Thứ Tư tuần 10 Thường niên năm II - Đức Giêsu kiện toàn lề luật (Mt 5,17-19)

Đức GiêSu Đã, Đang Và Mãi Mãi Yêu Chúng Ta Cho Đến Cùng

"Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta"

Thứ Tư tuần 10 Thường niên năm II - Đức Giêsu kiện toàn lề luật (Mt 5,17-19)

Thứ Tư tuần 10 Thường niên năm II - Đức Giêsu kiện toàn lề luật (Mt 5,17-19)

“Thầy đến không phải là để bãi bỏ,
nhưng là để kiện toàn lề luật”. (Mt 5, 17)

BÀI ĐỌC I: (Năm II) 1 1 V 18, 20-39

“Chớ gì dân này nhìn nhận Chúa là Thiên Chúa và chính Chúa đã hoán cải lòng họ”.

Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.

Vua Acáp sai người triệu tập toàn thể con cái Israel và nhóm họp các tiên tri trên núi Carmel.

Bấy giờ Êlia đến cùng toàn dân và tuyên bố rằng: “Các ngươi đi nước đôi cho đến khi nào? Nếu Chúa là Thiên Chúa, các ngươi hãy theo Người; nếu Baal là thiên chúa, thì hãy theo nó đi!” Dân chúng không thưa lại được lời nào. Êlia nói tiếp: “Chỉ còn tôi là tiên tri duy nhất của Chúa, mà tiên tri của Baal thì có đến bốn trăm năm mươi người. Hãy cho chúng tôi hai con bò đực; họ hãy chọn lấy một con cho họ, xẻ ra từng miếng đặt trên củi, nhưng đừng đốt lửa. Phần tôi, tôi làm thịt con bò kia, xếp trên củi và cũng không châm lửa. Ðoạn các ông hãy kêu cầu danh các thần của các ông, còn tôi, tôi sẽ kêu cầu danh Chúa của tôi. Ðấng nào đáp lời cho lửa xuống đốt, thì Ðấng ấy là Thiên Chúa”. Toàn dân đồng thanh đáp: “Ðề nghị hay đấy!”

Vậy Êlia nói với các tiên tri của Baal rằng: “Các ông hãy chọn lấy một con bò và làm thịt trước đi, vì các ông đông hơn, rồi hãy kêu cầu danh thần của các ông, nhưng đừng châm lửa”. Họ liền bắt con bò người ta trao cho mà làm thịt. Họ kêu cầu danh Baal từ sáng đến trưa và nguyện rằng: “Lạy thần Baal, xin nghe lời chúng tôi!” Nhưng chẳng có tiếng đáp, cũng chẳng ai trả lời. Họ nhảy múa chung quanh bàn thờ họ đã dựng lên. Khi trời đã trưa, Êlia chế diễu họ rằng: “Hãy gào thét to hơn, vì Baal là một vị thần. Có khi Người đang là tính công chuyện hoặc đang bận việc, hoặc đi vắng, hay đang ngủ chăng, và sẽ thức dậy”. Họ càng kêu lớn tiếng, lấy gươm giáo rạch mình theo tập tục họ, cho đến khi mình đầy máu me. Khi đã quá trưa, họ còn đọc thần chú đến giờ dâng lễ vật thường lệ, nhưng không có tiếng đáp, cũng chẳng có ai trả lời tỏ dấu lưu tâm đến.

Bấy giờ Êlia nói với toàn dân rằng: “Hãy lại gần tôi”. Toàn dân liền đến gần bên ông. Ông dựng lại bàn thờ Chúa trước kia đã bị phá huỷ. Ông lấy mười hai hòn đá đúng theo số mười hai chi tộc con cái Giacóp, là kẻ đã được nghe lời Chúa phán như sau: “Ngươi sẽ gọi là Israel”. Ông dùng các hòn đá ấy làm bàn thờ kính danh Chúa. Rồi ông đào một cái mương, rộng chừng hai đấu hạt giống, chung quanh bàn thờ; ông xếp củi, xẻ con bò ra từng miếng và đặt trên củi. Ðoạn ông nói: “Hãy múc đầy bốn hũ nước và đổ trên của lễ toàn thiêu và củi”. Và họ làm như thế. Ông còn dạy: “Hãy làm như vậy một lần thứ hai”. Khi người ta đã làm như ông dạy, ông lại ra lệnh: “Hãy làm như thế một lần thứ ba”. Và họ làm lần nữa. Nước chảy chung quanh bàn thờ, mương đầy nước.

Khi đã đến giờ dâng của lễ toàn thiêu, tiên tri Êlia tiến ra cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa là Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Israel, xin tỏ ra Chúa là Thiên Chúa của Israel và con là tôi tớ của Chúa, và chính vì tuân lệnh Chúa truyền mà con đã làm các việc này. Lạy Chúa, xin nhậm lời con, xin đoái nghe lời con, hầu cho dân này nhìn nhận Chúa là Thiên Chúa và chính Chúa hoán cải lòng họ”. Bấy giờ lửa Chúa giáng xuống thiêu đốt của lễ toàn thiêu, củi, đá và cả bụi đất, đồng thời cũng hút hết nước trong mương. Trông thấy thế, toàn dân kinh hãi sấp mặt xuống đất mà nói rằng: “Chúa là Thiên Chúa! Chúa là Thiên Chúa!”

Ðó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 15, 1-2a. 4. 5 và 8. 11

Ðáp: Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa (c. 1).

Xướng: Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa, con thưa cùng Chúa: Ngài là chúa tể con.

Xướng: Thiên hạ tăng thêm nhiều nỗi đau thương của họ, họ là những kẻ chạy theo các thần tượng ngoại lai. Con sẽ không dâng lễ quán bằng máu của chúng, cũng không đọc tên chúng trên môi.

Xướng: Chúa là phần gia nghiệp và phần chén của con, chính Người nắm giữ vận mạng của con. Con luôn luôn đặt Chúa ở trước mặt con, vì Chúa ngự bên hữu con, con sẽ không nao núng.

Xướng: Chúa sẽ chỉ cho con đường lối trường sinh, sự no đầy hoan hỉ ở trước thiên nhan, sự khoái lạc bên tay hữu Chúa tới muôn muôn đời!

 

Tin mừng: Mt 5, 17-19

17 “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn.

18 Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành.

19 Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời.

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Chúa Giêsu kiện toàn luật Cựu ước, vì Người cho ta hiểu được ý nghĩa của lề luật, và vì Người thực hiện những lời tiên báo trong Cựu ước. Phải giữ luật theo ý hướng của Chúa Giêsu thì mới trở nên công dân Nước Trời.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa ban lề luật cho con là để con được tự do, được nên thánh, lề luật của Chúa là những bậc thang vững chắc đưa con đến với Chúa, đưa con vào Nước Trời.

Thế nhưng nhiều khi con có cảm tưởng luật Chúa ràng buộc con, làm con mất tự do thoải mái trong cuộc sống. Nhiều khi con cảm thấy nặng nề khi đi lễ ngày Chúa nhật. Nhiều khi con thấy luật hôn nhân công giáo giới hạn tự do của con. Nhiều khi luật Chúa đưa con đến những chọn lựa khó khăn và ngăn cản con chọn những giải pháp dễ dãi.

Với Lời Chúa hôm nay, con muốn đặt niềm tin vào Chúa. Chính vì yêu thương mà cha mẹ cấm cản hoặc truyền dạy con cái làm điều này điều nọ. Cũng vậy, con xác tín rằng chính vì yêu thương và muốn con sống tốt mà Chúa ban luật Chúa cho con. Xin cho con biết tin vào Chúa và vào tình thương của Chúa để con yêu mến và sống theo luật Chúa.

Lạy Chúa, xin ban cho con tinh thần tôn trọng lề luật Chúa. Chắc chắn con sẽ phải hy sinh ý riêng mình rất nhiều, nhưng con tin rằng khi con hết lòng với Chúa, Chúa sẽ ban cho con cảm nghiệm được niềm vui và hạnh phúc. Đời con sẽ như cây trồng bên bờ suối và trổ sinh hoa trái đúng mùa. Amen.

Ghi nhớ: “Thầy không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn”.

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Phân tích (Hạt giống...)

Vì Chúa Giêsu dạy một số điều xem ra không đúng với luật Môisê và giáo huấn của các ngôn sứ theo lối giải thích của người Pharisêu, nên nhiều người tưởng Ngài muốn hủy bỏ luật Môisê. Vì thế Ngài phải giải tỏa sự hiểu lầm ấy: Ngài không hủy bỏ chúng mà là kiện toàn chúng.

Kiện toàn bằng cách dạy người ta hiểu những khoản luật đó là ý muốn của Cha trên trời nên phải sống những khoảng luật đó trong tinh thần Cha - Con.

B. Suy gẫm (...nẩy mầm)

1. Cuộc sống xã hội cần được luật pháp bảo đảm. Cuộc sống càng phức tạp thì mạng lưới pháp luật càng gia tăng. Một đàng con người cảm thấy được pháp luật bảo vệ, nhưng đàng khác cũng cảm thấy bị luật pháp đe dọa. Và sự đe dọa đáng sợ nhất là cái chết của tình người. Chúa Giêsu đến để chỉ cho con người đâu là giá trị cao cả nhất và cũng là quy luật cao cả nhất của cuộc sống. Giá trị và quy luật ấy chính là tình yêu. Một ngôi nhà đẹp đẽ đến đâu mà thiếu vắng tình người thì cũng giống như một nghĩa địa; một xã hội tiến bộ tới đâu mà thiếu vắng tình người thì chẳng khác nào một bãi sa mạc. Chúa Giêsu đến không phải để dẹp bỏ pháp luật nhưng là để kiện toàn, bằng cách đem lại cho nó một linh hồn, một sức sống. Linh hồn và sức sống ấy chính là tình yêu thương. (Trích “Chờ đợi Chúa”)

2. Chuyện cổ Đông phương kể rằng: ngày xưa, có một vị đạo sĩ dâng cho vua một chiếc nhẫn thần kì và vô giá. Nó vô giá vì được làm bằng thứ kim loại quý hiếm và gắn đầy kim cương lóng lánh: nó kì diệu ở chỗ nếu người đeo nó làm điều lành, thì nó rất vừa vặn và chiếu sáng. Nhưng nếu người đó làm điều ác, thì nó sẽ biến thành một cái máy rất mạnh, ngón tay rất đau đớn.

 Mỗi người chúng ta cũng có một chiếc nhẫn thần là lề luật của Thiên Chúa. (Góp nhặt)

3. Có hai thái độ quá khích với lề luật: một là thái độ vụ luật, vụ nguyên tắc, giữ luật một cách nô lệ không chút tình cảm; hai là thái độ bất chấp ngang tàng sống như không có luật.

4. Ta không đến để hủy bỏ lề luật nhưng đến để kiện toàn”: trước một khoản luật mà tôi cảm thấy khó chịu vì xem ra không còn thích hợp nữa, tôi phải làm gì  ? Lời Chúa Giêsu dạy rằng tôi không nên hủy bỏ khoản luật ấy, nhưng tôi hãy tìm cách kiện toàn: kiện toàn bằng cách tìm hiểu tinh thần và ý nghĩa của nó, kiện toàn bằng cách đặt vào đó một tình thương.

5. Ai bãi bỏ dù là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước trời”. (Mt 5,19)

Một ngày nọ các dấu chấm câu nghĩ rằng mình chẳng được đọc lên thành lời như các từ, nên buồn bã rủ nhau bỏ đi hết. Thế là có người đọc như sau:

“Nàng có ba người anh đi bộ đội những em nàng”
Chẳng phải tôi đã từng tự nhủ mình như thế này sao:
Tội nhẹ! chẳng sao cả!
Một lần nữa thì đã sao!
Mình chỉ thử một lần thôi!

Lạy Chúa, xin cho con luôn nhớ rằng: “Ai trung tín trong việc nhỏ thì cũng trung tín trong việc lớn” (Lc 16,10) (Hosanna).

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Kiện toàn lề luật (Mt 5,17-19)

  • Chúa Giêsu tuyên bố cho mọi người biết: Ngài đến không phải để bãi bỏ luật Maisen và lời dạy của các tiên tri trong Cựu ước, nhưng làm cho hoàn hảo và đầy đủ hơn.
  • Vì Chúa Giêsu dạy một số điều xem ra không đúng với luật Maisen và giáo huấn của các tiên tri theo lối giải thích của những người Biệt phái, nên nhiều người tưởng Ngài muốn huỷ bỏ Luật Maisen. Vì thế Ngài phải giải tỏa sự hiểu lầm ấy: Ngài không huỷ bỏ mà là kiện toàn chúng. Kiện toàn bằng cách dạy người ta hiểu những khoản luật đó là ý muốn của Cha trên trời, nên phải sống những khoản luật đó trong tinh thần Cha–Con.

  • Hôm nay, khi thấy Chúa Giêsu làm phép lạ trong ngày Sabat, giới lãnh đạo Do thái tỏ vẻ khó chịu và nghi ngờ việc Chúa Giêsu bất chấp Lề luật. Thấy được sự xầm xì của họ, Chúa Giêsu lên tiếng dạy các môn đệ và cũng một cách gián tiếp giáo huấn những người Biệt phái: “Các con đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Lề luật hay lời các tiên tri; Thầy không đến để bãi bỏ nhưng là để kiện toàn” (Mt 5,17). Khi nói như thế, Chúa Giêsu muốn mặc cho Lề luật một ý nghĩa mới, đó là Luật vì con người chứ không phải con người vì Luật. Khi Luật vì con người, thì tình yêu sẽ vượt lên trên Lề luật, còn khi con người vì Luật, thì chính Luật sẽ đè bẹp và giết chết con người trong sự vô nhân đạo.
  • Chúa Giêsu không phải là con người vô kỷ cương và luật pháp. Ngài đã sống như một người Do thái, nghĩa là tuân giữ luật lệ của Maisen truyền lại. Chỉ có điều khác biệt giữa Ngài và các người Biệt phái, đó là tinh thần: nếu những người Biệt phái tự cho mình là người công chính nhờ tuân giữ Lề luật, thì Chúa Giêsu lại khẳng định rằng chỉ nhờ ơn Chúa, con người mới có thể nên công chính. Chúa Giêsu tuân giữ Lề luật để kiện toàn nó, kiện toàn theo nghĩa thực hiện chính những lời loan báo của các tiên tri liên quan đến Ngài, kiện toàn đến độ mặc cho Lề luật một tinh thần mới, tức là tình mến (Mỗi ngày một tin vui).
  • Ngay những năm đầu của lịch sử Giáo hội đã xảy ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng có nguy cơ làm tan nát Giáo hội còn non trẻ: đó là có cần phải tuân giữ những truyền thống của Luật Maisen hay không. Luật giữ ngày hưu lễ có còn đòi buộc nữa không, một khi người ta đã trở nên môn đệ của Chúa Giêsu? Đó cũng là những vấn nạn của mọi thời: trung thành bảo vệ truyền thống hay cách mạng đổi mới tận căn? Người ta nghĩ rằng đối với người môn đệ của Chúa Giêsu, mọi giáo huấn Cựu ước không còn giá trị nữa. Chúa Giêsu đã trả lời: “Thầy không đến để bãi bỏ, nhưng để kiện toàn”.
  • Đối với Ngài, vấn đề không hệ tại ở việc bảo thủ một ý hướng cứng nhắc, cũng chẳng phải là lật đổ đổi mới, mà là trao ban cho quá khứ một sự sống mới. Vì đâu có phải mọi truyền thống đều tốt và nên bảo vệ cả đâu. Cũng chẳng phải hễ cái gì mới cũng quý cả đâu! Điều mà các bậc tổ tiên đã sống, đã hệ thống hóa trong những thời xa xưa là điều đáng quý, nhưng chúng cần được Chúa Giêsu kiện toàn bằng cách lột bỏ sự khô cứng của Lề luật (5 phút Lời Chúa).

  • Chuyện cổ Đông phương kể rằng: ngày xưa, có một vị đạo sĩ dâng cho vua một chiếc nhẫn thần kỳ và vô giá. Nó vô giá vì được làm bằng thứ kim loại quý hiếm và gắn đầy kim cương lóng lánh: nó kỳ diệu ở chỗ nếu người đeo nó làm điều lành, thì nó rất vừa vặn và chiếu sáng. Nhưng nếu người đó làm điều ác, thì nó sẽ biến thành một cái máy xiết rất mạnh, làm cho ngón tay trở nên đau đớn.
  • Mỗi người chúng ta cũng có chiếc nhẫn thần là Lề luật của Thiên Chúa. Tuy nhiên, chiếc nhẫn đó mang lại cho chúng ta niềm vui, hạnh phúc hay đau khổ là do thái độ của chúng ta đối với chúng. Thái độ đó là yêu mến hay bị ép buộc.

  • Truyện: Tiếng nói lương tâm của một vị vua
  • Dạo tháng 4 năm 1990 để khỏi ký đạo luật cho phép phá thai do Quốc hội thông qua, vua nước Bỉ đã từ chức trước đó hai ngày, vì với tư cách là Kitô hữu, lương tâm không cho phép ông ký nhận. Theo hiến pháp Bỉ, do sự từ chức của Nhà vua, Hội đồng Bộ trưởng sẽ thay nhà vua để công bố đạo luật. Theo đạo luật này, nếu gặp khủng hoảng khó khăn và có chứng nhận của bác sĩ, người phụ nữ có quyền phá thai trong 12 tuần lễ đầu. Nhà vua từ chức được đúng hai ngày, Quốc hội tuyên bố việc từ chức của ông chấm dứt, và ông lại tiếp tục cai trị.

    Một ông vua từ chức để một luật lệ bất nhân ra đời, đó là hình ảnh của luật pháp loài người: hoặc con người tìm kẽ hở của luật pháp để thủ lợi và hành động ngược với tiếng lương tâm, hoặc do con người nhân danh pháp luật để chà đạp người khác. Mục đích của luật pháp là để phục vụ con người, do đó nếu luật pháp đi ngược lại con người và chối bỏ Thiên Chúa, thì lúc đó thà vâng lời Thiên Chúa còn hơn vâng lời loài người (Mỗi ngày một tin vui).

    Tag:

    2022-06-08