Bài giảng và Giáo lý Hội Thánh Công Giáo

Đức GiêSu Đã, Đang Và Mãi Mãi Yêu Chúng Ta Cho Đến Cùng

"Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta"

Bài giảng và Giáo lý Hội Thánh Công Giáo

Bài giảng và Giáo lý Hội Thánh Công Giáo

BÀI GIẢNG VÀ GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

WHĐ (04.03.2023)Ngày 10-02-2015, Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích đã công bố Tập sách Hướng dẫn giảng thuyết, với Lời mở đầu là Sắc lệnh của Đức hồng y Antonio Cañizares Llovera, nguyên Bộ trưởng, ký ngày 29-06-2014, đại lễ kính hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô. Đồng ký tên là Đức Tổng giám mục Arthur Roche, Thư ký của Bộ. Trong phần cuối (số 157 – 160), Tập sách đã nói đến tầm quan trọng và mối tương quan giữa Bài giảng và Giáo lý Hội Thánh Công Giáo. Sau đây là nội dung của phần này:

157. Kể từ Công đồng Vatican II, đặc biệt là trong các Thượng hội đồng Giám mục, một mối quan tâm thường được nêu lên, đó là nhu cầu cần có thêm giáo lý trong việc giảng lễ. Về phương diện này, sách Giáo lý Hội thánh Công giáo là nguồn rất hữu ích cho nhà giảng thuyết, nhưng điều quan trọng là nó phải được sử dụng sao cho phù hợp với mục đích của bài giảng.

158. Sách Giáo Lý Rôma được xuất bản theo sự hướng dẫn của các Nghị phụ của Công Đồng Trentô, và một số ấn bản của sách Giáo lý này có “Praxis Catechismi” để phân chia nội dung của Sách Giáo Lý theo Tin Mừng của các Chúa Nhật trong năm. Với việc xuất bản một cuốn sách giáo lý mới sau Công đồng Vatican II (sách Giáo lý Hội thánh Công giáo), thì không có gì ngạc nhiên khi người ta đã đề nghị làm một điều gì đó tương tự cho sách Giáo lý mới. Một sáng kiến như vậy phải đối mặt với nhiều trở ngại thực tế, nhưng quan trọng hơn, đó là sự phản đối mang tính nền tảng là: phụng vụ Chúa nhật không phải là một "dịp" để dạy giáo lý, vì chủ đề của bài giáo lý có thể sẽ trái ngược với mùa phụng vụ và các chủ đề của mùa phụng vụ. Mặc dù vậy, vẫn có những lý do mục vụ đòi hỏi phải giải thích một khía cạnh cụ thể về tín lý và luân lý trong phụng vụ Chúa Nhật. Những quyết định này đòi hỏi sự thận trọng mục vụ.

159. Mặt khác, những giáo lý quan trọng nhất nằm trong ý nghĩa sâu xa nhất của Thánh Kinh và ý nghĩa sâu xa nhất này tự bộc lộ khi Lời Chúa được công bố trong cộng đoàn phụng vụ. Nhiệm vụ của nhà giảng thuyết không phải là làm cho các bài đọc trong Thánh lễ phù hợp với một lược đồ các chủ đề giáo lý được hình thành từ trước, mà là mời gọi người nghe suy ngẫm về đức tin của Hội Thánh khi đức tin ấy xuất hiện một cách tự nhiên từ Kinh thánh trong bối cảnh cử hành phụng vụ.

160. Với ý nghĩ đó, bảng tổng hợp sau đây chỉ ra các đoạn trong Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo phù hợp với các bài đọc Kinh thánh của các Chúa nhật và các ngày lễ trọng. Các đoạn văn được chọn vì chúng trích dẫn hoặc ám chỉ đến các bài đọc cụ thể hoặc vì chúng luận giải các chủ đề được tìm thấy trong các bài đọc. Nhà giảng thuyết được khuyến khích không chỉ tham khảo Sách Giáo lý một cách lướt qua, mà còn suy ngẫm về cách bốn phần của Sách Giáo lý có liên quan với nhau như thế nào. Chẳng hạn, vào Chúa nhật V Thường niên năm A, bài đọc I (Is 58,7-10) nói về việc chăm sóc người nghèo, bài đọc II (1Cr 2,1-5) nói về sự điên rồ của Thập giá, và bài đọc Tin Mừng (Mt 5,13-16) nói về các môn đệ như muối cho đời và ánh sáng cho thế gian. Các trích dẫn từ Sách Giáo lý liên kết các bài đọc này với một số chủ đề quan trọng như: Chúa Kitô chịu đóng đinh là sự khôn ngoan của Thiên Chúa, được chiêm niệm trong sự liên hệ đến các vấn đề về sự dữ và về “bề ngoài có vẻ bất lực” của Thiên Chúa (Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo (GLHTCG), số 272); chính việc chiến đấu với sự dữ này mà các Kitô hữu được kêu gọi trở thành ánh sáng cho thế gian, và sứ mệnh của họ là trở thành hạt giống của hiệp nhất, hy vọng và ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại (Sách GLHTCG, số 782); chúng ta trở thành ánh sáng bằng cách chia sẻ Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô, được tượng trưng bằng cây nến Phục Sinh, mà ánh sáng của cây nến này đã được ban cho những người mới được rửa tội (Sách GLHTCG, số 1243); “Để tỏ cho mọi người thấy sức mạnh của nó về chân lý và sự rạng ngời, sứ điệp cứu độ phải được chứng thực bằng chứng từ của đời sống các Kitô hữu” (Sách GLHTCG, số 2044); và chứng từ này tìm thấy một biểu hiện đặc biệt trong tình yêu của chúng ta đối với người nghèo (Sách GLHTCG, số 2443-2449). Bằng cách sử dụng Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo theo cách này, nhà giảng thuyết có thể giúp giáo dân hội nhập được Lời Chúa, đức tin của Hội Thánh, những đòi hỏi luân lý của Tin Mừng, và cả linh đạo cá nhân và phụng vụ của họ.[1]

Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, từ hôm nay, mỗi tuần Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của các Chúa nhật theo sự theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích trong Tập sách Hướng dẫn giảng thuyết.

Những bài đã thực hiện:

NĂM A

Chúa Nhật 5 Mùa Chay năm A

Chúa Nhật 4 Mùa Chay năm A

Chúa Nhật 3 Mùa Chay năm A

Chúa Nhật 2 Mùa Chay năm A

Lời giới thiệu chuyên mục: Giáo lý cho Bài giảng Chúa nhật và Lễ trọng


Tag:

2023-03-04