Thứ Hai tuần 1 Thường niên năm II - Sám hối (Mc 1,14-20)

Đức GiêSu Đã, Đang Và Mãi Mãi Yêu Chúng Ta Cho Đến Cùng

"Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta"

Thứ Hai tuần 1 Thường niên năm II - Sám hối (Mc 1,14-20)

Thứ Hai tuần 1 Thường niên năm II - Sám hối (Mc 1,14-20)

“Anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin mừng”.

BÀI ÐỌC I: (Năm II) 1 Sm 1, 1-8

“Anna buồn sầu, vì Chúa đã để bà phải son sẻ”.

Khởi đầu sách Samuel quyển thứ nhất.

Khi ấy, có một người quê ở Rama-Sôphim, miền núi Ephraim, tên là Elcana, con của Giêrôha, Giêrôha con của Êlihu, Êlihu con của Thôhu, Thôhu con của Súp, người Ephratha. Elcana có hai người vợ: một tên là Anna, người kia tên là Phênenna. Và Phênenna có nhiều con, còn Anna thì không có con. Vào những ngày luật quy định, ông này thường rời quê mình lên Silô để thờ lạy Chúa các đạo binh và hiến dâng của lễ. Tại Silô, có hai người con của Hêli là Ophni và Phêni, cả hai đều là tư tế của Chúa. Ngày kia Elcana đi tế lễ, ông chia phần cho bà vợ Phênenna và tất cả các con trai con gái của bà. Ông buồn sầu chia cho Anna có một phần, mặc dầu ông yêu bà: vì Thiên Chúa để cho bà phải son sẻ. Cả đối thủ của bà cũng làm cho bà buồn phiền và nhục mạ bà, vì Chúa đã để bà phải son sẻ. Hằng năm, mỗi lần đến ngày lên đền thờ Chúa, Elcana đều chia phần như thế, và Anna cũng đều bị khiêu khích như vậy. Bà than khóc và không ăn uống gì. Vậy Elcana, chồng bà, đã nói với bà rằng: “Hỡi Anna, sao bà khóc, và không ăn uống gì? Sao bà buồn như vậy? Tôi đây chẳng quý hơn mười đứa con sao?”

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 115, 12-13. 14 và 17. 18-19

Ðáp: Lạy Chúa, con sẽ hiến dâng Chúa lời ca ngợi làm sinh lễ

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Con lấy gì dâng lại cho Chúa, để đền đáp những điều Ngài ban tặng cho con? Con sẽ lãnh chén cứu độ, và con sẽ kêu cầu danh Chúa.

Xướng: Con sẽ giữ trọn lời khấn xin cùng Chúa, trước mặt toàn thể dân Ngài. Con sẽ hiến dâng Chúa lời ca ngợi làm sinh lễ, và con sẽ kêu cầu danh Chúa.

Xướng: Con sẽ giữ trọn lời khấn xin cùng Chúa, trước mặt toàn thể dân Ngài, trong nơi hành lang nhà Chúa, ở giữa lòng ngươi, Giêrusalem hỡi!

 

Tin mừng: Mc 1,14-20

14 Sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng của nước Thiên Chúa, 15 Người nói: “Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin mừng”.

16 Đang lúc đi dọc theo bờ biển Galilêa, Người thấy Simon và em là Anrê đang thả lưới xuống biển, vì các ông là những người đánh cá. 17 Chúa Giêsu bảo các ông: “Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ chài lưới người”.

18 Lập tức bỏ lưới, các ông theo Người. 19 Đi xa hơn một chút nữa, Người thấy Gia-côbê con ông Giêbêđê và em là Gioan đang xếp lưới trong thuyền, 20 Người liền gọi các ông. Hai ông bỏ cha là Giêbêđê ở lại trên thuyền cùng với các người làm công, và đi theo Người.

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Được nghe loan báo Tin Mừng của Chúa và được gọi để phục vụ

Tin mừng: đó là hồng ân cao trọng Chúa ban một cách nhưng không. Vậy ta hãy hoán cải, quay về với Chúa, quảng đại đáp lại tiếng Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã không ngại khó khăn, vất vả, cất bước đến miền Ga-li-lê để loan báo

Tin mừng: “Nước Thiên Chúa đã gần đến”. Chúa tha thiết mời gọi con người thay đổi đời sống để được nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa. Hơn thế nữa, Chúa cũng đã cất bước đi tìm và gọi các môn đệ đầu tiên để các ngài được ở với Chúa, yêu Chúa và cộng tác vào chương trình cứu độ của Chúa.

Lạy Chúa, giữa cuộc sống đầy bon chen của chúng con hôm nay, có biết bao tiếng gọi mời của thế gian và lạc thú làm con xa Chúa. Chúa đã gởi đến chúng con một tin vui và một lời mời tha thiết: “Hãy theo Ta”. Chúa muốn con được về với Chúa. Xin đừng để con mải mê với cuộc sống ở đời đến nỗi không nhận ra tiếng Chúa. Nhưng xin cho con biết lắng nghe tiếng Chúa gọi từ trên cao, ngay khi còn đang làm những việc bình thường hằng ngày, ngay khi con đang là tội nhân. Lạy Chúa, con hiểu rằng theo Chúa là từ bỏ tất cả. Dù sống trong bậc giáo dân, con vẫn xin đặt Chúa trên cha mẹ, gia đình, bạn bè, nghề nghiệp, để được cùng Chúa đi khắp nơi, đến với những ai bị bỏ rơi, những người đau khổ, tội lỗi.

Lạy Chúa, xin cho con can đảm ra khỏi con người mình, để con được Chúa hoàn toàn chiếm đoạt, hầu con có thể trở thành khí cụ tình thương của Chúa cho mọi người, để con thành dấu chỉ Nước Trời đã đến. Amen.

Ghi nhớ: “Anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin mừng”.

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Phân tích (Hạt giống...)

Bài Phúc Âm này gồm 2 đoạn:

a. Tóm lược nội dung lời rao giảng của Chúa Giêsu: Người nói: “Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến”; Ngài cho biết điều kiện để được vào Nước ấy là “Hãy sám hốitin vào Phúc Âm”.

b. Ơn gọi của những môn đệ đầu tiên. Qua đó ta biết được những điểm chính yếu của một ơn gọi:

- Chúa Giêsu “thấy” (động từ đầu tiên của cả 2 bài tường thuật): ơn gọi xuất phát từ sáng kiến của Chúa.

- “Hãy theo Ta”: được gọi tức là được mời đi theo Chúa Giêsu để ở với Ngài, học với Ngài, noi gương Ngài và chia sẻ sứ mạng của Ngài.

- “Lập tức”: mau mắn đáp trả lời Chúa gọi.

- “Hai ông bỏ (bài đầu “Bỏ chài lưới”; bài sau “bỏ cha và những người làm công”) mà đi theo Ngài”: theo ơn gọi thì phải từ bỏ, kể cả tất cả những gì thân thiết nhất.

B. Suy gẫm (... nẩy mầm)

1. Sám hối: Satan phàn nàn với Chúa: “Ngài không công bằng. Nhiều tội nhân làm điều sai trái và Ngài lại đón nhận họ. Thật ra, có người trở lại sáu bảy lần và Ngài vẫn nhận. Tôi chỉ phạm một lỗi lớn mà Ngài kết án tôi đời đời”. Chúa nói: “Đã bao giờ ngươi xin tha thứ hoặc ăn năn chưa ?”. (Góp nhặt)

2. Paddy đang hồi phục sau ca mổ, ba bạn thân ghé thăm để khích lệ anh. Ngoài chuyện thăm hỏi, họ kể cho anh về những ca mổ họ nghe biết.

Một người nói: “Tôi nghe có một ca mổ họ để quên cái gạc trong bụng bệnh nhân và phải mổ để lấy ra”.

Người khác kể về ca mổ bác sĩ để quên kéo bên trong và bệnh nhân phải mổ lần nữa để lấy ra. Vừa nói xong, bác sĩ thực hiện ca mổ cho Paddy thò đầu vào cửa gọi lớn: ”Có ai thấy mũ của tôi không ?”Và Paddy ngất đi.

Một lần xưng thú không chân thành giống như một ca mổ tồi tệ. Một vài thứ bị để quên và phải thực hiện một ca mổ khác để lấy ra. (Góp nhặt)

3. Người ta thường hiểu ơn gọi theo nghĩa hẹp là ơn gọi làm Lm, Tu sĩ. Nhưng thực ra mọi Kitô hữu cũng đều được Chúa gọi để làm Kitô hữu xứng đáng trong bậc sống của mình.

4. Khi Chúa gọi ai, việc đầu tiên là Ngài bảo người đó từ bỏ. Ơn gọi đầu tiên trong Cựu Ước là như thế: Thiên Chúa nói với Abraham “Hãy đi khỏi xứ sở ngươi, khỏi nhà cha ngươi”... (x. St 12,1). Ơn gọi đầu tiên trong Tân Ước cũng như thế: 4 môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu “lập tức bỏ chài lưới (bỏ thuyền, bỏ cha mẹ lại) mà theo Ngài” (x. Mt 4,20.22). Tất cả những ơn gọi khác cũng phải như thế thôi.

5. Hai người giáo dân đứng ngoài chợ nói chuyện với nhau:

- Anh nghĩ xem chúng ta có cần tiếp tay với Cha xứ để lo việc họ đạo không ? Người thứ nhất hỏi.

- Tôi cũng thường nghĩ đến điều đó. Nhưng khi tôi thấy chung quanh cha chỉ có một nhóm nhỏ những người thân tín thì tôi không muốn gia nhập nhóm nhỏ ấy nữa.

Nãy giờ đứng bên cạnh đã nghe hết, anh chen vào:

- Đúng thế, chung quanh cha xứ chỉ có một nhóm nhỏ thôi. Nhưng các anh có biết tại sao không ?

- Tại sao ? Tại sao ? Xin cho chúng tôi biết với.

- Hồi cha mới đến xứ đạo, cha đã kêu mời mọi người cộng tác. Nhưng sau đó chỉ có một ít người đáp lời thôi. Đó là những người biết nói “VÂNG”. (Góp nhặt)

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Gọi bốn môn đệ đầu tiên

(Mc 1,14-20)

1. Nghe tin Gioan bị bắt, Chúa Giêsu trở về Galilê và giảng cho mọi người biết: Nước Chúa đã gần đến. Hãy sám hối và tin theo Người... Và khi đi rao giảng dọc bờ biển, Người gặp ông Simon và em là Anrê đang thả lưới. Người gọi hai ông theo Người để “lưới người ta”. Và Người cũng gặp ông Giacôbê và em là Gioan đang vá lưới. Người cũng gọi hai ông. Hai ông liền bỏ chài lưới và cha là Giêbêđê mà theo giúp Người.

2. Sự việc Gioan bị tống giam trong ngục đã chấm dứt sứ vụ của ông dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Lời đầu tiên Chúa Giêsu dùng để khai mạc sứ mệnh của Ngài là “Hãy sám hối và tin vào Tin mừng”. Chúa Giêsu đã nối kết sám hối với Tin mừng. Tin mừng là gì, nếu không phải là tình yêu Thiên Chúa được thể hiện qua con người của Chúa Giêsu Kitô.

Satan phàn nàn với Chúa: “Ngài không công bằng. Nhiều tội nhân làm điều sai trái và Ngài lại đón nhận họ. Thật ra, có người trở lại sáu bảy lần và Ngài vẫn nhận. Tôi chỉ phạm một lỗi lớn mà Ngài kết án tôi đời đời”. Chúa nói: “Đã bao giờ ngươi xin tha thứ hoặc ăn năn chưa ?” (Góp nhặt)

3. Sám hối gồm hai khía cạnh. Khía cạnh tiêu cực là nhìn về dĩ vãng, về quá khứ của cuộc đời mình để xem mình đang sống đúng hay sai, còn thiếu những gì cần bổ khuyết. Sám hối còn mang khía cạnh tích cực là hướng đến tương lai, quyết tâm thay đổi cuộc đời để sống tốt đẹp hơn. Muốn được như vậy thì người sám hối phải biết trở nên khiêm tốn, trở nên bé nhỏ và đặt tất cả niềm tin vào Người Cha nhân ái là Thiên Chúa tình yêu.

Ngoài ra, sám hối không chỉ là ý thức và hồi tưởng về tội lỗi của mình; sám hối đích thực không dừng lại ở buồn phiền, sợ hãi và thất vọng, mà là cửa ngõ tất yếu dẫn đến Tin mừng, nghĩa là vui mừng, hoan lạc...

4. Chúa Giêsu nhìn sự việc Gioan bị bắt giam bằng cái nhìn siêu nhiên và Người coi đó là sứ vụ dọn đường của Gioan chấm dứt, nên Người khởi sự đi rao giảng Tin mừng cứu độ, hòng mọi người sẽ được hưởng ơn cứu rỗi.

Để thực hiện chương trình đó, Chúa đã kêu gọi nhiều người đến cộng tác với Người trong công cuộc lớn lao này. Đúng như lời thánh Augustinô đã nói: “Khi dựng nên chúng con, Chúa không cần chúng con, nhưng để cứu rỗi chúng con, Chúa cần chúng con giúp Chúa”. Chúa đã gọi các tông đồ đầu tiên trong hoàn cảnh đời thường như làm nghề chài lưới và ít chữ nghĩa, nhưng Chúa chỉ cần người ta có thiện chí và nhiệt thành theo Chúa. Nên khi gọi bốn tông đồ đầu tiên, thì “Lập tức các ông đã bỏ chài lưới mà đi theo Người” (Mc 1,18).

5. Chúa gọi các môn đệ trong những tình huống khác nhau. Qua bài Tin mừng hôm nay, chúng ta thấy ơn gọi xem ra thật bất ngờ. Marcô cho thấy họ đang sinh hoạt bình thường (thả lưới), bỗng Chúa đến bất ngờ và gọi các ông, và điều làm cho ta ngạc nhiên là phản ứng của họ: Họ cũng theo Chúa một cách mau mắn, cũng là một bất ngờ không kém: “Họ liền bỏ chài lưới mà đi theo Người” (Mc 1,18). Nghe kêu là đi liền, làm như hai bên đã hẹn hò với nhau trước. Đối với loài người thì thật là bất ngờ, nhưng đối với Thiên Chúa thì không, và người ta gọi đó là Chúa quan phòng.

Cái bất ngờ thứ hai là Thiên Chúa thường chọn những con người mà người đời cho là không mấy hứa hẹn hay không còn hy vọng (Abraham già nua tuổi tác), không mấy khả năng (những môn đệ đầu tiên là những người chài lưới), không mấy tốt lành (Mátthêu là người thu thuế). Hình như Thiên Chúa không theo tiêu chuẩn của loài người: chọn những người có tài có đức, có triển vọng tương lai. Việc Chúa làm thật bất ngờ!

6. Truyện: Chúa làm những việc không thể ngờ

Trong dịp lễ nhậm chức của Đức Tổng Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn người ta đọc được bài thơ này:

Khi Thiên Chúa cần một người cha cho dân của mình, Người chọn một cụ già,

Thế là Abraham đứng lên.

Thiên Chúa cần một người phát ngôn, Người lại chọn một anh chàng vừa nhút nhát vừa có tật nói ngọng, Thế là Maisen đứng lên.

Thiên Chúa cần một thủ lãnh để hướng dẫn dân của mình, Người lại chọn một người thanh niên nhỏ nhất và yếu nhất trong nhà. Thế là Đavít đứng lên.

Thiên Chúa cần một tảng đá làm nền cho ngôi nhà Giáo hội, Người đã chọn một anh chối đạo. Thế là Phêrô đứng lên.

Thiên Chúa cần một khuôn mặt để diễn tả tình Người cho nhân thế, Người lại chọn một cô gái điếm. Đó là Maria Madalena.

Thiên Chúa cần một chứng nhân để hô vang sứ điệp của mình, Người lại chọn một kẻ bắt đạo. Đó là Phaolô gốc thành Tarsô.

Thiên Chúa cần một ai đó để dân Người được qui tụ và đi đến với những người khác,

Người đã chọn ngươi. Cho dù run sợ, lẽ nào ngươi không đứng lên đáp lại lời Người.

Tag:

2022-01-10