thử thách nặng nề, phải đi đày ở Babylon. Để khích lệ họ, tiên tri Isaia loan báo: họ vinh dự được Thiên Chúa chọn làm đầy tớ lý tưởng của Ngài, có trách nhiệm giới thiệu Thiên Chúa cho dân ngoại.
Đây là bài thứ nhất trong 4 bài ca về Người Tôi tớ trong sách đệ nhị Isaia. Vì được Thánh Thần ngự trên mình, Người Tôi tớ của Thiên Chúa là Đấng mạnh mẽ và sẽ chiến thắng mọi kẻ thù. Nhưng Ngài không thích dùng bạo lực, trái lại, Ngài yêu thương cứu vớt những kẻ tội lỗi yếu đuối, “không lớn tiếng, không bẻ gãy cây lau bị giập, không dập tắt tim đèn còn leo lét”.
Tất cả những nét Isaia mô tả Người Tôi tớ đều được thực hiện nơi Đức Giêsu. Chính Đức Giêsu sẽ đảm nhận vai trò Người Tôi tớ. Vai trò này, Ngài sẽ hoàn thành khi biến tôn giáo của đức tin thành một sự ưng thuận thắm tình con thảo mà mọi người đều có thể nói lên, dù người ấy thuộc bất cứ nền văn hoá hay quốc gia nào. Theo gương Đức Kitô, các Kitô hữu cũng phải thực hiện nhiệm vụ trên.
+ Bài đọc 2: Cv 10,34-38
Đây là phần đầu bài giảng của thánh Phêrô ở Cêsarêa cho ông Corneliô, viên sĩ quan Rôma và gia đình của ông, để giúp họ hoán cải và chịu phép rửa. Đây là một việc làm có tính cách cách mạng, vì từ trước đến nay các tông đồ chưa nghĩ đến việc cho người ngoại gia nhập Giáo hội.
Trong bài nói chuyện với người Do thái, Phêrô cho biết sở dĩ Ngài dám làm như vậy vì “Thiên Chúa không thiên tư tây vị ai, hễ ai thực hành sự công chính, đều được Ngài đón nhận”. Chính Đức Giêsu Nazareth đã được Thiên Chúa dùng Thánh Thần và quyền năng xức dầu tấn phong Ngài, và Ngài đã đi khắp nơi để ban phát ơn lành.
+ Bài Tin mừng: Lc 3,15-16.21-22
Cả 3 bài Tin mừng của lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa có rất nhiều điểm giống nhau. Chúng ta có thể chia bài Tin mừng thành 2 phần:
* Phần một: Ông Gioan thanh minh là mình không phải là Đấng Kitô như người ta tưởng. Có Đấng sẽ đến sau ông và cao trọng hơn ông. Hiện nay ông chỉ rửa họ bằng nước, còn Đấng đến sau sẽ làm phép rửa trong Chúa Thánh Thần.
* Phần hai: Đức Giêsu nhận phép rửa của ông Gioan và trong nghi lễ này Đức Giêsu được tấn phong làm Đấng Messia, Đấng Cứu thế. Đó chính là ý nghĩa việc Thánh Thần hiện xuống, “các tầng trời mở ra”, cách diễn tả lấy lại của Isaia 63,11-14.19 khi công bố tấn phong một vị giải phóng mới. Có tiếng nói từ trời vang trên Đức Giêsu, tiếng nói ấy cũng thuộc về nghi thức phong vương một vị vua mới: “Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con”.
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Một cuộc đổi mới
I. NGÀY LỄ PHONG VƯƠNG
Phụng vụ hôm nay, nhất là bài Tin mừng, gợi lên cho chúng ta ý tưởng về ngày lễ phong vương. Thánh Marcô cho chúng ta biết Đức Giêsu chịu phép rửa của ông Gioan ở sông Giođan. Chính khi Đức Giêsu được dìm trong nước và được kéo lên. thì trời mở ra và có Thánh Thần hiện xuống dưới hình chim bồ câu và tiếng nói từ trời vang xuống: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con”. Đây là tiếng của Thiên Chúa Cha nói với Đức Giêsu để nhận Ngài làm Con. Lời nói ấy khiến chúng ta nghĩ đến một nghi lễ phong vương.
Ngày xưa, khi một người được phong lên làm vua thì phải trải qua một cuộc lễ phong vương với nghi thức gồm 3 phần, và hôm nay Đức Giêsu cũng đã thực hiện 3 phần ấy:
- Phải tắm rửa sạch sẽ.
- Phải được xức dầu.
- Và được tôn xưng làm vua.
1. Phải tắm rửa sạch sẽ
Đức Giêsu chịu phép rửa ở sông Giođan bởi tay ông Gioan Tẩy giả. Chỉ ai không trong sạch mới cần tắm rửa. Vậy, Đức Giêsu là chiên của Thiên Chúa, một con chiên trong sạch vô tì tích, tại sao lại phải tẩy rửa tội lỗi ? Thưa, Ngài làm như vậy là để hòa đồng với con người khiêm nhường để từ đó dạy ta rằng: muốn vào Nước trời, phải ăn năn sám hối, cải thiện đời sống và phải tắm gội tâm hồn cho trong sạch: “Phúc cho ai có tâm hồn trong sạch vì họ sẽ được xem thấy Chúa”.
2. Phải được xức dầu
Đức Giêsu được Thánh Thần xức dầu tấn phong. Trong bài đọc 2, thánh Phêrô nói: “Đức Giêsu thành Nazareth được Thiên Chúa dùng Thánh Thần và quyền năng và xức dầu tấn phong cho Ngài”.
Tiên tri Isaia đã nói trước và chính Đức Giêsu đọc đoạn sách của Isaia ở hội đường Do thái: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi: Vì Chúa đã xức dầu cho tôi, Người đã sai tôi đem Tin mừng cho người nghèo khó, băng bó những tâm hồn đau thương, báo tin ân xá cho những kẻ bị lưu đày, phóng thích cho những tù nhân, công bố năm hồng ân của Thiên Chúa...” (Is 61,1-3). Và Đức Giêsu đã kết luận: hôm nay đã ứng nghiệm lời tiên tri Isaia nói về Ngài.
3. Ngài được phong vương
Đức Giêsu được tôn phong làm vua, là Đấng Messia, là Chúa Cứu thế.
Trong Tin mừng, Thánh Marcô nói: Khi Ngài vừa ở dưới nước lên thì trời mở ra, Thánh Thần lấy hình chim bồ câu ngự xuống trên Ngài và có tiếng từ trời phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con”. Đây là lời tuyên phong long trọng Đức Giêsu là Vua, là Con Thiên Chúa.
II. Ý NGHĨA VIỆC CHỊU PHÉP RỬA
1. Phép rửa của Gioan và của Đức Giêsu
Chúng ta thấy có sự khác nhau giữa phép rửa của Gioan và của Chúa Giêsu. Phép rửa của Gioan chỉ là dấu hiệu của sự ăn năn sám hối. Người Do thái đến cho Gioan làm phép rửa là để được ăn năn các tội mình để được ơn tha thứ. Còn Chúa Giêsu Kitô, con người vô tội, không thể lãnh nhận Phép rửa với hướng đó. Vậy Ngài đến xin rửa không phải là cho mình, mà là cho người khác, vì người khác. Ngài chịu phép rửa là nói lên, từ nay, Ngài chung số phận với người tội lỗi và đó là tất cả ý nghĩa đời Ngài và cuộc đời này chỉ hoàn tất với phép rửa cuối cùng, của sự chết (Mc 10,38; Lc 12,50), vì chết là cùng chung số phận của con người tội lỗi, con người bị sa ngã, và là số phận bi đát nhất.
Phép rửa của Chúa Giêsu là phép rửa “tái sinh”. Nó ban cho mọi người một đời sống toàn vẹn. Giải thích về đời sống mới này, thánh Phaolô đã viết cho các Kitô hữu vừa mới được rửa tội như sau: “Khi được rửa tội là anh em được mai táng với Đức Kitô, và trong phép rửa tội, anh em cũng được sống lại với Đức Kitô. Anh em đã bị chết về mặt tâm linh nhưng giờ đây Thiên Chúa đã mang anh em đến nguồn sống cùng với Đức Kitô” (Cl 2,12-13).
2. Lý do Đức Giêsu chịu phép rửa
Việc Đức Giêsu tự nguyện đến xin chịu phép rửa của Gioan không nhằm ăn năn sám hối tội lỗi như bao người khác, vì Ngài là Đấng vô tội (Dt 5,15b; 7,26). Nhưng qua hành động này, Ngài muốn chia sẻ thân phận yếu hèn và cảm thông với các tội nhân, để sau này sẽ chịu chết đền tội thay cho họ. Đàng khác, việc toàn thân Chúa Giêsu được Gioan dìm xuống nước sông Giođan, chính là hình bóng của phép rửa mà Ngài sẽ phải chịu trong mầu nhiệm tử nạn và phục sinh sau này (x. Rm 6,3-4). Và từ mầu nhiệm phục sinh, Chúa Giêsu thiết lập bí tích rửa tội, để nhờ đó tái sinh các tín hữu và đổi mới họ nhờ nước và Thánh Thần. Đây cũng là điều kiện để được gia nhập vào Nước Thiên Chúa (x. Ga 3-6; Tt 3,5).
Ngoài ra, việc Đức Giêsu đến xin chịu phép rửa của Gioan còn là cơ hội, để ông thi hành sứ mệnh tiền hô đi trước dọn đường và làm chứng cho Ngài. Ngài chịu phép rửa của Gioan để sẽ làm cho phép rửa bằng nước trở thành bí tích rửa tội trong Chúa Thánh Thần (x. Mc 1,8) và lửa (x. Lc 3,16; Cv 2,3-4).
3. Ý nghĩa Bí tích rửa tội
Trước khi về trời, Đức Giêsu lập bí tích rửa tội khi Ngài nói với các môn đệ: “Các con hãy đi rao giảng cho muôn dân, rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần (Mt 26,20).
Chúng ta xem lại phép rửa của Gioan Tiền hô: phép rửa của Gioan Tiền hô chỉ là một nghi thức tượng trưng, có mục đích nhắc nhở và thúc giục người ta ăn năn sám hối và cải thiện đời sống. Phép rửa này không có khả năng tẩy xoá tội lỗi, không có năng lực ban ơn thánh. Bởi vì phép rửa này không phải là một bí tích, đúng như Gioan đã quả quyết, đồng thời Ngài cũng giới thiệu một phép rửa khác, phép rửa của Chúa Giêsu, là phép rửa bằng Thánh Thần, nghĩa là phép rửa của Chúa Giêsu là một bí tích thông ban Chúa Thánh Thần, mặc dầu cũng dùng tới nước, nhưng nước chỉ là điều kiện, là nghi thức bên ngoài, còn thực sự là được rửa bằng Thánh Thần, biến đổi con người tội lỗi nên con Thiên Chúa, và được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu Nước Trời.
Khi chúng ta lãnh nhận phép rửa tội, Chúa Giêsu cũng muốn chúng ta tham dự vào mầu nhiệm sự chết và sống lại của Ngài. Chúng ta vào đời khi được sinh ra và vào đạo của Thiên Chúa khi được rửa tội. Trong nghi thức rửa tội chúng ta được dìm trong nước hoặc đổ nước trên đầu, để chỉ việc tẩy rửa khỏi tội tổ tông và mọi tội riêng, được tái sinh làm con cái của Chúa và gia nhập vào Giáo hội. Vì thế, Giáo hội coi bí tích rửa tội như một cuộc tái sinh, người được rửa tội trở thành một con người mới. Họ thấy đâu là ơn gọi và định mệnh của con người, đâu là ý nghĩa của cuộc đời.
Truyện: Tôi mới có 2 tuổi
Có một cụ già, mãi tới khi 80 tuổi mới lãnh nhận phép rửa tội. Bắt đầu từ đó cụ sống một đời rất gương mẫu. Hai năm sau, cụ hấp hối. Có người muốn biết cụ bao nhiêu tuổi. Cụ dõng dạc trả lời: “Tôi mới có hai tuổi. Tám mươi năm trước khi rửa tội là những năm chết. Tôi mới bắt đầu sống thật khi tôi chịu phép rửa tội”. Thật là chí lý (Lm. Phạm Văn Phượng, Chia sẻ TM Chúa nhật B, tr 38).
III. BÍ TÍCH RỬA TỘI VÀ CHÚNG TA
Ngày nay, mỗi người chúng ta đã được chịu phép rửa tội để trở thành Kitô hữu, con Thiên Chúa, con của Giáo hội. Bí tích rửa tội là cửa ngõ đưa ta vào trong Giáo hội và Nước trời. Vậy bí tích rửa tội có tương quan gì với chúng ta không, và chúng ta phải sống thế nào cho xứng với hồng ân ấy ?
1. Một cuộc đổi mới
Chúng ta là những con người tội lỗi, nhờ phép rửa tội chúng ta được tẩy sạch mọi tội lỗi, để trở nên con người mới trong trắng, xứng đáng làm con của Đấng đã phán: “Các ngươi hãy nên thánh vì Ta là Đấng thánh”. Tuy thế, sống giữa trần gian đầy cám dỗ, nhiều khi tấm áo trắng trong ngày chịu phép rửa tội đã bị hoen ố vì những hành vi xấu xa của ta, nên phải cố gắng đổi mới cuộc sống của ta theo câu tâm niệm vua Thành Thang đã viết vào trong bồn tắm: “Nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân”: mỗi ngày nên mới, ngày ngày nên mới, ngày tới phải nên mới. Vua cho rằng: người ta phải gột rửa con tim cho sạch tội nhơ như thân xác phải tắm rửa hằng ngày (x. Đại Học I,1).
Chúng ta phải làm một cuộc cách mạng bản thân: nghĩa là phải lột bỏ con người cũ tội lỗi mà mặc lấy con người mới tốt lành thánh thiện như thánh Phaolô đã dạy. Phương pháp giáo dục của người xưa vẫn còn tính cách thời sự nơi chúng ta: Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Theo trật tự của cuộc cách mạng, thì cách mạng bản thân là điều tiên quyết.
Truyện: Thay đổi chính mình
Linh mục Anthony de Mello kể lại tâm sự của một nhà hiền triết như sau:
Nhìn lại cuộc sống đã qua, nhà hiền triết thú nhận: Lúc thiếu thời tôi là một kẻ hiếu động. Trong sự hăng hái của tuổi trẻ, tôi thường xin Chúa cho tôi sức mạnh biến đổi trái đất này trở nên tốt hơn.
Khi được nửa đời người, tôi ý thức là mình chưa làm được gì cả, chưa thay đổi được bất cứ người nào. Tôi lại đổi lời cầu nguyện cho thiết thực hơn: “Lạy Chúa, giờ đây con chỉ xin Chúa cho con khả năng thay đổi cuộc sống của những người con tiếp xúc hằng ngày thôi”.
Nhưng rồi khi tuổi đời sắp hết, tôi thấy rằng: mình quá cao vọng và ảo tưởng, tôi lại thay đổi lời cầu nguyện như sau: “Lạy Chúa, xin ban cho con ơn thay đổi chính bản thân con”.
Nếu từ tuổi thanh xuân tôi đã cầu nguyện như thế, thì có lẽ tôi không phải hối tiếc, vì đã sống một đời sống vô ích.
2. Tập sống khiêm nhường
Việc Đức Giêsu đến xin ông Gioan làm phép rửa làm cho chúng ta phải suy nghĩ: Đức Giêsu được Gioan giới thiệu là “Con chiên Thiên Chúa”, một con chiên vô tì tích tại sao lại đến chịu phép rửa để xin được ơn tha tội như mọi người tội lỗi đến xin ? Thánh Mátthêu coi cử chỉ đó như là thực hiện “chương trình khiêm hạ và phục vụ” mà các tiên tri đã báo trước (Mt 3,14-15). Đức Giêsu chịu phép rửa để nêu gương cho ta về sự khiêm nhường, Ngài nhận mình là người có tội như mọi người, để hòa đồng với mọi người, để giúp cho con người luôn có tinh thần sám hối, tự hạ trước mặt Chúa: “Trong các con ai làm lớn nhất phải xử như kẻ nhỏ nhất. Ai làm đầu kẻ khác phải coi mình như tôi tớ” (Lc 22,26).
Theo nhà Phật, con người có ba chứng nguy hiểm nhất, đó là: - Tham là vì ích kỷ - Sân là vì tự ái - Si là vì ngu muội.
Trong ba chứng bệnh nói đây, “Sân” là khó diệt hơn cả. Bởi vì lòng tự ái (kiêu ngạo) là một thói xấu sống dẻo dai bậc nhất, đến nỗi thánh Phanxicô Salê phải nói: “Nó chỉ ngưng hoạt động 15 phút sau khi tôi chết”.
Các bậc hiền nhân quân tử đều coi đức “khiêm tốn” là căn bản trong công việc cải tạo con người. Tính tự ái (kiêu ngạo) buộc con người vào dục vọng, làm cho họ phải đảo điên, thì lòng khiêm tốn sẽ là phương tiện giải thoát, đem lại thế quân bình, tức là sự bằng yên cho tâm hồn.
Truyện: Vừa thì đứng
Một hôm Khổng Tử tới thăm miếu vua Hoàn Công nước Lỗ, thấy một chiếc lọ đứng nghiêng nghiêng, ngài hỏi, thì người giữ miếu cho biết:
- Cái lọ này là một bảo vật, thuở trước nhà vua hằng để bên ngai vàng hầu làm gương.
Ngài nói:
- Ta vốn nghe đồn nhà vua có một bảo vật, bỏ không thì nghiêng, đổ nước vào vừa phải thì đứng thẳng, mà đổ đầy thì lại ngã. Có lẽ là vật này chăng ?
Rồi ngài bảo học trò múc nước thí nghiệm thì quả nhiên đúng như thế.
Bấy giờ ngài mới trịnh trọng giảng giải:
- Thông minh thánh trí nên giữ bằng cách ngu muội. Có công to trong thiên hạ, nên giữ bằng cách khiêm cung. Sức khỏe hơn người, nên giữ bằng cách nhút nhát. Giầu có bốn biển, nên giữ bằng cách bố thí và thái độ nhún nhường. Đó là lối san sẻ bớt đi để khỏi đầy tràn mà sụp đổ vậy”.
3. Sống xứng danh Kitô hữu
Khi được chịu phép rửa tội, chúng ta được gọi là Kitô hữu. Danh xưng Kitô hữu là chỉ một người thuộc về Chúa Kitô, là người được mang danh Chúa Kitô, là Kitô khác, là Chúa Kitô nối dài. Để sống xứng đáng với danh hiệu đó, chúng ta phải có nhiều nỗ lực, nhiều khi phải đau khổ, hy sinh, nhục nhã, chịu nhiều phiền toái, thua thiệt... nhưng đó là giá phải trả để chúng ta đạt được niềm vui đích thực trong cuộc đời làm con Chúa.
Truyện: Tên con là Philipphê
Một hôm, người ta đem đến trình vua Philipphê một thanh niên bị bắt quả tang ăn trộm. Vua nhìn thẳng vào mặt hắn và hỏi:
- Tên mày là gì ? Anh ta rụt rè thưa:
- Thưa tên con là Philipphê ạ. Vua trợn mắt nói tiếp:
- Mày là Philipphê trùng với tên tao mà mày lại đi ăn trộm à ? Mày làm ô danh tao. Vậy mày phải làm một trong hai việc: một là phải đổi tên đi, hai là phải thay đổi cách sống...
Chúng ta đã lãnh nhận bí tích rửa tội và đã được trở thành con Thiên Chúa. Được làm con Thiên Chúa là một tước hiệu vô cùng cao quý, một hồng ân lớn lao Chúa ban cho con người. Nhưng chúng ta đã sống thế nào với hồng ân cao quý ấy ? Cha trên trời có hài lòng với chúng ta không ?
Khi Chúa Giêsu chịu phép rửa, Chúa Cha đã phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con”. Vậy Cha trên trời có hài lòng với chúng ta không ? Chúng ta đã trở thành con Chúa và được mang danh hiệu là Kitô hữu, vì vậy, nỗ lực của chúng ta là phải luôn cố gắng sống xứng đáng với danh hiệu ấy để được Chúa hài lòng với chúng ta.
5. Suy niệm (song ngữ)
Baptism of the Lord
Reading I: Isaiah 42:1-4,6-7
Reading II: Acts 10:34-38
Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa
Bài Đọc I: Isaiah 42,1-4.6-7
Bài Đọc II: Acts 10,34-38
Gospel
Mark 1:7-11
7 He preached to the people saying, “After me there will come one who is mightier than I am;
8 I have baptized you with water, but he will baptize you in the Holy Spirit. As for me, I am not worthy to bend down and untie his sandals.”
9 At that time Jesus came from Nazareth, a town of Galilee, and was baptized by John in the Jordan.
10 And the moment he came up out of the water, Heaven opened before him and he saw the Spirit coming down on him like a dove.
11 And these words were heard from Heaven, “You are my Son, my beloved one, whom I have chosen.”
Phúc Âm
Maccô 1,7-11
7 Ông rao giảng rằng: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người.
8 Tôi đã làm phép rửa cho anh em nhờ nước; còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần.”
9 Hồi ấy, Đức Giê-su từ Na-da-rét miền Ga-li-lê đến, và được ông Gio-an làm phép rửa dưới sông Gio-đan.
10 Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí tựa chim bồ câu ngự xuống trên mình.
11 Lại có tiếng từ trời phán rằng: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.”
Interesting Details
- (v.9) John's baptism is an outward expression of repentance for the forgiveness of sins. Though Jesus is without sins, He too stands in line with the penitents of Israel. Jesus identifies himself with a movement of the people back to God.
- (v.10) “Heaven opened”. The opening of the heavens symbolizes the end of the separation from God and the beginning of communication between heaven and earth (Isa 63:19).
- (v.10) “the Spirit coming down..like a dove”. The image of a dove is used in several ways in the Old Testament. A first-century rabbinic tradition explained the Spirit hovering over the waters at creation(Ge 1:2) with image of a dove. Thus, Jesus' baptism by the Spirit symbolizes a new creation of the world . In Songs 2:14, a dove symbolizes God's love for the world.
- (v.11) God's words echo several quotations from the Old Testament. Psalm 2:7 speaks of the Messiah as “ You are my Son”. In the Servant Song of Isaiah 42:1, He is called “ behold my servant, whom I have chosen, in whom my soul delights”. Thus, Jesus is the Messiah, anointed by the Spirit to rule all nations, the Servant who has been appointed to deliver his people, and the beloved Son of God. God's words solemnly affirms Jesus' status and his mission.
Chi Tiết Hay
- (c.9) Phép rửa bằng nước của thánh Gio-an là cách tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội. Tuy Chúa Giê-su không có tội, Người vẫn đứng xếp hàng với những người tội lỗi. Chúa Giê-su hòa mình với đoàn người đang trở về với Thiên Chúa.
- (c.10) “Các tầng trời xé ra” biểu tượng sự giao hòa giữa trời và đất, giữa Thiên Chúa và con người (Is 63:19).
- (c.10)”Thần khí tựa chim bồ câu”. Trong Cựu Ước, chim bồ câu là biểu tượng tình yêu của Thiên Chúa dành cho loài người (Dc 2:14) Ngoài ra, sách Sáng Thế 1:2 viết “Thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” để tả công cuộc tạo thành. Chúa Giê-su chịu phép rửa là bắt đầu một cuộc tạo thành mới.
- (c.11)Lời của Thiên Chúa đã được nhắc qua trong Cựu Ước. Thánh vịnh 2:7 gọi đấng Mê-sia là “Con là Con của Cha”. Isaia 42:1 viết lời Thiên Chúa “đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, đây là Người Ta tuyển chọn”. Như vậy, Chúa Giê-su chính là Đấng Mê-sia, là Người Tôi trung được tuyển chọn để giải thoát nhân loại, và là Con Thiên Chúa. Lời phán từ trời xác nhận địa vị và sứ mệnh của Chúa Giê-su.
One Main Point
Jesus of Nazareth is revealed directly by His Father to be the Son of God. Jesus is the voice we should listen to.
Một Điểm Chính
Đức Chúa Cha lên tiếng xác nhận Giê-su từ Na-da-rét là Con Thiên Chúa Chúa Giê-su là Lời mà chúng ta nên lắng nghe.
Reflections
Placing myself at the Jordan river, I imagine that I am standing in line with the penitents of Israel. How do I feel, knowing that Jesus stands in the same line with me ?
In my life, I am exposed to the teachings of many conflicting groups. Whose teachings has influenced me in my actions ?
Suy Niệm
Đặt mình vào vai trò một người đang đứng với đoàn người sám hối tại sông Gio-đan, tôi cảm thấy thế nào khi biết Chúa Giê-su cùng đứng xếp hàng với tôi ?
Hôm nay, tôi nghe lời chỉ dạy từ nhiều người. Lời của ai có ảnh hưởng sâu đậm nhất trong các hành động của tôi ?