Giáo huấn của Chúa Giêsu và truyền thống xức tro

Đức GiêSu Đã, Đang Và Mãi Mãi Yêu Chúng Ta Cho Đến Cùng

"Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta"

Giáo huấn của Chúa Giêsu và truyền thống xức tro

Giáo huấn của Chúa Giêsu và truyền thống xức tro

 

GIÁO LÝ ĐỨC TIN – KINH THÁNH

Giáo huấn của Chúa Giêsu và truyền thống xức tro

Hàng năm vào Thứ Tư Lễ Tro, người Công giáo trên khắp thế giới rắc tro trên đầu như một biểu hiệu cho biết họ đang bước vào Mùa Chay. Đống tro tàn này nói cho chúng ta biết rằng, chúng ta sẽ ăn chay và sám hối trong 40 ngày, và trừ khi chúng ta che đậy, hoặc xóa sạch chúng, bởi chúng rất khó mà không trông thấy.


Tuy nhiên, trong Tin mừng Matthêu, Chúa Giêsu bảo chúng ta đừng cho người khác biết chúng ta đang ăn chay. Ngài nói: "Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm,để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh” (Mt 6,16-18).

Khi chúng ta so sánh những lời dạy của Chúa Giêsu với truyền thống Thứ Tư Lễ Tro của Giáo hội, dường như chúng không ăn khớp mấy. Chúa Giêsu bảo chúng ta đừng để mọi người biết mình đang ăn chay, nhưng Giáo hội thì cho mọi người biết. Vậy làm thế nào để dung hòa những thực hành của Giáo hội với giáo huấn của Chúa Giêsu? Có phải Giáo hội coi thường mệnh lệnh của Chúa?

Mấu chốt ở đây là nhận ra trong đoạn Tin mừng này, Chúa Giêsu dùng ngôn ngữ theo lối cường điệu để đưa ra quan điểm của mình, đó là chúng ta đừng thể hiện lòng đạo đức của mình để được người khác ca ngợi. Chúa Giêsu bắt đầu bằng cách nói rõ về quan điểm của mình (Mt 6,1), và đưa ra ba ví dụ cụ thể cho nguyên tắc này. Ngài nói rằng chúng ta không nên cố gắng gây ấn tượng cho người khác bằng việc bố thí (6, 2-4), tương tự như vậy đối với việc cầu nguyện (6, 5-15), và cuối cùng Ngài nói về việc ăn chay của chúng ta (6,16-18), mỗi lần như vậy Ngài đều dùng một số ngôn từ giống nhau (đôi khi giống hệt nhau). Ví dụ, trong cả ba đoạn, Chúa nói với người khoe khoang lòng đạo đức của họ: “Thật, Thầy bảo thật anh em, họ đã được phần thưởng rồi” (Mt 6.2;5). Tương tự, Ngài bảo chúng ta thực hiện những hành động đạo đức của mình tránh xa tầm mắt của người khác (Mt 6, 3-4, 6.18), và sau đó Ngài nói rằng : “Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh” (Mt 6, 4.6. 18).

Việc giống nhau về hình thức và ngôn từ này cho chúng ta biết rằng mỗi lần như thế, Chúa Giêsu sử dụng cùng một cách nói, cho nên, nếu một trong những đoạn này là cường điệu thì những đoạn khác cũng vậy. Theo nghĩa đó, hãy xem Chúa Giêsu nói gì về việc bố thí: “Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi” (Mt 6,2)

Đây rõ ràng là lối nói cường điệu; theo nghĩa đen là đừng để tay trái biết tay phải của bạn đang làm gì. Kết quả là, chúng ta có thể suy luận cách chắc chắn rằng những giáo huấn tương tự của Chúa Giêsu về cầu nguyện và ăn chay nằm trong mạch văn cường điệu hóa này. Chúa Giêsu không lên án việc cầu nguyện công khai, cũng không lên án những việc làm cho người khác biết rằng chúng ta đang ăn chay. Đúng hơn, như tôi nói lúc đầu, Ngài đưa ra quan điểm đơn giản là chúng ta đừng thể hiện lòng đạo đức của mình để được người khác ca ngợi. 

Hơn nữa, ở chương trước đó, Chúa Giêsu nói rằng: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16), và những lời này cung cấp một sự cân bằng cần thiết về giáo huấn của Chúa liên quan đến những việc làm kín đáo. Tóm lại, trong khi đừng bao giờ phô trương sự thánh thiện và lòng đạo đức của mình, chúng ta cũng đừng sợ thực hành những việc đạo đức của mình theo cách mà người khác có thể thấy được. Và vì thế, theo ý tôi, đó là những gì liên quan đến Thứ Tư Lễ Tro.

Tro được xức trên đầu chúng ta vào Thứ Tư Lễ Tro về cơ bản không dành cho người khác. Trái lại, đó là lời nhắc nhở cho chúng ta về cái chết của chính mình (như trong bài hát "Hỡi người hãy nhớ mình là bụi tro, một mai người sẽ trở về bụi tro"), về sự cần thiết phải ăn năn và đền tội của chúng ta, và điều vừa xảy ra cho chúng ta cũng nằm trong tầm mắt cho người khác. Do đó, truyền thống này thực sự là một ví dụ tuyệt vời cho thấy tính hai mặt trong lời giảng dạy của Chúa Giêsu có thể ăn khớp với nhau như thế nào. Chúng ta không xức cho để gây ấn tượng cho người khác, nhưng việc đó ở trong tầm mắt của họ, cho nên họ có thể giúp chúng ta làm chứng cho đức tin của mình với hy vọng dẫn dắt mọi người đến với Chúa Kitô.

Cuối cùng, dù truyền thống Thứ Tư Lễ Tro của Giáo hội có vẻ mâu thuẫn với mệnh lệnh của Chúa Giêsu, nhưng xét kỹ hơn về mệnh lệnh đó cho chúng ta thấy rằng cả hai hoàn toàn tương thích nhau. Bao lâu chúng ta còn mang tro bụi của mình với lòng khiêm nhường và không thể hiện sự khoe khoang quá mức, thì không cách nào chúng ta lỗi phạm những lời của Chúa Giêsu dạy về ăn chay trong sự kín đáo.

Giuse Võ Tá Hoàng chuyển ngữ jpnunezcath.blogspot.com
Nguồn: gpquinhon.org 

Tag:

2020-02-22