Thứ Tư tuần 26 Thường niên năm II (Lc 9,57-62)

Đức GiêSu Đã, Đang Và Mãi Mãi Yêu Chúng Ta Cho Đến Cùng

"Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta"

Thứ Tư tuần 26 Thường niên năm II (Lc 9,57-62)

Thứ Tư tuần 26 Thường niên năm II (Lc 9,57-62)

Đức Giêsu bảo: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau,
thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa” (Lc 9,62).

BÀI ĐỌC I (năm II): G 9, 1-12. 14-16

“Con người so sánh với Thiên Chúa đâu đáng được kể là người công chính”.

Trích sách ông Gióp.

Ông Gióp trả lời cùng các bạn hữu rằng: “Tôi biết thật như vậy, và biết thật con người so sánh với Thiên Chúa đâu đáng được kể là người công chính. Nếu con người muốn cãi lẽ với Chúa, thì một nghìn điều, nó không thể đáp lại một. Chúa thượng trí và quyền năng, ai đối địch với Chúa mà được bằng yên? Chúa xê dịch các núi đồi, và trong cơn thịnh nộ Người đánh đổ những kẻ không biết điều. Chúa khiến địa cầu chuyển động khỏi chỗ của nó, và các cột đất đều phải lung lay. Chúa truyền khiến mặt trời, thì nó không mọc lên, và Người cũng phong niêm các ngôi sao tinh tú. Chỉ một mình Chúa trải các tầng trời và bước đi trên sóng biển. Chúa tạo dựng sao bắc đẩu, sao sâm, sao mão và cung kín phương nam. Chúa tác tạo những điều trọng đại, mầu nhiệm và kỳ diệu không kể xiết.

Nếu Chúa đến cùng tôi, thì tôi không trông thấy Người, và nếu Người ra đi, tôi cũng chẳng hay biết. Nếu Chúa bất chợt hỏi han, thì ai trả lời Người cho được? Hoặc ai có thể hỏi rằng: “Tại sao Chúa làm như thế?” Vậy tôi là gì mà dám trả lời với Chúa và dùng lời mà nói với Người? Dù tôi có lẽ công chính, tôi cũng không dám trả lời, một van nài cùng Ðấng phán xét tôi. Khi Chúa nhậm lời tôi kêu cầu, tôi cũng không chắc Người nghe lời tôi”.

Ðó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 87, 10bc-11. 12-13. 14-15

Ðáp: Lạy Chúa, nguyện cho lời con cầu thấu đến tai Chúa (c. 3a).

Xướng: Lạy Chúa, con kêu lên Chúa mọi ngày, và con giang tay hướng về phía Chúa. Phải chăng Chúa còn làm những điều kỳ diệu cho người đã thác, hoặc giả những người chết sẽ sống lại và ngợi khen Ngài? 

Xướng: Phải chăng người ta còn kể lại lòng nhân hậu Chúa trong mồ, và lòng trung thành Ngài trong nơi âm phủ? Những việc kỳ diệu của Chúa còn thấy được trong chỗ tối tăm, và ân sủng của Ngài trong nơi quên lãng? 

Xướng: Phần con, lạy Chúa, con kêu lên Chúa, và tự bình minh lời nguyện của con sẽ tới tai Ngài. Lạy Chúa, nhân sao Chúa ghét bỏ linh hồn con, nhân sao Chúa ẩn mặt xa khuất khỏi con? –

 

Tin mừng: Lc 9,57-62

57Đang khi Thầy trò đi đường thì có kẻ thưa Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo.” 58Người trả lời: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.” 59Đức Giêsu nói với một người khác: “Anh hãy theo tôi!” Người ấy thưa: “Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã.” 60Đức Giêsu bảo: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa.”

61 Một người khác nữa lại nói: “Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy, nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã.” 62 Đức Giêsu bảo: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa.”

 

Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Người môn đệ đi theo Chúa không có gì để bảo đảm an toàn cho cuộc sống trần thế, và không được để cho mình bận tâm vì bất cứ lý do gì.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, nhiều khi con nghĩ rằng theo đạo công giáo thì con sẽ được cái gì đó. Có thể là theo đạo sẽ nên giàu có hơn, sẽ đỡ túng cực hơn, sẽ được Chúa phù hộ làm ăn may mắn hơn… Trong thực tế, có khi con không còn tin vào Chúa nữa, bởi vì khi con xin một điều gì đó mà mãi không thấy Chúa ban; con cầu xin cho qua khỏi các khó khăn, ấy mà các khó khăn cứ dồn dập xảy đến, và con đã thất vọng.

Lời Chúa hôm nay muốn thay đổi suy nghĩ của con. Khi con theo Chúa, khi con tin vào Chúa, Chúa không hứa ban cho con một điều gì để bảo đảm an toàn cho cuộc sống ở đời này, bởi vì Chúa cũng không có một hòn đá để gối đầu. Vâng, con biết rằng con theo Chúa, con giữ Đạo, thì con không được Chúa ban cho một cái gì, nhưng con được Chúa ban cho một người, đó là chính Chúa. Chúa sẽ là người hiện diện trong cuộc sống con, chia sẻ cuộc sống của con. Chúa sẽ chia sẻ các khó khăn của con, của gia đình con. Chúa sống với con trong mọi tình huống vui, buồn, sướng, khổ. Cuộc sống của con là cuộc sống của Chúa, sự sống tình yêu Chúa đi vào cuộc sống của con.

Chúa còn muốn con đón nhận cuộc sống của Chúa, chia sẻ những thao thức của Chúa, thực hiện việc làm của Chúa một cách quảng đại.

Lạy Chúa, đời con có Chúa, đó là bảo đảm an toàn nhất. Xin giúp con hoàn toàn tin tưởng phó thác để bước theo Chúa và làm công việc của Chúa. Xin đừng để những bận tâm lo lắng công việc ở đời cản trở bước chân và khép kín cõi lòng con. Amen.

Ghi nhớ: “Dù Thầy đi đâu, tôi cũng theo Thầy”.

 

Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Phân tích (Hạt giống...)

Tiểu đoạn này gồm ba chuyện nhỏ về 3 người muốn đi theo làm môn đệ Chúa Giêsu. Điều quan trọng trong những chuyện này không phải là những nhân vật (vì không chi tiết nào mô tả các nhân vật ra sao), mà là giáo huấn của Chúa Giêsu về những điều kiện để làm môn đệ Ngài. 

1. Người thứ nhất muốn đi theo Chúa Giêsu đến bất cứ nơi nào. Trường hợp này thường xảy ra trong xã hội thời đó: có những người vì ngưỡng mộ một rabbi nào đó nên bỏ gia đình và xin theo ở với rabbi đó trong một thời gian vài ba năm (xem Ga 1,37-49).

- Câu trả lời của Chúa Giêsu cho thấy Ngài không giống như các rabbi: cuộc sống của Ngài là cuộc sống lang thang rày đây mai đó, vì Ngài là một con người bị từ chối (x. chuyện trên, một làng Samaria không tiếp rước Ngài). Vậy điều kiện thứ nhất để làm môn đệ Chúa Giêsu là phải giống Ngài ở chỗ chấp nhận một cuộc sống vật chất không ổn định, có thể bị từ chối và còn có thể bị giết chết nữa.

2. Người thứ hai: không phải cha người này vừa chết, nhưng ông ta vẫn còn sống. Ý người này là tuy cũng muốn theo Chúa Giêsu, nhưng xin một thời hạn chờ cho tới khi cha anh chết và được chôn cất xong xuôi rồi anh mới theo Ngài. Trong đầu anh đã có sẵn một ưu tiên: ưu tiên cho bổn phận hiếu thảo.

- “Mặc cho kẻ chết chôn người chết”: tiếng Pháp rõ nghĩa hơn “mặc cho les mortels chôn les morts”. Điều kiện thứ hai là phải dành ưu tiên cho bổn phận đối với Nước Thiên Chúa, trên cả những bổn phận đối với thân nhân. Không phải Chúa Giêsu coi nhẹ những bổn phận đối với gia đình (x. Mt 15,3-9) nhưng Ngài dạy rằng trong trường hợp có xung đột giữa hai bên thì môn đệ phải coi trọng Nước Thiên Chúa hơn.

3. Lời xin của người thứ ba cũng giống lời xin của Êlisê (1.V 19,19-21). Lời đáp của Chúa Giêsu cũng khiến ta nhớ lúc đó Êlisê đang kéo cày “đầu ngoái lại sau”: còn luyến tiếc quá khứ. Như vậy điều kiện thứ ba là phải dứt khoát với quá khứ (của cải, địa vị...), hơn nữa phải có một con tim không san sẻ để chỉ còn lo cho Nước Thiên Chúa mà thôi.

Theo văn mạch: Chúa Giêsu sắp đi vào giai đoạn quyết liệt là chịu chết, sống lại và lên trời. Ngài muốn các môn đệ mình cũng phải đi cùng một hành trình như Ngài. Thế nhưng người ta có thể từ chối lời mời gọi của Ngài bằng nhiều cách: hoặc vì những thành kiến tôn giáo như dân làng Samaria; hoặc vì quá cậy dựa vào những bảo đảm vật chất, những quyến luyến gia đình và quyến luyến quá khứ.

 

B. Suy niệm (... nẩy mầm)

1. Nhiều lần trong lúc sốt sắng, tôi cũng thưa với Chúa “Dù Thầy đi đâu, tôi cũng sẽ theo Thầy”. Thế nhưng trên thực tế con cũng như các nhân vật xưa đã không thực sự theo Chúa vì những thành kiến (như dân làng Samaria); hoặc vì quá cậy dựa vào những bảo đảm vật chất, những quyến luyến gia đình và quyến luyến quá khứ (3 người được kể trong Tin Mừng hôm nay).

2. Con chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không có chỗ gối đầu”: đôi khi tôi cũng gặp cảnh thiếu thốn cả những tiện nghi cơ bản như thế. Cám ơn Chúa vì khi đó con đã không rút lui. Nhưng thú thật là tinh thần con đã bị chao đảo, nhiệt tình con đã bị nguội lạnh.

3. Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết”: Tuy là môn đệ Chúa, tức là người chuyên lo những việc của Nước Trời, nhưng đầu óc tôi vẫn còn vấn vương những lo lắng thế tục, lo cho gia đình, cho những người thân. Chúa không cấm tôi nghĩ đến những việc đó và những người đó. Nhưng Chúa khuyên tôi đừng để những lo lắng ấy xâm lấn nhiệm vụ chính hiện tại của tôi, ngoài ra tôi còn phải biết phó thác vào Chúa quan phòng nữa.

4. Ai đã tra tay vào cày mà còn ngó lại sau lưng thì không xứng đáng…”: quá khứ mà Chúa dạy tôi phải quên đi là những quyến luyến tình cảm thế phàm, những ước mơ thế tục, kể cả những mặc cảm tội lỗi xa xưa…

5. Một linh sư ấn độ đang ngồi tịnh niệm bên bờ sông. Có một người đàn ông nọ muốn xin làm đệ tử. Ông rón rén đến bên vị linh sư và đặt dưới chân vị tu hành hai viên ngọc quý như của lễ ra mắt. Vị linh sư cầm lấy một viên và ném xuống sông. Tiếc của, người đàn ông giàu có liền nhảy xuống sông để cố tìm lại viên ngọc. Nhưng mất một ngày mà không tài nào tìm lại được. Chiều đến, người đàn ông đến xin vị linh sư chỉ rõ nơi ông đã ném viên ngọc quý. Vị linh sư cầm viên ngọc còn lại ném luôn xuống sông và nói: “Ta đã ném vào chỗ đó. Ngươi hãy lặn xuống mà tìm”.

Chúa Giêsu cũng đòi hỏi môn đệ Ngài một thái độ từ bỏ dứt khoát như thế. (“Mỗi ngày một tin vui”)

 

Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Những điều kiện để theo Chúa (Lc 9,57-62)

  • Lúc này danh tiếng Đức Giêsu đã lừng lẫy khắp nơi về những lời giảng và phép lạ Ngài làm, vì thế có nhiều người đến xin làm môn đệ Chúa. Trong tiểu đoạn này gồm ba chuyện nhỏ về ba người muốn đi làm môn đệ Chúa Giêsu. Điều quan trọng trong những chuyện này không phải là những nhân vật (vì không chi tiết nào mô tả các nhân vật ra sao), mà là giáo huấn của Đức Giêsu về những điều kiện để làm môn đệ Ngài.
  • Chúng ta hãy nghe linh mục Carôlô Hồ Bặc Xái cắt nghĩa cho chúng ta ba câu chuyện này:
  • Người thứ nhất muốn theo Chúa Giêsu đến bất cứ nơi nào. Trường hợp này thường xảy ra trong xã hội thời đó: có những người vì ngưỡng mộ một rabbi nào đó, nên bỏ gia đình và xin theo ở với rabbi đó trong một thời gian vài ba năm (xem Ga 1,37-49).

    Câu trả lời của Chúa Giêsu cho thấy Ngài không giống như các rabbi: cuộc sống của Ngài là cuộc sống lang thang nay đây mai đó, vì Ngài là một con người bị từ chối (x. Chuyện trên, một làng Samaria không tiếp rước Ngài). Vậy điều kiện thứ nhất để làm môn đệ Chúa Giêsu là phải giống Ngài ở chỗ chấp nhận một cuộc sống vật chất không ổn định, có thể bị từ chối và có thể bị giết chết nữa.

  • Người thứ hai: không phải cha người này vừa chết, nhưng ông ta vẫn còn sống. Ý người này là tuy cũng muốn theo Chúa, nhưng xin một thời hạn chờ cho tới khi cha anh chết và được chôn cất xong xuôi rồi anh mới theo Ngài. Trong đầu anh đã có sẵn một ưu tiên: ưu tiên cho bổn phận hiếu thảo.
  • Mặc cho kẻ chết chôn người chết”: tiếng Pháp rõ nghĩa hơn “mặc cho les mortels (người phải chết) chôn les morts (người đã chết)”. Điều kiện thứ hai là phải dành ưu tiên cho bổn phận đối với Nước Thiên Chúa, trên cả những bổn phận đối với thân nhân. Không phải Chúa Giêsu coi nhẹ những bổn phận đối với gia đình (x. Mt 15,3-9), nhưng Ngài dạy rằng: trong trường hợp có xung đột giữa hai bên thì môn đệ phải coi trọng Nước Thiên Chúa hơn.

  • Lời xin của người thứ ba cũng giống lời xin của Êlisê (1V 19,19-21). Lời đáp của Chúa Giêsu cũng khiến ta nhớ đó là Êlisê đang kéo cày “đầu ngoái lại sau”: còn luyến tiếc quá khứ. Như vậy, điều kiện thứ ba là phải dứt khoát với quá khứ (của cải, địa vị...), hơn nữa phải có một con tim không san sẻ để chỉ còn lo cho Nước Thiên Chúa mà thôi.
  • Theo văn mạch: Chúa Giêsu sắp đi vào giai đoạn quyết liệt là chịu chết, sống lại và lên trời. Ngài muốn các môn đệ mình phải đi cùng một hành trình như Ngài. Thế nhưng người ta có thể từ chối lời mời gọi của Ngài bằng nhiều cách: hoặc vì những thành kiến tôn giáo như dân làng Samaria; hoặc vì quá cậy dựa vào những bảo đảm vật chất, những quyến luyến gia đình và quyến luyến quá khứ (Lm Carôlô, Hạt giống nảy mầm, tuần 26, tr 213-214).

  • Một linh sư Ấn độ đang ngồi tịnh niệm bên bờ sông. Có một người đàn ông nọ muốn xin làm đệ tử. Ông rón rén đến bên vị linh sư và đặt dưới chân vị tu hành hai viên ngọc quý như của lễ ra mắt. Vị linh sư cầm lấy một viên và ném xuống sông. Tiếc của, người đàn ông giàu có liền nhảy xuống sông để cố tìm viên ngọc. Nhưng mất một ngày mà không tài nào tìm lại được. Chiều đến, người đàn ông đến xin vị linh sư chỉ rõ nơi ông đã ném viên ngọc quý. Vị linh sư cầm viên ngọc còn lại ném luôn xuống sông và nói: ”Ta đã ném vào chỗ đó. Ngươi hãy lặn xuống mà tìm”.
  • Chúa Giêsu cùng đòi hỏi môn đệ Ngài một thái độ từ bỏ dứt khoát như thế.

  • Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: một khi đã đi theo. Là môn đệ của Chúa thì phải từ bỏ mọi tham vọng, mọi ràng buộc, nhất là về của cải vật chất, danh vọng, địa vị và thỏa mãn cá nhân, để tự do hiến thân mình cho Chúa, trọn vẹn thuộc về Chúa để làm công việc cho Chúa. Không có chuyện lừng khừng, do dự, tính toán. Sống phó thác và tin tưởng nơi Chúa trọn vẹn. Chấp nhận sự bấp bênh do con người gây nên cho mình. Ngay cả mối liên hệ tình cảm là gia đình, nếu vì đó mà ảnh hưởng và có nguy cơ làm cho chúng ta xa Chúa, thì buộc phải khước từ (Ngọc Biển).
  • Truyện: Phải dứt khoát từ bỏ
  • Một nhà buôn ở Frankfurt muốn tìm một em bé trai để lo việc giao hàng. Có một người anh trưởng trong một gia đình gồm 7 người anh em 16 tuổi đến xin việc. Nhân viên tiếp tân ở phòng khách gật đầu nói: “Cậu không có nhiều may mắn lắm đâu. Trước cậu đã có 52 người đến xin việc rồi. Tuy nhiên, cậu có thể thử thời vận”. Nhân viên này dẫn cậu vào phòng ông chủ. Ông chủ tiếp chuyện thân mật với ứng viên, đặt nhiều câu hỏi với chàng trai.

    - Mời cậu một điếu.

    - Cám ơn ông, nhưng cháu không hút thuốc.

    - Thế nào ? Cậu không hút thuốc ư ? Nhưng anh bạn của tôi ơi, để làm một người lớn, cần phải biết hút thuốc. Đừng rồ dại nữa!

    - Không. Cháu cám ơn bác. Cho đến nay cháu vẫn không hút thuốc và cháu cũng không muốn bắt đầu.

    Thế rồi ông chủ chìa tay ra cho anh.

    - Tôi nhận cậu vào làm việc. Cậu là người thứ 53 đến gặp tôi xin việc, nhưng cậu lại là người đầu tiên không nhận điếu thuốc. Cậu thích hợp với tôi.

    Và ném điếu thuốc đi, ông nói thêm:

    - Tôi cũng vậy, tôi không hút thuốc.

    Sau đó, chàng trai được biết rằng: người làm công trước đã bị sa thải vì anh ta hút thuốc quá nhiều và đã thâm hụt thụt quỹ để mua thuốc. Vâng! Điếu thuốc không phải là nguyên nhân, nhưng làm chủ được bản thân mới chính là điểm son của chàng trai. Ông chủ đã phải nể phục trước sự can đảm chống trả với cơn cám dỗ và thái độ dứt khoát của anh.

     

    Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

    Câu chuyện

    Theo truyện thần thoại của Hy Lạp, Hercule là một vị thần, một lần đứng giữa ngã ba đường và tự hỏi xem mình nên đi về đâu. Có hai người chỉ cho ông.

    Một người nói: “Hãy theo tôi, đây là con đường thoải mái, hạnh phúc và lối đi dễ dàng”.

    Người thứ hai nói: “Đây là con đường cố gắng, nỗ lực, khó khăn. Tuy là đường khó khăn, nhưng đưa tới hạnh phúc”.

    Hercule đã chọn con đường khó khăn và quả thực ông khôn ngoan, ông đã thành công.

    Suy niệm

    Tin Mừng ghi nhận cuộc đối thoại ngắn giữa Chúa Giêsu và người muốn theo Ngài. Theo Chúa không phải là cuộc tháp tùng, du ngoạn nhưng là chia sẻ vào cuộc sống và sứ vụ của Chúa Giêsu. Cho nên người muốn theo Chúa, trả lời và sống một cách cương quyết triệt để. Đức Kitô đã đề nghị người muốn theo Ngài những điều kiện mạnh mẽ cương quyết xem ra có vẻ phi nhân: “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết, còn ngươi hãy đi và loan báo vương quốc của Thiên Chúa” (Lc 9,59). Không phải là Chúa muốn chúng ta không còn sống nhân nghĩa, cũng không phải muốn tâm hồn người theo Chúa trở nên băng giá trước nhân loại. Nhưng cách nói của Đức Kitô biểu lộ một tính cương quyết theo Chúa, vượt lên trên mọi tình cảm nhân văn và ưu tiên hàng đầu trong mọi nấc thang giá trị của hành động.

    Ngài muốn ai theo Ngài, phải dùng một quyết định mạnh và quyết tâm theo đến cùng, không màng đến những hoàn cảnh hào nhoáng xung quanh mà chỉ dấn thân cho Tin Mừng cho anh em. Trên bước đường theo Ngài, có những điều thiếu tiện nghi, có những xung đột về tinh thần, có những khó khăn về vật chất như chính Chúa đã nói:  “Cáo có hang, chim trời có tổ nhưng Con Người không có nơi gối đầu” (Lc 9, 58). Chúng ta nhớ đến điều kiện triệt để theo Chúa khi chúng ta gặp và đối mặt với những mệt mỏi về thể lý và tinh thần. Những mệt mỏi đó như là những hạt giống được gieo trồng thầm lặng để Tin Mừng được trổ bông.

    Thật thế, là môn đệ Chúa, chúng ta tự gắn mình vào cuộc đời, vào sứ mệnh của Ngài. Cuộc đời chúng ta sẽ phải dứt khoát với những đam mê phù hoa, những tương quan mật thiết, yêu thương nhất của chúng ta. Sự đòi buộc này giúp chúng ta có được Ðức Giêsu, Ðấng tuyệt đối trên đường sứ vụ. Nhờ Ngài, chúng ta mới được hạnh phúc trong nước Trời.

    Ý lực sống

    Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mọi ngày mà theo Thầy (Lc 9,23).

    Tag:

    2022-09-28