Các chiều kích thần học của linh đạo giáo lý viên - Chiều kích Ba Ngôi

Đức GiêSu Đã, Đang Và Mãi Mãi Yêu Chúng Ta Cho Đến Cùng

"Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta"

Các chiều kích thần học của linh đạo giáo lý viên - Chiều kích Ba Ngôi

Các chiều kích thần học của linh đạo giáo lý viên - Chiều kích Ba Ngôi

CÁC CHIỀU KÍCH THẦN HỌC CỦA LINH ĐẠO GIÁO LÝ VIÊN
CHIỀU KÍCH BA NGÔI

TS Tôma Nguyễn Như Danh

WHĐ (26.4.2023)Điểm nổi bật trong linh đạo giáo lý viên là nên thánh qua việc dạy giáo lý. Con đường nên thánh ấy mang các chiều kích thần học: Ba Ngôi, Giáo Hội, truyền giáo và trần thế. Ơn gọi và sứ mạng giáo lý viên cắm rễ sâu trong mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Ơn gọi đó được thể hiện rõ nét qua Giáo Hội, ở đó giáo lý viên được sai đến với thế giới để loan báo Tin mừng.

Bài viết này được trình bày chiều kích thứ nhất của linh đạo giáo lý viên. Đó là chiều kích Ba Ngôi với nội dung như sau:


1. Giáo lý viên sống với Chúa Ba Ngôi

     1.1 Giáo lý viên sống mối tương quan thân mật với Chúa Ba Ngôi 2

     1.2 Giáo lý viên đến với Chúa Ba Ngôi nhờ Đức Kitô. 2

     1.3 Giáo lý viên đến với Chúa Ba Ngôi nhờ Chúa Thánh Thần. 3

2. Giáo lý viên loan truyền Chúa Ba Ngôi. 4

     2.1 Giáo lý viên loan báo Chúa Ba Ngôi bằng đời sống. 4

     2.2 Giáo lý viên loan báo Chúa Ba Ngôi bằng lời nói. 5

          2.2.1 Tính quy Kitô của sứ điệp Tin Mừng

          2.2.2 Tính quy Ba Ngôi của sứ điệp tin Mừng


DANH MỤC VIẾT TẮT

GC : Guide for Catechists. 1993

GDFC : General Directory for Catechesis, 1997.

GDFC 2020 : Directory for Catechesis, 2020.

GH : Hiến chế tín lý về Giáo Hội “Lumen Gentium”. 1964

GLCG : Giáo lý Hội Thánh Công Giáo. 1992

KTHGD : Tông huấn Kitô hữu giáo dân “Christifideles Laici”.1988

* * *

LINH ĐẠO GIÁO LÝ VIÊN: CHIỀU KÍCH BA NGÔI

Giáo lý viên được mời gọi sống kết hợp mật thiết với Chúa Ba ngôi, nhờ đó họ trở nên hình ảnh sống động của tình yêu Thiên Chúa giữa cuộc đời này bằng đời sống kết hợp mật thiết với Chúa Ba Ngôi, đồng thời loan báo Chúa Ba Ngôi và chương trình cứu độ của Ngài.

1. Giáo lý viên sống với Chúa Ba Ngôi

Giáo lý viên được mời gọi đến với Chúa Cha, nhờ Chúa Con và qua Chúa Thánh Thần. Họ được tham dự vào tình yêu của Chúa Cha, được thông hiệp với Đức Kitô và được Chúa Thánh Thần hướng dẫn và biến đổi thành những chứng nhân can đảm:

“Đón nhận một Chúa Ba Ngôi, Đấng ngự trong đáy lòng con người và đem lại ý nghĩa cho toàn bộ cuộc sống của họ: nguồn xác tín, những tiêu chuẩn, bậc thang các giá trị, quyết định, quan hệ, cư xử… Giáo lý viên phải được lôi cuốn vào bầu khí của Chúa Cha, Đấng ngỏ lời; của Đức Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể, Đấng chỉ loan báo mọi lời đã nghe được từ Chúa Cha (Ga 8, 26; 12, 49); của Chúa Thánh Thần, Đấng soi sáng tâm trí và sưởi ấm con tim để giúp hiểu Lời Chúa, trung thành yêu mếu và thực thi Lời Chúa (Ga 16, 12 –14).

Như thế linh đạo giáo lý viên bén rễ trong Lời hằng sống theo chiều kích Ba Ngôi, như thấy trong ơn cứu độ và trong sứ mạng phổ quát. Điều này bao hàm một thái độ liên kết bên trong, tức là tham dự vào tình yêu của Chúa Cha, Đấng muốn mọi người nhận biết chân lý và được cứu độ (1 Tm 2, 4); là hiệp thông với Đức Kitô, bằng cách chia sẻ các “tâm tình” của Người (Pl 2,5) và như thánh Phaolô, sống kinh nghiệm về sự hiện diện thường xuyên và khích lệ của Đức Kitô; “Đừng sợ… vì Ta ở cùng con” (Cv 18, 9 – 10), bằng cách để Chúa Thánh Thần hướng dẫn và biến đổi thành chứng nhân can đảm của Đức Kitô và thành người loan báo Lời Chúa có kinh nghiệm.” (GC 7)

1.1 Giáo lý viên sống mối tương quan thân mật với Chúa Ba Ngôi

Thiên Chúa kêu gọi giáo lý viên sống thân mật với Ngài lần đầu qua bí tích rửa tội, lần tiếp theo qua ơn gọi giáo lý viên.

Nhờ Bí tích Thánh tẩy, giáo lý viên được trở nên con cái Thiên Chúa để sống mối tương quan thân mật với Chúa Ba Ngôi. Họ được trở nên tạo vật mới trong Chúa Kitô, trở nên con trong Con Một của Ngài.

Qua ơn gọi giáo lý viên, họ được Thiên Chúa gọi thêm một lần nữa để sống tương quan thân tình đó một cách sâu sắc hơn. Ba Ngôi Thiên Chúa trở thành nguồn mạch sự sống và thay đổi toàn bộ cuộc đời họ từ cách suy nghĩ, ứng xử, hành động đến những mối quan hệ khác.

1.2 Giáo lý viên đến với Chúa Ba Ngôi nhờ Đức Kitô.

Giáo lý viên được tham dự vào tình yêu của Chúa Cha, Đấng muốn mọi người nhận biết chân lý để được cứu độ[1]. Nhưng làm sao có thể nhận biết được Cha là Thiên Chúa duy nhất nếu không nhờ Đức Giêsu Kitô vì chỉ nhờ Người mà chúng ta đến được cùng Chúa Cha. Chính vì thế mà giáo lý viên cần mang mặc tâm tình con thảo của Đức Kitô là luôn sống vâng phục thánh ý Chúa Cha và đón nhận ý Cha làm lương thực nuôi sống mình: “Tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 6, 38). Đức Kitô làm theo ý Đấng đã sai Người nên suốt cuộc đời Người luôn luôn tìm kiếm chiên lạc[2], đem lại sự sống dồi dào phong phú cho đoàn chiên[3], và hiến mạng sống mình để muôn người được thánh hiến[4] và được sống đời đời.

Để nên giống Đức Kitô và mang những tâm tình của Người, giáo lý viên cần phải gắn chặt cuộc đời của mình với Đức Kitô như cành nho liên kết với cây nho: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái” (Ga 15, 5).

Nhờ liên kết với Đức Kitô mà giáo lý viên đón nhận được sự sống của Thiên Chúa vì sự sống của Thiên Chúa được tuôn đổ trên chúng ta qua Đức Kitô nhờ Thánh Thần. Bởi thế, điều cơ bản của đời sống Kitô hữu và cũng là của mỗi giáo lý viên không phải là làm việc này, việc nọ[5], nhưng là làm sao để cuộc đời mình thuộc về Đức Kitô để họ có thể nói lên như thánh Phaolô “Tôi sống nhưng không phải là tôi mà là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20). Việc nên thánh của giáo lý viên cốt yếu không phải là làm điều này, điều nọ hay càng dạy giáo lý nhiều thì càng mau nên thánh. Nói như thế không có nghĩa là mình không cần nhiệt tâm dạy giáo lý và không mấy tha thiết với sứ mạng nữa. Không dạy giáo lý thì giáo lý viên đánh mất căn tính của mình. Đánh mất căn tính mình thì đâu còn là giáo lý viên đúng nghĩa nữa. Nghĩa là chối bỏ việc nên thánh trong ơn gọi là giáo lý viên. Trái lại, vì yêu mến Đức Kitô, vì muốn gắn bó với Người, giáo lý viên sẽ cố gắng sống như Người, và làm công việc của Người. Qua những công việc đó giáo lý viên sẽ tìm gặp Đức Kitô, gắn kết cuộc đời mình với Đức Kitô, và đi vào mối tương giao thân mật với Đức Kitô mỗi ngày một hơn. Bởi thế, khi thi hành tác vụ huấn giáo, giáo lý viên không tìm những công việc trước hết, nhưng trước hết và trên hết là tìm gặp Đức Kitô và nên một với Người. Đây là điều cốt yếu nhất.

1.3 Giáo lý viên đến với Chúa Ba Ngôi nhờ Chúa Thánh Thần.

Giáo lý viên được tham dự vào tình yêu của Chúa Cha nhờ Đức Giêsu Kitô trong môi sinh tình yêu là Chúa Thánh Thần. Chính Thánh Thần là Thầy dạy nội tâm sẽ dẫn đưa giáo lý viên vào trong tương quan thâm sâu với Ba Ngôi Thiên Chúa. Tông huấn Dạy giáo lý số 72 đề cao vai trò của Chúa Thánh Thần, vì Ngài là:

- Căn nguyên cảm hứng mọi công cuộc dạy giáo lý trong Hội Thánh.

- Thầy nội tâm, Thần Khí được hứa ban cho Hội Thánh và cho mọi tín hữu như Thầy nội tâm, Đấng, trong nơi bí ẩn của lương tâm và quả tim, làm cho người ta hiểu điều mà người ta đã nghe nhưng không thể lãnh hội được.

- Biến đổi các môn đệ thành chứng nhân của Đức Kitô: “Ngài sẽ làm chứng về Ta” và “các ngươi cùng làm chứng” (Ga 15, 26 –27).

- Tất cả đời sống kitô hữu, đời sống của con cái Thiên Chúa đều là đời sống theo Thần khí (x. Rm 8, 14 –17; Gl 4, 6). Chỉ một mình Thần khí cho phép chúng ta đến với Thiên Chúa và thưa lên rằng “Abba, lạy Cha” (Rm 8, 15) và tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa (1 Cr 12, 3).

Thế nên, việc tăng trưởng đời sống đức tin của giáo lý viên cũng như của các học viên là do tác động của Chúa Thánh Thần:

“Việc dạy giáo lý, tức là sự tăng trưởng trong đức tin và già dặn trong đời sống Kitô hữu cho tới sung mãn, là một công cuộc của Chúa Thánh Thần, công trình mà một mình Người có thể khơi dậy và nuôi dưỡng trong Hội Thánh” (DGL 72)

Từ điều này đưa đến 2 xác tín:

Xác tín 1: Giáo lý viên phải nên khí cụ khôn ngoan của Chúa Thánh Thần

“Khi thực hiện sứ mệnh giáo lý viên – cũng như mỗi Kitô hữu làm việc ấy trong Hội Thánh và nhân danh Hội Thánh - Hội Thánh phải ý thức sâu xa rằng mình hành động như một công cụ sống động và khôn ngoan của Chúa Thánh Thần, luôn luôn kêu cầu Thần khí, thông hiệp với Người, cố gắng để hiểu biết Người linh hứng, đó phải là thái độ của Hội Thánh giảng huấn và của mọi giáo lý viên”. (DGL 72)

Xác tín 2: Chúa Thánh Thần đổi mới việc dạy giáo lý nhờ ước vọng chúng ta nài xin.

- “Phải làm thế nào để ước vọng sâu xa muốn hiểu rõ hơn tác động của Thần khí và phó thác mình cách toàn vẹn hơn cho Ngài; phải làm thế nào để ước vọng đó gây ra được sự phục hưng việc dạy giáo lý.”(DGL 72)

Xác tín đó giúp giáo lý viên ngoan ngoãn vâng theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần để trở nên khí cụ sống động của Ngài và luôn luôn cầu xin Ngài biến đổi mình và các học viên. Đồng thời biết phó thác việc dạy giáo lý cho Ngài, xin Ngài phục hưng việc dạy giáo lý.

2. Giáo lý viên loan truyền Chúa Ba Ngôi.

Giáo lý viên sống với Chúa Ba Ngôi và múc lấy ở Ba Ngôi tình yêu và sự sống đời đời. Tình yêu và sự sống ấy giáo lý viên trao ban cho anh chị em qua đời sống chứng tá và qua việc dạy giáo lý.

2.1 Giáo lý viên loan báo Chúa Ba Ngôi bằng đời sống.

Ơn gọi giáo lý viên mời gọi sống và làm chứng cách triệt để tình yêu cứu độ của Ba Ngôi. Nếu như Thiên Chúa Ba Ngôi thực hiện chương trình cứu độ của mình qua dòng lịch sử, thì giáo lý viên cũng được mời gọi cộng tác với chương trình cứu độ đó qua cuộc sống của mình. Để được như thế, giáo lý viên phải là người sống thân mật với Chúa Ba Ngôi nhờ Đức Kitô. Nhờ sống thân mật với Ba Ngôi, giáo lý viên đón nhận được “nguồn mạch tình yêu” của Ba Ngôi, để thực sự trở nên hình ảnh tuyệt hảo này:

“Thiên Chúa thực hiện chương trình cứu chuộc bắt nguồn từ “nguồn mạch Tình yêu”, nghĩa là từ tình yêu muôn thuở của Chúa Cha: nơi Ngôi Lời đã làm người và cứu chuộc loài người (Ga 1, 14): nơi Thánh Thần được ban tặng để thánh hoá loài người và thiết lập Hội Thánh để đi đến Chúa Cha nhờ Đức Kitô trong cùng một Thánh Thần (Ep 2, 18) (GC 7).

Giáo lý viên thể hiện tình yêu cứu độ của Ba Ngôi trước hết bằng cuộc sống của mình. Cuộc sống ấy thấm nhập tình yêu mà họ đón nhận được từ Chúa Ba Ngôi. Họ phải là người cảm nghiệm sâu sắc tình yêu cứu độ của Thiên Chúa, và biểu lộ điều ấy ra bên ngoài bằng cuộc sống yêu thương, dấn thân phục vụ. Hơn nữa, nếu xác tín và nếm cảm được Thiên Chúa cứu độ mình, thì giáo lý viên không thể không loan truyền tình yêu cứu độ đó của Thiên Chúa cho anh chị em.

Thật vậy, mỗi người đều được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. Nhờ Bí tích Thánh Tẩy, con người bước vào đời sống trong Chúa Ba Ngôi. Con người mới này là con của Thiên Chúa vì được thông phần bản tính của Thiên Chúa nhờ Đức Kitô[6], là người sống mối tương quan thân mật với Ba Ngôi và với anh chị em. Bí tích Thêm sức giúp giáo lý viên kiện toàn đời sống làm chứng cho Ba Ngôi Thiên Chúa. Hiệu quả bí tích Thêm sức trở nên rõ nét nhất là khi người lãnh nhận làm chứng cho Thiên Chúa qua việc sống và loan báo tình yêu cứu độ của Ba Ngôi.

Chính Chúa Giêsu là khuôn mẫu cho tất cả giáo lý viên. Hơn ai hết, Người sống kết hợp thâm sâu với Ba Ngôi Chí Thánh vì chính Người cũng là một ngôi trong ba ngôi vị của cùng bản thể. Chúa Giêsu ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Chúa Giêsu[7]. Ngài khẳng định “Ta và Cha Ta là Một” (Ga 10, 30). Thánh Thần là Tình Yêu giữa Cha và Con. Thánh Thần của Cha (Ga 15, 26) cũng là của Con (Gl 4, 6; Rm 8, 9; 2Cr 3, 17). Sự thâm sâu đó của Ba Ngôi là Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi mà giáo lý viên tuyên xưng. Vì thế, giáo lý viên cần phải biết gắn bó đời sống mình với Chúa Ba Ngôi, nên một với Ba Ngôi nhờ Chúa Giêsu Kitô.

2.2 Giáo lý viên loan báo Chúa Ba Ngôi bằng lời nói.

Sứ điệp giáo lý viên loan truyền không phải là ý kiến riêng tư của mình mà là sứ điệp Kitô giáo, sứ điệp ấy mang tính quy Kitô và quy Ba Ngôi.

2.2.1 Tính quy Kitô của sứ điệp Tin Mừng

Tính quy Kitô của sứ điệp Tin Mừng nghĩa là:

+ Trước hết, “trọng tâm của việc khoa dạy giáo lý, cốt yếu có một Ngôi vị, tức là Ngôi vị của Đức Giêsu thành Nazaréth, Con một của Chúa Cha, tràn đầy ân sủng và sự thật” (Ga 1, 14). Đấng đã chịu nạn và chịu chết cho chúng ta và giờ đây, sau khi đã sống lại, đang ở cùng chúng ta mãi mãi. Chính Chúa Giêsu Đấng là “Đường, là Sự Thật, và Sự Sống,”(Ga 16, 4) và sống đời Kitô hữu là theo Đức Kitô, là nối gót Đức Kitô. (x. DGL số 5).

Trong thực tế, bổn phận nền tảng của việc dạy giáo lý là trình bày Đức Kitô và những điều liên hệ đến Người. Điều này dẫn đến việc theo Đức Giêsu và hiệp thông với Người. Mọi yếu tố của sứ điệp phải theo hướng này[8].

+ Thứ đến, tính quy Kitô có nghĩa là việc dạy giáo lý phải trình bày cho thấy Đức Kitô là “trung tâm của lịch sử cứu độ”[9]. Người là Đấng hoàn tất lịch sử cứu độ, là trung tâm và là cùng đích của lịch sử cứu độ[10]. Sứ điệp huấn giáo giúp các Kitô hữu đặt mình vào lịch sử cứu độ và dấn thân vào trong lịch sử ấy bởi chính Đức Kitô là ý nghĩa tối hậu của lịch sử cứu độ này[11].

+ Hơn nữa, tính quy Kitô nghĩa là sứ điệp Tin mừng không đến từ nhân loại, nhưng đến từ Lời Thiên Chúa. Hội Thánh và giáo lý viên nhân danh Chúa Giêsu có thể nói rằng: “Đạo lý Ta dạy không phải là của Ta mà là của Đấng đã sai Ta” (Ga 7, 16). Như thế, việc dạy giáo lý là loan truyền “giáo lý của Đức Giêsu Kitô, chân lý mà Người thông ban hay nói đúng hơn, Chân lý mà Người là hiện thân” (DGL 6). Tính quy Kitô đòi buộc huấn giáo phải truyền đạt điều Đức Giêsu đã dạy về Thiên Chúa, con người, hạnh phúc, đời sống luân lý, sự chết… mà không được thay đổi giáo huấn ấy bằng bất cứ lý do gì[12].

+ Các sách Tin mừng tường thuật về cuộc đời Đức Giêsu là trung tâm của sứ điệp huấn giáo. Thế nên trong việc dạy giáo lý, bốn sách Tin mừng chiếm vị trí trung tâm bởi vì Đức Giêsu Kitô là trung tâm của Tin mừng.

Tính quy Kitô của sứ điệp giáo lý viên loan báo đòi buộc giáo lý viên không được phép loan truyền học thuyết riêng của mình hay của một vị thầy nào khác, nhưng họ phải thông truyền giáo lý của Đức Kitô[13]. Hay nói cách khác, trong việc dạy giáo lý, chính Đức Kitô là Đấng giảng dạy, mọi người khác đều giảng dạy tùy theo mức độ mà họ là phát ngôn viên của Người. Hơn nữa, dạy giáo lý là dẫn đưa mọi người đến với Đức Kitô để được sống nên giáo lý viên không được tìm cách lôi kéo học viên đến với mình, trái lại phải đưa họ đến với Chúa Kitô - cùng đích tối hậu của việc dạy giáo lý.

2.2.2 Tính quy Ba Ngôi của sứ điệp tin Mừng

Sứ điệp Tin mừng cũng mang tính quy Ba Ngôi. Thật vậy, trọng tâm sứ điệp giáo lý viên loan truyền là Đức Kitô Nazaréth, Ngôi Lời của Chúa Cha Đấng nói với thế giới qua Thánh Thần của Ngài[14]. Chúa Giêsu thường xuyên đề cập đến Chúa Cha và tỏ cho chúng ta biết Người là Con Một của Chúa Cha. Chúa Giêsu cũng đề cập đến Chúa Thánh Thần. Người biết Người được xức dầu Thánh Thần. Đức Giêsu là Đường dẫn chúng ta tới với mầu nhiệm thâm sâu của Thiên Chúa. Tính quy Kitô của việc dạy giáo lý trong tính năng động nội tại của nó là để dẫn đến việc tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa: Cha, Con và Thánh Thần:

Tính quy Kitô thiết yếu cũng mang tính Ba Ngôi. Nhờ bí tích Thánh Tẩy, Kitô hữu trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, “Một trong Ba Ngôi” [15], và làm cho họ trở nên “con trong Con” trong sự hiệp thông với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Vì thế, đức tin của họ là đức tin Ba Ngôi. “Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trung tâm của đức tin và đời sống người Kitô hữu.”[16]

Theo Chỉ Nam huấn giáo 1997 số 100, chiều kích Ba Ngôi của sứ điệp Tin mừng đòi buộc huấn giáo phải mang chiều kích Ba Ngôi trong cấu trúc nội tại của nó, trong sư phạm và trong việc trình bày về Thiên Chúa nhờ Chúa Giêsu và trong Chúa Thánh Thần.

+ Cấu trúc nội tại của huấn giáo:

Mỗi một hình thức trình bày sứ điệp phải luôn luôn nhờ Chúa Kitô để đến với Chúa Ba Ngôi: Nhờ Đức Kitô để đến với Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần”. Nếu huấn giáo thiếu ba yếu tố này hay quên lãng tương quan chặt chẽ giữa Ba Ngôi thì sứ điệp Tin mừng chắc chắn mất tính đặc trưng của nó” (GDFC 100).

Chỉ Nam Huấn giáo 1971 đã diễn giải rất rõ về điểm này trong số 41 như sau:

“Chính Chúa Kitô là trung tâm của lịch sử cứu độ, cho nên mầu nhiệm Thiên Chúa là trung tâm mà nhờ đó lịch sử này có nguồn gốc và hướng tới đó như cứu cánh của mình. Chúa Kitô tử nạn và phục sinh dẫn đưa loài người tới Chúa Cha nhờ việc sai Thánh Thần đến cùng Dân Chúa. Vì lý do này, cơ cấu của toàn thể nội dung huấn giáo phải quy hướng về Thiên Chúa Ba Ngôi: Nhờ Chúa Kitô, đến cùng Chúa Cha, trong Chúa Thánh Thần.

Nhờ Chúa Kitô: toàn thể nhiệm cục cứu độ nhận được ý nghĩa từ Ngôi Lời Nhập Thể. Nhiệm cục ấy chuẩn bị việc Người đến, tỏ lộ và mở rộng Nước Người trên trần gian từ khi Người chết và sống lại cho tới khi Người đến lần thứ hai trong vinh quang, mà hoàn tất công việc của Thiên Chúa. Vì thế, mầu nhiệm Chúa Kitô soi sáng toàn thể nội dung huấn giáo. Những yếu tố khác nhau – Thánh Kinh, Tin Mừng, Hội Thánh, con người và cả vũ trụ – mà huấn giáo phải chấp nhận và giảng nghĩa, đều quy về Con Thiên Chúa Nhập Thể.

Đến cùng Chúa Cha: Mục đích tối hậu của việc Ngôi Lời Nhập Thể và toàn thể nhiệm cục cứu độ là dẫn đưa mọi người đến cùng Chúa Cha. Vì vậy, huấn giáo phải giúp người ta hiểu biết sâu xa hơn mãi về chương trình yêu thương này của Cha trên trời, phải lưu tâm tỏ lộ cho người ta biết ý nghĩa tối hậu của đời sống con người là nhận biết Thiên Chúa và tôn vinh Danh Ngài bằng cách thi hành ý muốn của Ngài, như Chúa Kitô đã dạy chúng ta bằng lời nói và gương mẫu đời sống của Người, và như thế đạt tới sự sống muôn đời.

Trong Chúa Thánh Thần: Sự nhận biết mầu nhiệm Chúa Kitô và con đường dẫn đến Chúa Cha được thực hiện trong Chúa Thánh Thần. Vì vậy, huấn giáo, khi trình bày nội dung sứ điệp Kitô giáo, phải luôn làm sáng tỏ sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, nhờ vậy con người luôn được thúc đẩy hiệp thông với Thiên Chúa và với loài người và chu toàn các bổn phận của mình.

Nếu huấn giáo thiếu ba yếu tố này hoặc là sao lãng mối tương quan mật thiết của chúng, thì sứ điệp Kitô giáo chắc chắn đánh mất đặc tính riêng biệt của nó.” (GDC 41)

+ Theo phương pháp sư phạm của Chúa Giêsu: Huấn giáo phải dùng phương pháp sư phạm mà Chúa Giê su đã sử dụng để mạc khải mầu nhiệm của Thiên Chúa Ba Ngôi:

“Theo phương pháp sư phạm của Chúa Giêsu trong việc mạc khải về Chúa Cha, về chính Người trong tư cách là Con, và về Chúa Thánh Thần, thì huấn giáo phải bày tỏ được đời sống thân mật nhất của Thiên Chúa, bắt đầu với công cuộc cứu độ vì lợi ích của nhân loại[17]. Công việc của Thiên Chúa mặc khải cho biết Ngài là ai và mầu nhiệm nội tại của Ngài toả sáng trên tất cả công việc Ngài thực hiện. Đây là cách nói loại suy trong tương quan nhân loại: con người thì biểu lộ chính mình qua những việc họ làm, và càng biết sâu sắc về họ, ta càng hiểu điều họ làm hơn.” (GDFC 99)

+ Việc trình bày mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi được Đức Kitô mạc khải ngụ ý nói đến sự sống của con người. Mầu nhiệm Ba Ngôi được Người mạc khải chính là Một Thiên Chúa duy nhất trong bản thể có Ba ngôi vị. Khi tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa Duy Nhất, nghĩa là con người không được tôn thờ bất cứ thần minh nào khác, không được quy phục tự do mà Ba Ngôi ban cho mỗi người. Trái lại, con người phải yêu thương nhau, tôn trọng và bình đẳng vì mỗi người được tạo dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi, cộng đoàn hiệp nhất, yêu thương và bình đẳng:

“Tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất nghĩa là con người không được quy phục tự do của mình một cách tuyệt đối đối với bất cứ quyền lực nào dưới thế. Nó cũng ngụ ý nói rằng vì được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, Đấng là sự hiệp thông của mọi người, con người được mời gọi xây dựng một xã hội huynh đệ của những người con cái Thiên Chúa, và một xã hội bình đẳng về nhân phẩm giữa mọi người. Hội Thánh, khi tuyên xưng đức tin vào Chúa Ba Ngôi và khi loan báo mầu nhiệm này cho thế giới, biết mình là “một dân được thâu họp lại trong sự hiệp nhất của Cha, Con và Thánh Thần.”[18]

Tóm lại, nội dung huấn giáo mang tính quy Kitô vì Người là trung tâm của lịch sử cứu độ, nhưng nó cũng mang tính Ba Ngôi vì việc tạo dựng vũ trụ và việc cứu độ thế giới là công trình chung của cả Ba Ngôi. Việc dạy giáo lý là trình bày công trình tạo dựng và cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện nhờ Đức Giêsu Kitô trong Thánh Thần nên nội dung [19] của nó phải quy về Ba Ngôi. Để việc dạy giáo lý thực sự giúp con người sống thông hiệp với Chúa Ba Ngôi nhờ Đức Giêsu Kitô, giáo lý viên cần theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần qua Hội Thánh.

THAM KHẢO

Catechism of the Catholic Church. 1992. Retrieved from Vatican.va on 21 March 2022

Congregation for the Clergy, General Catechetical Directory. 1971. Retrieved from Vatican.va on 21 March 2022

Congregation for the Clergy, General Directory for Catechesis, 1997. Retrieved from Vatican.va on 21 March 2022

Congregation for Evangelization of Peoples, Guide for Catechists. Document of vocational, formative and promotional orientation of Catechists in the territories dependent on the Congregation for Evangelization of Peoples.1993. Retrieved from Vatican.va on 21 March 2022

John Paul II, Apostolic Exhortation Catechesi Tradendae (16 October 1979). Retrieved from Vatican.va on 21 March 2022

John Paul II, Post-synodal Apostolic Exhortation, Christifedeles Laici (30 December 1988). Retrieved from Vatican.va on 21 March 2022

Vatican Council II, Pastoral Constitution the Church in the Modern World. Gaudium et Spes (7 December 1965). Retrieved from Vatican.va on 21 March 2022




[1] x. Ga 6, 39

[2] x. Lc 15

[3] x. Ga 10, 10

[4] x. Ga 17, 19

[5] Tại sao tôi tham gia huấn giáo nhiều năm mà đời sống đức tin của tôi không tiến bộ, và khi gặp khó khăn hay thất bại, tôi chán nản và bỏ cuộc? Đó phải chăng là do tôi tìm kiếm công việc chứ không tìm kiếm Chúa? Lời bình của tác giả bài viết.

[6] 2Pr 1, 4; x. Rm 8,29; 1Cr 1,49; 2Cr 3,18; 5,17; Cl 3,10; Dt 12,10

[7] Ga 1, 1

[8] x. GDFC 98

[9] DCG (1971) 41a; x. DCG (1971) 39, 40, 44.

[10] x. MV 10

[11] x. GDFC 98

[12] x. GDFC 98

[13] x. DGL 6

[14] x. GDFC 99

[15] Cụm từ “Một trong Ba Ngôi” được dùng bởi Công đồng Chung thứ 5: Constantinople 553

[16] GLCG 234.

[17] X. GLCG 258. 236. 259

[18] x. GDFC 100

[19] Tính quy Ba Ngôi này ta thấy rất rõ trong nội dung cuốn Giáo Lý Công Giáo 1992.

Tag:

2023-04-26