TÌM HIỂU LINH ĐẠO GIÁO LÝ VIÊN
TS. Tôma Nguyễn Như Danh
04.04.2023
WHĐ (11.04.2023) - Trong bài trước
chúng ta đã tìm hiểu và biết rằng giáo lý viên là một ơn gọi đến từ Thiên Chúa,
được Hội Thánh xác nhận, ủy nhiệm và sai đi thực thi sứ mạng. Khi nói về ơn gọi
là nói về việc Thiên Chúa tuyển chọn ai đó để họ được trở nên thánh như Thiên
Chúa là Đấng Thánh. Con đường nên thánh của giáo lý viên phải chăng là con đường
nên thánh như bao người giáo dân khác hay là họ có con đường nên thánh riêng? Nếu
có linh đạo riêng của giáo lý viên thì linh đạo đó như thế nào?
Bài viết này được trình bày với nội dung như sau:
DANH MỤC VIẾT TẮT
GC: Guide for Catechists. 1993
GDFC: General Directory for Catechesis, 1997.
GDFC 2020: Directory for Catechesis, 2020.
GH: Hiến chế tín lý về Giáo Hội “Lumen Gentium”. 1964
KTHGD: Tông huấn Kitô hữu giáo dân “Christifideles
Laici”.1988
Những chỉ dẫn của Tòa Thánh cho biết linh đạo giáo lý viên
là đời sống thánh thiện được thực hiện theo căn tính của người tông đồ, được đặt
nền tảng trên ơn gọi nên thánh chung của mọi Kitô hữu. Trên nền tảng nên thánh
chung này, giáo lý viên có con đường nên thánh riêng của mình. Đó là đời sống
trong Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần sẽ làm cho chúng ta gọi Thiên Chúa
là Cha[1] và tuyên xưng Đức Giêsu là
Chúa. Chính Ngài dẫn giáo lý viên sống trong trần thế trong tư cách là một Kitô
hữu, một tông đồ.
Tất cả đời sống Kitô hữu, đời sống của con cái Thiên Chúa đều
là đời sống theo Thần Khí[2]. Chỉ một mình Thần Khí cho
phép chúng ta đến với Thiên Chúa và thưa lên rằng “Abba, lạy Cha” (Rm 8, 15) và tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa (1Cr 12,
3)[3].
“Giáo lý viên phải có
một linh đạo sâu sắc, nghĩa là sống trong Chúa Thánh Thần, Đấng không ngừng
giúp họ canh tân căn tính đặc thù của mình” (GC 6).
1.2 Linh đạo giáo lý viên: đời sống Kitô hữu
giáo dân.
Linh đạo giáo lý viên liên kết chặt chẽ với thân phận “Kitô hữu giáo dân” vốn cho họ dự phần,
theo mức độ của mình, vào ba chức vụ của Chúa Kitô: Tiên tri, Tư tế và Vương giả.
Chúa Thánh Thần giúp giáo lý viên sống ơn gọi làm Kitô hữu của mình giữa lòng
thế giới. Đó là:
- Linh hoạt và kiện toàn trật tự trần thế theo tinh thần Tin
Mừng[4].
- Làm chứng cho Đức Kitô qua việc điều hành trật tự trần thế.
Chiều kích trần thế trong linh đạo giáo lý viên được khai
triển ở phần sau, nên trong phần này chỉ nêu lên vài nét thôi để thấy trước nét
riêng biệt và đặc thù không thể thay thế của người giáo dân[5].
1.3 Linh đạo giáo lý viên: đời sống tông đồ.
Chúa Thánh Thần là tác nhân của mọi việc tông đồ. Chính Ngài
liên kết chặt chẽ giáo lý viên với việc tông đồ.
1.3.1 Bản chất của mọi người tín
hữu Kitô là tông đồ
Bản chất của mọi người tín hữu là tông đồ vì nhờ Bí tích
Thánh tẩy, họ được tham dự vào ba chức vụ của Chúa Kitô, trong đó chức vụ trước
hết là rao giảng Tin mừng.
Hội Thánh luôn luôn ý thức hoạt động của Chúa Thánh Thần
trong Hội Thánh. Chính Chúa Thánh Thần là Đấng thực hiện mọi công cuộc rao giảng
Tin mừng trong Hội Thánh. Cách riêng, Chúa Thánh Thần là căn nguyên cảm hứng mọi
công cuộc huấn giáo, là Thầy nội tâm, là Đấng biến đổi mọi người[6]. Chính vì thế, giáo lý viên
cần ý thức và cộng tác với Chúa Thánh Thần trong công cuộc huấn giáo.
1.3.2 Việc dạy giáo lý liên kết với
các hoạt động tông đồ khác.
Là Kitô hữu, giáo lý viên
liên kết chặt chẽ với việc tông đồ [7] vì đó là bản chất của mọi
người tín hữu Kitô và hơn thế nữa là của giáo lý viên. Ngoài việc huấn giáo,
giáo lý viên còn tham gia nhiều hoạt động tông đồ khác như đã được trình bày
trong phần “Sứ mạng” giáo lý viên.
Mặt khác, việc dạy giáo lý của giáo lý viên liên kết chặt chẽ
với việc tông đồ của những người khác. Do đó, những người có trách nhiệm cần biết
điều phối các hoạt động huấn giáo với các hoạt động tông đồ khác để việc loan
báo tin mừng được trổ sinh nhiều hoa trái.
2. GIÁO LÝ VIÊN NÊN THÁNH QUA VIỆC DẠY GIÁO
LÝ
Chỉ nam Tổng quát 1997, số 239 cho biết nhờ việc dạy giáo
lý, đức tin của giáo lý viên trưởng thành trong tư cách là một tín hữu. Hay nói
cách khác là giáo lý viên nên thánh qua việc dạy giáo lý. Vậy thế nào là nên
thánh qua việc dạy giáo lý? Phải chăng cứ dạy giáo lý thật nhiều là nên thánh?
Trước hết, chúng ta cùng tìm hiểu ý niệm nên thánh và dạy giáo lý, sau đó tìm
hiểu cụ thể hơn giáo lý viên được thánh hoá thế nào khi dạy giáo lý.
Giáo lý viên nên thánh qua việc dạy giáo lý. Việc dạy giáo
lý đòi buộc giáo lý viên phải biết Chúa Giêsu, sống với Chúa Giêsu và loan báo
Chúa Giêsu. Nhưng trước hết chúng ta tìm hiểu một chút về ý niệm nên thánh qua
việc dạy giáo lý.
2.1 Ý niệm nên thánh qua việc dạy giáo lý
Khi nói nên thánh qua việc dạy giáo lý là nhấn mạnh đến chức
năng ngôn sứ của giáo lý viên, chứ không loại bỏ hai chức năng tư tế và vương
giả.
Nên thánh qua việc dạy giáo lý nói lên điểm nổi bật trong
linh đạo giáo lý viên. Đây là đặc điểm phân biệt với các con đường nên thánh
khác, chứ không có ý nói giáo lý viên chỉ cần dạy giáo lý mà thôi và không cần
đến các phương thế nên thánh khác. Dĩ nhiên, việc dạy giáo lý là một trong những
phương thế nuôi dưỡng và phát triển đời sống tâm linh giáo lý viên.
Như mọi kitô hữu khác, giáo lý viên được mời gọi nên thánh,
nhưng giáo lý viên nên thánh theo ơn gọi đặc biệt của mình. Khi thi hành nhiệm
vụ riêng biệt của mình là huấn giáo, giáo lý viên kết hợp mật thiết hơn với Đức
Kitô và qua Đức Kitô kết hợp với Thiên Chúa Ba Ngôi[8]:
“Trọng
tâm đời sống thiêng liêng của giáo lý viên là sự hiệp thông sâu xa trong niềm
tin vào Đức Kitô và mến yêu Người, Đấng đã mời gọi và sai họ đi. Như Đức Giêsu
vị Thầy duy nhất (Mt 23, 8), giáo lý viên phục vụ anh chị em qua lời dạy và những
việc làm vốn là những cử chỉ yêu thương (Cv 1, 1). Chu toàn ý Cha yêu thương cứu
độ loài người, là lương thực của giáo lý viên, như đã là lương thực của Đức
Giêsu (Ga 4, 34). Việc huấn luyện thiêng liêng diễn ra trong tiến trình trung
thành với “Đấng là nguyên lý khởi hứng cho cả huấn giáo và cho những ai làm huấn
giáo, tức là Chúa Thánh Thần – Thánh Thần của Chúa Cha và của Chúa Con”” (GC
22).
Tại sao việc dạy giáo lý có thể giúp giáo lý viên nên thánh?
Việc dạy giáo lý thánh hoá giáo lý viên vì giáo lý viên là người biết Chúa
Giêsu và là người loan báo Chúa Giêsu và sống thân mật với Chúa Giêsu.
2.2 Giáo lý viên biết Chúa Giêsu, sống với
Chúa Giêsu
Để dạy giáo lý, giáo lý viên phải là người biết Chúa Giêsu.
Việc biết Chúa Giêsu của giáo lý viên không phải là biết ở bình diện tri thức,
nhưng là biết của niềm tin. Niềm tin ấy giáo lý viên thể hiện qua việc: tuyên
xưng niềm tin, cử hành niềm tin, sống niềm tin bằng đời sống luân lý, và gặp gỡ
Chúa qua đời sống cầu nguyện.
- Tuyên xưng niềm tin
Trên bình diện nhân loại, khi yêu ai, chúng ta muốn khao
khát biết về họ ngày một hơn, thì trên bình diện siêu nhiên cũng thế, những ai
đã gặp Đức Kitô, họ khao khát biết Người thật nhiều, cũng như khao khát biết kế
hoạch cứu độ của Thiên Chúa mà Đức Kitô đã mạc khải. Sự hiểu biết về đức tin gắn
chặt với đức tin [9]. Qua việc đào sâu sự hiểu biết
về đức tin, dạy giáo lý nuôi dưỡng không chỉ đời sống đức tin của giáo lý viên
nhưng còn giúp họ loan báo nó cho nhân loại. Niềm tin được giáo lý viên đào sâu
này được tóm tắt trong Kinh Tin Kính của Hội Thánh.
- Cử hành niềm tin
Niềm tin giáo lý viên tuyên xưng ấy được thể hiện qua phụng
vụ của Hội Thánh. Sự hiệp thông với Chúa Giêsu Kitô dẫn đến việc cử hành sự hiện
diện cứu độ của Người trong các Bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể. Khi cử hành
phụng vụ, giáo lý viên để phụng vụ giáo hoá mình nên giống mầu nhiệm mình cử
hành. Thật vậy, phụng vụ là một trong những cách thế giáo dục đức tin cách hữu
hiệu. Đó là phương thế chắc chắn nhất thánh hoá người Kitô hữu nên giống Chúa
Kitô:
“Việc dạy giáo lý, về bản chất, được gắn liền với tất cả hoạt động phụng
vụ và bí tích, vì chính các bí tích, nhất là bí tích Tạ ơn là nơi Đức Giêsu
Kitô hoạt động một cách sung mãn để biến đổi nhân loại” (DGL 23)
Do đó, giáo lý viên cần ý thức rằng việc dạy giáo lý không
bao giờ tách khỏi cử hành phụng vụ, nhưng phải dẫn đến cử hành phụng vụ. Mỗi
giai đoạn giáo dục đức tin, thường kèm theo một bí tích được lãnh nhận: Thánh
Thể, Thêm sức…. Việc lãnh nhận bí tích sau mỗi giai đoạn giáo lý nói lên sự
liên kết chặt chẽ của huấn giáo và các bí tích[10]
và đó là cao điểm của một quá trình giáo dục đức tin.
- Sống đời sống luân
lý
Giáo lý viên biết Đức Giêsu qua việc sống theo gương Người.
Giáo lý viên tham dự vào mầu nhiệm vượt qua của Đức Kitô để biến đổi nội tâm mình
thành con người mới trong Chúa Kitô. Đó là tuân giữ các giới răn nhất là giới
răn yêu thương, và sống theo tinh thần các Mối Phúc của Tin Mừng. Đời sống luân
lý của giáo lý viên nếu tương hợp với niềm tin họ tuyên xưng và cử hành, thì đó
là chứng tá sống động cho Đức Kitô.
- Cầu nguyện
Hiệp thông với Đức Kitô dẫn người môn đệ Đức Kitô đến chỗ
mang mặc tâm tình cầu nguyện và chiêm ngắm Người đã thực hiện. Học cầu nguyện với
Đức Kitô là mặc lấy tâm tình Người có đối với Chúa Cha: tôn thờ, ca ngợi, tạ
ơn, lòng tín thác của người con, khẩn cầu và kính sợ vì vinh quang Thiên Chúa.
Tuy nhiên, trong thân phận con người, giáo lý viên cũng cần có thái độ sám hối
và xin ơn tha thứ. Tất cả những tình cảm này được phản ánh rõ nét trong kinh Lạy
Cha, kinh mà Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ và đây là mẫu của lời cầu nguyện của
người Kitô:
“Lạy cha chúng con ở trên Trời, Chúng con nguyện Danh Cha cả sáng. Nước
Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên Trời.
Xin
Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày và tha nợ chúng con như chúng
con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu
chúng con cho khỏi sự dữ Amen.” (Mt 6, 9 -13)
Lời kinh Chúa Giê su dạy đó giúp giáo lý viên thể hiện tâm
tình con thảo đối với Cha, là lời nhắc nhở giáo lý viên phải luôn kết hợp mật
thiết với Chúa và cũng là mệnh lệnh rao giảng Tin mừng để Danh cha được cả sáng
như thánh Irênê đã từng nói: “Vinh Quang
của Thiên Chúa là con người được sống”. Con người được sống và sống dồi dào
thế nào nếu họ không biết Chúa Giêsu? Làm sao biết được Chúa Giêsu nếu không có
người rao giảng? Khi đã biết về Đức
Giêsu, lẽ nào giáo lý viên không tìm cách loan báo về Người?
2.3 Giáo lý viên loan báo Chúa Giêsu.
Giáo lý viên không loan báo một tri thức về Thiên Chúa,
nhưng là loan báo một Thiên Chúa họ đã “biết”. Chính việc loan báo ấy thánh hoá
giáo lý viên.
- Loan báo Chúa Giêsu
bằng lời nói và bằng đời sống.
Tất cả mọi Kitô hữu đều phải trở nên nhân chứng cho Đức
Kitô. Họ trở nên chứng nhân cho Đức Kitô bằng đời sống và khi thuận tiện thì
làm chứng bằng lời nói. Còn giáo lý viên, ngoài việc làm chứng cho Chúa bằng đời
sống bác ái yêu thương, họ còn phải làm chứng cho Chúa bằng lời nói. Việc rao
giảng bằng lời nói là việc làm chính yếu của giáo lý viên.
Việc làm chứng bằng lời nói thể hiện cụ thể nhất qua việc dạy
giáo lý và loan báo Tin mừng. Việc làm chứng bằng lời nói thuộc về căn tính
giáo lý viên. Bởi thế nó quan trọng đến nỗi nếu không dạy giáo lý, họ không còn
là giáo lý viên nữa. Nói mạnh hơn là nếu bỏ dạy giáo lý, họ cũng đánh mất ơn gọi,
đánh mất đặc sủng Thiên Chúa ban cho họ, và như thế con đường nên thánh dành
cho giáo lý viên không còn thích hợp với họ nữa.
Mặt khác, giáo lý viên là một ơn gọi, ơn gọi này trao cho họ
sứ mạng rao giảng và làm chứng cho Chúa. Thế nên, khi làm chứng cho Chúa bằng đời
sống và bằng việc dạy giáo lý, họ chu toàn sứ mạng Chúa trao. Đó là chu toàn
thánh ý Thiên Chúa muốn họ trong tư cách là giáo lý viên.
- Loan báo Chúa Giêsu
như là thể hiện một niềm tin sống động, một đức mến nồng nàn.
Nếu bạn nói bạn biết Chúa Giêsu là Đấng đem lại hạnh phúc
vĩnh cửu cho bạn thì việc bạn dạy giáo lý là thể hiện sống động niềm tin ấy. Đức
tin loan truyền là đức tin sống động. Không ai cảm nếm được ơn cứu độ mà lại âm
thầm giữ riêng cho mình[11]. Đức Maria khi được đầy
tràn Chúa Thánh Thần, Mẹ đã băng đồi vượt suối để đem Chúa đến cho gia đình
Dacaria và Êlisabéth[12]. Các Tông đồ gặp được Đức Giêsu
Phục sinh thì hăng say loan báo về Người cho dù phải chết. Còn biết bao nhiêu mẫu
gương loan báo Tin mừng trong Hội Thánh. Thế nên, khi dạy giáo lý, giáo lý viên
thể hiện niềm tin sống động.
Dạy giáo lý còn thể hiện một đức mến nồng nàn đối với Thiên Chúa
và với anh chị em[13]. Đối với Thiên Chúa, giáo
lý viên thực hiện lệnh truyền của Đức Kitô là loan báo Tin mừng, là muốn tiếp tục
công cuộc cứu độ của Thiên Chúa để anh chị em đồng loại được sống và sống dồi
dào (Ga 10, 10). Đối với anh chị em, giáo lý viên đang làm một việc bác ái cao
cả. Vì sao vậy? Vì dạy giáo lý là giúp người khác biết, tin vào Đức Kitô và yêu
mến Người và nhờ Người mà biết Chúa Cha [14]
để được sự sống hạnh phúc đời đời. Thế nên, dạy giáo lý là ban cho anh chị em
quà tặng lớn lao nhất là Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ. Đó là biểu lộ sâu sắc nhất
bác ái Kitô giáo.
- Loan báo Chúa Giêsu
là con đường nên thánh
Việc dạy giáo lý cung cấp cho họ cơ hội nên thánh, đặc biệt
chính việc dạy giáo lý thánh hoá đời sống của họ.
Lý do ngoại tại:
Nhờ dạy giáo lý, giáo lý viên có nhiều cơ hội để tiếp xúc với
Lời Chúa, với giáo huấn của Hội Thánh, với các phương thế nên thánh. Đặc biệt
là họ có cơ hội để cố gắng hoàn thiện đời sống nhân bản, đời sống thiêng liêng.
Môi trường huấn giáo là môi trường thuận tiện để gặp gỡ và sống thân mật với
Chúa Kitô, Đấng giáo lý viên không ngừng rao giảng. Nhờ môi trường huấn giáo, họ
khám phá ra được thánh ý Thiên Chúa và đón nhận được nhiều nâng đỡ trong đời sống
đức tin. Nói cách khác, nhờ dạy giáo lý, giáo lý viên có cơ hội biết Chúa
Giêsu, cử hành Chúa Giêsu, sống như Chúa Giêsu, gặp gỡ Chúa Giêsu, và loan báo
Chúa Giêsu.
Lý do nội tại:
Môi trường huấn giáo không những tạo điều kiện cho giáo lý
viên nên thánh, mà chính việc dạy giáo lý tự nó có sức thánh hoá giáo lý viên.
Tại sao thế?
+ Trước hết, niềm tin được rao giảng, niềm tin sẽ được vững
mạnh. Đó là đặc tính của đức tin. Vững mạnh ở đây không chỉ là nơi các học
viên, nhưng phải nói cách mạnh mẽ rằng vững mạnh trước tiên là nơi người dạy
giáo lý. Chính Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã có lần nói lên xác tín này: niềm
tin khi loan truyền, niềm tin được kiên vững.
Thật thế, giáo lý viên đôi lần đã có kinh nghiệm niềm tin của
mình được củng cố và trở nên vững mạnh khi trung thành dạy giáo lý. Chỉ tiếc là
có những người lúc gặp khó khăn thì bỏ cuộc nên đức tin họ không được củng cố
và vững mạnh. Thế thì tại sao đức tin họ được vững mạnh khi dạy giáo lý? Đó là
vì họ loan truyền đức tin không phải đức tin cá nhân, nhưng là đức tin của Hội
Thánh. Mỗi cá nhân có thể yếu tin, nhưng đức tin của Hội Thánh thì mạnh mẽ, bền
vững, sắt son. Chính trong niềm tin của Hội Thánh, mà đức tin cá nhân được củng
cố, nuôi dưỡng và trưởng thành.
+ Thứ đến, giáo dục đức tin cho người khác là giáo dục đức
tin cho chính mình. Chính mình là người hưởng hoa quả niềm tin do mình rao giảng
trước hết. Dĩ nhiên có mối tương quan hỗ tương giữa đức tin giáo lý viên và đức
tin học viên, và ngược lại. Niềm tin giáo lý viên càng vững mạnh thì lời rao giảng
của họ càng xác tín và tác động mạnh mẽ đến học viên. Hơn nữa, tự bản chất lời
rao giảng nó có sức mạnh biến đổi học viên lẫn giảng viên, với điều kiện đó là
rao giảng Lời Chúa, và sứ điệp Kitô giáo: “Lời
Chúa là lời hằng sống, linh nghiệm, phơi bày phui tư tưởng và ý muốn của tâm hồn”
(Dt 4, 12), và Lời ấy không thể không sinh hoa kết quả[15].
Hơn thế nữa, Đức Kitô là trung tâm của Lời Chúa, là trung tâm của mọi sứ điệp
giáo lý viên rao giảng, chính Người sẽ thánh hoá và biến đổi giáo lý viên thành
chứng nhân cho Người.
Như thế, giáo lý viên được nên thánh nhờ môi trường huấn
giáo và nhờ chính việc dạy giáo lý. Thế nên, càng rao giảng Lời Chúa, càng dạy
giáo lý, giáo lý viên càng được kết hiệp với Đức Kitô, “Đấng là nguyên lý khởi hứng cho cả huấn giáo và cho những ai làm huấn
giáo” (GC 22).
3. SUY TƯ VỀ VIỆC NÊN THÁNH QUA DẠY GIÁO LÝ
Sau đây là một chút suy tư về việc nên thánh qua việc dạy
giáo lý: Giáo lý viên được thánh hóa khi chuẩn bị, khi dạy và sau khi dạy giáo
lý.
3.1 Giáo lý viên được thánh hoá khi chuẩn bị
cho việc dạy giáo lý
Để dạy giáo lý, giáo lý viên cần chuẩn bị. Việc chuẩn bị đó
một mặt là giúp giáo lý viên trình bày giáo lý mạch lạc, hấp dẫn, mà nhất là
giúp giáo lý viên thống nhất đời sống và kết hiệp với Chúa. Để được như thế,
trước hết giáo lý viên phải dấn thân:
“Nhiệm
vụ đòi hỏi giáo lý viên phải dấn thân. Trước khi loan báo Lời Chúa, rõ ràng
giáo lý viên phải hiểu và sống Lời Chúa. ‘Thế giới…đòi hỏi những người loan báo
Tin Mừng nói về Thiên Chúa mà họ biết và thân quen, như thể họ đã thấy Đấng Vô
Hình’” (GC 8).
Nhiệm vụ đòi hỏi giáo lý viên phải dấn thân cho công cuộc huấn
giáo. Giáo lý viên dạy giáo lý không phải như dạy một khoa học hay một mớ giáo
thuyết suông. Giáo lý viên không phải là người quảng cáo hay kẻ tuyên truyền về
Đức Kitô, nhưng là họ loan truyền một Đức Kitô đang sống; truyền đạt một đức
tin sống động của Giáo hội. Vì thế, giáo lý viên cần hiểu và sống sứ điệp Lời
Chúa trước khi loan báo. Chính đời sống thống nhất giữa dạy và sống làm cho
giáo lý viên trở nên nhân chứng sống động của Chúa:
“Giáo
lý viên phải có một đời sống thống nhất và đích thực. Trước khi dạy giáo lý, họ phải là giáo lý viên. Chân lý về đời sống
giáo lý viên xác định tính cách họ phải có khi thực thi sứ mạng. Thật chẳng
tương hợp chút nào, nếu giáo lý viên không sống điều mình dạy, và chỉ nói theo
sách vở về một Thiên Chúa mình chẳng mấy thân thuộc. Chớ gì giáo lý viên áp dụng
cho mình điều thánh sử Maccô đã nói về ơn gọi các tông đồ: ‘Người lập nhóm Mười
Hai để sống với Người và để Người sai đi rao giảng Tin Mừng’ (Mc 3, 14 – 15)”
(GC 8).
Việc thống nhất đời sống làm cho giáo lý viên không còn là
người nói về Chúa theo sách vở, người quảng cáo, kẻ tuyên truyền một Đức Kitô
chẳng liên quan gì đến đời sống của mình và học viên. Trái lại, nó dẫn đưa giáo
lý viên đi vào đời sống hiệp thông thực sự với Thiên Chúa. Trước khi dạy giáo
lý, họ phải LÀ, nghĩa là giáo lý viên phải trở nên chứng nhân trước khi trở
thành thầy dạy[16]. Càng sống thông hiệp với
Thiên Chúa, giáo lý viên càng được biến đổi để trở nên nhân chứng cho Người. Có
như thế, việc tông đồ của họ mới hiệu quả: “Đời
sống thiêng liêng càng chân thật và sâu xa, chứng từ của giáo lý viên càng hiển
nhiên và hoạt động của họ càng hữu hiệu hơn” (GC 8).
Mặt khác, chắc chắn để dạy giáo lý, giáo lý viên phải chuẩn
bị nhiều việc từ soạn bài, chuẩn bị các sinh hoạt, bài hát… và nhất là cầu nguyện,
suy gẫm và sống Lời Chúa. Việc chuẩn bị đó không đơn thuần là giáo lý viên có
cơ hội tiếp xúc, suy gẫm và cầu nguyện với Lời Chúa để nên thánh như những người
giáo dân khác. Trái lại, những việc chuẩn bị đó nằm trong linh đạo giáo lý
viên, giúp giáo lý viên đào sâu kiến thức, tăng trưởng đức tin và đức mến đối với
Chúa và tha nhân. Bởi thế, có thể giáo lý viên dạy chưa hay, trình bày chưa sống
động, kiến thức về giáo lý chưa cao, chất lượng giờ giáo lý còn hạn chế…nhưng
chính những cố gắng chuẩn bị cho sứ mạng đó sẽ làm nên con người giáo lý viên,
hình thành cách sống, cách suy nghĩ theo Tin Mừng.
3.2 Giáo lý viên được thánh hoá khi dạy giáo
lý.
Khi dạy giáo lý, giáo lý viên thi hành sứ mạng của mình một
cách rõ nét nhất. Đó là lúc họ làm phát ngôn viên của Thiên Chúa. Chính lời họ
rao giảng có sức thánh hoá họ lẫn học viên vì nội dung lời rao giảng này không
phải là sự khôn ngoan của nhân loại nhưng là Lời Chúa, là những chân lý đức tin
Giáo Hội đã sống và loan báo.
Trong một thị kiến, Isaia thấy Đức Chúa cao cả và thánh thiện
vô song, ông nhận ra được sự bất xứng của mình. Thế nhưng Thiên Chúa đã sai
thiên thần lấy than hồng thanh tẩy miệng lưỡi ông để ông được nên thanh sạch: “Đây, cái này chạm đến môi ngươi, ngươi đã được
tha lỗi và xá tội” (Is 6, 7). Có như thế ông mới dám xin Thiên Chúa sai ông
đi loan báo tin mừng. Khi dạy giáo lý, giáo lý viên cũng cảm thấy mình bất xứng
để loan báo Lời Chúa, nhưng Thiên Chúa đã làm cho họ trở nên xứng đáng[17] loan báo Lời Chúa. Chính việc
dạy giáo lý đó sẽ tiếp tục biến đổi cả con người họ ngày càng trở nên giống Lời
mà họ rao giảng hơn.
3.3 Giáo lý viên được thánh hoá sau khi dạy
giáo lý.
Giáo lý viên dạy giáo lý như người đi gieo hạt. Lời Chúa được
giáo lý viên rao giảng có sinh hoa kết trái được là do ơn Chúa[18] và sự đáp trả của học viên
chứ không tùy thuộc vào tài năng của giáo lý viên[19].
Lời Chúa tự bản chất là sẽ sinh hoa kết trái (x. Is 55, 11), nhưng tự do của
con người có thể làm cho Lời Chúa bị bóp nghẹt. Chính vì thế, việc giáo lý viên
chuẩn bị bài chu đáo, dạy giỏi cũng chưa đủ. Kết quả của huấn giáo còn tùy thuộc
rất nhiều vào sự mở lòng đáp trả của học viên và lòng tín thác của giáo lý viên
đối với sứ mạng nữa.
Ý thức việc dạy giáo lý là sứ mạng thiêng liêng, và việc
phát triển đức tin, lòng đạo nơi học viên là do Thiên Chúa, giáo lý viên cần phải
không ngừng cầu nguyện để phó dâng công việc mình đã làm cho sự quan phòng của
Thiên Chúa và nài xin Chúa Thánh Thần chuẩn bị tâm hồn các học viên đón nhận Lời
Chúa và làm sinh hoa kết trái lời ấy trong tâm hồn các học viên. Còn mình chỉ
là đầy tớ vô dụng[20], là khí cụ trong tay Chúa
mà thôi: “Tôi trồng, Apollô tưới, nhưng
chính Chúa mới cho mọc lên” (1Cr 3, 6). Chính Chúa mới làm cho đức tin và
lòng đạo của học viên lớn lên, nên giáo lý viên chỉ còn là khí cụ trong tay
Chúa. Ý thức như thế sẽ giúp giáo lý viên sống đời sống cầu nguyện liên lỉ: trước
khi dạy, trong khi dạy mà còn ngay cả sau khi dạy nữa, để xin Chúa làm sinh hoa
kết quả công việc mà Chúa trao phó cho giáo lý viên. Ý thức đó sẽ giúp giáo lý
viên không cậy dựa vào tài năng của mình nhưng biết sống khiêm tốn khi thành
công, không nản lòng khi thất bại, và không ngừng cậy trông vào ơn Chúa vì
không có Chúa chúng ta chẳng làm được gì.
Thái độ tin tưởng và phó thác công việc dạy giáo lý của mình
cho Thiên Chúa ngày càng làm cho giáo lý viên luôn sống trong bầu khí cầu nguyện
và phó thác cuộc đời và sứ mạng mình cho Chúa hơn.
Tóm lại, môi trường huấn giáo là môi trường rất thuận tiện
cho giáo lý viên sống và loan truyền đức tin, đồng thời chính việc dạy giáo lý
thánh hoá giáo lý viên. Tất cả cuộc đời giáo lý viên được đặt trong bầu khí cầu
nguyện: trước khi dạy giáo lý, khi dạy giáo lý và sau khi dạy giáo lý. Nói mạnh
hơn là cả cuộc đời giáo lý viên biến thành lời cầu nguyện không ngừng dâng lên
Thiên Chúa để thánh hoá chính mình và những ai họ có trách nhiệm giáo dục đức
tin cũng như tất cả những ai họ gặp gỡ.
Sau khi đã tìm hiểu bản chất và nét đặc trưng của linh đạo
giáo lý viên: nên thánh qua việc dạy giáo lý, chúng ta sẽ tìm hiểu linh đạo này
qua các chiều kích thần học của nó.
1. Congregation for the Clergy, General Directory for Catechesis, 1997. Retrieved from Vatican.va
on 21 March 2022
2. Congregation for Evangelization of Peoples, Guide for Catechists. Document of
vocational, formative and promotional orientation of Catechists in the
territories dependent on the Congregation for Evangelization of Peoples.1993.
Retrieved from Vatican.va on 21 March 2022
3. John Paul II, Post-synodal Apostolic Exhortation, Christifedeles Laici (30 December 1988). Retrieved from Vatican.va on 21 March 2022
4. Vatican Council II, Dogmatic Constitution on the Church Lumen Gentium (21 November 1964).
Retrieved from Vatican.va on 21 March 2022
“Người giáo
dân chu toàn sứ mệnh này của Giáo Hội nơi trần gian: trước tiên bằng đời sống
hoà hợp với đức tin, để nhờ đó họ trở thành ánh sáng thế gian; bằng đời sống
lương thiện trong bất cứ công ăn việc làm nào để làm cho mọi người yêu mến sự
thật, sự thiện và cuối cùng đưa họ tới Chúa Kitô và Giáo Hội; bằng đời sống bác
ái huynh đệ qua việc họ thực sự chia sẻ với anh em trong hoàn cảnh sống, trong
đau khổ cũng như trong mọi ước vọng, và như thế họ âm thầm chuẩn bị cho ơn cứu
rỗi hoạt động trong tâm hồn mọi người; bằng cuộc sống ý thức đầy đủ về vai trò
của mình trong việc xây dựng xã hội, họ cố gắng chu toàn hoạt động nơi gia
đình, ngoài xã hội, trong nghề nghiệp với lòng quảng đại của Kitô giáo; như thế
phương thức hành động của họ dần dần thấm nhập vào môi trường sống và cả môi
trường làm việc.” (TĐGD 13)
DGL 23
Chúng ta cũng phải giúp các học
viên cũng như các tín hữu tránh thái độ học giáo lý chỉ để lãnh các bí tích vì
thái độ không đúng đắn này dẫn đến việc bỏ học giáo lý khi đã lãnh đủ ba bí
tích khai tâm, hoặc học giáo lý hôn nhân để lấy vợ lấy chồng.
Evangelii Nuntiandi, số 41 của Đức Thánh Cha Phaolô
VI, có viết: “Người đương thời sẵn sàng
lắng nghe những nhân chứng hơn là những thầy dạy, hoặc nếu họ có nghe thầy dậy,
thì bởi vì chính thầy dạy cũng là những nhân chứng”.
Thiên Chúa thanh tẩy giáo lý viên qua Bí tích Thánh Tẩy,
củng cố họ qua Bí tích Thêm sức và sai họ đi qua việc nhận họ làm giáo lý viên.