Thứ Năm Tuần Bát Nhật Phục Sinh - Kinh Hồn Bạt Vía (Lc 24,35-48)

Đức GiêSu Đã, Đang Và Mãi Mãi Yêu Chúng Ta Cho Đến Cùng

"Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta"

Thứ Năm Tuần Bát Nhật Phục Sinh - Kinh Hồn Bạt Vía (Lc 24,35-48)

Thứ Năm Tuần Bát Nhật Phục Sinh - Kinh Hồn Bạt Vía (Lc 24,35-48)

“Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà!
Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây ?” (Lc 24,39)

 


BÀI ĐỌC I: Cv 3, 11-26

“Đấng ban sự sống thì anh em đã giết đi, nhưng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, khi người què được chữa lành cứ theo sát Phêrô và Gioan, toàn dân bỡ ngỡ chạy đến hai ngài đang ở hành lang gọi là hành lang Salômôn. Thấy vậy Phêrô liền nói với dân chúng rằng: “Hỡi các người Israel, tại sao anh em ngạc nhiên về việc đó và nhìn chúng tôi như là chúng tôi dùng quyền năng hay lòng đạo đức riêng mà làm cho người này đi được ? Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac, Thiên Chúa Giacóp, Thiên Chúa các tổ phụ chúng ta, đã làm vinh danh Chúa Giêsu, Con của Ngài, Đấng mà anh em đã nộp và chối bỏ trước mặt Philatô trong khi Philatô xét là phải tha cho Người. Anh em đã chối bỏ Đấng Thánh, Đấng Công Chính, và xin tha tên sát nhân cho anh em, còn Đấng ban sự sống thì anh em lại giết đi, nhưng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại, điều đó chúng tôi xin làm chứng. Và bởi đã tin vào danh Người, nên danh Người đã làm cho kẻ mà anh em thấy và biết đây, được vững mạnh, và lòng tin vào Người chữa anh này hoàn toàn lành mạnh trước mặt hết thảy anh em.

“Hỡi anh em, thế nhưng tôi biết rằng anh em đã hành động vì không biết, như các thủ lãnh anh em đã làm. Thiên Chúa đã hoàn tất việc Ngài dùng miệng các tiên tri mà báo trước rằng Đức Kitô của Ngài phải chịu khổ hình. Vậy anh em hãy ăn năn hối cải, ngõ hầu tội lỗi anh em được xoá bỏ, như thế để Thiên Chúa ban cho anh em thời kỳ thư thái, và sai Đức Giêsu Kitô, Đấng mà Chúa đã phán hứa cùng anh em trước, Đấng phải về trời cho đến thời kỳ phục hồi vạn vật, như Chúa đã dùng miệng các thánh tiên tri Ngài mà phán từ ngàn xưa. Môsê đã nói rằng:

“'Vì Chúa là Thiên Chúa các ngươi sẽ cho xuất hiện giữa anh em các ngươi một tiên tri như ta, các ngươi hãy nghe tất cả những điều Ngài sẽ nói với các ngươi'. Vậy, tất cả những ai không chịu nghe theo vị tiên tri đó, thì sẽ bị khai trừ khỏi dân chúng.

“Và tất cả các tiên tri, từ Samuel và các vị kế tiếp, đều đã nói và tiên báo về ngày này. Anh em là con cháu các tiên tri và con cháu của giao ước mà Chúa đã thiết lập với các tổ phụ chúng ta, khi Người phán cùng Abraham rằng: “Chính nơi dòng dõi ngươi, mọi dân tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc”. Chính vì anh em trước tiên mà Thiên Chúa đã cho Con của Ngài xuất hiện và sai đi chúc phúc cho anh em, để mỗi người từ bỏ tội ác”.

Đó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 8, 2a và 5. 6-7. 8-9

Đáp: Lạy Chúa, lạy Chúa chúng con, lạ lùng thay danh Chúa khắp nơi hoàn cầu (c. 2a).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Lạy Chúa, lạy Chúa chúng con, lạ lùng thay danh Chúa khắp nơi hoàn cầu! Nhân loại là chi mà Chúa để ý chăm nom ?- Đáp.

2) Chúa dựng nên con người kém thiên thần một chút, Chúa trang sức con người bằng danh dự với vinh quang, Chúa ban cho quyền hành trên công cuộc tay Ngài sáng tạo, Chúa đặt muôn vật dưới chân con người. - Đáp.

3) Nào chiên, nào bò, thôi thì tất cả, cho tới những muông thú ở đồng hoang, chim trời với cá đại dương, những gì lội khắp nẻo đường biển khơi. - Đáp.

 

Tin mừng: Lc 24,35-48

35 Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.

36 Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo: “Bình an cho anh em!” 37 Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. 38 Nhưng Người nói: “Sao lại hoảng hốt ? Sao lòng anh em còn ngờ vực ? 39 Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây ?” 40 Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. 41 Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: “Ở đây anh em có gì ăn không ?” 42 Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. 43 Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông.

44 Rồi Người bảo: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm.”

45 Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh 46 và Người nói: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại;

47 phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. 48 Chính anh em là chứng nhân về những điều này.

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Chúa Giêsu đã chịu tử nạn và được an táng trong huyệt đá. Đối với các tông đồ, dường như tất cả đều sụp đổ. Nhưng thật bất ngờ, chính lúc ấy, Chúa Giêsu Phục Sinh đã hiện diện và mang lại bình an cho các ông.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, trong ánh sáng Phục Sinh, con hiểu ra những điều Chúa đã báo trước khi tử nạn. Nhưng đối với các tông đồ thì khác: các ông vẫn không hiểu và còn nghi ngờ việc Chúa hiện ra. Chúa đã chịu chết. Nhưng Chúa vẫn sống mãi đến muôn đời.

Lạy Chúa, trong cuộc sống hôm nay, con gặp nhiều va chạm, đối đầu với những nghịch cảnh. Đã có lúc con bối rối và nghi ngờ. Con đã nghi ngờ mọi người, và cũng nghi ngờ cả bản thân con. Những việc trong đời sống làm con cảm thấy bất ổn và sợ hãi. Nhưng con đâu có ngờ rằng Chúa Phục Sinh đang đứng đây, bên cạnh con. Nếu Chúa đã xin các môn đệ một miếng bánh và đã ăn trước mặt các ông, thì hôm nay, chính Chúa đã bẻ Bánh Thánh là chính Thân Mình Chúa và chia phần cho con. Nếu Chúa đã ăn uống để chứng tỏ cho các môn đệ biết Chúa đang sống thật, thì khi con lãnh nhận Lời và Mình Máu Chúa, con cũng được bảo đảm sự sống đời đời.

Lạy Chúa, con tin Chúa vẫn chia sẻ niềm đau nỗi khổ với con. Chúa vẫn hiện diện bên con ngay cả khi con không tưởng nghĩ đến Chúa. Xin Chúa ban thêm đức tin để con nhận ra ơn Chúa đang hoạt động trong con. Xin Chúa giúp con vững chí sống một đời sống tốt để chứng tỏ rằng con vẫn tin Chúa đang hiện diện trong con, trong anh chị em con và khắp cả vũ trụ này. Amen.

Ghi nhớ: “Ðấng Kitô phải chịu thương khó như vậy, rồi mới được tôn vinh”.

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Phân tích (Hạt giống...)

Thánh Lu-ca tiếp tục tường thuật cuộc hiện ra thứ hai của Chúa Giêsu Phục sinh, lần này là hiện ra cho các tông đồ ở Giê-ru-sa-lem:

1. Hai môn đệ từ Emmau vừa trở về cho các môn đệ hay Chúa Giêsu đã sống lại.

2. Chúa Giêsu hiện ra:

Ngài chứng minh cho các ông hiểu rằng sau khi sống lại, Ngài vẫn là một như ngày trước (có chân tay xương thịt, biết ăn uống).

Ngài cắt nghĩa bài học Thánh kinh: Đức Kitô phải qua cái chết mới tới Phục sinh.

Ngài bảo các ông nhân danh Ngài “rao giảng sự thống hối và sự ăn năn để lãnh ơn tha tội cho muôn dân”.

B. Suy niệm (...nẩy mầm)

1. “Chính Thầy đây. Hãy sờ xem: Ma đây có xương thịt như Thầy có đâu”: Chúa Giêsu Phục sinh đang sống và hiện diện bên cạnh tôi. Đây không phải chỉ là một kiểu nói, không phải chỉ là niềm tin, mà là sự thật. Chúa Giêsu hôm qua, hôm nay và mãi mãi là một. Tôi phải sống với niềm tin xác tín ấy.

2a. “Các con sẽ làm chứng nhân về những điều ấy”: không những tôi phải sống với niền tin xác tín rằng tôi đang sống với Chúa Phục sinh đang hiện diện bên cạnh, mà còn phải làm sao cho cách sống đó khiến người ta nhìn vào và cũng tin như thế.

2b. Một bề trên tu viện công giáo đến tìm vị ẩn sỹ ấn giáo tại chân núi Hy Mã Lạp sơn và trình bày về tình trạng bi đát của tu viện của ông:

Trước kia tu viện này là một trung tâm thu hút nhiều khách hành hương. Nhà thờ lúc nào cũng vang tiếng hát của giáo dân từ khắo nơi đến. Trong tu viện không còn chỗ nhận người vào tu hằng ngày đến gõ cửa nữa. Thế mà tu viện bây giờ chẳng khác nào ngôi chùa hoang phế. Nhà thờ vắng lặng, tu sĩ thì leo teo mấy người, cuộc sống thật là buồn tẻ.

Vị bề trên hỏi tu sỹ Ấn giáo cho biết nguyên nhân nào hay tình trạng nào đưa tới tình trạng trên đây. Tu sĩ Ấn giáo ôn tồn bảo: “Các tội đã và đang xảy ra trong cộng đoàn đó là tội vô tình”. Và ông giải thích: “Đấng Cứu Thế đã cải trang thành một người trong qúi vị, mà qúi vị không nhận ra Ngài”.

Nhận được lời giải đáp, vị bề trên hớn hở trở về tu viện. Ông tập họp mọi người lại và loan báo cho họ biết Đấng Cứu Thế đang cải trang thành một người trong nhà. Các Tu sĩ đều mở to đôi mắt và quan sát nhau. Ai là Đấng Cứu Thế đang cải trang vậy ? Nhưng có một điều chắc là một khi Ngài đã cải trang thì không ai có thể nhận ra Ngài được. Mỗi người trong họ có thể là Đấng Cứu Thế.

Vậy là từ đó mọi người đối xử với nhau như là đối xử với Đấng Cứu Thế. Chẳng bao lâu bầu khí huynh đệ, sức sống và niềm vui đã trở lại với tu viện. Từ khắn\p nơi người ta lại tìm đến tu viện để tĩnh tâm và cầu nguyện. Nhiều người trẻ cũng đến xin gia nhập cộng đoàn (Trích “Món quà Giáng Sinh”).

3. “Bình an cho chúng con. Này Thầy đây, đừng sợ”: trong khoảng thời gian vắng Chúa, các môn đệ rất hoang mang và sợ hãi. Nay Chúa đã trở lại và đang ở với họ, họ tìm lại được bình an. Xin Chúa luôn ở với con, để ban cho con được bình an giữa bao xáo trộn của cuộc đời.

4. Chúa nói với họ: “Sao anh em lại hoảng hốt ? Sao còn ngờ vực trong lòng ?”.

Ở đời ai cũng sợ một điềi gì đó. Hãy nói thật cho tôi biết bạn sợ cái gì nhất ? Còn tôi, tôi sợ cuộc sống nhất, tôi sợ tất cả những gì thuộc về cuộc sống này.

Bạn thử nghĩ xem, là sao tôi tránh được lo sợ khi quanh tôi giá trị con người được tính bằng nhan sắc, tiền bạc gia thế. Còn lẽ phải, sự công bằng lúc nào cũng thuộc về tay kẻ mạnh. Còn tình yêu ư ? Lúc nào cũng chỉ là kẻ bịp bợm, nếu không nói là giải trí bản năng. Vì sự sinh tồn, vì hưởng thụ, vì lòng tham, vì ích kỉ…con người lao vào cấu xé lẫn nhau, làm khổ nhau.

Tôi sợ mình không đủ dũng cảm để đấu tranh dành lấy công bằng. Tôi sợ mình không đủ cao thượng để hy sinh nhường đường cho kẻ khác. Tôi sợ một ngày nào đó vì sự sinh tồn tôi phải bán tất cả để tìm lấy cho mình một chỗ đứng, khi đó tôi không còn là tôi nữa…Nỗi sợ hãi làm tôi không còn tin vào bất cứ điều gì, tôi không tin vào tình người: tôi không tin người tốt sẽ được sống hạnh phúc.

Tôi không hiểu sống để là gì, khi hiện tại tương lai đầy ắp nỗi sợ hãi. Tôi muốn thoát khỏi sự sợ hãi, tôi muốn được bình an…và trong cơn hoảng loạn, tôi đã nghĩ đến cái chết… tôi quên mất mình đang sống mùa Phục sinh, Phục sinh của Đức Giêsu Kitô.

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Đời sống chứng nhân (Lc 24, 35-48)

  • Thánh Luca tiếp tục tường thuật cuộc hiện ra thứ hai của Chúa Phục sinh, lần này là hiện ra cho các Tông đồ ở Giêrusalem:
  • Hai môn đệ Emmau vừa trở về báo tin cho các Tông đồ hay là Đức Giêsu đã sống lại.
  • Đức Giêsu hiện ra với các ông ở nhà Tiệc ly:
  • - Ngài chứng minh cho các ông hiểu rằng sau khi sống lại, Ngài vẫn là một như trước (có tay chân xác thịt, biết ăn uống).

    - Ngài cắt nghĩa bài học Kinh thánh: Đức Kitô phải trải qua cái chết mới tới phục sinh.

    - Ngài bảo các ông hãy nhân danh Ngài “rao giảng sự thống hối và sự ăn năn để lãnh ơn tha tội cho muôn dân”.

  • Ban tối, khi các Tông đồ đang tụ họp trong nhà Tiệc ly để nghe các môn đệ từ Emmau trở về thuật lại việc đã gặp Chúa Phục sinh. Các ông đang bàn tán, tranh luận, Chúa Phục sinh hiện ra với các ông làm các ông hoảng sợ vì thấy ma! Nhưng Chúa đã trấn an các ông: “Sao anh em lại hoảng hốt, Thầy đây” (Lc 24, 38).
  • Đức Giêsu không một lời trách móc về sự cứng tin của các ông, lại còn chúc lành và còn cho các ông xem các thương tích của Ngài, ăn cá nướng và mật ong trước mặt các ông, để chứng minh cho các ông biết chính là Ngài chứ không phải là ai khác, là người đã sống với các ông trước đây. Với tất cả những lời nói và cử chỉ đó, Chúa muốn minh chứng cho các môn đệ biết Ngài đã sống lại thật sự.

  • “Chính Thầy đây. Hãy sờ xem: ma đâu có xương thịt như Thầy có đây” (Lc 24, 39).
  • Đức Giêsu xác định cho các môn đệ là chính Ngài, không là ai khác, Ngài có xương có thịt như xưa. Vì vậy ngày nay Chúa Phục sinh đang sống và hiện diện ngay trong cuộc sống của những người tin Chúa. Đây không phải chỉ là một kiểu nói, không phải chỉ là niềm tin, mà là sự thật. Đức Giêsu hôm qua, hôm nay và mãi mãi là một. Chúng ta phải xác tín thật mạnh về sự thật đó, để rồi từ đó chúng ta xây dựng nên một xã hội huynh đệ hơn.

  • “Chính anh em là chứng nhân của những điều này”
  • Đức Giêsu truyền cho các Tông đồ phải là chứng nhân của Ngài. Nhìn vào lịch sử truyền giáo, chúng ta thấy các Tông đồ, những chứng nhân trung thực, đã đi rao giảng Đức Giêsu chịu chết và phục sinh cho muôn dân, nghĩa là sau khi Chúa về trời, và sau khi đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần, từ những người nhát gan, sợ hãi, từ những người dân chài, quê mùa, không hiểu gì về Đấng Cứu Thế... các ông đã trở nên những người can đảm, thông thái, lợi khẩu. Các ngài đã vâng lệnh Chúa ra đi rao giảng cho mọi người biết và tin Đức Giêsu chính là Con Thiên Chúa đã đến trần gian, đã chết và sống lại để cứu chuộc tất cả mọi người. Các ngài đã đóng đúng vai trò chứng nhân và thi hành đầy đủ bổn phận làm chứng của mình.

  • Chúng ta cũng phải làm chứng cho Chúa trong đời sống hằng ngày. Không cần phải làm những công việc hiển hách, lớn lao, chỉ làm những công việc bình thường theo nhiệm vụ của mình, miễn sao làm gương sáng cho người khác để từ đó họ sẽ biết Chúa.
  • Vào giây phút cuối cuộc đời, văn sĩ John Bayer đã nói những lời từ giã người vợ thân yêu như sau: “Mình yêu dấu, trong gương mặt của mình, tôi đã nhìn thấy dung mạo của Thiên Chúa. Xin cảm ơn mình vô cùng”.

    Trong gương mặt của mình tôi đã nhìn thấy Thiên Chúa”. Mỗi Kitô hữu chúng ta được mời gọi sống như thế nào, để anh em chung quanh có thể nói tương tự: “Trong gương mặt của anh, tôi có thể nhìn thấy dung mạo của Thiên Chúa. Xin cảm ơn vô cùng”.

    Đó là ơn gọi cao cả của mỗi người Kitô hữu được gọi trở nên giống Chúa, và làm cho những người khác nhìn thấy Chúa như trong Tin mừng theo thánh Mátthêu. Đức Giêsu đã căn dặn các môn đệ: “Các con hãy trở nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành”. Đức Giêsu còn nhấn mạnh đến trách nhiệm của mỗi Kitô hữu đến độ Chúa so sánh cuộc sống của họ như đèn sáng: “Các con là ánh sáng thế gian”. Ánh sáng đó cần phải chiếu sáng trước mặt người đời, ngõ hầu họ thấy việc lành mà ngợi khen Cha chúng ta ở trên trời” (Hạt giống âm thầm, tr 178).

  • Truyện: Làm chứng bằng đời sống
  • Cách đây ít lâu, trong một cuộc hội thảo của giới trẻ về đề tài “Truyền giáo năm 2000”, nhiều bạn trẻ đề nghị sử dụng tối đa các phương tiện truyền thông tân tiến của những năm cuối cùng của thế kỷ 20, gồm sách vở báo chí, phim ảnh có phẩm chất và hấp dẫn, để rao giảng Tin mừng cho mọi tầng lớp và mọi lứa tuổi. Một số bạn trẻ khác nhấn mạnh đến công tác xã hội và bác ái. Một số bạn trẻ khác đi xa hơn bằng cách đề nghị Giáo hội chống lại những bất công xã hội, những chà đạp quyền con người, để xây dựng công lý và hoà hợp.

    Trong lúc mọi người đang hăng hái đưa ra những chương trình to lớn và đề nghị những hoạt động vĩ đại, thì một thiếu nữ da màu giơ tay xin phát biểu: “Tại Phi châu nghèo nàn và chậm tiến của chúng tôi, chúng tôi không gửi, hay đúng hơn, không có khả năng gửi đến những làng chúng tôi muốn truyền giáo những sách vở báo chí, phim ảnh... chúng tôi chỉ gửi đến đó một gia đình Công giáo tốt, để dân làng thấy thế nào là đời sống Kitô giáo” (R.D. Wahrheit, Ánh sáng hy vọng, tr 208).

    Tag:

    2024-04-04