“Thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con
và đã yêu thương họ như đã yêu thương con”. (Ga 17, 23)
Bài Ðọc I: Cv 20, 28-38
“Tôi xin ký thác các ông cho Thiên Chúa, Ðấng có quyền năng kiến tạo và ban cho các ông được dự phần gia nghiệp”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, Phaolô nói với các trưởng giáo đoàn Êphêxô rằng: “Các ông hãy thận trọng, và săn sóc đoàn chiên mà Thánh Thần đã đặt các ông làm giám quản điều khiển giáo đoàn của Chúa đã được Người cứu chuộc bằng máu. Phần tôi, tôi biết rằng sau khi tôi đi rồi, sẽ có những sói dữ đột nhập giữa các ông, chúng không dung tha đoàn chiên; và ngay giữa các ông sẽ có những kẻ ăn nói xảo trá nổi dậy để lôi kéo các môn đồ theo họ. Vì thế, các ông hãy tỉnh thức, và nhớ rằng trong ba năm trời, đêm ngày tôi không ngừng sa lệ mà khuyên bảo từng người. Và bây giờ, tôi xin ký thác các ông cho Thiên Chúa và cho lời ân sủng của Người, Người là Ðấng có quyền năng kiến tạo và ban cho các ông được dự phần gia nghiệp làm một với tất cả mọi người đã được thánh hoá. Tôi đã không ham muốn bạc, vàng, hay y phục của ai hết, như chính các ông đã biết. Những đồ gì tôi và những kẻ ở với tôi cần dùng, thì chính hai bàn tay này đã làm ra. Bằng mọi cách, tôi đã chỉ bảo cho các ông rằng phải làm việc như vậy, để nâng đỡ những người yếu đuối, và ghi nhớ lời Chúa Giêsu đã phán: “Cho thì có phúc hơn là nhận”.”
Nói xong, ngài quỳ xuống cầu nguyện với mọi người. Ai nấy đều khóc lớn tiếng, và ôm cổ Phaolô mà hôn, họ đau buồn nhất là vì lời ngài vừa nói rằng họ sẽ không còn thấy mặt ngài nữa. Rồi họ tiễn đưa ngài xuống tàu.
Đó là Lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 15, 1-2a và 5. 7-8. 9-10. 11
Đáp: Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa (c. 1).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa. Con thưa cùng Chúa: Ngài là chúa tể con; Chúa là phần gia nghiệp và phần chén của con, chính Ngài nắm giữ vận mạng của con. - Đáp.
2) Con chúc tụng Chúa vì đã ban cho con lời khuyên bảo, đó là điều lòng con tự nhủ, cả những lúc đêm khuya. Con luôn luôn đặt Chúa ở trước mặt con, vì Chúa ngự bên hữu con, con sẽ không nao núng. - Đáp.
3) Bởi thế, lòng con vui mừng và linh hồn con hoan hỉ, ngay cả đến xác thịt của con cũng nằm nghỉ an toàn, vì Chúa chẳng bỏ rơi linh hồn con trong Âm phủ, cũng không để thánh nhân của Ngài thấy điều hư nát. - Đáp.
4) Chúa sẽ chỉ cho con biết đường lối trường sinh, sự no đầy hoan hỉ ở trước thiên nhan, sự khoái lạc bên tay hữu Chúa, tới muôn muôn đời! - Đáp.
Tin mừng: Ga 17,20-26
20Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, 21để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con.
22Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một: 23Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con.
24Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành.
25Lạy Cha là Đấng công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng con, con đã biết Cha, và những người này đã biết là chính Cha đã sai con.
26Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa.”
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho mọi người được hiệp nhất trong Thiên Chúa. Muốn trở nên thành phần trong gia đình của Chúa, chúng ta cần biểu lộ tinh thần hiệp nhất: hiệp nhất với Chúa và hiệp nhất với nhau.
Cầu nguyện: Lạy Chúa là Cha đầy lòng yêu thương, chúng con muốn tiếp nối lời Chúa Giêsu Con Cha, để dâng lên Cha lời cầu nguyện cho thế giới, cho Giáo Hội, cho gia đình con và cho tất cả chúng con được hiệp nhất.
Cha đã tác tạo chúng con trong tình yêu. Mãi mãi Cha vẫn hằng yêu thương chúng con và mong muốn chúng con sống yêu thương nhau, hiệp nhất trong tình yêu của Cha. Nhưng vì tội lỗi, chúng con đã xa cách Cha và xa cách nhau. Dù vậy, Cha vẫn không bỏ chúng con, vẫn kêu gọi chúng con trở về với tình yêu của Cha. Qua dòng lịch sử, từng bước từng bước một, Cha đã hàn gắn sự đổ vỡ và kêu gọi chúng con sống tinh thần hiệp nhất. Sau cùng, chính Chúa Giêsu Con Cha đã xuống thế gian để trở thành mối dây liên kết chúng con với Cha và với nhau. Và hôm nay, Giáo Hội vẫn đang nỗ lực duy trì và phát triển sự hiệp nhất ấy.
Nhưng lạy Cha, công việc của Giáo Hội còn bề bộn lắm. Trong lòng Giáo Hội còn nhiều khó khăn làm cản trở sự hiệp nhất. Là những người sống trong Giáo Hội, chúng con đã cảm nhận được điều ấy. Chính trong giáo xứ, trong gia đình chúng con, vẫn còn nhiều nỗi bất hòa. Xin cho mỗi người chúng con biết nỗ lực thông cảm với nhau, tha thứ cho nhau, biết gạt bỏ ra bên ngoài những ý riêng để đi tới hiệp nhất. Xin Cha giúp mỗi người chúng con biết quên mình, biết hãm dẹp tự ái và kiêu ngạo, để cùng nhau sống hiệp nhất trong tình yêu Cha. Và qua dấu chỉ đó, chúng con làm chứng cho tình yêu của Cha. Amen.
Ghi nhớ: “Xin cho chúng nên một”.
2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
Phân tích
Chúa Giêsu cầu cho các tín hữu đã nghe lời giảng của các môn đệ mà tin vào Ngài:
“Con không chỉ cầu xin cho chúng mà thôi, mà cho tất cả những kẻ nhờ lời chúng mà tin vào Con.”
“Để cả chúng cũng nên một trong Ta.”
“Con muốn rằng, Con ở đâu thì chúng cũng ở đó với Con.”
“Để tình yêu Cha yêu Con ở trong chúng và Con cũng ở trong chúng nữa.”
Suy gẫm
1. “Để cả chúng cũng nên một trong Ta”: “Nên một” là một điều hết sức quan trọng, nên khi cầu nguyện cho bất cứ thành phần nào trong Giáo Hội, Chúa Giêsu cũng cầu xin cho họ được điều ấy.
Lạy Cha, xin giữ chúng con trong tình hiệp nhất. Không phải thứ hiệp nhất rẻ tiền: cố nhịn nói, cố nhịn tránh va chạm để người ngoài nhìn vào không biết chúng con đang chia rẽ.
Mà sự hiệp nhất dám chấp nhận những dị biệt và những lời góp ý thẳng thắn.
Một sự hiệp nhất được thúc đẩy bởi một ước muốn duy nhất trong lòng mọi người là sống theo chân lý của Cha.
2. Nhạc trưởng Michael Costa đang diễn tập với dàn hợp xướng gồm cả trăm nhạc cụ và nhạc công. Bỗng có tiếng sáo ré lên. Chắc người thổi sáo sợ rằng nhạc trưởng không nghe thấy tiếng sáo của mình. Nhạc trưởng cáu kỉnh quát: “Tiếng sáo nào kì vậy ?” Và phải tập lại từ đầu.
3. “Con muốn rằng Con ở đâu thì chúng cũng ở đó với Con.” Chúa Giêsu ở đâu ? Ở trong tình yêu Chúa Cha; ở trong sự thật; ở trong Thánh Ý Chúa Cha; Ở trên Thập Giá và ở trên thiên đàng.
4. Chính Cha đã sai Con và yêu thương họ như đã yêu thương Con.”
Mỗi lần nói đến cuộc đời Chúa Giêsu, tôi rất dễ dâng lời cảm tạ, ngợi khen, tri ân trước những hy sinh lớn lao của Ngài. Và tôi thường lý luận nông cạn rằng vì Chúa Giêsu được Chúa Cha yêu thương cách đặc biệt nên Người có thể làm mọi sự.
Nhưng hôm nay, trước khi về trời, Chúa Giêsu lại khẳng định với tôi rằng Chúa Cha đã yêu thương tôi như đã yêu thương Chúa Giêsu.
Như vậy, Chúa Giêsu Nadarét ngày nào cũng như tôi hôm nay, và cũng được Chúa Cha yêu thương bằng một tình Cha thật gần gũi. Nhưng khác một điều Ngài đã nhận ra tình yêu của Thiên Chúa dành cho mình, dù trong những lúc đau thương nhất của cuộc sống. Còn tôi, tôi cũng tin vào tình yêu của Thiên Chúa, nhưng không mấy xác tín rằng Chúa Cha đã yêu thương tôi như đã yêu thương Chúa Giêsu.
Cha ơi, xin cho con cảm nghiệm được Cha yêu con và học biết nơi Đức Kitô cách đáp lại trọn vẹn tình Cha.
3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
Chúa cầu cho Hội thánh hiệp nhất (Ga 17, 20-26)
Trong đoạn Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu không những cầu xin Cha cho các môn đệ Ngài, mà còn cho tất cả những người nghe và tin vào lời các môn đệ giảng. Để lời Chúa được mang đến khắp cùng bờ cõi, đến với mọi người, mỗi Kitô hữu chúng ta phải chuyên chăm học hỏi, thấm nhuần Lời Chúa và luôn chia sẻ cho những người mình gặp gỡ.
Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong bữa Tiệc ly cũng là lời cầu nguyện cho sự hiệp nhất giữa các môn đệ và giữa tất cả những người tin nhận Chúa Giêsu từ Thiên Chúa. Chúa Giêsu cầu nguyện cách đặc biệt cho tất cả chúng ta được trở nên một, như các thành phần chi thể trong một thân mình duy nhất của Ngài, đó là Hội thánh. Cũng như Ngài và Chúa Cha đã kết hợp nên một. Sự hiệp nhất giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha là sự hiệp nhất trong tình yêu thương và sự vâng phục, và đó là sự hiệp nhất mật thiết nhất. Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta trước nhất và Ngài kết hợp với chúng ta trong bí tích Thánh tẩy, qua đó chúng ta được kêu gọi để sống trong sự hiệp nhất và tình yêu (Mỗi ngày một tin vui).
“Để cả chúng cũng nên một trong Ta”
Chúa Giêsu cầu nguyện cho Giáo hội ngày mai, tức là cho mọi tín hữu trong tương lai, như vậy có tất cả chúng ta nữa. Ngài cầu xin cho chúng ta được hiệp nhất với nhau trong Giáo hội Ngài thiết lập, để cùng nhau hiệp nhất với Ngài.
“Nên một” là một điều hết sức quan trọng, nên khi cầu nguyện cho bất cứ thành phần nào trong Giáo hội, Chúa Giêsu cũng cầu xin cho họ được điều ấy.
Lạy Cha, xin gìn giữ chúng trong tình hiệp nhất.
Không phải thứ hiệp nhất rẻ tiền: cố nhịn nói, cố tránh va chạm để người ngoài nhìn vào không biết chúng con đang chia rẽ, mà là sự hiệp nhất dám chấp nhận những dị biệt và những lời góp ý thẳng thắn.
Một sự hiệp nhất được thúc đẩy bởi ước muốn duy nhất trong lòng mọi người là sống theo chân lý của Cha.
Chúa Giêsu cầu nguyện vì sự hiệp nhất trước hết là quà tặng ân sủng từ Thiên Chúa, ân ban này sẽ được tìm thấy gốc rễ nơi trái tim của Ba Ngôi, mà Chúa Giêsu đã chia sẻ cho chúng ta qua vinh quang của Ngài trong tư cách là Con Thiên Chúa. Với ân sủng này, chúng ta cùng Ngài đi vào sự hiệp nhất với Chúa Cha trong Thánh Thần: “Con đã ban cho chúng vinh hiển mà Cha đã ban cho Con, để chúng nên một như Chúng Ta là một. Con ở trong chúng, và Cha ở trong Con, để chúng được hoàn toàn nên một và để thế gian biết rằng Cha đã sai Con, và con đã yêu mến chúng như Cha đã yêu mến Con” (Ga 17, 22-23).
Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã diễn tả rất sâu sắc về giá trị tông đồ của sự hiệp nhất, ngài đã nói như sau: “Lời di chúc thiêng liêng của Chúa Giêsu cho chúng ta hiểu rằng: sự hiệp nhất giữa các môn đệ không những là bằng chứng chúng ta là môn đệ của Ngài, nhưng còn là bằng chứng Ngài được Chúa Cha sai đến và đó cũng là trắc nghiệm về sự đáng tin của các Kitô hữu và của chính Đức Kitô”.
Có hiệp nhất với nhau, các kẻ tin mới tỏ ra mình không phải là những con người bị chia rẽ bởi những tranh chấp, nhưng là những con người trưởng thành trong đức tin, trưởng thành trong lòng mến và có khả năng gặp gỡ nhau nhờ việc cùng tìm kiếm chân lý cách chân thành và vô vị lợi.
Như thế, sự hiệp nhất chứng tỏ chúng ta là môn đệ của Chúa Giêsu, chứng tỏ chúng ta là những người trưởng thành trong đức tin cậy mến, và đó là lý do thu hút người ngoài, để họ dễ tin vào lời chứng của chúng ta.
Bài Tin mừng của thánh Gioan hôm nay đặt chúng ta – những người đón tiếp và tin vào Lời, trong trái tim và lời cầu nguyện của Chúa Giêsu. Ngài còn tiếp tục cầu nguyện cho chúng ta ở bên Cha, để hiệp nhất giữa những chi thể thánh được hoàn thiện. Hiệp nhất nơi gia đình, cộng đoàn, trong Giáo hội với tình yêu chính là hình ảnh của Ngài hiệp nhất với Cha trong Thánh Thần. Chúng ta hãy xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn, để chúng ta khiêm tốn luôn sống trung thành với ân sủng mà Ngài ân ban. Trong tình huynh đệ, hãy đón nhận sự khác biệt của anh em, để tìm về một mối hiệp nhất trong tình yêu.
Truyện: Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết
Một người kia có ba người con trai, trước khi qua đời, ông muốn dạy các con bài học hiệp nhất: “Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết”, ông gọi các con đến và nói: “Vàng bạc thì cha không có, cha có một gia tài quý giá hơn cả vàng và muốn để lại cho các con”. Nói xong ông lấy ra ba chiếc đũa tre trao cho ba người con mỗi người một chiếc và bảo: “Các con hãy bẻ gãy chiếc đũa cho cha coi”. Ba người con vâng lời cha bẻ gãy chiếc đũa dễ dàng.
Sau đó người cha trao cho ba người con mỗi người một bó đũa và nói: “Các con hãy bẻ gãy bó đũa này cho cha xem”. Lúc này ba người con dùng hết sức vẫn không sao bẻ gãy được. Bấy giờ người cha mới nói: “Nếu các con biết đoàn kết thương yêu nhau, thì các con giống như bó đũa kia sẽ không có sức mạnh nào làm gãy được các con. Ngược lại nếu các con không đoàn kết thương yêu nhau mỗi người một nơi, thì các con sẽ như chiếc đũa kia bị bẻ gãy một cách dễ dàng, hiệp nhất: Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết”.
Nói xong, người cha ra đi trong vòng tay yêu thương của các con.