Thứ Sáu tuần 31 Thường niên năm II - Khôn ngoan (Lc 16,1-8)

Đức GiêSu Đã, Đang Và Mãi Mãi Yêu Chúng Ta Cho Đến Cùng

"Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta"

Thứ Sáu tuần 31 Thường niên năm II - Khôn ngoan (Lc 16,1-8)

Thứ Sáu tuần 31 Thường niên năm II - Khôn ngoan (Lc 16,1-8)

“Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng
khi xử sự với người đồng loại”.
(Lc 16,8)

BÀI ĐỌC I (năm II): Pl 3, 17 – 4, 1

“Chúng ta mong đợi Ðấng Cứu Chuộc là Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Người sẽ biến đổi thân xác hèn hạ của chúng ta nên giống như thân xác hiển vinh của Người”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philípphê.

Anh em thân mến, anh em hãy bắt chước tôi, và hãy để mắt nhìn coi những người ăn ở theo như mẫu mực anh em thấy nơi chúng tôi. Bởi chưng như tôi đã thường nói với anh em, và bây giờ đây tôi đau lòng ứa lệ mà nói lại, có nhiều người sống thù nghịch với thập giá Ðức Kitô. Chung cuộc đời họ là hư vong, chúa tể của họ là cái bụng, và họ đặt vinh danh của họ trong những điều ô nhục; họ chỉ ưa chuộng những cái trên cõi đời này. Phần chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời, nơi đó chúng ta mong đợi Ðấng Cứu Chuộc là Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Người sẽ biến đổi thân xác hèn hạ của chúng ta nên giống như thân xác hiển vinh của Người, nhờ quyền lực mà Người vẫn có, để bắt muôn vật suy phục Người.

Bởi thế, anh em thân mến và quý yêu, anh em là niềm hoan lạc và triều thiên của tôi. Anh em thân mến, hãy vững vàng trong Chúa.

Ðó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 121, 1-2. 3-4a. 4b-5

Ðáp: Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: “Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa”(c. 1).

Xướng: Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: “Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa”. Hỡi Giêrusalem, chân chúng tôi đang đứng nơi cửa thành rồi. 

Xướng: Giêrusalem được kiến thiết như thành trì, được cấu tạo kiên cố trong toàn thể. Nơi đây các bộ lạc, các bộ lạc của Chúa tiến lên. 

Xướng: Theo luật pháp của Israel, để ngợi khen danh Chúa. Tại đây đã đặt ngai toà thẩm phán, ngai toà của nhà Ðavit.

 

Tin mừng: Lc 16, 1-8

1 Đức Giê-su còn nói với các môn đệ rằng: “Một nhà phú hộ kia có một người quản gia. Người ta tố cáo với ông là anh này đã phung phí của cải nhà ông. 2 Ông mới gọi anh ta đến mà bảo: ‘Tôi nghe người ta nói gì về anh đó ? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa!’ 3 Người quản gia liền nghĩ bụng: ‘Mình sẽ làm gì đây ? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. 4 Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ!’

5 “Anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất: ‘Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy ?’ 6 Người ấy đáp: ‘Một trăm thùng dầu ô-liu.’ Anh ta bảo: ‘Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi.’ 7 Rồi anh ta hỏi người khác: ‘Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy ?’ Người ấy đáp: ‘Một ngàn giạ lúa.’ Anh ta bảo: ‘Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi.’

8 “Và ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo. Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại.

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Người quản lý “bất lương” phải chạy đua với thời gian bằng cách sáng suốt có những hành động kịp thời, để giúp anh ta có cơ hội sống còn sau này. Chúng ta cũng cần phải khẩn cấp với thái độ sáng suốt chuẩn bị cho đời sống mai sau.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, các trang Tin Mừng thường nhắc đến tính khẩn cấp và bất ngờ của việc Chúa tái xuất hiện. Chúa sẽ đến với từng người trong các biến cố cuộc sống, nhưng nhất là Chúa sẽ đến trong giờ phút kết thúc cuộc đời tại thế.

Vâng, lạy Chúa, con sẽ phải tính sổ cuộc đời mình. Đó là việc khẩn cấp, vì con không thể biết chắc chắn, con sẽ giã từ cuộc đời vào lúc nào. Vì khẩn cấp, con phải điều chỉnh ngay thái độ sống của con đối với Chúa và đối với anh em. Vì khẩn cấp, con cần thực hiện ngay những lời Chúa dạy và thực hành ngay những điều được học biết về giáo lý của Chúa. Vì khẩn cấp, con cần sử dụng thời gian cách hữu ích và lợi dụng từng cơ hội, từng biến cố để biến thành những cơ may gặp Chúa, gặp anh em, và để làm việc thiện chuẩn bị cho tương lai vĩnh cửu.

Lạy Chúa, hành trình về vĩnh cửu là lối đường con phải đi một mình, và những ngày chuẩn bị cũng không ai thay thế con được. Con chỉ biết cậy dựa nơi Chúa, và tìm thấy sức mạnh nơi sự trợ giúp của Chúa mà thôi. Cuộc hành trình về vĩnh cửu đã bắt đầu. Từng ngày con sống là từng phút giây hướng về Chúa. Từng ngày qua đi là từng bước con rút ngắn khoảng cách tiến về đời sống vĩnh cửu. Xin Chúa giúp con luôn đặt mình trước mặt Chúa, sống vì Chúa và cho Chúa. Amen.

Ghi nhớ: “Con cái đời này khi đối xử với đồng loại thì khôn khéo hơn con cái sự sáng”.

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Phân tích (Hạt giống...)

1. Phong tục Do thái: đối với dân Do Thái, quản gia không phải chỉ là một trong những người làm mướn ăn lương của chủ, mà là một nhân vật rất có thế lực. Quản gia là người thay mặt chủ để lo những chuyện tài sản trong nhà. Do đó có quyền thu xếp tài sản của chủ cách nào tùy ý miễn sao có lợi cho chủ thôi. Quản gia không có lương, nên thường tìm thu nhập thêm bằng cách kê thêm số của cho vay. Thí dụ cho vay 100 kê thành 120.

2. Chúa Giêsu nói người quản gia trong dụ ngôn này là “bất lương”. Các nhà nghiên cứu Thánh Kinh còn bàn cãi nhau về sự “bất lương” này (ăn gian tiền của chủ ? cho vay ăn lời cắt cổ ? hay là sửa đổi giấy nợ ?...).

3. Nhưng điều Chúa Giêsu muốn ta noi gương nơi người quản gia này là cách xử dụng tiền của: Người quản gia này là “con cái thế gian”, thế mà còn biết sử dụng của cải một cách khôn khéo bằng cách cho đi của cải hiện tại để đổi lấy sự bảo đảm cho tương lai. “Con cái của sự sáng” phải noi gương đó, phải biết dùng của cải thế gian mà mua sắm của cải trên trời.

B. Suy niệm (...nẩy mầm)

1. Mặc dù người quản lý trong dụ ngôn này không tốt cho lắm, nhưng Chúa Giêsu đã rất khéo khi lấy hình ảnh người quản lý làm dụ ngôn. Chúa muốn nhắc rằng đối với tiền bạc của cải mà chúng ta đang nắm trong tay, chúng ta chỉ là người quản lý thôi, chính Thiên Chúa mới là chủ. Đã là quản lý thì phải xử dụng của cải của chủ theo đúng ý chủ chứ không phải theo ý riêng mình. Rất nhiều người tưởng lầm mình là chủ của những tiền bạc trong túi mình.

2. Một người kia suốt đời chỉ lo thu gom tiền bạc, cho nên rất giàu. Khi chết, ông còn ôm túi vàng theo mình đi sang cuộc sống bên kia. Đi một hồi ông thấy đói. Bỗng ông thấy một quán ăn bên đường, liền ghé vào. Vì hà tiện, ông hỏi người chủ quán:

- Tô cơm nhỏ này giá bao nhiêu ?

- Chỉ một đồng thôi.

- Còn tô lớn kia ?

- Cũng chỉ một đồng thôi.

Thấy rẻ, ông gọi luôn hai tô lớn. Nhưng người chủ quán bảo:

- Ở đây chỉ xài loại tiền-cho-đi thôi. Ông có không ?

Người hà tiện chỉ vào túi vàng của mình. Nhưng chủ quán nói:

- Đó chỉ là thứ tiền-lấy-vào. Ở đây không xài được.

- Thế tiền-cho-đi là tiền gì ?

- Khi còn sống, mỗi lần ông cho ai bao nhiêu đồng thì ông được ban lại bấy nhiêu đồng loại tiền-cho-đi.

Ông nhà giàu lục lọi khắp nơi trong mình nhưng chẳng có đồng nào thuộc loại tiền-cho-đi cả. Thế là ông phải nhịn đói.

Bao nhiêu đồng tiền cho đi là bấy nhiêu đồng tiền để dành cho đời sau vậy.

3. “Con cái đời này khôn ngoan hơn con cái ánh sáng khi xử sự với đồng loại.” (Lc 16, 8b)

Ở đời, “biết mình biết người trăm trận trăm thắng.” Người quản gia bất lương trong dụ ngôn xưa, hơn ai hết, biết rõ thực trạng tội lỗi của mình, và biết chắc nguy cơ bị sa thải là không tránh khỏi. Điều hơn người là y dám nhìn thẳng vào sự thật và dùng hết khả năng còn lại của mình để đổi lấy tình thân hữu, dự phòng cho tương lai. Y đã thành công do biết nhìn xa trông rộng.

Ở đây Thiên Chúa không có ý định ủng hộ những hành động mưu lợi bản thân, mà qua đó Ngài muốn nhắc nhở chúng ta về một chân lý: dự phòng cho tương lai. Đời này đã có thể an tâm, còn dự phòng cho cuộc sống đời sau, hẳn hạnh phúc hơn nhiều.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, xin cho con biết dùng cuộc sống đời này để mua lấy cuộc sống đích thực nơi quê trời. (Hosanna)

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Phải lo tìm hạnh phúc đời sau (Lc 16,1-13)

  • Bài Tin mừng hôm nay ghi lại dụ ngôn người quản lý bất lương, để trình bày bài học phải biết khôn ngoan sử dụng tiền của đời này để mưu ích cho phần rỗi đời đời. Thật thế, con người ngày nay rất khôn khéo khi tính toán để tìm hạnh phúc đời này. Nhưng sự khôn ngoan đích thực thì ít có ai tìm được, hay cố gắng đi tìm. Cũng như người quản lý trong Tin mừng hôm nay, ông đã dùng sự khôn khéo gian manh để tìm hạnh phúc cho đời sống của ông. Qua đó, Đức Giêsu muốn dạy chúng ta phải biết dùng sự khôn ngoan của mình để sử dụng gia tài Chúa ban: sức khỏe, thời gian, tiền của... mà tìm lấy cho mình hạnh phúc vĩnh cửu.
  • Đọc bài Tin mừng hôm nay, chúng ta nên lưu ý: Đức Giêsu không khen việc lỗi đức công bằng này, vì việc làm này là gian lận của chủ, đây là cái lỗi. Tuy nhiên, Chúa khen anh vì biết tận dụng tất cả những khả năng và điều kiện, địa vị sẵn có, để có lợi cho về sau của mình. Anh khôn khéo vì biết tận dụng những ngày cuối cùng còn lại trong nhiệm vụ, để lấy lòng người khác, để tạo một ảnh hưởng và chỗ dựa sau này, biết tận dụng thời gian và những điều kiện có sẵn để lo cho số phận tương lai của mình. Dụ ngôn chỉ dừng lại với ý nghĩa là, tất cả những gì chúng ta có là do Chúa ban và là của Chúa, điều quan trọng là chúng ta biết dùng những ân huệ Chúa ban để giúp đỡ tha nhân, và chính điều này sinh lợi cho chúng ta khi chúng ta không còn được quản lý thân xác và những ân huệ đó nữa.
  • Mặc dầu người quản lý trong dụ ngôn này không tốt lắm, nhưng Đức Giêsu đã rất khéo lấy hình ảnh người quản lý đang nắm trong tay, chúng ta chỉ là người quản lý thôi, còn chính Chúa mới là chủ. Đã là quản lý thì phải sử dụng của cải của chủ theo đúng ý chủ chứ không phải theo ý riêng mình. Rất nhiều người tưởng lầm mình là chủ của những tiền bạc trong túi mình, nên họ đã sử dụng chúng không theo ý của Chúa. Hãy biết noi gương người quản lý này về việc sử dụng tiền của một cách khôn khéo, bằng cách cho đi của cải hiện tại để đổi lấy sự bảo đảm cho tương lai.
  • Mọi sự trần thế không theo chúng ta về đời sau! Chính vì thế, Đức Giêsu dạy chúng ta một điều vô cùng khôn ngoan, là hãy “dùng tiền bạc và những giá trị trần thế để mua lấy bạn hữu để sau này họ sẽ đưa chúng ta về nơi an nghỉ đời đời”.
  • Kho tàng Nước trời của mỗi người chúng ta tuỳ thuộc việc chúng ta sử dụng kho tàng trần thế của mỗi người chúng ta như thế nào. Khi chúng ta tiêu xài cho riêng mình thì kho tàng Nước trời của chúng ta trống rỗng! Trái lại, khi chúng ta cho đi, cho những người bất hạnh, tàn tật, khổ đau là kho tàng Nước trời của chúng ta tăng gấp bội! Tất cả mọi người đều là những người thủ quỹ của Thiên Chúa! Mọi khả năng, sức khoẻ, thời giờ, địa vị... tất cả đều của Chúa trao ban, chúng ta hãy trở thành người quản lý tốt, để đời sống chúng ta đem lại vinh quang.

  • Qua câu chuyện trên đây, Đức Giêsu muốn nói với chúng ta rằng: nếu người đời có sự khôn ngoan và mánh khoé, thì các môn đệ cũng phải có sự khôn ngoan. Sự khôn ngoan ấy trước hết phải được thể hiện qua chính mục đích họ theo đuổi trong cuộc sống. Đâu là mục đích và lẽ sống của người Kitô hữu ? Nếu mục đích của cuộc sống chỉ là tiền của, quyền bính, danh vọng, lạc thú và những gì sẽ qua đi, thì điều đó có đáng cho con người đầu tư cả cuộc đời không ?
  • Với người môn đệ Chúa Kitô, sự khôn ngoan ấy cũng được tỏ lộ qua thái độ của họ đối với của cải trần thế. Họ là những người khôn ngoan thực sự, khi họ luôn ý thức rằng: của cải trần thế này không phải là cứu cánh, mà chỉ là phương tiện để đạt tới cùng đích. Sống như thế nào để của cải trần thế không trở thành một chủ nhân sai khiến và biến mình thành nô lệ. Sống như thế nào để xuyên qua mọi thực tại chóng qua của đời này biết tìm kiếm và xây dựng những giá trị vĩnh cửu, sống như thế mới thực sự là sống khôn ngoan (Mỗi ngày một tin vui).

  • Truyện: Ông Mạnh Thường Quân
  • Mạnh Thường Quân nhà giàu, cho vay mượn nhiều. Một hôm sai Phùng Nguyên sang đất Tiết đòi nợ. Khi đi, Phùng Nguyên hỏi:

    - Ngài có định mua gì về không ?

    - Xem thứ gì nhà ta chưa có thì mua.

    Khi đến đất Tiết, Phùng Nguyên cho gọi dân đến bảo rằng: “Các ngươi nợ bao nhiêu, Mạnh Thường Quân đều cho cả”, rồi chẳng tính gì gốc lãi, đem đống văn tự ra đốt sạch.

    Khi trở về, Phùng Nguyên nói với Mạnh Thường Quân rằng:

    - Nhà ngài không thiếu thứ gì, có lẽ chỉ thiếu ơn nghĩa. Tôi đã trộm phép mua ở đất Tiết cho ngài rồi. Tôi chắc là đẹp ý ngài.

    Về sau, Mạnh Thường Quân bị bãi quan, về ở đất Tiết. Dân ở đây nhớ ơn xưa ra đón rước đầy đường. Mạnh Thường Quân ngoảnh lại bảo Phùng Nguyên:

    - Đó hẳn là cái ân nghĩa mà ông đã mua cho tôi ngày trước.

     

    4. Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

    Câu chuyện

    Mạnh Thường Quân là người giàu có, cho vay mượn nhiều. Một hôm ông sai Phùng Huyên sang đất Tiết Thành đòi nợ. Khi đi, Phùng Huyên hỏi:

  • Ngài có định mua gì về không ?
  • Xem thứ gì nhà ta chưa có thì mua.
  • Khi đến đất Tiết Thành, Phùng Huyên cho gọi dân tới bảo rằng: “Các ngươi nợ bao nhiêu, Mạnh Thường Quân đều cho cả”, rồi chẳng tính gì gốc lãi, đem đống văn tự ra đốt sạch.

    Khi trở về, Phùng Huyên nói với Mạnh Thường Quân:

  • Nhà ngài không thiếu thứ gì, có lẽ chỉ thiếu ơn nghĩa. Tôi đã trộm phép mua ở đất Tiết Thành cho Ngài rồi. Tôi chắc là đẹp ý ngài.
  • Về sau, Mạnh Thường Quân bị bãi quan, về ở đất Tiết Thành. Dân ở đây nhớ ơn xưa ra đón rước đầy đường. Mạnh Thường Quân ngoảnh lại bảo Phùng Huyên:

  • Đó là cái ân nghĩa mà ông đã mua cho tôi ngày trước...
  • Suy niệm       

    Trọng tâm câu chuyện là sự khéo léo xoay xở của một người quản lý. Thánh Luca không nói mọi chi tiết về người quản lý này bất lương ở chỗ nào. Không biết ông có tham nhũng ăn chặn của được giao trách nhiệm, vơ vét vào túi riêng như các tham quan hôm nay hay không, chỉ biết rõ là ông bị chủ bãi chức vì phung phá của nhà chủ. Như thế, cái tối thiểu của người quản lý là anh đã không chu toàn bổn phận: Bảo toàn và sinh lợi trên gia sản mà anh có trách nhiệm được giao

    Theo các nhà chú giải Kinh Thánh, thời đó ở Palestine, người quản gia thay thế gia chủ quản lý tất cả tài sản và làm một cách tốt nhất để tài sản đó được sinh lợi. Người quản gia không có lương nên có quyền cho người khác vay tài sản của chủ mình vừa làm lợi cho chủ vừa làm lợi cho chính mình. Cho nên, trong lúc thỏa thuận, ông có thể ghi số lượng lời trội hơn, vì phần lời cho chủ và phần lời cho chính ông như là lương của ông. Nhờ đó, khi thu số vốn cho vay ngoài phần lời phải có cho chủ, ông được phép thu số dư làm của riêng mình. Cho nên, khi biết mình sắp bị bãi nhiệm, người quản gia trong dụ ngôn tính lại cho những người vay mượn phần của mình, chỉ ghi lại số lượng ông chủ phải thu hồi. Do đó, người chủ không bị thiệt mà người nợ lại biết ơn người quản gia. Người quản gia sửa đổi số lượng ít đi, không phải vì ông đã làm hại cho chủ, mà ông chịu thiệt thòi phần của chính ông để khôn khéo xếp đặt dự tính cho tương lai chính mình. Như vậy, người quản gia này trước đó không chỉ hoang phí tài sản của chủ không biết vào mục đích gì (có thể vào túi riêng: Tham nhũng) nhưng lợi dụng chức vụ bóc lột người nghèo quá mức. Tuy nhiên, ông đã biết “sửa sai” trong giờ chót, biết “nhả ra chút ít của bất chính” để mong tìm được con đường hậu vận khi bị bãi chức. Dưới góc độ tính toán, ông được khen vì xử lý kịp hoàn cảnh lúc “không ổn” của mình để tìm bãi đáp và hạ cánh an toàn.

    Giữa những thực tế hoang tàn vì tham nhũng trong xã hội, Lời Chúa đang văng vẳng bên tai chúng ta về tư cách người quản lý: “Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn” (Lc 16,10). Ngài mời gọi chúng ta trở nên người quản lý theo Tin Mừng: Quản lý của cuộc sống riêng mình; quản lý tốt với những gì chúng ta có: tài năng, khuyết điểm... như người chủ biết tận dụng cái cũ, cái mới trong kho cuộc đời (x. Mt 13,52) để làm cho cuộc đời thêm phong phú và quản lý việc công nếu được giao trách nhiệm gánh vác: Hết lòng với nhiệm vụ được giao, thể hiện sự trung tín của mình với Thiên Chúa, vì trong đức tin, tôi và bạn là người quản lý được Thiên Chúa giao trách nhiệm công vụ.

    Ý lực sống

    “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được” (Lc 16,13).

    Tag:

    2024-11-08